Nhà báo Phan Đăng: Hành trình tìm “căn cước” của mình

Thứ Tư, 15/01/2020, 08:32
Từ một nhà báo thể thao “đỉnh cao", Phan Đăng rẽ lối sang lĩnh vực văn hóa, chính trị xã hội và ngày càng định vị rõ giá trị của mình với độc giả. Hiện anh là MC ăn khách, kiêm nhà báo, diễn giả... Anh sắm nhiều vai song Phan Đăng đang dồn tâm huyết cho công việc mới mẻ là sáng lập nên một kênh YouTube riêng mang tên “Nhà báo Phan Đăng”.


Chuyên mục "Phía sau sự thành đạt" của Văn nghệ Công an số Tết Canh Tý đã có cuộc trò chuyện với một người trẻ - nhà báo Phan Đăng về những đam mê và khát vọng vươn tới.

- Thưa nhà báo Phan Đăng. Sau một thời gian giã từ công việc bình luận thể thao khiến "vạn người mê" để chuyển sang hoạt động ở lĩnh vực văn hóa, xã hội, anh có thể chia sẻ một chút về hành trình "dịch chuyển thành công này"?

+ Cảm ơn chị đã dành những tình cảm tốt đẹp cho tôi! Biết nói thế nào nhỉ? Tôi làm nhà báo thể thao được khoảng 10 năm, và thật sự là khi ấy nếu tiếp tục làm nó thì tôi vẫn sẽ có nhiều cái “được”, mà rõ nhất là được sự ổn định về nghề nghiệp và một mức thu nhập tốt. Nhưng lúc đó tôi thấy rằng mình bị lặp lại mình, mình bị cũ kỹ quá, và ở một góc độ nào đó cũng có thể coi là bị “cạn nguồn”.

Do vậy, trong tôi nảy ra nhu cầu làm mới bản thân. Mà thực ra thì suốt 10 năm, song song với lĩnh vực hẹp là bình luận thể thao tôi cũng đã luôn đọc – học – quan sát và học hỏi nhiều lĩnh vực khác của đời sống truyền thông. Thành thử sau đó mọi sự thay đổi, làm mới cũng có những thuận lợi bước đầu.

- Trong số các ấn phẩm mới ra mắt độc giả sau "Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi" của anh, có hai cuốn mà độc giả đặc biệt quan tâm: "Ở trong đầu trí thức", "Những Góc Nhìn Đời - Tôi Thấy - Nghe và Nghĩ" vì ở đó luận giải nhiều vấn đề như Triết học, Chính trị, Thiền, Tín ngưỡng. Thông điệp căn cốt nhất mà anh muốn gửi đến độc giả là gì phía sau vốn kiến văn rộng mà anh đã chia sẻ?

+ Viết gì hay nói gì tôi cũng luôn tâm niệm một điều: Cố gắng lan toả năng lượng tích cực nhân văn cho độc giả/khán giả của mình. Đơn giản vậy thôi ạ.

- Năm 2019 là năm được coi là thành công khi anh sáng tạo ra một kênh YouTube mang tên chính mình - "Nhà báo Phan Đăng" được nhiều người mến mộ? Trong thời buổi người người có thể lập kênh YouTube, và trong muôn vàn “thượng vàng hạ cám” trên thế giới YouTube ấy, anh đã làm gì để thuyết phục được người xem và làm thế nào để kênh của mình với lối đi riêng, một lối đi khó mà vẫn có nhiều người tìm đến?

+ Có một câu chuyện vui là khi tôi chuẩn bị bắt tay vào làm kênh Youtube, tôi nói với người bạn cùng nhà là tôi muốn chia sẻ tri thức và năng lượng lành thì bạn cùng nhà cũng ít nhiều băn khoăn. Bạn ấy bảo bây giờ muốn người ta xem kênh của mình thì bắt buộc phải có tính giải trí cao, thậm chí ở một chừng mực nào đó là phải biết cách giật vấn đề lên, và quan trọng nhất là phải “bắt trend”. Nhưng tôi bảo là tôi kiên quyết không đi theo hướng ấy, vì như thế tôi sẽ đánh mất chính tôi. Mình đánh mất mình thì còn lan toả được năng lượng cho ai nữa.

Các vấn đề tôi đưa ra tuyệt đối không theo trend, không mang tính giải trí, mà là các vấn đề về lịch sử - triết học – tri thức – con người, tức là toàn những vấn đề “kén” người xem. Nhưng tôi cố gắng trình bày nó một cách sinh động và dễ hiểu nhất. Tức là cố gắng “đời sống hoá” cái “hàn lâm”.

Và tôi cũng bảo với một vài người em cùng làm với tôi rằng: mình cứ làm đi! Đừng nghĩ đến Subs, view hay like làm gì. Mà hãy nghĩ rằng: Mỗi Clip mình làm ra, có 1 người xem thì đấy là mình đã chia sẻ được năng lượng tốt cho 1 người, có 10 người xem thì đấy là mình chia sẻ được năng lượng tốt cho 10 người, đấy mới là giá trị lớn nhất. Và cứ như thế, tôi vận hành kênh Youtube của mình thôi.

- Được biết chỉ trong vòng 6 tháng từ khi ra đời, hiện anh đã được nhận khoản thù lao xứng đáng từ YouTube và được YouTube đánh giá là một trong những kênh lan tỏa năng lượng tích cực và có ý nghĩa cho cộng đồng. Anh có thể chia sẻ kỹ hơn về tiêu chí nội dung mà kênh hướng tới?

