Nhà biên kịch Xuân Trình: Sân khấu là duyên mệnh

Chủ Nhật, 01/12/2019, 16:25
Đã gần 30 năm nhà biên kịch Xuân Trình rời "cõi tạm", rời xa sân khấu - bộ môn nghệ thuật mà ông say đắm và dành cả cuộc đời mình dâng hiến một cách trọn vẹn - người ta vẫn nhắc đến ông như một “ngọn cờ đầu”, là “người đi tiên phong” của sự nghiệp đổi mới sân khấu Việt Nam...


Cho đến nay, bản lĩnh sân khấu của ông, tính dự báo trong tác phẩm sân khấu của ông trong những tác phẩm ra đời từ hơn nửa thế kỷ trước vẫn còn nguyên giá trị...

Có thể nhiều người sẽ cảm thấy hơi lạ vì những ngày cuối tháng 11 này lại có một Hội thảo khoa học quốc gia mang tên: “Xuân Trình - Nhà biên kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới” được tổ chức long trọng tại Hà Nội.

Đơn vị “đăng cai” sự kiện là Tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam phối hợp tổ chức. Và cũng là lần đầu tiên, một hội thảo khoa học về một kịch tác gia đã quá cố lại được tổ chức thành một vệt sự kiện trong nhiều ngày.

Đông đảo nghệ sĩ đến dự và chia sẻ kỷ niệm về nhà biên kịch Xuân Trình trong buổi họp báo về chương trình hội thảo “Xuân Trình - Nhà biên kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới”.

Bên cạnh buổi hội thảo chính với nhiều tham luận của các nhà nghiên cứu sân khấu, bạn bè, đồng nghiệp, học trò... để có những đánh giá tổng quan về cuộc đời, sự nghiệp, tài năng, nhân cách và những đóng góp quan trọng của Xuân Trình đối với nền sân khấu Việt Nam, thì còn có hoạt động biểu diễn các vở diễn của nhà biên kịch Xuân Trình như “Bạch đàn liễu” vừa được dàn dựng bởi đạo diễn NSƯT Trần Lực và nhóm LucTeam; xem trích đoạn một trong những vở kịch hay nhất của Xuân Trình là “Đợi đến mùa xuân”...

NSƯT Trần Lực vui vẻ cho biết, anh và LucTeam tiếp cận với kịch bản “Bạch đàn liễu” khá nhanh, bởi vì nó có nhiều điểm phù hợp với sân khấu ước lệ - biểu hiện mà anh và các cộng sự, học trò đang theo đuổi. Bản thân nghệ sĩ Trần Lực từ khi còn nhỏ đã được cùng bố mẹ đi xem các vở diễn của nhà biên kịch Xuân Trình, nhưng chính anh cũng không bao giờ nghĩ lại có ngày được đưa vở diễn của Xuân Trình lên sân khấu của mình. Anh cũng cảm nhận được sự tiên phong, tính dự báo, đi trước thời đại trong kịch bản của Xuân Trình, bởi vì” “Mặc dù được viết từ cách đây 50 năm, nhưng “Bạch đàn liễu” vẫn là câu chuyện của ngày hôm nay, vẫn là một thông điệp mang hơi thở cuộc sống đương đại. Và tôi mong muốn phả vào tác phẩm ấy hơi thở mới gần gũi với cuộc sống hôm nay và mang màu sắc ước lệ - biểu hiện đặc trưng riêng có của LucTeam”. Có lẽ chính vì thế, mà đây sẽ là một tác phẩm được chờ đợi trong những ngày diễn ra Hội thảo “Xuân Trình - Nhà biên kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới”.

Quả thực, thế hệ hậu sinh hôm nay có ít cơ hội được xem những vở kịch nổi danh một thuở của nhà biên kịch Xuân Trình. Nhưng theo những chia sẻ đầy tâm huyết và ngưỡng vọng của những nghệ sĩ có uy tín trong giới sân khấu như NSND Lê Tiến Thọ, NSƯT Lê Chức, NSƯT Đào Quang, nhà biên kịch Ngọc Thụ... thì nhà văn - nhà viết kịch Xuân Trình (1936 - 1991) là một nhân cách sáng tạo đáng kính.

