Nguyễn Bắc Sơn ngổn ngang với “Vỡ vụn”

Thứ Sáu, 08/04/2016, 08:00
Nguyễn Bắc Sơn là một trong những nhà văn sung sức nhất hiện nay - như nhận định của nhà văn Ma Văn Kháng. Mỗi tiểu thuyết của ông ra đời đều tạo được tiếng vang trong dư luận. Nguyễn Bắc Sơn vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết mới “Vỡ vụn” (NXB Hội Nhà văn ấn hành, quý IV 2015). Chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng nhà văn xung quanh cuốn tiểu thuyết này.


Phóng viên: Xin chúc mừng nhà văn Nguyễn Bắc Sơn với cuốn tiểu thuyết mới! Sao tôi không thấy cuốn sách có in dòng ngày khởi thảo và hoàn thiện như vẫn thấy ở các cuốn sách trước đó của ông?

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn: Bản can đưa đi nhà in rồi, tôi quyết định bỏ chương cuối “Mười lăm năm sau”, tức là lại định viết tiếp phần hai nên mất dòng ấy. Thì cũng như “Luật đời & Cha con” và “Lửa đắng” là một bộ. “Gã Tép Riu” và phần hai là một bộ (tiếc là phần hai chưa ra được). “Vỡ vụn” cũng thế. Đã viết được mấy chương phần 2 rồi…

- Hai bộ trước đều được giải. Liệu bộ này…?

+ Viết văn như đi câu ấy mà. Biết thế nào! Bạn đọc và thời gian mới là giám khảo cao nhất. Nhiều bạn đọc gọi điện chia sẻ với mình những bức xúc mà tôi đã gửi gắm. Đấy là phần thưởng cao nhất.

- “Vỡ vụn” có gì mới so với hai bộ trước?

+ Tôi chuyên viết tiểu thuyết chính luận/ chính sự/ chính trị nên vẫn cái tạng ấy. Vẫn lấy cái gốc là gia đình với những mối quan hệ dằng dịt của nó nhưng vẫn ánh xạ những bức xúc của dòng chủ lưu xã hội hôm nay: Thu, vợ, PGS. TS dạy sinh viên toàn những điều cao xa, đúng thì rất đúng nhưng không thiết thực. Còn Chính, chồng Thu thì hiểu biết sâu sắc cuộc sống, dạy ngữ văn nhưng mê say nghiên cứu chính sự/chính trị nên tư vấn cho học viên (đã làm luận án Tiến sĩ do vợ hướng dẫn) làm đến chủ tịch tỉnh, toàn những điều thiết thực, bổ ích, lí thú.

Còn trong gia đình thì vợ tuy chế độ, lương bổng hơn hẳn chồng nhưng vốn sống lại toàn những điều viển vông nên chẳng được tích sự gì. Trong một cuộc tranh luận, chị tự ái vì cho rằng chồng đã gàn quải mình trong lần hướng dẫn học viên làm khóa luận tốt nghiệp, từ đó tuyệt giao. Vì tư duy của chồng là thực tiễn, vợ là duy ý chí, vợ ngưỡng mộ thần tượng này, chồng ngưỡng mộ thần tượng khác như hai tín đồ của hai tôn giáo khác nhau nên tự nhiên hình thành một “khu phi quân sự” giữa hai phòng riêng.

- Thế còn chuyện chạy chức chạy quyền rất kịch tính của hai phó chủ tịch vào ghế chủ tịch nữa chứ?

+ Chắc hẳn không có màn chạy đua nào như thế. Một phó chủ tịch quen ăn hối lộ nên đi hối lộ thân phụ của chính đối thủ. Cụ vốn là lão thành cách mạng từng bị tù ở Sơn La, từng làm Chủ tịch, Bí thư tỉnh. Hai tính cách đối ngược hẳn nhau, chơi bài ngửa với nhau, cuối cùng Lưu Minh Vương bị lấm lưng ngửa bụng. Bởi ông cụ vừa nhân đạo, tử tế nên không lột mặt nạ kẻ hối lộ, nhưng lại quyết hạ đo ván đối thủ bằng sự thẳng thắn chân thành vì công việc chung. Nên người ta chạy bằng đô la thì ông cụ chạy bằng xe ôm đến những người tử tế, công tâm để  thuyết phục những cán bộ có lương tri ủng hộ con mình.

