Nguyễn Chí Trung: Ông tướng nhà văn… hay khóc

Thứ Hai, 12/06/2017, 08:02
Tuổi trẻ của ông là 17 tuổi cầm súng ra trận và từ đó chiến tranh đã lấy đi tuổi trẻ của ông, hay nói đúng hơn ông đã quên mất tuổi trẻ, hạnh phúc riêng của mình qua những ngày chinh chiến, một con người như thế và những bài học được đúc rút ra từ chính cuộc sống tận hiến của mình thì làm sao mà không bổ ích cho thế hệ đi sau...


Mới đó mà đã tròn một năm ông rời xa cõi tạm, đêm qua tôi lại mơ thấy ông về, đây là lần thứ hai tôi mơ thấy ông. Đêm qua tôi thấy ông vui, rồi ông cũng nhờ người soạn một mâm cơm, có đầy đủ xôi, thịt gà, giò chả và còn có cả bánh chưng xanh. Một mâm cơm như những ngày ông còn sống, thỉnh thoảng ông vẫn làm để mời mấy anh em trong cơ quan sang ăn uống cho vui. Mâm cỗ ông làm là chỉ để đãi khách, còn ông, ông ngồi một góc trên chiếc giường đơn, cầm cái "chỏ" hông xôi nho nhỏ, ông chỉ ăn xôi với muối vừng.

Năm vài bận ông tổ chức những mâm cơm như thế mời chúng tôi sang, phải chăng ông muốn phòng có thêm tiếng người? Ông muốn được thấy cảnh nhộn nhịp vào ra và tiếng va chạm của bát đũa? Ông muốn thấy cuộc sống của một gia đình?

Và tôi nhớ, đêm qua tôi có hỏi bây giờ ông tính ở đâu, Sài Gòn, Quảng Nam hay Hà Nội? Tôi thấy ông lại nheo mắt cười rồi nói đại ý rằng: Cả cuộc đời mình làm lính, mình gắn bó với nơi đây - nhà số 4 Lý Nam Đế - cũng hơn nửa đời người, mình về ở đây thôi.

Và tôi tin, nhà số 4 Lý Nam Đế (trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội) là chốn đi về của ông như những ngày ông còn sống, linh hồn ông sẽ ở trong tấm hình được treo trên bức tường chính của phòng họp, ông về trên đó với Thanh Tịnh, Vũ Cao, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Từ Bích Hoàng, Thu Bồn… ông về đó vì tôi biết ông yêu Văn nghệ Quân đội và ông yêu lực lượng vũ trang, yêu chế độ Xã hội Chủ nghĩa này vô cùng.

Ông yêu và ông nguyện gắn cả cuộc đời mình vào những điều mà ông yêu thương nhất. Ông buồn khi trên báo của lực lượng vũ trang có những bài viết chưa được chuẩn, chưa được hay, ông đau khi có người có những suy nghĩ khác ông về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội, nói như bây giờ là ông đau và lo sợ trước những biểu hiện nhỏ mang mầm mống "tự diễn biến", "tự  chuyển hóa" trong đội ngũ những nhà văn khoác áo lính. Ông sợ lớp trẻ phai nhạt lý tưởng, sợ họ bị chệch hướng, sợ họ "đổi màu"...

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung và một tác phẩm của ông.

Tôi biết điều đó vì có một thời gian khá dài được sống với ông, phòng làm việc của tôi ngay ở trên phòng ông. Tôi nhớ buổi đầu tiên khi ông lên phòng mình, điều đầu tiên là ông nhắc nhở tôi về… đầu tóc và tiếp đến là muôn mặt trong cuộc sống hằng ngày của một người lính nhà văn, của một nhà văn khoác áo lính. Ông nói và tôi nghe, ông hỏi cặn kẽ và tôi trả lời. Những gì ông dạy, tôi nghĩ rất cần thiết đối với những người lính trẻ ngày nay. Vì tôi nghĩ đơn giản một điều rằng, ông cũng có tuổi trẻ như tuổi trẻ của bất kỳ một người lính nào.