Trong cuộc đời sáng tạo miệt mài dường như có ít ngày ngơi nghỉ của mình, ông để lại gần 30 vở kịch được dàn dựng trên sàn diễn các đoàn nghệ thuật cả nước như “Chuyện người du kích”, “Quê hương Việt Nam”, “Lập xuân”, “Hận thù từ đâu tới”, “Bạch đàn liễu”, “Ngôi nhà trong thành phố”, “Xóm vắng”, “Cố nhân”, “Thời tiết ngày mai”, “Mùa hè ở biển”, “Đợi đến mùa xuân”, “Ngôi nhà màu hồng ngọc”, “Nửa ngày về chiều”... Điều kỳ lạ ở trong các tác phẩm của Xuân Trình, đó là ông sớm tập trung vào vấn đề dân chủ hóa đời sống kinh tế xã hội, đề cao tính chân thật, tính nhân văn của tác phẩm, trong đó có những tác phẩm từng gây chấn động xã hội như “Đợi đến mùa xuân”, “Mùa hè ở biển”, “Thời tiết ngày mai”...

Nhà nghiên cứu, nhà báo Nguyễn Thế Khoa - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Tổng biên tập Tạp chí văn hiến chia sẻ: “Trong sự nghiệp của mình, nhà biên kịch Xuân Trình có nhiều vở kịch phải duyệt lên duyệt xuống từ 7 đến 10 lần, để rồi vẫn không được diễn. Có thể nói, Xuân Trình một sự nghiệp gặp nhiều trắc trở, có lúc ông nản lòng, thậm chí cả tuyệt vọng.

Nhưng Xuân Trình là người dám đương đầu với khó khăn. Ông sẵn sàng nghĩ cách để “làm kinh tế”, tự tìm nguồn tiền để sân khấu tồn tại ngay cả khi Đảng chưa có chủ trương xã hội hóa. Bản thân Xuân Trình còn là một nhà lãnh đạo sân khấu với khát vọng đưa sân khấu thoát khỏi bao cấp, xã hội hóa thực sự để ngày càng phát triển, lớn mạnh bằng các nguồn lực vật chất, tinh thần ngoài nhà nước. Chính vì thế, cuộc đời và sự nghiệp của Xuân Trình có sức cổ vũ lớn, để lại nhiều bài học quý giá. Anh là một nghệ sĩ tài năng, một nhà lãnh đạo văn nghệ nhiệt huyết, luôn gắn bó máu thịt với đời sống, gần gũi mật thiết với nhân dân lao động...”.

Nhà văn, nhà biên kịch Xuân Trình (1936-1991).

NSƯT Đào Quang - nguyên trưởng đoàn kịch Nam Định chia sẻ: “Có thể nói, nhà biên kịch Xuân Trình rất có duyên với đoàn kịch Hà Nam Ninh chúng tôi. Năm 1979 khi chiến tranh biên giới nổ ra, chúng tôi đã dàn dựng vở “Cố nhân” mà nhà biên kịch Xuân Trình đã viết từ năm 1977. Sau đó, chúng tôi liên tục dựng 5 vở của Xuân Trình, đó là “Thời tiết ngày mai” để đi dự Hội diễn nghệ thuật sân khấu toàn quốc tại Hải Phòng năm 1980 nhưng rồi lại bị lãnh đạo tỉnh cho “dừng” không được diễn nữa.