Chương 18 "Ba mặt một lời" là cao trào cuộc đấu lí, đấu trí buộc đối thủ phải hạ vũ khí quy thuận, vừa đảm bảo đoàn kết nội bộ, ổn định tình hình vừa nắm chắc gót chân Asin làm hắn không cựa được. Trong mỗi cặp nhân vật đều có những cao trào kiểu ấy nên cuốn hút, bạn đọc phải đọc liền mạch.

- Nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét Nguyễn Bắc Sơn “rất am hiểu mọi mặt, kể cả mặt trái, mặt tối tăm cuộc sống hôm nay, rằng ông thông thạo đến chi li ngóc ngách mọi mặt đời sống, từ cao sang tới tầm thường, kể cả những chuyện vặt vãnh trong thường nhật, thậm chí nhiều khoản đạt đến mức quái kiệt". Đấy là một đánh giá thoả đáng. Ma Văn Kháng còn nói: “Hình ảnh người công chức cán bộ nhà nước hôm nay là đặc sản gần như của riêng ông". Nhưng đọc “Vỡ vụn”, tôi thấy thêm điều này: nhân vật trí thức của ông cũng hiện lên rất... trí thức, kể cả tư duy lẫn ngôn ngữ đối thoại. Không có cái suồng sã như trong “Gã Tép Riu”.

+ Thì thời nào chả thế, có hai loại: trí thức sách vở, giáo điều, máy móc như Thu và có loại trí thức đích thực, học hàm học vị không kêu boong boong nhưng có thực tài nên vốn sống, vốn hiểu biết về nhiều mặt vượt trội nhờ tự học, tự tích luỹ nên thuyết phục được cả chủ tịch tỉnh... không đua nhau mở trường đại học. Còn ngôn ngữ thì nghề nào, học vấn nào, cương vị nào ngôn ngữ phải mang dấu ấn ấy chứ.

-  Nhưng vẫn là ngôn ngữ hàn lâm như Ma Văn Kháng nói. Tôi đã đọc ông không ít. Thấy nhiều vấn đề nóng hổi của cuộc sống đương đại được đề cập, nhưng không chỉ là chuyện thời sự hôm nay như chuyện đất trồng khô khát, cả người và gia súc thiếu nước ngọt, chuyện nước mặn xâm nhập, chuyện nước biển dâng mà còn những chuyện mang ý nghĩa nguyên lí của nhận thức về quản trị xã hội mà còn những chuyện bất kỳ thể chế nào cũng phải thực hiện. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

+ Bác Hồ đã dạy, chính quyền là của dân, do dân, vì dân thì phải nghĩ đến dân trước chứ cứ chạy theo thành tích thì nguy to. Người dân phản đối việc làm sai của một bộ phận công chức công quyền là chuyện bình thường. Thậm chí chúng ta còn đang soạn thảo Luật Biểu tình, rồi Luật Trưng cầu dân ý kia mà. Thế nên Chính tư vấn cho Thành nguyên tắc: một người chịu thiệt thòi mất mát do một người hay một nhóm người trong bộ máy công quyền gây ra thì dứt khoát người đó hay nhóm người đó phải chịu trách nhiệm. Lại nữa, bất kỳ việc, chính sách gì đưa ra cũng phải đảm bảo nguyên tắc ích nước lợi nhà. Nhiều quan chức rất lạ lẫm nguyên lí ấy, cố ý làm khác đi, nhân danh những gì to lớn nhưng thật ra là vì lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm.

Bìa cuốn tiểu thuyết “Vỡ vụn” của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn.

- Sao những điều hiển nhiên như thế người ta lại cố tình không hiểu nhỉ?

