Nguyễn Thị Hồng Ngát-Một đời nặng nợ với điện ảnh và thơ
- Một ngày của cô bắt đầu như thế nào?
+ Mình tập thể dục vào sáng sớm, đi xe đạp nửa vòng Hồ Tây, hít thở không khí trong lành, sảng khoái lắm! Sau đó ăn sáng và lên Hội. Đợt này đang duyệt phim nên khá bận, thêm nữa Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 5 nhiều việc, họp liên miên (cười). Cuối ngày về nhà, đi chợ, thổi cơm và chuyện trò cùng ông xã. Nói chung là về hưu rồi nhưng vẫn làm việc như thanh niên, mình vẫn thấy vui và khỏe khoắn.
- Điều gì khiến cô lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và luôn vui vẻ như thế?
+ Đơn giản lắm! Nghĩ tích cực và tìm đến công việc mà mình yêu thích, đam mê, mình sẽ vui và có động lực. Việc nào khiến cho ta mỏi mệt thì phải tìm cách dẹp bỏ ngay. Mình có thói quen không tích trữ những việc tiêu cực trong đầu, như vậy ức chế lắm, không giải quyết được việc gì mà còn khiến mình mệt thêm. Hãy nhìn sự việc theo chiều hướng tích cực, mọi thứ sẽ rất thuận.
- Có thể nói cuộc sống của cô bây giờ rất thanh thản, an vui, thành đạt, các con các cháu trưởng thành, và đặc biệt là đức phu quân - một nhà khoa học mẫu mực, một người chồng rất mực yêu thương vợ. Cô gắn bó với chú Phan Hồng Giang hơn 30 năm, giữa hai người không có con chung nhưng hạnh phúc cô chú vẫn rất tròn đầy?
+ Phải khẳng định thế này cháu ạ, dù không có con chung với nhau nhưng hơn 30 năm qua, cô và chú cực kỳ hạnh phúc. Chú làm khoa học, cô làm nghệ thuật, công việc tuy khác nhau nhưng bổ trợ cho nhau, giúp nhau vun đắp đam mê của nhau. Chú thương yêu các con các cháu của cô như ruột thịt, là người cha đã định hướng nghề nghiệp cho các con.
Cô hạnh phúc bởi chú hiểu tính cách "rất đàn ông" của cô (cười), vì cô quyết đoán lắm, nói là làm. Chú là dân Nghệ nhưng tính cách thâm trầm, nhường nhịn lắm, trong khi đó cô rất nóng tính và quyết đoán. Làm dâu Nghệ nhưng không dịu dàng được (cười). Cô mãn nguyện với cuộc sống của mình, đúng là mấy chục năm sống bên cạnh chú, cô thăng hoa trong tình yêu và sự nghiệp.
- Trở lại với sự nghiệp của mình, cô gắn bó với điện ảnh gần như cả cuộc đời, và thơ cũng là một mảng đời sống không thể thiếu. Cô sáng tác thơ và viết kịch bản có cùng thời điểm không?
+ Thơ mình viết từ hồi mười tám đôi mươi, viết thơ như một nhu cầu diễn tả đời sống nội tâm của mình, với những tình cảm tình yêu đầu đời thơ mộng. Một thời khốn khó nhưng cháy bỏng cháu ạ, đẹp lắm, đáng sống lắm! Yêu cũng da diết, sống cũng mãnh liệt.
Cô viết khá nhiều những năm tháng đó và gửi gắm tiếng lòng mình một cách trọn vẹn, đủ đầy. Những tập thơ từ những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, như "Trái cam vàng" (1973), "Thơm hương mái tóc" (1982), "Nhớ và khát" (1984), "Ngôi nhà sau cơn bão" (1990), "Thơ tình chọn lọc" (1996)... là những dấu mốc quan trọng trong đời cô, tất cả mọi điều trong đời sống tâm tư của mình, cô gửi vào thơ cả. Còn với điện ảnh, cô viết kịch bản như mang nợ, bao nhiêu trăn trở với cuộc đời, cô chuyển vào tác phẩm. Những mảng hiện thực muôn màu được khai thác hết, và điện ảnh đã thu nạp hiện thực một cách trực diện và đầy đủ.
- Còn nhớ kịch bản "Nhìn ra biển cả", cô viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn Người 20 tuổi, đang học Quốc học Huế, rồi vào Phan Thiết dạy học và sau đó lên tàu ra nước ngoài, bôn ba tìm đường cứu nước. Khi bắt tay viết kịch bản này, cô có gặp khó khăn nào không?
+ Cô cố gắng bằng ngôn ngữ rất dung dị, con người, đời thường, đoạn đầu đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi 18 tuổi cô nghĩ là nó phải như thế. Trong tưởng tượng của người viết kịch bản, cô đã vừa dựa trên cơ sở có thật và cộng với trí tưởng tượng của mình cùng với tập thể đoàn phim đã làm được bộ phim hoàn chỉnh. Cô đặt ra cho mình nhiệm vụ như thế và cô tìm hiểu tư liệu của giai đoạn đấy.