Năm 1984, với “Mùa hè ở biển” được dàn dựng trong 8 tháng, trải qua 11 lần sơ - tổng duyệt. Anh Xuân Trình đã khóc vì đau khổ, cả ê kip đã rơi bao nhiêu mồ hôi nước mắt mà vở diễn vẫn đứng trước nguy cơ không được thông qua. Cuối cùng, “Mùa hè ở biển” đã trở thành một trong 5 vở diễn của các đoàn nghệ thuật phía Bắc vào TP. Hồ Chí Minh tham dự Hội diễn nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 1985 và nhận được sự hưởng ứng của công chúng, đồng nghiệp.

Dường như, tất cả những vở diễn của Xuân Trình đều có tính dự báo, luôn đi trước thời đại như “Mùa hè ở biển”,“Đợi đến mùa xuân”, “Nửa ngày về chiều”. Tôi cho rằng, Xuân Trình là một nhân cách sáng tạo lớn, một tâm hồn đẹp đã phả vào tác phẩm những khát khao, ước vọng rực rỡ nhất của cuộc đời mình. Ông đã sống một cuộc đời đầy nước mắt nhưng cũng đầy niềm vui, đầy sự hạnh phúc với nghề...”.

Chắc hẳn ít người biết rằng, gia đình Xuân Trình là một gia đình dòng dõi, giàu có và hiền đức bậc nhất ở huyện Ý Yên - Nam Định nhưng lại sớm giác ngộ cách mạng. Theo lời kể của nhà biên kịch Ngọc Thu, nhà biên kịch Xuân Trình đã sống một cuộc đời mộc mạc, giản dị và đặc biệt gần gũi, đầy trìu mến với nhân dân lao động. Đi đến đâu, nhà văn - nhà biên kịch Xuân Trình cùng “xán” đến với dân, cùng ăn, cùng ở và tìm mọi cơ hội, thời gian lắng nghe những câu chuyện, những tâm sự của người nông dân.

Sau khi học Đại học ra, Xuân Trình về công tác tại Báo Văn nghệ cùng với Xuân Quỳnh, Nguyễn Thị Ngọc Tú, cũng đội mũ sắt đi khắp các mặt trận để viết bài, rồi mới về  Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam làm việc và gắn bó với sân khấu từ đó với các cương vị Phó tổng thư ký thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu, Giám đốc NXB Sân khấu cho đến khi qua đời.

Nhắc đến cha mình, anh Nguyễn Khôi Nguyên xúc động cho biết: “Vì bố mắc bệnh ung thư và qua đời khi tôi còn nhỏ nên tôi không nhớ được nhiều kỷ niệm về bố. Hai năm cuối đời, bố tôi phải chiến đấu với những cơn đau giày vò, trong điều kiện kinh tế gia đình cũng hết sức khó khăn, phải chạy đua với thời gian, nhưng bố tôi vẫn tranh thủ viết mọi lúc có thể. Thời gian đó, có 2-3 tác phẩm ra đời, trong đó có “Ngôi nhà màu hồng ngọc”.

Tôi đã thấy tâm huyết của bố tôi với nghề, sự đam mê, quyết liệt và yêu nghề chưa bao giờ đứt đoạn cho đến tận những ngày cuối đời. Trong những thời khắc khó khăn ấy, bố tôi vẫn mơ ước có được một sân khấu nhỏ cho riêng mình, sẵn sàng diễn tại nhà, diễn tại hội và luôn mong có các chuyến đi lưu diễn...”.

Nhà văn, nhà biên kịch Xuân Trình với những đóng góp to lớn và quan trọng của mình, đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Tên Xuân Trình cũng được đặt cho một con đường ở TP. Nam Định quê hương ông như một sự tri ân. Nhưng các nhà nghiên cứu sân khấu, bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ hi vọng rằng, sẽ có một ngày, tài năng và những đóng góp của Xuân Trình cho sân khấu nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung sẽ được đánh giá, tôn vinh đúng mức. Trong đó có việc xem xét các tác phẩm đặc biệt xuất sắc của Xuân Trình chưa được trao tặng Giải thưởng Nhà nước để truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho ông.

Nguyệt Hà
.
.