+ Thì Luật Bồi thường nhà nước mãi gần đây mới ra được đấy thôi. Mà ra được là một chuyện, còn thực hiện lại là chuyện khác. Chắc nhà báo biết hai vụ án oan sai tai tiếng nhất ở ngoài Bắc trong Nam đã được lôi ra và còn bao nhiêu vụ khác không tai tiếng bằng nữa chứ. Chúng đang được giải quyết thế nào? Đấy là vấn đề quyền sống của con người, “Vỡ vụn” đã giải quyết thấu tình đạt lí khiến cho đám người đang phẫn nộ phải tâm phục khẩu phục.

Có bạn đọc ở Ý Yên, Nam Định gọi điện cho tôi, nói, nếu ông Chủ tịch tỉnh nào cũng dám đối mặt với sự thật, dám đối thoại với dân như trong “Vỡ vụn” thì dân được nhờ.

- Chuyện đổ vỡ hôn nhân vì ông ăn chả bà ăn nem thì không còn lạ nữa. Nhưng đổ vỡ vì bất đồng chính kiến của vợ chồng Chính - Thu thì có lẽ lần đầu tiên được văn học đặt ra trong “Vỡ vụn”?

+ Đúng là lần đầu tiên đấy. Hậu quả của sai lầm lớn nhất mà Đảng đã thừa nhận và đang ra sức khắc phục là bệnh duy ý chí mà. Thu bị nhiễm vào máu rồi nên mới dẫn đến bi kịch gia đình và cả bản thân nằm liệt cũng vì duy ý chí mà thôi.

- Thế còn nhân vật Sáu Ngờ? Hình như cũng lần đầu tiên một người con gái chủ định sống đơn thân chứ không phải do hoàn cảnh. Trong “Lửa đắng” đã có nhân vật Thu Phong. Nhưng Sáu Ngờ góc cạnh hơn, cá tính hơn, bản lĩnh hơn và…

+ Và không phải một lát cắt ngang mà người đọc đi suốt cuộc đời nhân vật, nếu như theo dõi hết phần hai thì… “ở trong còn lắm điều hay”.

- Ông ủng hộ hay phản đối?

+ Đấy là một thực tế xã hội đã khá phổ biến. Người viết cố gắng phản ánh và nếu phản ánh trung thực, khách quan thì có thể cũng dự báo được điều gì đó với cuộc đời này mà điều dễ nhận ra là đứa trẻ sẽ bị mất cân bằng trong giáo dục. Mẹ có ưu thế của mẹ, cha có ưu thế của cha chứ.

- Hình như ông có thay đổi trong cách viết?

+ Đúng thế. Điểm nhìn trần thuật luôn thay đổi. Khi là nhân vật này, lúc là nhân vật kia, lúc là tác giả, tạo cho người đọc sự tò mò muốn khám phá. Có hai tuyến nhân vật song hành đan cài vào nhau, mãi đến chương 38, gần kết chuyện khi cu Đại hỏi: “Thế bố tên là gì?” người đọc mới biết Chính là người đàn ông của hai người, đang đứng giữa hai người đàn bà là Chính và Thảo, mới biết Thảo chính là nhân vật xưng ở ngôi thứ nhất - Sáu Ngờ.

Bản thân Sáu Ngờ với câu đố tình không chỉ thách thức đối tượng muốn tấn công mà còn thách đố cả người đọc. Đến chương 26, gần 2/3 cuốn sách, một người thông minh, hiểu biết như Chính - thần tượng của Sáu Ngờ cũng chịu. Và đến lúc cô ta giải đáp người đọc mới biết đấy là Sáu Ngờ… Cả Thảo và Chính suốt quãng đời còn lại phải sống trong dằn vặt giằng xé, không lúc nào thanh thản, tĩnh tâm. Bi kịch này phản ánh một thực trạng xã hội khá phổ biến hiện nay mà hình như cuộc sống chưa thấy hết hệ luỵ. Xin khất nhà báo để… phần sau người viết cố gắng làm sáng tỏ hơn.

- Cảm ơn nhà văn đã chia sẻ. Mong sớm được đọc phần hai cuốn tiểu thuyết của ông.

Cao Minh (thực hiện)
.
.