Khi đã đặt ra, nảy ra một ý tưởng viết về giai đoạn nào thì mình tập trung để tìm hiểu tư liệu của giai đoạn đấy. Cô có đọc "Búp sen xanh" của nhà văn Sơn Tùng. Hầu như là nhà văn viết rất nhiều chuyện, cô chỉ lấy mỗi giai đoạn Bác bị đuổi học khỏi Quốc học Huế. Cô là kẻ sinh sau nhưng mà khi viết kịch bản, cô đã cố gắng để phục dựng được không khí của ngày ấy.
Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát và phu quân TS, dịch giả Phan Hồng Giang. |
- Cô có thể kể lại quá trình bắt tay làm về bộ phim này không?
+ Khi bắt tay vào để chuyển thể thành phim "Nhìn ra biển cả", đoàn làm phim do đạo diễn Vũ Châu và cô đã lên kế hoạch chi tiết cho từng cảnh quay, từ diễn viên chính đến diễn viên phụ, diễn viên quần chúng, đạo cụ, phục trang...
Bối cảnh phim được thực hiện tại Huế, Hội An. "Nhìn ra biển cả" không nhiều bối cảnh hoành tráng nhưng lại khá công phu vì phải tạo dựng lại hoàn toàn cảnh trí, đạo cụ, phục trang của những năm đầu thế kỷ 20. Hồi ấy bọn mình vào làm đương nhiên đi quay phim rất vất vả, ghi hình trong vòng 2 tháng ở Huế rồi ra bán đảo Sơn Trà để lấy những bối cảnh con đường, để mô tả những chặng đường mà Bác đi... Ngày ấy là đi lại bằng ngựa chứ làm gì có ôtô...
Đấy là những kỉ niệm khi làm phim "Nhìn ra biển cả" về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành năm thầy 18 tuổi. Cô nghĩ đấy là một công sức của mình trong việc dựng lại hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một giai đoạn ngắn nhưng khá quan trọng, tạo ra những bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Người.
- Những dấu ấn không bao giờ quên của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát về tác phẩm kịch bản "Nhìn ra biển cả" từ lúc bắt đầu đặt bút đến khi bộ phim hoàn thành và gây tiếng vang trong nền điện ảnh Việt Nam là cả một quá trình sáng tạo nghệ thuật miệt mài, say mê, quên ăn quên ngủ. Cô có dự định viết kịch bản nào về xứ Nghệ không?
+ Không phải dự định nữa mà cô đã viết xong một kịch bản phim về xứ Nghệ, phim tài liệu "550 năm - Đất và người Nghi Lộc", đây là mảnh đất với cô rất nhiều duyên nợ, cũng là quê chồng. Nơi cô đi về hơn 30 năm gắn bó và thân thuộc, mang nợ đất này, con người xứ này. Kịch bản phim đã duyệt và đang bắt tay vào quay, Hãng phim truyện Việt Nam do đạo diễn Nguyễn Đức Việt cùng đoàn quay đã vào Nghi Lộc, Nghệ An quay cả tuần nay rồi. Cô rất mừng vì gần 70 tuổi mới thực hiện được món nợ ân nghĩa.
- Khi thực hiện bộ phim tài liệu về quê hương Nghi Lộc, điều gì khiến cô xúc động nhất?
+ Tình người cháu ạ! Tình người xứ Nghệ sâu đậm và ân tình lắm! Cô yêu chú và lấy chú cũng vì phẩm chất này. Người xứ Nghệ nói chung và Nghi Lộc nói riêng rất tình nghĩa, trước sau chung thủy trọn vẹn. Phẩm chất ấy đã đi vào văn chương. Cô đọc những tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ tên tuổi trong các dòng họ lớn ở Nghi Lộc như họ Nguyễn Đức (Nghi Trung), dòng họ nhà chồng, hay dòng họ Nguyễn Xí (Nghi Hợp)... là những cái nôi sinh ra những anh hùng hào kiệt, văn nhân... Tự hào lắm, trân trọng lắm!
- Tình người Nghi Lộc đã khiến cô viết những câu thơ thật tình cảm và giàu hình ảnh trong bài thơ "Quê anh" có đúng vậy không ạ?
+ "Quả cà muối cũng mặn mòi đường duyên/ người quê anh thảo lại hiền/ đời em liệu có đáp đền được chăng/ Mưa trên sông Cấm giăng giăng/ tay ai nâng trái cam vàng ngày xưa/... Gừng cay cũng chẳng nề hà/ quê anh muối mặn giờ là quê em". Bài thơ này cô viết mấy chục năm rồi, gắn bó với Nghi Lộc từ thuở mới làm dâu xứ Nghệ. Thơ nói hộ tiếng lòng rồi nhỉ, càng ngày càng thắm đượm.
- Với một tâm hồn đa cảm, nồng nàn, cháy bỏng, đam mê và trên hết là một sức sống mãnh liệt, yêu đời yêu người như cô, cô có tin là mình còn sáng tạo dài lâu?
+ Có chứ! Còn sống là còn viết, còn đi và tìm cảm hứng làm việc. Đang còn nhiều việc chờ cô mà (cười to). Tuổi càng cao, sức càng dẻo dai, nhỉ! Quan trọng là tinh thần cháu ạ, phải tích cực và vui nhé! Mọi việc đến với ta nhẹ nhàng hơn ta tưởng.