Nguyên Lê và cuộc hành hương world music

Thứ Năm, 26/12/2019, 08:19
Ông coi world music như một đức tin. Điểm tâm mỗi sáng là bản nhạc ngẫu hứng trộn đủ chất liệu thanh âm mọi vùng miền trên thế giới. Gã đầu bạc ôm guitar, phiêu lãng, lên đồng với ngón tay quái kiệt như một nghi thức thiêng liêng. Và dù có ngao du nơi đâu, cội nguồn quê nhà vẫn là âm hưởng chủ đạo, là cốt cách dẫn truyền trong buổi sáng thiền định ấy.


Nguyên Lê là một trong số ít nhạc sĩ đương đại gốc Việt nổi bật của nền âm nhạc thế giới. Không dừng lại ở jazz, tên tuổi ông còn ở tầm đẳng cấp quốc tế với dòng nhạc world music. World music có thể hiểu nôm na là âm nhạc thế giới với đặc trưng dễ nhận thấy nhất chính là âm nhạc truyền thống dân gian hòa quyện với âm nhạc đương đại.

Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn cho rằng từ “world music” được hiểu rộng là bất kỳ sự kết hợp nào, trong đó luôn có sự kết hợp giữa những nét giai điệu phương Đông và nền hòa thanh, tiết tấu phương Tây. Ở nước ta, world music vẫn còn khá xa lạ, rất ít nghệ sĩ theo đuổi.

Nguyên Lê là người đi đầu khi thể nghiệm nhạc jazz thời thượng, giàu cảm xúc hòa quyện với chất liệu dân ca sôi nổi, mộc mạc hoặc chậm rãi mà tinh tế của vùng Trung Đông, Bắc Phi, châu Á… Âm nhạc Nguyên Lê chinh phục bạn bè quốc tế bởi những sáng tạo vừa quen vừa lạ kết hợp với trình độ thượng thừa và quái chiêu của một “phù thủy” guitar.

Ông giãi bày: “Tôi được sinh ra ở Pháp nhưng nguồn cội gia đình là gốc Việt. Vậy nên tôi không khác gì người lai văn hóa. Tôi rất phấn khích khi khám phá và pha trộn sắc màu âm nhạc của những nền văn hóa khác nhau để làm nên trải nghiệm thú vị. Với tôi, world music là một phần trên quãng đường khám phá ngôn ngữ âm nhạc toàn cầu, nó kéo các sắc tộc lại gần với nhau”.

Không nói được tiếng Việt nhưng từ cốt cách con người đến cá tính nghệ thuật của vị nhạc sĩ tài ba này đều hướng về nơi đã nặn hình hài mẹ cha. Sinh ra ở xứ người, từ tháng ngày còn nằm nôi, Nguyên Lê đã tắm mình trong lời ru hời của mẹ. Đó là những bài dân ca quen thuộc, êm đềm như “Qua cầu gió bay”, “Trống cơm”, “Đi cấy”…

Do vậy, khi bắt đầu làm quen với trống, guitar và guitar bass thuở niên thiếu, Nguyên Lê đã bắt đầu nhận ra bản diện quê hương trong con người mình. Nghiên cứu và chơi điêu luyện nhiều thể loại như rock, punk, tân nhạc, jazz đương đại … nhưng ông vẫn thích nhạc truyền thống Việt Nam và muốn làm điều gì đó thật khác biệt.

Phải đến năm 1990, khi album đầu tiên mang tên “Miracles” ra mắt và xuất bản tại Mỹ, trong ông mới dậy lên băn khoăn, thôi thúc về những điều mình muốn bắt tay cho hành trình phía trước. Và ông quyết định tìm về bản ngã, tìm về Việt Nam qua lời ru xưa của mẹ. 

Năm 1996, Nguyên Lê nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam bằng chuyến hồi hương đầu tiên. Thích thú trước âm thanh nỉ non của đàn bầu, ông đến Hà Nội học một khóa. Riêng cải lương thì nghe qua băng đĩa rồi mon men tự học. Ông để ý tiếng rung, nhịp nhấn nhá của nhạc tài tử rồi bắt chước trên cây guitar điện. Ông giả lập giai điệu không khác gì tiếng đàn bầu, guitar phím lõm hoặc đàn nguyệt, đàn sến.

Bất cứ âm thanh gì từ nhạc cụ dây, ông cũng giả lập được trên cây guitar đặc biệt bằng kỹ thuật nhấn nhá, bồi âm, vuốt dây, chạy ngón... Nguyên Lê còn tìm tòi cách phối thể điệu dân ca Việt Nam vào âm nhạc hiện đại. Đến với âm nhạc truyền thống, ông tiếp cận theo tinh thần một đứa trẻ háo hức trước kho báu, sau đó phóng tác, tái cấu trúc, chắt lọc tinh túy… để thổi làn gió mới cho những bài bản xưa cũ.

Chính thời điểm này, Nguyên Lê bắt tay ca sĩ Hương Thanh và một số nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc Việt Nam ở Pháp thực hiện album “Tales from Vietnam” (Những câu chuyện từ Việt Nam). Album tập hợp các bản cổ nhạc và dân ca Nam Bộ trên nền phối khí của nhạc jazz khiến giới âm nhạc quốc tế xôn xao, nể phục. “Tales from Vietnam” được hãng đĩa ACT (Đức) phát hành và nhanh chóng “cháy hàng” ở thị trường châu Âu, thổi bùng xu hướng âm nhạc mới. Không chỉ mở ra khái niệm về dòng world jazz (một nhánh của world music) mà album này còn dọn đường để loạt album và dự án nghệ thuật tôn vinh cội nguồn dân tộc của Nguyên Lê khởi động.

