Nguyễn Xuân Khánh đội gạo lên chùa…

Thứ Năm, 02/07/2020, 09:15
Lâu nay tôi muốn lập một danh sách những nhà văn lực lưỡng nhất của văn học Việt đương đại. Những cái tên tôi nghĩ đến đầu tiên thường là Nguyễn Xuân Khánh và Ma Văn Kháng, hai bậc lão thành của văn học Việt với những số phận khá khác nhau.


Lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Xuân Khánh là khi tôi cùng một người bạn văn đến thăm ở ngôi nhà trong ngõ 281 đường Trần Khát Chân. Đó là một ngôi nhà khá nhỏ và chật chội, nhà văn tiếp những kẻ hậu sinh trong một căn buồng nhờ nhờ tối. Tôi thấy bóng Nguyễn Xuân Khánh mờ mờ và giọng ông rất nhỏ nhẹ. Tôi rất bất ngờ khi biết ông từng là đồng nghiệp của chúng tôi ở tạp chí Văn nghệ quân đội.

Thậm chí Nguyễn Xuân Khánh từng là người đạt giải cao và rất sớm trong cuộc thi đầu tiên của Văn nghệ quân đội năm 1959 với truyện ngắn “Một đêm”. Khi tôi nhắc đến Văn nghệ quân đội Nguyễn Xuân Khánh lặng đi một chút, có lẽ ông đang suy tưởng và nhớ lại những ngày đã qua. Những kỉ niệm ngọt ngào và cả những cay đắng đời văn của ông đang trở lại…

Tôi hỏi ông một câu về chốn cũ nhưng ông không trả lời, tôi biết sự không trả lời ấy cũng là câu trả lời. Ông lấy ra những bản thảo viết tay của mình trao cho người bạn của tôi, anh nhận lấy và bảo sẽ đánh máy mang in. Tôi tranh thủ quan sát bản thảo của ông, Nguyễn Xuân Khánh viết bằng bút bi, chữ của ông khá rõ và dễ đọc.

Nguyễn Xuân Khánh luôn viết tay, tôi nghĩ những người cùng thế hệ ông quen làm thế. Những biên tập viên làm sách của ông kể rằng họ đã từng đề nghị ông lược bớt đi một ít phần vì bản thảo quá dài. Nguyễn Xuân Khánh có lẽ là một ngoại lệ rất khác biệt trong làng văn Việt. Trong khi các nhà văn có xu hướng viết ngắn thì Nguyễn Xuân Khánh từ khi trở lại với văn chương, cuốn nào của ông cũng dầy cộm.

Bắt đầu từ “Hồ Quý Ly” đã trông thấy một sự vâm váp đáng kể, đến “Mẫu thượng ngàn” và “Đội gạo lên chùa” thì công lực của ông càng mạnh. Mỗi cuốn sách gần nghìn trang khổ lớn. Nếu so sánh những  tiểu thuyết ở giai đoạn trước của ông như “Miền hoang tưởng”, “Ngõ nghèo” thì đoạn sau sách cũng dầy dặn hơn nhiều.

Tôi muốn lí giải về sự khác biệt ngắn dài của Nguyễn Xuân Khánh. Lúc còn trẻ ông viết ngắn và khi có tuổi ông viết dài. Đây là quy luật của chiếc lò xo bị nén quá lâu. Nguyễn Xuân Khánh đã có một thời gian dài không viết, sự dồn nén mạnh khi bật ra sẽ có công suất cực lớn. Ông viết mau vì sợ không kịp nữa, viết để bù lại sự mất mát khi trước. Hiện tượng này khá phổ biến trong văn chương Việt những năm gần đây khi những cây bút ngoài năm mươi mới bắt đầu khởi bút, họ viết rất nhanh và khoẻ, ví dụ như Nguyễn Trí, Trần Thanh Cảnh...

Từ sau cái buổi gặp Nguyễn Xuân Khánh ở căn nhà trên phố Trần Khát Chân ấy tôi cứ vẩn vơ mãi. Khi trước tôi cứ nghĩ rằng những nhà văn lớn sẽ rất khụng khiệng, ông kễnh. Nhưng không, đa số họ giản dị và chân thành.

