Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn: Người "cày xới" miền đồi

Thứ Ba, 04/11/2014, 08:00
Mảnh đất trung du Phú Thọ từng sản sinh ra một đội ngũ gồm nhiều thế hệ những người viết văn kế tiếp nhau. Năm tháng đi qua, nhìn lại trong đội ngũ ấy, không ít người "giữa đường đứt gánh" do tật bệnh hoặc "chìm dần" mà không đi hết con đường khổ ải của văn chương; một số đông khác do điều kiện này nọ đã rời quê hương Phú Thọ đến lập nghiệp ở nơi khác như Hà Nội, TP HCM, vừa để duy trì công cuộc mưu sinh, vừa tiếp tục sáng tác. Nhưng có một người được cho là ngoại lệ, đó là Nguyễn Hữu Nhàn. Cả đời ông chỉ gắn bó với miền đất trung du nơi ông sinh ra và bất kể năm tháng tuổi tác, vẫn tiếp tục thăng hoa trên con đường văn chương khổ ải.

Ông sinh năm 1938 ở Tứ Xã, Lâm Thao. Hai mươi tuổi (năm 1958) rời quê đi làm công nhân ở công ty vận tải thủy Phú Thọ. Khi nhà nước mở công trường xây dựng thành phố công nghiệp Việt Trì, năm 1962 ông chuyển về Ban kiến thiết thành phố này. Đơn vị ông làm có trụ sở ở Hà Nội. Khi ban này hoàn thành nhiệm vụ chuyển về Hà Nội, thì ông xin ở lại, vì nghĩ rằng tương lai thành phố này hứa hẹn lắm, lại vừa gần nhà nên không phải đi đâu cả. Do ham mê sáng tác (bấy giờ ông đã có một số tác phẩm được in) vì thế năm 1972, khi tỉnh Vĩnh Phú có chủ trương thành lập Hội Văn nghệ, ông tham gia từ ngày đầu vào Ban vận động thành lập. Đến năm 1984 ông chuyển hẳn về nhà xuất bản của tỉnh, bắt đầu công việc của một người viết chuyên nghiệp.

Nguyễn Hữu Nhàn là nhà văn rất nhạy cảm những vấn đề thời sự của cuộc sống. Nhớ hồi ông đi thực tế Cẩm Khê viết cuốn tiểu thuyết "Dốc nắng", có ghé vào nhà ông Bút Tre. Bút Tre vốn là thủ trưởng cũ của Nguyễn Hữu Nhàn, giờ về hưu ở xã Đồng Lương. Thấy cảnh một ông Trưởng ty văn hóa về hưu sống trong cảnh bần hàn, nhà tranh vách đất, Nguyễn Hữu Nhàn đã viết bài bút ký "Ông giáo làng" nói về thực tế này. Khi bài báo in ra, có người quy cho ông là nói xấu Đảng, liền bẩm báo với Bí thư Tỉnh ủy lúc đó là ông Hoàng Quy. Khi thuộc cấp báo cáo sự việc, ông Hoàng Quy giật mình thốt lên: "Thôi chết rồi, tôi bỏ quên ông bạn Bút Tre", thế là chiều hướng xoay ngược 180 độ, sau đó ông cho kiểm tra lại toàn bộ các chi tiết bài báo nêu và yêu cầu ngân hàng cho ông Bút Tre vay tiền để làm nhà mới. Sau này có nhà mới, ai đến chơi ông Bút Tre cũng khoe: "Nhờ thằng nhà báo nói hộ mới được đấy".

Nguyễn Hữu Nhàn và Nguyễn Tham Thiện Kế là những người đầu tiên viết về Bút Tre và sưu tầm giai thoại Bút Tre. Khi ông làm Trưởng phòng xuất bản đã biên tập cho xuất bản lần đầu tập sách này. Tức thì ông Nhàn bị Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gọi lên kiểm điểm, quy cho ông là "xuyên tạc phụ nữ" và yêu cầu ông Nhàn và ông Kế kiểm điểm, giải trình những thứ này đã sưu tầm ở đâu? Sau đó nhận cái "lệnh mồm" là viết về Bút Tre phải được đồng ý của tỉnh… Nhưng sau đó ông vẫn tiếp tục viết về Bút Tre, đã có nhiều bài báo được đăng ở cả địa phương và Trung ương, thậm chí có cả công trình khoa học nghiên cứu về hiện tượng Bút Tre, tiếp tục xuất bản tập: "Bút Tre- Thơ và đời"… Từ đó tỉnh mới nhìn nhận lại, thay đổi định kiến về Bút Tre.

Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn (trái) và nhà thơ Trần Quang Quý.

Ngay từ trước thời kỳ đổi mới, khi tỉnh Phú Thọ chủ trương xây dựng hai mô hình xã điển hình là Thanh Lãng (Yên Lạc) và Khải Xuân (Thanh Ba), ông đi thực tế thấy cách xây dựng nông thôn ở hai nơi này rất lãng phí, vẫn theo tư duy cũ, xây dựng công trình là do trên rót tiền xuống, chứ bản thân cơ sở không tự làm ra được, ý thức người dân cũng chưa chuyển biến kịp với cách làm được cho là mới này. Trong khi đó ở Đại Đồng bên cạnh không ai quan tâm đầu tư để bộ mặt nông thôn bệ rạc, ông đã viết bài ký "Về Đại Đồng". Bài ký in ra, một số người cho rằng ông phá chủ trương của tỉnh. Thực tế Nguyễn Hữu Nhàn chỉ dự báo những quyết sách nóng vội, chưa hợp với tình hình bấy giờ. Chính ông là người ủng hộ cái cách khoán chui trong nông nghiệp ở xã Hợp Thịnh, vì nhờ khoán chui mà đời sống nhân dân khá lên, xã có tiềm lực, mọi công trình phúc lợi đều do xã tự làm. Khi câu chuyện khoán vỡ ra thành "chuyện động trời", tưởng chết đến nơi, mọi người e dè nhìn, thì ông Bùi bấy giờ phụ trách xã tự tin mời ông Nhàn về làm giúp tờ đặc san khẳng định việc khoán là đúng. Những năm 80 của thế kỷ trước khi cả nước đua nhau xây dựng mô hình cấp huyện thành "pháo đài" kinh tế, văn hóa, thì ông Nhàn đã cho rằng không có văn hóa cấp huyện, chỉ có văn hóa làng xã, phát triển nông thôn là phát triển làng xã. Ngẫm lại thấy đúng, bây giờ chúng ta đang chủ trương xây dựng nông thôn mới, chẳng bắt đầu từ làng xã đấy thôi.

Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn hay dị ứng với những việc làm sai trái, và ông thường tham gia đến cùng để bảo vệ chân lý. Có vụ việc ở xã Bản Nguyên do cán bộ xã báo cáo sai với tỉnh, dân bị tỉnh cưỡng chế đất, sau đó cán bộ xã lại bán đất lấy tiền mua xe máy và vu cho một giáo viên cầm đầu khiếu kiện. Ông đã viết bài ký "Như một làng khổ" đăng trên Hồn Việt, sau đó mọi việc được làm sáng tỏ. Hoặc vụ việc xảy ra tại xã Mộ Thượng thành phố Việt Trì, người dân bị giải tỏa đất để làm nhà máy, nhưng trên 200 hộ dân không được đền bù theo mức tỉnh quy định. Ông lại có bài báo "Dân Mộ Thượng mất đất". Sau đó tỉnh yêu cầu Ban quản lý dự án phải làm lại phương án đền bù cho dân. Một vụ việc khác, có một nhóm người giả danh là người Nhật lên Phú Thọ xin được đầu tư xây dựng Nhà máy Than hoạt tính. Thấy đầu tư nước ngoài vào, tỉnh vồ vập đón tiếp. Nhóm người này vẽ ra viễn cảnh: Ai đăng ký vào làm việc ở nhà máy thì được đi học ở nước ngoài, mỗi người phải nộp 15 triệu đồng, rồi lập hẳn văn phòng giao dịch (chủ yếu để thu tiền). Khi đã thu được khoản tiền khá, nhóm người này vẽ ra làm lễ khởi công, nhờ tỉnh chỉ định thầu công ty xây dựng 22 động thổ.

Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn chứng kiến từ đầu sự việc, băn khoăn: Nếu xây dựng nhà máy này, cả tỉnh trồng tre cũng chưa đủ. Rồi trong lễ khởi công thấy tay Phó Tổng Giám đốc đại diện công ty mà ăn mặc nhếch nhác, sinh nghi, ông đã nói với một lãnh đạo tỉnh: "Có khi bị lừa, anh ạ". Sau khi nghiên cứu thêm khẳng định dấu hiệu lừa đảo, ông liền điện về một đồng nghiệp ở Báo An ninh thế giới, Báo Công an nhân dân điều tra tiếp. Bài báo "Phú Thọ có hiện tượng lập nhà máy giả lừa dân" ra đời, cũng là lúc phơi bày bộ mặt thật của kẻ lừa đảo.

Với tư cách là một nhà văn, Nguyễn Hữu Nhàn là tác giả của nhiều cuốn sách chuyên về đề tài nông thôn. Đó là các tiểu thuyết "Dốc nắng", "Không cô đơn", "Làng cói hạ", "Rừng cười"; các tập truyện ngắn "Phố làng", "Gió thổi qua rừng", "Tết sớm", "Anh Ngư"…và hàng trăm bút ký, bài báo đều lấy chất liệu thực tế ở vùng nông thôn trung du Phú Thọ, đã khắc họa bức tranh nông thôn, nông nghiệp, nông dân qua từng giai đoạn lịch sử một cách đa dạng, nhận dạng diễn biến những mâu thuẫn nội tại phát sinh trong nội bộ nông thôn trên con đường phát triển. Chỉ với một mong muốn là phát triển kinh tế - xã hội, nhưng không được để mai một, mất đi bản sắc văn hóa của các miền quê.

Là người gần gũi với nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, tôi nhận thấy ông là con người bền bỉ với công việc. Khoảng những năm 1985, 1986 trở đi, mỗi lần về Việt Trì tôi thường ghé qua Khu Liên Cơ, nơi có cơ quan Sở Văn hóa, lại thấy Nguyễn Hữu Nhàn ngồi một mình cặm cụi trong phòng hì hục viết. Thì ra ngoài sáng tác, ông còn có niềm say mê khảo cứu văn hóa dân gian. Ông nói rất nhiều cái hay, cái đẹp của ông bà ta để lại, nếu không nghiên cứu làm sống lại, thì thời gian sẽ vùi lấp, lãng quên. Vì thế cả đời ông luôn say mê với vùng đất cổ này, hễ có thời gian là đi, có khi ăn ở cả tháng liền với đồng bào dân tộc để thu thập tài liệu. Ngoài tác phẩm "Sau bức màn truyền thuyết" viết về văn hóa Hùng Vương, ông còn tham gia nghiên cứu: "Văn hóa làng Phú Thọ", "Văn hóa làng Vĩnh Phú", nghiên cứu văn hóa Việt - Mường, văn hóa người Dao ở Phú Thọ… Từ quá trình nghiên cứu, ông đã phát hiện: "Thuật chài nèm, múa mỡi của người Mường" để đề nghị xây dựng kế hoạch bảo tồn. Các công trình nghiên cứu của ông đã góp phần làm sáng tỏ về thời đại Hùng Vương nơi phát tích cội nguồn của dân tộc.

Đầu năm nay gặp lại ông, dù đã 76 tuổi, nhìn ông vẫn với dáng người nhỏ thó chắc nịch, hoạt bát nhanh nhẹn, ông khoe đang viết về cái này cái kia, sắp tới dự định đi đây, đi đó một cách rất hào hứng. Tôi nói đùa "Cụ vừa vừa thôi để chúng tôi còn theo với". Nguyễn Hữu Nhàn cười, khoe: "Thì người ta vẫn bảo mình là người không có tuổi mà"

H.V.T.
.
.