Nguyễn Thị Hồng Ngát: “Con hổ” trầm tĩnh…

Thứ Năm, 02/07/2020, 14:56
Tôi quen với nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát đã lâu, ngày chị trở về từ Liên Xô làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam. Ngát và tôi đồng niên, nàng sinh ở Văn Giang, Hưng Yên, một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa của vùng Kinh Bắc. Cả vùng hầu như ai cũng biết hát, nhưng Hồng Ngát có giọng hát khá đặc biệt.


1. 15 tuổi, chị đã được tuyển vào học tại Trường Nghệ thuật Sân khấu Trung ương ở Khu Văn công Mai Dịch (Từ Liêm, Hà Nội). Không chỉ là một diễn viên hát xinh đẹp, chị còn làm biên kịch tại Nhà hát Chèo Trung ương, sau đó được học bổng du học tại Liên Xô. Số phận run rủi, trường chị được gửi đi không có khoa biên kịch sân khấu, chị chuyển sang học Biên kịch điện ảnh - và là người của điện ảnh từ đó (1982). 1 năm học tiếng Nga tại Kiev (1981), 5 năm học chuyên môn với sự chăm chỉ và thông minh, Hồng Ngát đã tốt nghiệp loại ưu của ngôi trường danh tiếng này.

Cả khóa học có 2 Kịch bản phim được Hội đồng coi là xuất sắc. 1 là của Alecxandre Sebsob (mà chị vẫn gọi là Sasa Seb-sop) được Mosfilm chọn sản xuất và 1 là của Nguyễn Thị Hồng Ngát được chọn cho Hãng phim truyện Việt Nam. Kịch bản có tên gốc là “Sẽ tới một mùa mưa” sau khi lên phim đổi thành “Một thời đã sống”.

Có thể kể thêm những kịch bản phim truyện điện ảnh đã được làm phim của chị như: “Canh bạc”, “Dã tràng xe cát biển Đông”, “Cha tôi và 2 người đàn bà” (dựa theo truyện ngắn “Giải nguyền” của Ma Văn Kháng); “Trăng trên đất khách, “Nhìn ra biển cả”…

2. Nếu từng có những người ngồi ở cương vị lãnh đạo bắt đầu từ các trường đào tạo quản lý, thì Nguyễn Thị Hồng Ngát là người đi lên từ thực tiễn đời sống với những kinh nghiệm chắt lọc từ sự thông minh và kiên trì.

Chị làm Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (2001-2006), sau 3 năm làm Phó Giám đốc rồi Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam. Quản lý Hãng phim - một đơn vị có đến 150 con người bao gồm cả những tác giả gạo cội, nghệ sĩ tên tuổi và các cán bộ nhân viên vào cái thời bắt đầu kinh tế thị trường, là một việc vô cùng khó. Có thể nói Nguyễn Thị Hồng Ngát đã khẳng định được vai trò của mình. Người đứng đầu Hãng lúc đó phải nghĩ ra, hoặc cùng đội ngũ của mình nghĩ ra việc làm để có thu nhập cho mọi người, 1 năm có thể sản xuất từ 5- 10 phim, từ phim truyện điện ảnh Nhà nước đặt hàng đến phim gia công cho các cơ sở trong ngành, khi thì phim truyền hình (ngày đó VTV chưa có hãng phim riêng), và nhiều việc sáng tạo nghệ thuật khác nữa… 

Khán giả có thể còn chê Điện ảnh Việt Nam, nhưng nếu chúng ta có cái nhìn phân tích, chúng ta sẽ thấy nếu cứ so với Âu, Mỹ thì có phải chỉ có phim ta mới kém phim Âu, Mỹ đâu nhỉ? Nhiều thứ lắm… Như đã nói ở trên, một bộ phim Mỹ cùng loại thường là 65-100 triệu USD, còn chúng ta, chỉ là nửa triệu “đô” thôi đấy.

Chị đi lên những chức vụ như thế từ một tác giả, nhà biên kịch, rồi Trưởng phòng biên kịch, rồi Giám đốc xưởng phim Thanh thiếu nhi, thuộc Hãng phim truyện Việt Nam… Ngoài ra chị còn từng tham gia Ban Chấp hành Hội Văn học Hà Nội, Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam, Trưởng ban Lý luận phê bình của Hội… Sau khi nghỉ hưu, chị là một thành viên trong Hội đồng duyệt phim quốc gia rồi Giám đốc Hãng phim của Hội Điện ảnh Việt Nam (HODAFILM) và hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam liên tiếp hai khóa liền (2010- 2020). Ở cương vị nào chị cũng làm việc hết mình, say mê như chị từng và mãi say mê sáng tác thơ, sáng tác kịch bản điện ảnh và sân khấu vậy.

3. Nhiều người biết đến Nguyễn Thị Hồng Ngát với những bài thơ tình đằm thắm. Chị đã có 7 tập được xuất bản, trong đó có: “Trái cam vàng”, “Thơm hương mái tóc”, “Nhớ và khát”, “Ngôi nhà sau cơn bão”, “Bài ca số phận”, “Buâng khuâng chiều”, “Cỏ thơm mây trắng”… và một cuốn tiểu thuyết “Hai lần sống một mình”, một tập truyện ngắn, một tập truyện dài cho thiếu nhi…

Xin nói về mảng thi ca của chị.

