Nguyễn Bảo Sinh – “quái nhân” Hà Nội

Thứ Năm, 16/04/2020, 09:17
Tôi vẫn nghĩ Nguyễn Bảo Sinh là một "quái nhân" ở Hà Nội. "Ông già gân" này mang những nét đặc trưng của người Hà Nội lâu năm, lại có tư chất của một nghệ sĩ dân gian với rất nhiều những câu chuyện kì thú xung quanh mình.


Tôi gặp Nguyễn Bảo Sinh là qua nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Hai ông bạn già này, như tôi từng nói đã tạo lên một "huyền thoại" rất đáng kể của giới văn nghệ Hà Nội về độ thắm thiết và khác người. Lần đầu gặp mặt, Nguyễn Bảo Sinh tặng tôi những tập thơ ông tự in, chỉ to bằng bàn tay, giấy bìa màu vàng như một món hàng "quốc cấm" rất đáng yêu. Những tập thơ  ấy tôi nghĩ chẳng có hại gì, chúng chỉ có một nhược điểm Nguyễn Bảo Sinh dám nói ra những điều người khác chỉ nghĩ. Đại khái những câu thơ như thế này được rất nhiều người thuộc:

"Vợ là cơm nguội nhà ta
Lại là phở tái thằng cha láng giềng"

Hoặc:

"Khi mê tiền chỉ là tiền
Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm…"

Tôi đem tặng mấy tập thơ nhỏ xinh ấy cho vài người, nhiều người khen hay và nài nỉ tôi kiếm thêm, tôi liền bảo nhà thơ in thêm và bán,  nhiều người sẵn sàng trả tiền để có những thi phẩm "đặc sản dân gian" và Nguyễn Bảo Sinh đã rất vui với điều ấy.

Nghệ nhân Nguyễn Bảo Sinh bên chú chó yêu quý của mình.

Nguyễn Bảo Sinh gần như luôn luôn ngồi với Nguyễn Huy Thiệp ở quán cà phê Nhân phố Bảo Khánh, vuông góc với Hàng Hành. Sự ngồi nhiều ở đây đến mức sau này Nguyễn Huy Thiệp viết hẳn một truyện ngắn có tên "Cà phê Hàng Hành" để lưu lại những kỉ niệm và Báo Văn nghệ đã lấy tên ấy cho một tập sách của mình. Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Sinh ngồi quán cà phê nhưng hai ông không uống cà phê, thường là gọi một ấm trà Tàu rất đặc và nhâm nhi cả buổi.

Nguyễn Bảo Sinh biết rất nhiều chuyện riêng của Nguyễn Huy Thiệp và ngược lại. Một lần, Nguyễn Bảo Sinh nói nhỏ vào tai tôi: "Lúc nào tôi sẽ kể cho cậu nghe những chuyện mà Nguyễn Huy Thiệp không nói với ai. Ví như Nguyễn Huy Thiệp đã suýt "choảng" nhau với Đồng Đức Bốn như thế nào…".

Tất nhiên Nguyễn Bảo Sinh nói thế chỉ để vui, ông thân và yêu nhất Nguyễn Huy Thiệp và có lẽ Nguyễn Huy Thiệp cũng thế, dù là hai phong cách gần như khác nhau hoàn toàn. Nguyễn Huy Thiệp bao giờ cũng giản dị trong ăn mặc, sinh hoạt, đúng như một gã nhà quê chính hiệu thì Nguyễn Bảo Sinh khi nào cũng sành điệu, đúng kiểu "trai già phố cổ".

Tôi hiếm khi gặp những ông già sành điệu như Nguyễn Bảo Sinh. Khi ra phố, ông già này bao giờ cũng diện quần tây phằng lỳ vàng da bò hoặc đỏ bóc đô, áo sơ mi bỏ trong quần, giầy đen bóng lộn, tóc chải gọn gàng. Nguyễn Huy Thiệp từng bảo tôi, ông coi Nguyễn Bảo Sinh là "thầy" của mình nhưng tôi thấy Nguyễn Bảo Sinh rất "nhường nhịn" ông bạn nổi tiếng của mình. Khi Nguyễn Huy Thiệp nói chuyện với một nhóm bạn, Nguyễn Bảo Sinh chủ yếu lắng nghe và hiếm lắm ông mới bình phẩm vài câu bằng những vần thơ rất ngộ và hóm của ông.

