Người tô thắm sắc màu cho xứ sở ngàn hoa

Thứ Năm, 22/10/2015, 08:00
Cương trực, trọng lẽ phải, ghét thói gian manh xu nịnh, Nguyễn Thái Hiến là một người tận tâm tận lực, giàu tính sáng tạo và quyết đoán trong công việc. Ông đã đến Đà Lạt từ năm 1927 và trở thành người đầu tiên có công đưa dân Nghệ Tĩnh lên lập nghiệp ở Đà Lạt; tích cực nhập nhiều giống rau, hoa của Pháp về sản xuất và tổ chức kinh doanh hiệu quả.

Tài liệu của ông Nguyễn Thái Tự, con trai ông Nguyễn Thái Hiến trong tác phẩm "Tìm hiểu lịch sử họ Nguyễn Thái (Văn Tràng)" do Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành tháng 12 năm 2012 ghi rõ: "Ông Nguyễn Thái Hiến, còn có tên là Doãn, thường gọi là Xu Hiến (Xu là chức danh tiếng Việt của chữ Surveillant), sinh năm 1898 tại làng Yên Tứ, xã Văn Tràng, tổng Đô Lương, phủ Anh Sơn nay là huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An... 

Ông vốn thông minh, 11 tuổi mới được đi học mà 20 tuổi đã kịp thi Hương khóa cuối (1918). Vào đến tứ trường, không may một giọt mực rơi vào bài luận Hán Văn, bị coi là phạm quy nên bị đánh hỏng.  Chuyển sang Tây học, ông tốt nghiệp Trường Canh nông Tuyên Quang - nơi đào tạo những nhà nông học đầu tiên của nước ta.

Ông Nguyễn Thái Hiến cùng vợ.

Năm 1924, tốt nghiệp, ông bổ dụng làm kiểm lâm ở Phan Thiết, sau chuyển lên phụ trách việc trồng hoa cây cảnh cho thành phố Đà Lạt (1927)". Ở Đà Lạt, ông Nguyễn Thái Hiến được phân làm Giám thị lục lộ và trồng rau, hoa trong khuôn viên công sứ. Ông đã từng bước thay đổi bộ mặt của thành phố Đà Lạt. Những giống rau, hoa từ Pháp đưa sang Việt Nam trồng thí nghiệm và sử dụng cho nhu cầu của quan chức Pháp ở Đà Lạt đã được ông mạnh dạn cung cấp cho bà con người Việt trồng.

Người Đà Lạt bắt đầu biết đến tên gọi của nhiều loài hoa mới nhập từ nước ngoài về, như: Marguerite, gebéret, lys, glaieul, thược dược, arrum, hortensia, mimosa, cẩm tú cầu, hoa hồng…; biết đến các loài rau củ quả như các loại sú (choux): sú Tàu, sú Alsace, sú Boston, sú Copenhague, sú Tím, sú lơ… Các loại xà lách, như  Lê-tuy (laitue), Ét-ca-rôn (escarolle), Si-cô-rê (chicore1e), xà lách tím…các loại củ như: Cà rốt, củ dền - bạch tạp (bettrave), Ra-đi (radi), củ cải trắng, Xanxipi (salsifi), khoai tây, thìa là (fenouuille), cà chua, poarô (Poireau) hành, poarô ( Poireau) tỏi, cần tây, ớt tây, su su, măng Tây...; biết đến nhiều loại cây ăn trái như: Đào Vân Nam, dâu tây bơ, táo tây (pomme), Mận bom...

Người Đà Lạt rất tự hào về cây ac-ti-sô (Artichaut) và đã tận dụng toàn bộ thân, rễ, hoa để chế biến thành thuốc trị bệnh gan. Hoa Artichaut được hầm cùng với giò heo thành món đặc sản ẩm thực chỉ có ở Đà Lạt.  Hiện nay cây Artichaut được nhiều công ty, cơ sở sản xuất… chế biến thành cao Artichaut, trà túi lọc Artichaut...

