"Người thổi sáo" Nguyễn Quang Thiều
- Người thổi sáo và thế giới sắc màu trong tranh Nguyễn Quang Thiều
- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mở triển lãm tranh "Người thổi sáo"
- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và thú chơi "Cây ánh sáng"
Hình tượng "Người thổi sáo" trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều được trưng bày tại triển lãm, đã khiến tôi có cảm giác tác giả của nó đang muốn lan tỏa những giai điệu đẹp, thông điệp về tình yêu thương và lòng biết ơn đối với cái đẹp. Chỉ có cái đẹp và tình yêu thương mới có thể nâng đỡ, cứu rỗi tâm hồn con người...
Triển lãm "Người thổi sáo" của Nguyễn Quang Thiều trưng bày hơn 50 bức tranh sơn dầu, màu nước, pastel với bức khổ lớn nhất là 150x180cm và khổ nhỏ nhất là 50x70cm. Các tác phẩm hầu hết được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ trong 3 năm trở lại đây, trong đó có một số bức tác giả mượn lại của những người đã sở hữu chúng.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. |
Con đường Nguyễn Quang Thiều đến với hội họa cũng thật tình cờ. Ông từng chia sẻ rằng, một người bạn của ông là dịch giả, họa sĩ Phạm Long Quận từ Cuba trở về và chưa có nhà, nên đã đem tranh, toan và màu vẽ gửi tại nhà ông. Vào một buổi trưa, Nguyễn Quang Thiều đã lấy một tuýp màu vàng bóp nhẹ lên toan. Chính màu vàng lộng lẫy vừa hiện ra đó đã khiến ông như bị thôi miên và có sức hút không thể nào cưỡng lại được và bị cuốn theo.
Chỉ 5 tháng sau, cũng thật tình cờ Nguyễn Quang Thiều đã tham gia triển lãm "Nhà văn vẽ" (tháng 5-2005) cùng các nhà văn khác là Hoàng Minh Tường, Đoàn Lê, Đỗ Minh Tuấn và Trần Nhương. Lúc đó nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã trưng bày tại triển lãm này 14 tác phẩm. Về sau, hầu hết các tác phẩm này đã được bán và số tiền có được ông đã cất được một căn nhà 2 tầng cho bố mẹ ở quê.
Sau đó, bẵng đi nhiều năm ông không vẽ cho đến khi gặp lại những bức tranh mình vẽ từ năm 2005 đã vứt đi, lại được treo trang trọng trong nhà ông Trịnh Văn Sỹ - thành viên nhóm “Nhân sĩ Hà Đông”. Những bức tranh đã bị ông vứt đi ấy, được cố nhà thơ Dương Kiều Minh nhặt lại và gìn giữ, đến khi biết mình không thể sống được nữa mới tặng lại cho Trịnh Văn Sỹ. Chuyện này đã khiến nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vô cùng xúc động.
Cùng năm đó, ông Trịnh Văn Sỹ xây xong nhà thờ và ngỏ ý muốn được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tặng một bức tranh. Và thế là ông đã trở lại với hội họa bằng bức tranh "Người thổi sáo 1" - một tác phẩm mà ai bước vào phòng tranh cũng muốn đứng trước nó thật lâu, bởi từ bức tranh như ngân lên một giai điệu trong trẻo, dịu êm đầy mê hoặc và một cảm giác thật bình yên, tĩnh lặng.
Tác phẩm "Người thổi sáo 1". |
Sau hơn 15 năm, Nguyễn Quang Thiều đã đánh dấu sự trở lại với hội họa của mình với một triển lãm đầy sắc màu cuốn hút, đầy suy tưởng nội tâm nhưng cũng đầy chất thơ.
Lại nói về tên triển lãm và hình tượng "người thổi sáo" được trở đi trở lại nhiều lần trong những tác phẩm của mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ rằng: "Cách đây nhiều năm, tôi gặp một nỗi muộn phiền không cách nào thoát ra được. Một buổi sáng, tôi đang ngồi uống cà-phê tại một quán ven đường ở thị xã Hà Đông, thì gặp một người thổi sáo mù đi qua. Tôi đã tha thiết đề nghị người thổi sáo ấy thổi cho tôi nghe một khúc nhạc nào mà ông muốn thổi nhất. Người thổi sáo mù ấy đứng lặng im, nhìn tôi bằng đôi mắt không thấy gì và nâng cây sáo lên thổi một khúc nhạc. Tự dưng, tôi thấy mọi nỗi muộn phiền như tan biến hết. Sau này, tôi có nhiều lần ngồi ở quán cà-phê đó chờ người thổi sáo mù đi qua, nhưng không bao giờ gặp lại ông ấy nữa!".