Tất nhiên, không cần kê "tiểu sử" rất thân thiết với Nguyễn Huy Thiệp thì Nguyễn Bảo Sinh đã xứng danh là "quái kiệt" của Hà Nội. Ông Bảo Sinh từng là võ sư quyền anh có tiếng một thời của Hà Nội, thậm chí tay đấm vĩ đại Muhamet Ali đã từng đến lò võ của ông để giao lưu. Đến bây giờ, ngoài tám mươi tuổi, thỉnh thoảng Nguyễn Bảo Sinh lúc cao hứng vẫn thách đấu với vài tay đấm trẻ! Ông cũng là tay chơi gà chọi và nuôi chó Béc giê, chó cảnh kì tài của đất Hà thành. Ông có thể kể vanh vách những con gà chọi nổi tiếng bậc nhất với những đòn đánh cực hiểm hóc, những tay chơi gà chọi máu mặt và đặc biệt với nghề nuôi chó, ông là "kiện tướng" luôn!

Chơi "tới bến" và cực sành điệu nhưng Nguyễn Bảo Sinh là người rất thức thời, có lẽ ông là người đầu tiên ở Hà Nội và cả nước mở khách sạn dành cho chó mèo và công việc rất phát đạt. Đến khi có nhiều nơi mở khách sạn dành cho thú cưng thì ngoắt một cú, ông mở nghĩa trang chó mèo và có lẽ ý tưởng này chỉ Nguyễn Bảo Sinh mới nghĩ ra nổi!

Giữa một quận trung tâm Hà Nội, đất đai nhà Nguyễn Bảo Sinh rộng và thoáng lắm,  ông là tay chơi nhưng kiếm ra tiền. Ông dành một khoảng đất rộng trong vườn nhà làm một cái ao to, ở giữa ao nổi lên bức tượng Phật Bà Quan Âm trắng muôn muốt.

Một lần tôi đến nhà ông chơi và thấy ông hoá thân thành một nhân vật khác hẳn so với "trai già phố cổ". Nguyễn Bảo Sinh mặc áo cà sa, đầu đội vương miện, tay bắt quyết, miệng cầu kinh. Ông thực hành đức tin rất chuyên nghiệp, mỗi dịp rằm tháng Giêng, ông thường cầu siêu chúng sinh và làm mát mẻ những linh hồn chó mèo trú ngụ trong nghĩa trang nhà ông.

Nguyễn Bảo Sinh dẫn tôi đi xem hai cái "lò thiêu" trong vườn nhà. Hai cái lò lớn đốt củi, lửa cháy phừng phừng như hoả ngục, bên trong lò có vài xác chú chó mèo đang được hoả thiêu để sang kiếp khác. Tro cốt sau đó được cho vào những lọ sứ nhỏ, có một biển hiệu ghi tên và ngày mất, cung kính và nghiêm trang như con người.

Một tác phẩm của ông Nguyễn Bảo Sinh.

Tôi rất hiểu điều này, khi con người hiện đại càng giàu có văn minh thì họ càng chìm sâu vào nỗi cô đơn. Nhiều người phải tìm đến những con thú cưng để làm bầu bạn khuây khoả với mình. Khi con thú chết đi, xót thương người bạn nhỏ, người ta mang nó đến đây nhờ Nguyễn Bảo Sinh hoả thiêu và lưu giữ một chỗ trang trọng như một sự tri ân, nhắc nhớ...