+ Đấy có lẽ là một sự may mắn. Như tôi vừa nói, khi bắt tay làm tôi đã xác định ngay rằng kênh của mình rất “kén” người xem, nhưng không ngờ là sau 6 tháng, kênh có hơn 60.000 lượt người đăng ký, và có những Clip lên tới cả triệu view, được nhiều đồng nghiệp, bạn bè ghi nhận. Trong quá trình làm, tôi cố gắng đặt ra một số vấn đề kiểu như: Tại sao người Việt thường nghĩ bằng “bụng”? Tại sao chúng ta lại chịu nhiều cuộc chiến tranh đến như thế? Tại sao sau 1000 năm Bắc thuộc, chúng ta vẫn không bị nhập vào phương Bắc? Tại sao tháng 7 không đáng sợ như những gì chúng ta vẫn sợ? Có lẽ những  cách đặt vấn đề như thế đã ít nhiều kéo các bạn trẻ gần với kênh hơn chăng?

Thật sự tôi cũng không biết nữa, tôi chỉ luôn tâm niệm rằng mình cố gắng đi đúng con đường mình đã chọn. Và cứ đi hết mình, bằng tất cả sự hiểu biết và nhiệt huyết của cá nhân mình thôi. Còn các yếu tố còn lại như có khán giả hay không, có được ghi nhận hay không thì có lẽ phụ thuộc rất nhiều vào may mắn. Bạn cùng nhà tôi thường bảo tôi rằng, vì tôi “mát tay” nên làm cái gì cũng may… (Cười lớn…). 

- Và anh sắp tổ chức một cuộc thi trên kênh của mình với tựa đề: "Trong tim tôi có nước tôi". Cuộc thi đã nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả, những người hâm mộ và nhận được sự đề nghị hợp tác của nhiều đơn vị, tổ chức với một tiêu chí mong muốn khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc của những người Việt hôm nay để cùng kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Vì sao anh lại chọn khởi động một cuộc thi mang tính chất văn hóa lịch sử nhiều hơn là một cuộc thi mang tính thời thượng và được đông đảo người xem chú ý hơn?

+ Vì nó theo đúng con đường và tiêu chí mà tôi đã lựa chọn. Thật ra không phải đợi đến khi làm kênh Youtube tôi mới lựa chọn tiêu chí ấy. Từ rất lâu trước đó, trong quá trình làm nghề báo, tôi đã lựa chọn như vậy rồi. Bằng chữ nghĩa và ngôn ngữ của mình, tôi luôn cố gắng lan toả những cái gì đó thuộc về nền tảng, cái thứ mà tôi nghĩ là rất quan trọng để mỗi người chúng ta có thể xác lập một đời sống bền vững và sâu sắc của chính chúng ta. Tất nhiên chỉ là cố gắng thôi, còn được hay không thì còn phụ thuộc vào vô vàn yếu tố.

Giao diện kênh YouTobe của nhà báo Phan Đăng đang được cộng đồng mạng đánh giá là một kênh mang lại những năng lượng và giá trị tích cực.

-  Trong tương lai anh sẽ tiếp tục trở thành ai? Nhà báo? Nhà giáo? Nhà văn? Nhà diễn giả? Người sáng lập kênh YouTube riêng?

+ Câu hỏi này hay quá! Tôi cũng hay đi phỏng vấn nhưng chưa bao giờ hỏi được một câu hay như thế này (Cười…). Ta là ai? Ta sẽ là ai? Đấy là một vấn đề mang tính triết học cốt lõi, chứ không phải chuyện đùa đâu. Tôi nghĩ thế này: Đời sống một con người có thể chia làm 2 dạng thức vận động: một là cái vận động thẳm sâu, thuộc về căn cốt như căn tính, chí hướng, lý tưởng; hai là cái vận động bề mặt thuộc về hình thức, mà biểu hiện rõ nhất là nghề nghiệp.

Và tôi quan sát thấy những người hạnh phúc là những người mà cái thứ nhất phải “dĩ bất biến” còn cái thứ hai thì có thể “ứng vạn biến”. Con người thường đau khổ và khủng hoảng khi “ứng vạn biến” và “dĩ cũng vạn biến” luôn. Bởi khi ấy con người sẽ chống chếnh, không hiểu rốt cuộc mình cần gì, muốn gì. Hiểu theo cách này, tôi nghĩ rằng cái vận động hình thức là cái mà tôi không thể nào biết trước.

Cho nên trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục là 1 trong 4 cái vai, mà cũng có thể là cùng lúc làm luôn 4 vai như chị vừa liệt kê. Mà cũng có thể là ở vai thứ 5, cái vai mà lúc này chính tôi cũng chẳng biết nó là gì. Nhưng dẫu cái vai thứ 5, thứ 6, thứ 7 ấy có là gì thì cái vận động thẳm sâu vẫn “dĩ bất biến” thôi. 

Bây giờ nghiệm lại tôi thấy rằng, khi 20 tuổi mới ra trường, tôi là một nhà báo thể thao, bây giờ hơn 30 tuổi, làm nhà báo xã hội, làm thêm MC, diễn giả, và thi thoảng viết văn, nhưng cái căn cốt trong tôi từ thời 20 đến bây giờ vẫn hoàn toàn như vậy, y như vậy, tuyệt đối không thay đổi gì. Tôi luôn muốn lan toả những năng lượng tích cực cho những người xung quanh mình, đọc chữ của mình hay nghe giọng nói của mình. Trong mắt chị, liệu tôi có sến và đang triết lý nhảm nhí quá không?

- Dĩ nhiên là không. Trân trọng cảm ơn nhà báo Phan Đăng...

Thanh Bình (thực hiện)
.
.