Giống như bao người con sinh ra ở hải ngoại, Nguyên Lê đã có lúc tự hỏi “Mình là ai? Nguồn gốc của mình từ đâu?”. Câu hỏi đó vẫn xoay vần khi ông bắt tay thực hiện album “Những câu chuyện về Việt Nam”. Chỉ đến năm 2011, thực sự làm việc và giao lưu với nghệ sĩ Việt Nam sinh sống ở quê nhà như Tùng Dương, Trần Mạnh Tuấn… thì ông mới khám phá ra bản ngã của mình. “Họ giúp tôi hiểu rằng mình chắc chắn là người Việt Nam, một cái tôi thuần khiết mang dòng máu Lạc Hồng” – ông khẳng định.

Nhạc sỹ Nguyên Lê và nghệ sỹ Ngô Hồng Quang.

 Nếu trong “Những câu chuyện từ Việt Nam”, Nguyên Lê chỉ phối khí lại các tác phẩm truyền thống thì đến album “Hà Nội Duo” (Song tấu Hà Nội) với ca sĩ, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang, ông mới bắt đầu sáng tác nhạc phẩm đương đại, đầy tính thể nghiệm trên nền tảng chất liệu cổ. Trong dự án này, nhạc sĩ người Pháp gốc Việt ấy không chỉ ưa chuộng âm nhạc dân gian nói chung mà còn ưu ái âm nhạc của cộng đồng dân tộc thiểu số như người Mông, Dao, Thái, Tày, Nùng…

Ông và Ngô Hồng Quang làm nên loạt nhạc phẩm mê hoặc lòng người bằng thứ âm hưởng núi đồi xa xôi, hoang sơ nhưng tràn đầy màu sắc và năng lượng. Nguyên Lê chơi guitar điện đầy cuồng nhiệt của xứ Bắc Phi để trên cái nền đó, Ngô Hồng Quang thể hiện dân ca Tày bằng đàn tính. Hay bài hát xẩm “Mục hạ vô nhân” được biến tấu cùng tiếng đàn bầu trộn điệu blues. Bộ trống Ấn Độ điểm xuyến cho ca khúc “Chiếc khăn piêu” quen thuộc. Phát hành ở nước ngoài, album nhanh chóng gây nên cơn địa chấn trong làng nhạc. Một sự kết hợp táo bạo mà đầy quyến dụ, thăng hoa giữa núi đồi Tây Bắc.

Trong cuộc hành hương với world music, Nguyên Lê không ngừng tìm tòi yếu tố bản địa để đưa vào âm nhạc. Ông từng nói: “Cảm hứng của tôi là dân ca các nước”. Trước thắc mắc của công chúng về việc phối trộn âm nhạc nhiều quốc gia khác nhau có khiến âm nhạc Nguyên Lê mất đi bản sắc quê xứ, ông mỉm cười ôm đàn, dạo một khúc blues, rock hay cover nhạc phẩm của Jimi Hendrix, Led Zeppelin, Beatles…

Người nghe kinh ngạc phát hiện: dù Nguyên Lê chơi bất kỳ thể loại nào, sẽ luôn có những đoạn phảng phất thang âm ngũ cung hay nét nhạc Việt một cách thần sầu, tinh tế. Theo ông, công thức chinh phục tai nghe quốc tế là làm sao cân bằng được tính độc đáo, đặc trưng riêng có và tính toàn cầu – thứ giúp chúng ta trò chuyện với thế giới. Nghe nhạc Nguyên Lê, người ta thấy trong đó lời đồng vọng của đất nước. Đó không đơn giản chỉ là lời thì thầm từ vàng son quá khứ mà còn là con đường tương lai của âm nhạc Việt Nam.

Tại Lễ hội âm nhạc quốc tế Hozo TP Hồ Chí Minh mới đây, lần đầu tiên nhạc sĩ Nguyên Lê và những người bạn trình diễn các tác phẩm đặc sắc trong album “Những chuyện kể từ Việt Nam” với khán giả quê nhà sau 24 năm nó ra đời tại Pháp. Khán giả còn được thưởng thức tài nghệ đẳng cấp thế giới của Nguyên Lê khi ông kết hợp nghệ sĩ sáo Hoàng Anh, nghệ sĩ đàn bầu Hùng Quang, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, ca sĩ Hà Trần thể hiện những làn điệu dân ca quen thuộc.

Từng biểu diễn nhiều nơi trên thế giới và giành nhiều giải thưởng danh giá như Huân chương Hiệp sĩ nghệ thuật và văn học do Chính phủ Pháp trao tặng,  giải thưởng Django Reinhardt của Viện Hàn lâm nhạc jazz…,  nhưng điều hạnh phúc nhất của ông là trở về quê hương và ngân lên điệu dân tộc. “Trở về Việt Nam không phải là trở về quê nhà vì tôi không sinh ra ở đó, mà chính là cuộc trở về trái tim của mình” – Nguyên Lê tâm sự.

Phan Thi Uyên
.
.