Nguyễn Xuân Khánh nhã nhặn và lịch lãm, kể cả từng trải qua rất nhiều truân chuyên với chữ nghĩa, ông vẫn không cay nghiệt với nghề. Ông giản dị và bình thản. Khuôn mặt ông sáng và sang trọng như một trí thức quý tộc dù ông rất nghèo và trong những năm khốn khó, ông đã từng đi chăn lợn, làm bảo vệ, làm thợ may, thậm chí có lúc đi bán máu với những người cùng thời với mình như Dương Tường, Lê Bầu, Mạc Lân…

Nhìn khuôn mặt đậm vẻ trí thức của Nguyễn Xuân Khánh tôi lại nhớ những nhân vật chính trong các tác phẩm của ông, họ cơ bản là những trí thức đau đáu với đời. Trong “Miền hoang tưởng” là Tư, Ngọ; trong “Chuyện ngõ nghèo” là Hoàng, Tám; trong “Hồ Quý Ly” là Hồ Nguyên Trừng, Sử Văn Hoa... Những nhân vật đó ông luôn dành những tâm huyết và trân trọng, có lẽ họ phản ảnh một phần con người ông.

Trong những tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, giai đoạn trước tôi thích nhất “Miền hoang tưởng”, giai đoạn sau tôi thích “Hồ Quý Ly”. Thậm chí theo cảm quan cá nhân, tôi coi “Miền hoang tưởng” là cuốn sách hay nhất trong toàn bộ đời văn Nguyễn Xuân Khánh vì khi ấy ông phiêu lãng với sáng tác, chưa hề biết sợ và sẵn sàng đi trên con đường chênh vênh giữa nghệ thuật và đời sống. Cũng trong một bảng xếp hạng mang tính cá nhân, tôi xếp “Miền hoang tưởng” là một trong mười cuốn tiểu thuyết hay của văn chương Việt thế kỉ XX.

Về tiểu thuyết lịch sử, Nguyễn Xuân Khánh cũng là một nhân vật mang đến những dấu ấn lớn. Theo quan sát của tôi, những cuốn tiểu thuyết lịch sử được coi là hay nhất của văn chương nước Việt từ sau “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái thì có thể kể đến “Tiêu Sơn tráng sĩ” của Khái Hưng và bẵng đi một thời gian dài, tiểu thuyết lịch sử không có mấy cuốn ghi được những cú nặng kí.

“Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh là một trong những cuốn rất đáng kể của dòng tiểu thuyết lịch sử giai đoạn gần đây. Trong cuốn tiểu thuyết cùng tên, Nguyễn Xuân Khánh đã chiêu tuyết cho Hồ Quý Ly và có những kiến giải mới về vai trò người trí thức trong xã hội phong kiến. Cũng trong “Hồ Quý Ly”, Nguyễn Xuân Khánh đã giữ một thái độ khách quan, trung lập và tiết chế nhiều hơn so với hai cuốn sau này là “Mẫu thượng ngàn” và “Đội gạo lên chùa”.

Hai tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

 Bẵng đi gần mười năm rồi tôi lại mới đến thăm nhà văn lão thành Nguyễn Xuân Khánh. Hôm ấy Hà Nội rất nóng và ngột ngạt và vừa trải qua mùa đại dịch viêm phổi Covid. Chúng tôi đến thăm ông ở ngôi nhà số 35 phố Trần Cung. Nguyễn Xuân Khánh đã không còn ở ngôi nhà Trần Khát Chân nữa. Ông ở với người con trai thứ hai là anh Tư và vợ anh, chị Cúc.

Anh Tư dẫn chúng tôi lên thăm ông. Tôi không ngờ khi ấy Nguyễn Xuân Khánh đã khá yếu. Những ngày nóng nực của mùa hè Hà Nội đã tăng thêm sự mệt mỏi của nhà văn đã gần chín mươi tuổi. Hồ sơ Nguyễn Xuân Khánh ghi ông sinh năm 1933 nhưng ông bảo ông bằng tuổi với Dương Tường, nghĩa là sinh 1932.