Đọc thơ chị mà thấy rưng rưng, thương yêu và trân trọng những con chữ chứa đầy những xúc cảm chân thật của người viết. Khán giả âm nhạc thường chỉ nhớ đến bài hát “Biển đêm” với người hát là Ngọc Tân, với tác giả âm nhạc là Lê Vinh mà quên mất bài hát đó được chuyển thể từ thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: “Nửa đêm, biển mệt nhoài vì suốt ngày ầm ĩ…/ Nên đã nằm ngủ yên/ Hàng thông reo gọi gió/ Giờ mệt cũng đứng yên/ Nửa đêm chỉ có cát còn thèm lời tình tự/ Thèm sự vỗ về của sóng/ Anh cô đơn ngàn lần trước biển/ Khi vắng em thiếu em/ Anh mong em giờ có em ở bên, để nghe sức sống trong ngực biển, để nghe ánh trăng gọi biển vàng… / Từng con sóng đêm lạnh thiêu đốt trái tim anh/ Biển, biển ơi, giữa trời đêm lộng gió tìm ai/ Biển, biển ơi, thức cùng em có triệu ngàn tinh tú và mênh mông thời gian/ Biển, biển ơi nơi xa vời em có biết chăng/ Nếu nơi ấy em thấy lòng xao động… Là tình anh vang vọng ngóng em…”.

Ca từ làm lên thần thái một bản nhạc và cho tới nay, không biết bao nhiêu lần bài hát đã được vang lên, nhưng tôi không thể quên tại Nhà hát lớn Hà Nội, ca sĩ Ngọc Tân đã vô cùng xúc động hát lần đầu và sau đó nhiều ngày ở nhiều nơi đều được khán giả vỗ tay nồng nhiệt.

Hay bài thơ viết cho con: “Thơ cho ai - viết quá nhiều/ Riêng con - chỉ có đôi điều nhớ nhung/ Nhận thư con bỗng giật mình/ Rõ ràng mẹ chỉ nặng tình đẩu đâu/ Người dưng sao khéo buộc vào/ Để rồi mong, để rồi sầu, viển vông!/ Để rồi thao thức uổng công/ Lo âu, dằn vặt đau lòng mẹ, con/ Bao năm khổ sở héo hon/ Trăng tàn, cá lặn vẫn còn trắng tay/ Núi cao, biển rộng, sông đầy/ Nơi xa mẹ nhận lỗi này cùng con!”.

4. Nguyễn Thị Hồng Ngát tuổi Dần, cái tuổi người ta vẫn nói không thể có đời sống gia đình, bởi sự mạnh mẽ và là người luôn tham công tiếc việc, thậm chí là việc “vác tù và hàng tổng”, “việc chú bác thì siêng, việc nhà thì biếng…”, nhưng chị là một “ca” khác hẳn, dù chị đã “hai lần sống một mình” và cũng thuộc diện… đa tình (người như chị không đa tình mới lạ. Chị không thích người thì người thích chị, hơn nữa lại là người thơ, rất giàu xúc cảm). Nhưng tuy thế chị đã : “… Bao năm khổ sở héo hon/ Trăng tàn, cá lặn vẫn còn trắng tay…”, là bởi… lúc đó, “người của số phận” chưa xuất hiện.

Kể từ khi gặp và yêu thương “Người ấy”, nhà phê bình văn học Phan Hồng Giang thì Nguyễn Thị Hồng Ngát như tìm thấy ý nghĩa cuộc đời của mình. Mọi cảm xúc, mọi cố gắng, mọi vui buồn và hạnh phúc của chị đều dồn về một hướng ấy thôi. Chị vui cái vui của người ấy, buồn cái buồn của người ấy và lo cái lo của người ấy. Không chỉ làm việc chung tốt hơn mà chị còn là người đàn bà của ngôi nhà có người ấy sống cùng.

Tiến sĩ Khoa học Phan Hồng Giang là dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa, là con trai thứ của nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Nguyễn Thị Hồng Ngát có thể yêu Phan Hồng Giang từ cuộc gặp đầu tiên, trời định, cũng có thể vì chị thích cái đề tài luận án TSKH của anh về tính quốc tế của văn học Xôviết. Chị say mê điều khẳng định của anhrằng không có sự đứt đoạn từ văn học cổ điển Nga sang văn học Nga Xôviết hiểu theo nghĩa tốt đẹp nhất của khái niệm này… Nhưng có thể, rất đơn giản, chị yêu anh - con “khủng long” của nghiên cứu văn hóa này chỉ vì sự giản dị, ít nói, tính đàn ông, sâu sắc và thâm trầm, ở niềm thương yêu vô bờ bến đối với chị và cái gia đình riêng đã từng có của chị.

Với tình yêu thương đó của anh, chị đã đáp đền lại bằng tất cả những gì chị có cho đến tận bây giờ…

Căn nhà tình yêu ấy của họ bây giờ trong khu chung cư ở phố Đội Nhân. Hằng ngày chị vẫn tham gia các công việc của Hội, có thể lập dự án để có thêm việc cho các tác giả, cho văn nghệ sĩ, có thể là một việc hiếu nghĩa, nhưng đi đâu làm gì thì chị vẫn nhớ đến giờ về với “ông xã ” ở nhà để lo cơm nước cùng nhau cho vui những ngày tóc bạc… “Ông xã ” thì vẫn đọc, vẫn viết, vẫn biết thời gian là quý hiếm cho sự nghiệp riêng nhưng ông vẫn dành cho gia đình những giờ chăm sóc. Ngày trước, khi cháu nội (của vợ) còn học cấp 1, ông đi xe máy đưa đón cháu hàng ngày. Có khi vợ bận đột xuất ông cũng vào bếp nấu cơm…

“Con hổ” Nguyễn Thị Hồng Ngát vì thế mà đã hiền dịu đi nhiều và khéo tay hay làm việc nhà và đã tươi trẻ hơn chính tuổi của chị rất nhiều.

Trần Thị Trường
.
.