Người trông coi ngọn lửa Dzá Hai

Thứ Ba, 19/12/2017, 08:06
Có một hôm, đang xem tivi, bất chợt tôi thấy hình ảnh ông Vương Hùng xuất hiện trên màn hình. Ông ấy nói về văn hóa của người Tày Nùng. Sau lưng ông là những dãy núi mờ xanh của miền đất phên giậu Cao Bằng. Cảnh đấy, người đây đã khiến tôi bần thần, nhớ lại mấy mươi năm trở về trước...


Đó là những năm tháng căng ra như dây chão nát. Khó khăn chồng chất khó khăn. Ngày ấy miền Nam mới được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất chưa được bao lâu, chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc lại xảy ra. Toàn cảnh thị xã Cao Bằng khi đó như một đống gạch vụn. Lòng người cũng đổ nát theo vôi vữa. Đời sống nhân dân các dân tộc, cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước chan đầy nước mắt; buộc họ phải tự mình đào bới, tự tìm kiếm, tự nhặt nhạnh để nuôi sống gia đình.

Thời bấy giờ, tôi là cán bộ dưới quyền, ông Vương Hùng giữ chức Phó Ty Văn hoá - Thông tin tỉnh. Giữa tôi và ông có rất nhiều kỉ niệm trong những năm công tác. Giờ được gặp lại ông, dù chỉ bằng hình ảnh, nhưng tôi vẫn thấy xao xuyến, bồi hồi. Ông vẫn còn phong độ, tuy có nhiều vết rạn chân chim ở đuôi con mắt. Tóc thưa và bạc hơn. Giọng nói kém vang. Hai bàn tay không còn chém chặt nhịp nhàng mỗi khi đứng hay ngồi nói chuyện. Biết làm sao được, tuổi tác mà. Năm nay có dễ gần tám mươi, ông lên lão rồi.

Tôi đã trót gọi ông Vương Hùng bằng chú, xưng cháu, ngay từ ngày tôi chuyển ngành về Ty Văn hóa làm việc. Thực ra, tôi chỉ bằng tuổi người em út của ông. Nhưng ngày ấy, tôi thấy ông đạo mạo trong bộ đại cán thu đông, ngồi chễm trệ trên chiếc xe commăngca đít vuông. Đi tới đâu cũng có một đoàn cán bộ nhúc nhắc ôm cặp theo sau lưng ông.

Về Trùng Khánh - Cao Bằng nghe hát Dzá Hai.

Ông Vương Hùng khi đó đã là một nhà biên kịch khá nổi tiếng. Nhiều vở diễn của ông đoạt giải thưởng cao tại các kỳ liên hoan sân khấu kịch nói và ca kịch toàn quốc. Nếu không nhầm, có lẽ ông là một trong những người đầu tiên đem tuồng Dzá Hai lên sân khấu kịch hát hiện đại.

Dzá Hai là một loại kịch tuồng, có xuất xứ từ phương Bắc, hát bằng tiếng Quảng, nhưng đã được người dân địa phương chuyển hóa thành tiếng Nùng. Một hình thức hát Dzá Hai hoàn toàn mới, khác với lời hát nguyên gốc. Nó chuyển tải những nội dung phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, của địa phương mình. Dzá Hai phát triển rầm rộ vào những năm sáu mươi, đầu thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước. Hầu như huyện nào cũng có ít nhất vài ba đội. Sau năm 1979, hát tuồng Dzá Hai hoàn toàn ngưng hẳn.

Tôi từng được cắp cặp, tháp tùng ông đi khắp nơi trong tỉnh để nghiên cứu, sưu tầm vốn văn hóa dân tộc truyền thống. Tới bất cứ đâu, ông cũng mang nụ cười đi trước, lời chào hỏi thưa gửi đi sau. Được ai mời rượu, ông chẳng từ. Nhưng chỉ nhấp môi cho phải phép. Xong bữa, đám trợ lý chuyên môn người mềm thừ như cháo. Ông chỉ cười, sẵn lòng ngồi đợi họ tỉnh rượu.

Có thể nói, ông là người ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa Tày Nùng từ rất sớm. Không chỉ ở Cao Bằng, cứ đâu có người Tày Nùng là ở đó người ta hát sli lượn, hát Dzá Hai. Người biết dạy người chưa biết. Người biết rồi còn muốn biết thêm.

Ở làng Phja Hoong, quê mẹ của tôi, cũng có một đội tuồng Dzá Hai hẳn hoi. Ngày đó, tôi vừa mới lớn, nhưng đã biết các anh chị khổ công luyện tập dựng vở, mang đi biểu diễn khắp các huyện trong tỉnh. Mỗi lần đi diễn về, đội lại bắt đầu phân công ai viết kịch, ai dàn dựng, ai thiết kế mỹ thuật, ai may khâu trang phục cho vở mới. Hồi đó, khắp nơi rộn ràng như ngày hội. Các vở diễn, nhằm phô trương thanh thế đội tuồng Dzá Hai của địa phương mình. Đội Dzá Hai làng Phja Hoong nhiều diễn viên có thể hình đẹp, giọng hát nẩy và vang. Khá nhiều nhạc công trình diễn nhạc Dzá Hai hết sức điêu luyện và có hồn. 

Họ là những "nghệ sỹ" nông dân toàn tòng, chả được học hành ngày nào, thế mà họ lưu danh suốt từ bấy đến giờ. Đấy là một điều lạ, khó có lời giải đáp. Vì ngay tại lúc này, có nhiều sinh viên nghệ thuật ra trường đã không tìm được lời mời diễn.

Mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm vui buồn một thời, ông bật dậy như cây đàn. Rồi ông nói. Ông diễn tả bằng cả con người. Miệng hát. Mắt liếc. Tay chém. Chân đá nhẹ. "Đây là điệu pìn tiảo. Điệu mở màn. Khi vai vua xuất hiện thì phải hét to giọng vang: "Chôông chaang kin"! Lập tức vai phụ cầm cờ chạy vòng quanh sân khấu. Thế. Mọi người đứng ở đằng sau vua. Tất cả nghe đây. Chuẩn bị sang điệu hý tiảo. Kèn nhị trống phách dồn dập lên. Phải vui lên chứ. Nào. Nữa. Ấy đấy. Mạnh nữa. Bắt đầu chậm rãi nhé. Tình cảm vào. Đây là điệu sli tiảo. Âm nhạc trữ tình. Chậm thôi. Chậm nữa. Thế. Được rồi".

Ông như ngọn lửa rừng rực cháy. Tình yêu Dzá Hai ở nơi ông hầm hập tỏa sức nóng sang nhiều người khác. Căn phòng dành riêng cho Phó ty lúc nào cũng chật cứng người đến góp chuyện. Họ là trợ lý nghệ thuật, là cán bộ xuất bản, thư viện, bảo tàng... Bọn chúng tôi từng ngồi nghe ông kể hàng giờ về chữ Tày Nùng cổ. Nhưng ngày nay thất truyền hết cả rồi. Chỉ còn người anh em Thái đen Thái trắng là còn giữ được, đó là hệ chữ "Mai căm". "Mai căm" là gì hả chú? "Chữ hình con giun, hình giá đỗ ấy". "À có phải là nó thuộc hệ Phạn ngữ không hả chú?” "Chính nó đấy. Hồi Pháp thuộc, tớ được đi theo ông cụ dạy học tận Sơn La, Lai Châu sang đến Nghĩa Lộ Mường Lò. Vì thế tớ mới biết".

Bỗng ông chùng hẳn cả người xuống. Mớ tóc xoăn chìm vào miền xa thẳm. Hình như ông đang nhớ tiếc. Nỗi nhớ tiếc làm sắc mặt ông mờ đi một góc. Trước khi trở thành Phó ty, tôi không biết ông làm gì, ở ngành nào. Học vấn đến đâu, văn bằng tú tài hay cử nhân. Nhưng ai hỏi gì về văn hóa văn nghệ dân tộc Tày Nùng, ông đều trả lời gẫy gọn, dễ hiểu.

Đặc biệt, về lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Cao Bằng. Về các sự kiện và nhân vật lịch sử là người dân tộc thiểu số. Ông truy tìm đến tận cùng nguồn gốc. Lúc chưa  chín chắn, ông chưa mở miệng nói. Ông có đầy đủ các luận cứ khoa học. Có nhân chứng vật chứng, để bảo vệ ý kiến. Không ai dễ gì bắt bẻ được ông. Vì thế, có nhiều nhà khoa học lịch sử, có tầm cỡ quốc gia phải kính nể.

Ông là một người cả đời chuyên chú say mê lao động nghệ thuật. Nhưng chỉ ở mức đóng góp cho phong trào. Có người hỏi tại sao ông không làm gì ra tấm ra món để đời. Ông cười khì. Cái tạng của tôi nó ba xú ba tý thôi. Ba tý ba xú là gì tôi chưa kịp hỏi, chắc nó có nghĩa như hổ lốn, mỗi thứ một chút. Ông chưa bao giờ nói về mình. Lúc nào cũng xưng tớ với học trò hoặc đám cán bộ cấp dưới. Chưa bao giờ ông lớn tiếng với ai. Cả đời cống hiến, mà không hề đòi hỏi, dù chỉ là viên thuốc. Bây giờ nhìn thấy ông trên màn hình, tự nhiên tôi ngàn ngạt.

Nhớ ngôi nhà nhỏ của ông ven suối, cách thị xã không xa, nhưng đường vào rất khó. Gặp phải hôm trời mưa, ông phải "bò bốn chân" qua cầu. Cầu bằng bốn thanh tre ghép lại, mỗi lần đi qua thấy bóng mình rung rung trên nước. Tôi cũng chưa kịp hỏi tại sao ông không làm đơn lên trên, xin miếng đất ở nội thị. Lớp cán bộ cùng trang lứa với ông, ai cũng nhà cao cửa rộng lâu rồi.

Tôi biết rằng, nếu có hỏi thì ông cũng tảng lờ nhìn lên trần nhà thay câu trả lời bằng một tràng cười giòn tan, vô tư như nước suối trong. Nhân vô tham, họa bất sinh! Lòng người không tham. Chẳng lo gì tai vạ.

Khi về dưới này, tôi được nghe nhà văn Đặng Ái cho biết. Ấy là vào những năm sáu mươi hay bảy mươi gì đó, ông Vương Hùng có theo học lớp viết văn mấy tháng ở Quảng Bá. Hồi đấy có ông đốc Hồng làm Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng viết văn (nhà văn Nguyễn Tuân toàn gọi nhà văn Nguyên Hồng là ông đốc Hồng). Học xong, ông trở lại Cao Bằng làm việc.

Đấy là những nét chấm phá mờ nhạt mà tôi biết được về lai lịch con người này. Nhưng với tình yêu văn hóa Tày Nùng ở nơi ông, thì hiện lên rất rõ nét và nguyên khối. Biết bao tích chuyện từ thời thượng cổ và ngày nay, được ông làm sống lại, qua những làn điệu Dzá Hai da diết, phục vụ đắc lực cho người xem.

Y Phương
.
.