Người có công lao đưa cây Artichaut vào trồng và chế biến phải kể đến ông Nguyễn Thái Hiến. Ông là người tích cực hướng dẫn cho bà con người Nghệ An - Hà Tĩnh ở Đà Lạt do ông đưa vào những kinh nghiệm tiên tiến về nghề trồng rau, hoa, về cách gieo hạt giống, cách trồng cây, bứng cây con bằng phương pháp tưới giàn gieo ẩm, cách tưới nước, bón phân… thật tỉ mỉ và khoa học. Chính ông đã đề nghị với chính quyền sở tại cho phép di dân từ ngoài quê Nghệ An của ông vào lập nghiệp, mở rộng thành ấp Tân Lạc, Trại Mát… về sau có thêm Đất Làng. Ông đã giao cho em ruột là Nguyễn Thái Thanh chăm sóc hai vườn rau ở Tân Lạc và Trại Mát. Ông Nguyễn Thái Hiến còn nghĩ đến việc thành lập một Thương điếm để tiêu thụ nông sản phẩm cho bà con nông dân, mở rộng giao lưu buôn bán với các tỉnh bạn và vươn ra các nước láng giềng.

Ông kết hợp với ông Tôn Gia Huồng - một công chức làm việc ở Phan Thiết, từng học trường École Pratique (Trường thực hành) Huế và bạn bè góp vốn mở Nouveautés Hanoi - một tiệm bách hóa lớn thời bấy giờ ở Đà Lạt (nay là nhà sách Phương Nam). Tiệm đã hoạt động rất mạnh và thành công, bằng cách hỗ trợ cho bà con ứng trước gạo, thực phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu… đến mùa bà con trả bằng sản phẩm. Tiệm còn mở rộng hoạt động về vận chuyển sản phẩm đến địa phương khác để tiêu thụ….Ông là một doanh nhân có tầm nhìn xa trông rộng. Ngay từ những năm tháng ấy, ông đã nghĩ đến việc xuất nhập khẩu, đã biết quảng cáo cho cửa tiệm của mình bằng áp - phích. Tên cửa hiệu Nouveautés Hanoi có nghĩa là những mặt hàng mới của Hà Nội.

Cây mai anh đào được trồng ở Đà Lạt cũng là công của ông. Nguyễn Thái Hai, con ông Nguyễn Thái Hiến từng viết: "Cây mai là một đặc sản của thành phố Đà Lạt, một giống hoa không nơi nào có…Với dáng cây mảnh khảnh, mai vươn lên cao để khoe màu sắc và uốn mình rung rinh theo gió. Hằng năm vào dịp cuối năm, khí trời mớm lạnh, hoa trổ thành chùm nhỏ màu hồng pha tím, cánh mỏng, nhụy nhỏ. Cánh hoa mỏng manh rơi rụng bay lả tả theo gió nói lên cái đẹp thơ mộng đặc biệt và duy nhất của Đà Lạt. Mai Đà Lạt có khuyết điểm là chỉ tươi đẹp khi còn trên cây nhưng rất mau héo khi bị cắt để chưng trong nhà. Do đó, một số người gốc Bắc nhớ hoa đào đã dùng các cành đào, loại ăn trái để trưng vào dịp Tết, tuy ít hoa nhưng lạ mắt nên thành quý".  

Ông Nguyễn Thái Hiến đặt tên cây Mai Đà Lạt là Hoa Mai Anh Đào vì dựa trên hình dáng bên ngoài của cây và hoa có màu hồng nhạt như hoa đào ngoài Bắc. Ông cũng là người chọn lọc cây Mimosa - một giống cây hoa có màu cẩm thạch, phủ lớp mốc, mặt lá của cây lấp lánh óng ánh màu bạc trông rất lạ - để trồng trên các đường phố, công viên ở Đà Lạt. Cây Mimosa là do một người bạn của ông ở nước ngoài mang về.
Cánh đồng rau ở cao nguyên Đà Lạt.

Nghề trồng rau, hoa Đà Lạt ngày càng được tôn vinh, lễ hội Festival Hoa được tổ chức 2 năm một lần, nhân dân Đà Lạt càng thầm cảm ơn những gì mà ông Nguyễn Thái Hiến đã cống hiến và tô thắm thêm sắc màu cho thành phố cao nguyên này.    