Tuổi trẻ của ông là 17 tuổi cầm súng ra trận và từ đó chiến tranh đã lấy đi tuổi trẻ của ông, hay nói đúng hơn ông đã quên mất tuổi trẻ, hạnh phúc riêng của mình qua những ngày chinh chiến, một con người như thế và những bài học được đúc rút ra từ chính cuộc sống tận hiến của mình thì làm sao mà không bổ ích cho thế hệ đi sau.

Điều quan trọng là chúng ta - thế hệ những người lính - nhà văn - đi sau nghĩ về những kinh nghiệm đó và vận dụng những kinh nghiệm đó vào cuộc sống như thế nào. Không có chân lý nào là cũ kỹ và lỗi thời cả, những đúc rút, những chân lý, những trải nghiệm của những người đi trước, nếu người đi sau biết vận dụng, phát triển và không cứng nhắc rập khuôn máy móc thì mãi là những điều có ích. Tôi đã học được ở ông từ những lần gặp gỡ như thế.

Tôi nhớ một lần ông khóc!

Lại một buổi sáng ông lên phòng tôi, tay ông cầm cuốn Tạp chí Văn nghệ Quân đội số mới nhất - Ngày ấy tôi đang làm Thư ký tòa soạn (TKTS) Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ngồi chưa ấm chỗ, ông mở cuốn tạp chí ra, lật đến trang có bài thơ của một nhà thơ mặc áo lính đưa cho tôi rồi hỏi: "Anh - khi ông gọi tôi bằng "anh" là biết có vấn đề to rồi - thấy bài thơ ni răng hỉ?".

Tôi không trả lời ngay vào câu hỏi để thăm dò ý ông nên nói: "Dạ bài này là của nhà thơ Q. người trong cơ quan". "Tôi không hỏi tên tác giả, mà tôi hỏi anh nhận thức về bài thơ ni răng hỉ mà anh lại cho đăng". Gay rồi, tôi chỉ là TKTS, chỉ là người sắp mâm sắp bát, duyệt cho đăng phải là Trưởng ban Thơ, rồi Phó Tổng biên tập phụ trách nội dung và cuối cùng là Tổng Biên tập chứ.

Chắc biết tôi tính chống chế để chạy "tội" nên ông nói luôn: "Anh là TKTS, là người cuối cùng quyết định để cho tờ tạp chí đến với người lính, đến với nhân dân, thấy cái gì không hay, không phải anh phải có ý kiến, ý kiến chưa được thì không cho in, không được phát hành, phát hành "thuốc độc" như thế này à…? Nhận thức của các anh về cuộc chiến như thế này à…? Sỹ quan trẻ bây giờ như thế này à…?".

Ông càng nói càng bị kích động, ban đầu thì nước mắt chảy vòng quanh và cuối cùng là ông ôm mặt khóc, ông khóc to, tức tưởi, nức nở như đứa trẻ bị đòn oan. Tôi không thể chịu nổi khi nhìn một vị tướng già ngồi khóc tức tưởi trước mặt mình, không còn biết phải làm gì và tôi cũng … khóc. Nhìn thấy tôi khóc, ông lẳng lặng đứng dậy ra về…

Tuy đã nghỉ hưu, nhưng ông luôn xem mình là người của Quân đội. Tôi nghĩ ông xem Quân đội như là một gia đình mà ông là thành viên của cái gia đình ấm cúng đó, thành viên già tuy không còn trực tiếp tham gia làm việc nữa nhưng vẫn còn có trách nhiệm vun đắp và xây dựng cho ngôi nhà chung ngày một tốt hơn, chính vì suy nghĩ như vậy nên ông rất chú ý đến việc tìm người và xin người về Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Tôi nhớ ngày cơ quan rục rịch làm thủ tục xin nhà văn Phạm Duy Nghĩa từ Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai về, không biết nghe ai nói mà ông biết, ngày tôi đi thẩm tra lý lịch kết hợp xin người luôn, ông cũng biết. Không hẹn hò giờ giấc, không làm phiền cơ quan, sáng ấy chúng tôi lên thì xe ông cũng lẳng lặng rời cơ quan. Chúng tôi lên đến Lào Cai thì thấy ông đã ở đó.