Hôm chúng tôi đến thăm, nhà văn của “Đội gạo lên chùa” chỉ nói được rất ít. Ông nghe rõ mọi câu chuyện, minh mẫn nhưng hiếm lắm mới buông được một lời. Ông quá mệt và khi ngồi luôn cần một chỗ dựa. Chúng tôi nói chuyện về văn chương, tôi biết Nguyễn Xuân Khánh vẫn lắng nghe nhưng ông hầu như không có một biểu hiện gì cả. Anh Tư và chị Cúc giúp trả lời những câu hỏi liên quan. Một người bạn của tôi rất quan tâm là liệu ông có viết hồi kí, nhất là giai đoạn ông ngừng bút. Theo chị, nếu khi ấy Nguyễn Xuân Khánh viết hồi kí thì sẽ có một tài liệu rất hữu ích.

Không ai trả lời được câu hỏi ấy, nhà văn không nói và những người con của ông cũng không biết. Trong bốn người con của ông, không ai theo nghiệp viết lách nhưng anh Tư bảo rằng, còn một tủ sách và tư liệu rất lớn của ông ở ngôi nhà phố Trần Khát Chân chưa kiểm kê hoàn toàn. Chúng tôi cũng biết một phần sáng tác chưa công bố của Nguyễn Xuân Khánh đã được nhà xuất bản Phụ nữ, nơi ông đã in cả ba cuốn tiểu thuyết sau này, đang làm bản thảo và sắp công bố.

Anh Tư lại cho chúng tôi xem những bản thảo viết tay của bố mình mà anh đang lưu giữ. Tôi tiếp tục quan sát chữ viết của Nguyễn Xuân Khánh, ông viết mực xanh, bản thảo có những gạch xóa tương đối, với những tác phẩm đã hoàn thành, ông đều ghi rõ thời điểm sáng tác, ví dụ 1962, 1965...

Tôi mang một món quà nhỏ đến cho ông, đó là quyển tạp chí Văn nghệ quân đội số mới nhất. Đến lúc này thì tôi mới thấy gương mặt Nguyễn Xuân Khánh biến chuyển, đôi mắt ông tinh anh hơn. Ông cầm quyển tạp chí, nhìn rất kĩ và giở vài trang. Trong cả cuộc đến thăm của chúng tôi, đến bây giờ tôi mới thấy ông có hồn thực sự. Ông nhìn cuốn tạp chí và nghĩ gì? Lòng tôi bỗng nhói lên.

Nguyễn Xuân Khánh là một trong những người đồng nghiệp sớm nhất của  chúng tôi ở Văn nghệ quân đội. Ông đã ghi được ít nhiều dấu ấn ở đó tuy thời gian ngắn ngủi và rời đi nơi khác với những nỗi cay cực của nghề văn và cuộc đời. Tôi lại nhớ đến câu hỏi mười năm trước ở ngôi nhà phố Trần Khát Chân. Khi ấy, ông không nghe rõ hay ông không muốn trả lời?

Đến bây giờ tôi cũng không chắc chắn được điều ấy nhưng một khoảnh khắc bừng lên trong mắt ông khi cầm cuốn tạp chí nơi cũ đã cho tôi một chút ấm lòng. Tôi cầm tay ông và muốn cảm nhận dòng huyết mạch chảy của ông lúc ấy. Tôi muốn nói điều gì đó nhưng rồi im lặng...

Lúc tạm biệt ông, chị Cúc tiễn chúng tôi ra tận hè phố và kể thêm vài câu chuyện về bố chồng của mình với niềm kính trọng. Tôi nghĩ Nguyễn Xuân Khánh đã sống một đời người nhẫn nại, một đời văn kiên cường. Ông đã “đội gạo lên chùa” thời gian dài với niềm tin vô bờ bến. Theo quy luật của nhân sinh, ông xứng đáng được hưởng những trái ngọt từ những hạt mầm ông đã bao công chăm sóc, vun trồng…

Uông Triều
.
.