Ông Nguyễn Thái Hiến đã đưa nhiều gia đình từ quê nhà ở Nghệ An lên cao nguyên lập nghiệp. Cùng với ông Nghiêm Trang người Hà Tĩnh, ông vận động xin thành lập ấp Nghệ Tĩnh với sự góp sức của ông Phạm Khắc Hòe, người cùng quê, lúc đó đang giữ vai trò Quản đạo Đà Lạt. Không có "triện son" và sự quyết tâm của ông Phạm Khắc Hòe thì việc lập ấp cũng khó thành hiện thực. Nhưng công đầu phải kể đến ông Nguyễn Thái Hiến. Thuở ban đầu (1940), ấp Nghệ Tĩnh chỉ có 36 ha, chủ yếu trồng rau.

Ấp Nghệ Tĩnh nằm dưới một thung lũng trọc, sình lầy và nhiều cỏ dại, cây rừng rất ít và được phân chia thành từng lô bằng nhau. Muốn trở thành cư dân của ấp Nghệ Tĩnh, yêu cầu phải sống tại Đà Lạt hơn một năm và chưa đứng tên một lô đất nào. Nhiều bà con Nghệ Tĩnh có vườn nhỏ ở Tân Lạc phải bán đi mới có đủ cơ sở để được làm cư dân ấp Nghệ Tĩnh.

Ông Nguyễn Thái Hiến có nhiều ý tưởng hay nên đã kiến nghị với chính quyền sở tại cho lập ấp trên cơ sở mở rộng một con đường xung quanh đủ rộng cho ô tô đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện và đồng ý cho mọi người, anh em bằng hữu ngoài lô đất đã được cấp phát có thể bốc thăm một lô gần kề để giúp nhau khi sang nhượng, mở rộng diện tích. Ý tưởng này về sau rất hữu dụng. Phần lớn những người Nghệ An di dân tiên phong này đều đưa cả gia đình ngoài quê vào lập nghiệp. Ông Nguyễn Thái Hiến lại đứng ra kêu gọi bà con trong ấp xây dựng một ngôi đình để thờ tự. Đình Nghệ Tĩnh được xây dựng theo truyền thống văn hóa xứ Nghệ, nay đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Những ngày Việt Minh cướp chính quyền ở Đà Lạt, ông được mời về tỉnh Đồng Nai Thượng tham gia trong Ủy ban Lâm thời của tỉnh và được giao trọng trách làm trưởng đoàn cán bộ đưa vàng ra Huế nộp Chính phủ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về báo cáo, bàn giao hồ sơ biên nhận thì bị Pháp bắt và trục xuất khỏi Đà Lạt. Ở Đà Lạt những năm sau đó, hai ấp Hà Đông và Nghệ Tĩnh tách khỏi phường 4 để lập thành làng Trung Bắc theo quyết định số 89 của Thị trưởng Đà Lạt đã ký ngày 8 tháng 9 năm 1948. Diện tích trồng rau ở các ấp Tân Lạc, Trại Mát, Đất Làng, Xuân An… bước đầu đã được tăng lên, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ tại chỗ và vận chuyển về Sài Gòn.

Để vỡ đất, đào xới đất trước đây nông dân Đà Lạt sử dụng cuốc. Từ ngày bà con Nghệ An lên lập nghiệp, ông Nguyễn Thái Hiến đã đưa loại xe cút kít bánh gỗ theo mẫu xe chở đất đắp đập Đô Lương trên sông Lam vào sử dụng nên hiệu quả cao hơn. Ông còn tận dụng các phụ tùng xe đạp bỏ đi cải tiến thành cái đòn gánh điều chỉnh chiều cao vòi nước dễ dàng cho mãi đến cuối năm 1948, khi máy bơm nước ra đời thì mới không còn sử dụng.

Những gì ông Nguyễn Thái Hiến cống hiến cho thành phố Đà Lạt là rất đáng ghi nhận. Trong cuốn Từ điển "Nhân vật xứ Nghệ" do Ninh Viết Giao chủ biên, Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An xuất bản, trang 460 và 461 cũng đã ghi nhận công lao của ông Nguyễn Thái Hiến trong việc đưa nghề trồng rau, hoa lên Đà Lạt và tham gia hoạt động tích cực tại địa phương, cũng như kết hợp đông tây y phục vụ nhân dân trong tỉnh.

Trần Ngọc Trác
.
.