Chúng tôi rời Lào Cai thì ông vẫn ở lại và lấy cớ nhờ nhà văn Phạm Duy Nghĩa đưa đi tham quan phong cảnh Lào Cai, nhưng sau này tôi biết, tham quan là một việc, việc quan trọng hơn là ông muốn có thời gian tiếp xúc với Phạm Duy Nghĩa để tìm hiểu. Ông có cách tìm hiểu riêng của ông, sau này khi về cơ quan, ông nói với tôi: "Tốt đấy, sau này có thể bồi dưỡng làm… Bí thư Đảng ủy được!". Ngày đó Phạm Duy Nghĩa chưa là đảng viên, mãi sau này Văn nghệ Quân đội mới làm thủ tục kết nạp đảng và Nghĩa cùng tôi sinh hoạt cùng một chi bộ cho đến ngày tôi rời khỏi Văn nghệ Quân đội.

*

Ngày nghe tin ông mất, tôi cứ bần thần. Là một người gần ông, được ông chỉ bảo, mắng mỏ và khóc lóc cũng nhiều…

Cách đây mấy năm, một lần tôi đến thăm ông, ông nói: "Hùng cho mình nhờ một việc được không?"! Tôi nói: "Cháu chỉ sợ việc lớn không làm được". "Không có chi, mình có một ít sách muốn gửi nhà Hùng". Tôi nhận lời vì biết rằng, chắc không còn cách nào nữa ông mới nhờ đến mình, hơn ai hết trong cơ quan cũ, ông là người biết được hoàn cảnh gia đình riêng của tôi. Nhà nhỏ, vợ yếu, con đông!!! Nhớ đận vợ tôi sanh đôi hai cháu, vợ thiếu sữa sinh con thiếu tháng, khi ấy ông vừa bị tai nạn gãy chân, vậy mà ông cũng sang thăm, đến đầu ngõ xe không vào được, chú lái xe phải cõng ông vào.

Lão tướng trên 80 tuổi, cả đời theo cách mạng đến quên cả việc lấy vợ sinh con, giờ sang thăm vợ của chú lính mới sinh con, ông bồng cả hai bé nhà tôi trên tay và hình như ông khóc. Ông chỉ khóc nhỏ, khóc thầm thôi vì chắc ông sợ cháu giật thột, rồi nhìn vợ tôi xanh xao, ông cũng khóc… và vẫn chỉ khóc thầm, chứ không khóc to như những lần ở cơ quan, khi tranh luận với tôi một bài báo, một truyện ngắn nào đó ông thường khóc to lắm, khóc như bị đòn oan.

Và rồi vào một ngày Hà Nội mưa tầm tã, có một chiếc xe tải lùi đuôi vào nhà tôi. Tôi phải vội vã tháo chiếc giường trong phòng ngủ của vợ chồng xếp lại một góc và khuân toàn bộ sách của ông vào để trong phòng ngủ, từ đó vợ chồng ra ngủ ở phòng khách.

Khi toàn bộ sách đã chuyển vào phòng ngủ xong, tôi mạo muội hỏi ông: "Ông tính gửi sách ở nhà cháu bao lâu?". Ông nói: "Nếu sống được đến năm 2018 thì sẽ lấy sách đưa vào tặng Quân khu V, còn nếu chết, anh bán giấy vụn". Và giờ thì ông đã ra đi, nhớ lời ông nói, tôi đã nhờ người liên hệ với Quân khu V nhưng chưa thấy họ hồi âm, tôi muốn thực hiện theo ý nguyện của ông.

Rồi một ngày, cháu gái ông từ Sài Gòn bay ra nhận lại số sách và đã thực hiện theo ý nguyện của ông, mong ông thanh thản nơi chín suối, vì Quân khu V vẫn không hồi âm nên số sách của ông đã được chuyển cho Thư viện Quân đội.

Đêm ấy tôi mơ thấy ông về, lần đầu tiên tôi mơ thấy ông kể từ ngày ông mất, tôi tếu táo đứng nghiêm báo cáo: "Báo cáo đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung… hay khóc, việc ông giao tôi đã hoàn thành, xin chỉ thị của đồng chí". Ông nhìn tôi cười, nụ cười mãn nguyện.

Nguyễn Thế Hùng
.
.