Nguyễn Bảo Sinh vừa khéo lại vừa ngông. Nói chuyện với ai ông cũng nhã nhặn và trọng thị. Nhà ông ở ngõ 167, phố Trương Định, dưới cái biển đề tên ngõ chính thức, ông đã "ngạo nghễ" làm thêm một biển chỉ dẫn khác: "Ngõ Bảo Sinh" và người dân trong ngõ cũng không ai có ý kiến gì.

Những buổi lên cà phê Hàng Hành gặp bạn bè hay đi đâu đó tôi thấy Nguyễn Bảo Sinh chuẩn bị kĩ càng lắm. Quần áo ông mặc bao giờ cũng ton sur ton (phối màu) cực chuẩn, ông đi giầy đen bóng loáng với tất trắng chứ không phải màu nào khác. Nhưng tôi cũng đã nhìn ra tuổi tác ở ông bạn vong niên yêu quý của mình. Mùa rét, Nguyễn Bảo Sinh đi một bít tất đen bên trong, bên ngoài lồng thêm tất trắng, vừa đảm bảo độ ấm, vừa đủ độ sành điệu. Ông đi xe máy rất chậm và lúc nào cũng nhường nhịn người đi đường, tất nhiên với cái tuổi ông, ứng xử như thế là một điều tất nhiên và đặc trưng của người Hà Nội lâu năm.

Nhưng Nguyễn Bảo Sinh không phải là người mê thơ và ngông ngạo nhất trong gia đình ông. Cụ thân sinh ra ông, từng ngụ ở đầu phố Ô Quan Chưởng mới là một tay cự phách. Ông cụ này làm thơ cực nhiều, không tính bằng bài mà phải tính bằng thúng, bằng tạ. Lúc Hà Nội tản cư kháng chiến, trong khi mọi người lo cuống quýt mang đi những tài sản có giá trị thì ông cụ ung dung… gánh một gánh thơ lên đường. Trong tất cả các người con, ông cụ chỉ hơi "nhột" với Nguyễn Bảo Sinh vì anh con giai này cũng làm thơ như cụ, cụ thì lo con giai làm thơ hay hơn mình thì khốn…

Một ngày cụ ốm nặng, cơ hội thử lòng hiếu thảo của anh con giai đã đến. Ông cụ gọi Nguyễn Bảo Sinh đến và hỏi, anh phải nói thật cho tôi biết, giữa thơ của anh và của tôi, thơ ai hay hơn…

Tôi đã hình dung ra dáng điệu của Nguyễn Bảo Sinh lúc đấy, ông quỳ gối xuống cạnh người cha già và nói nhỏ: Thơ của bố tất nhiên hay hơn ạ. Tức thì ông cụ mắt sáng rực và thò tay xoa đầu anh con giai và bảo, thôi thì từ nay ta sẽ tha thứ hết cho mọi lỗi lầm của anh…

Nhưng nói thế nào thì Nguyễn Bảo Sinh cũng được biết đến nhiều nhất với tư cách một nhà thơ dân gian. Thơ của ông không chủ trương thanh khiết, nó đi thẳng vào cái dâm, cái tục của loài người mà ông gọi là "mật tông", "đạo phồn thực". Những vần thơ ấy, nghe qua thì có phần tục nhưng chúng có cái lý, cái nghĩa nhất định, chẳng phải thế mà thơ của ông được rất nhiều người thuộc. Nhưng thơ của ông đâu chỉ viết về cái dâm, cái tục, nhiều bài đọc lên thấy xót xa, nghĩ ngợi lắm.

"Con ta không phải của ta
Tai họa của nó mới là của ta…"

Hoặc:

"Trao nhau nhẫn cưới ước mong
Đeo vào bỗng hóa thành vòng kim cô…"

Nguyễn Bảo Sinh có lẽ quá đủ những trải nghiệm về cuộc đời đến mức ông không cần giữ kẽ hay "làm màu" làm gì. Ông phô diễn suy nghĩ và ngón nghề của mình qua thơ cùng cuộc sống đẫm thanh vị của ông. Phố xá Hà Nội mà thiếu vắng ông thì có lẽ cũng khuyết đi một nét đặc sắc…

Uông Triều
.
.