Những lời chia sẻ này của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, khiến cho tôi cảm nhận rõ ràng hơn rằng, ông là người lúc nào cũng mang nặng ân tình với cái đẹp. Ông dù làm thơ, viết văn hay vẽ, vẫn chỉ kiên định một con đường muốn lan tỏa những giai điệu đẹp, tình yêu thương và lòng biết ơn đối với cái đẹp. Ông ý thức rất rõ ràng rằng, chỉ có cái đẹp và tình yêu thương mới có thể nâng đỡ tâm hồn con người, cứu rỗi loài người...
Từng đi dự khai mạc nhiều triển lãm tranh, nhưng tôi chưa từng thấy một buổi khai mạc nào đông người đến dự như triển lãm tranh của Nguyễn Quang Thiều. Người ta đứng chen vai nhau trong một không gian tương đối hẹp để lắng nghe những chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và các bạn bè của ông về hội họa, về con đường nghệ thuật mà ông đã theo đuổi.
Ông bày tỏ: "Tôi làm tất cả mọi thứ: vẽ tranh, làm thơ, dịch sách, viết tiểu thuyết, viết truyện thiếu nhi, viết kịch, làm báo, nấu ăn, trông cháu, làm đèn cù… Làm tất cả nhưng không phải để tôi trở thành tất cả, tôi làm tất cả vì tôi muốn được sống một cách nhiều nhất. Tôi luôn nghĩ một ngày mình cần 48 tiếng đồng hồ để làm tất cả những điều mình muốn. Mặc dù công việc bận mù mịt nhưng không có điều gì có thể dừng tôi lại trong sáng tạo, chìm đắm trong thế giới của ngôn ngữ, của màu sắc. Bởi vì như thế tôi mới được sống tốt nhất!".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng tự nhận định về con đường đến với hội họa của mình rằng: "Tôi không phải là một họa sĩ mà chỉ là kẻ bị màu sắc thống trị" và "chỉ là người đi ngang qua cánh đồng hội hoạ!".
Tác phẩm "Cây đời 4". |
Nhưng chính người bạn thân thiết của ông là hoạ sĩ Lê Thiết Cương đã chia sẻ tại buổi khai mạc: "Tôi được Nguyễn Quang Thiều cho xem tranh cách đây 4 tháng để chọn ra được 53 bức trong triển lãm này. Nguyễn Quang Thiều tự nhận mình là người đi ngang qua cánh đồng hội hoạ và bị hình màu thôi miên, nhưng tôi lại nghĩ khác. Nguyễn Quang Thiều mộng du qua cánh đồng hội hoạ. Để viết một tiểu thuyết, làm bài thơ hay truyện ngắn khó nhất là tìm ra cái giọng của mình. Nguyễn Quang Thiều đã chọn chính xác cho giọng hội hoạ của mình là giọng mộng du. Bởi, chỉ có qua mộng du mới bật ra được vẻ đẹp vô lý của có lý. Nó không cần phải quá quan trọng về màu gì, hình gì, bút pháp gì, bố cục đậm nhạt gì, mà toàn bộ cái mộng du đó nó sẽ chỉ huy người hoạ sĩ. Đấy là cái đẹp của Nguyễn Quang Thiều!".
Khi bắt đầu viết những dòng đầu tiên của bài viết này, tôi đã tìm thấy tập thơ "Sự mất ngủ của lửa" - tập thơ từng gây tiếng vang, gây tranh cãi nhưng lại là sự xác lập con đường nghệ thuật mà Nguyễn Quang Thiều theo đuổi từ đó đến nay. Tôi đọc lại toàn bộ tập thơ và lời tự sự của ông khi tập thơ được tái bản lần đầu năm 2015, đọc danh mục những cuốn sách chuẩn bị xuất bản vào thời điểm đó và thấy thực sự khâm phục.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều luôn luôn tâm niệm rằng, "khoảnh khắc kỳ diệu và hạnh phúc nhất của một nghệ sỹ là khi anh ta đang viết một bài thơ, một truyện ngắn, đang vẽ một bức tranh. Còn sản phẩm sau đó có thể là một văn bản nghệ thuật không hoàn thiện, và thậm chí không phải là một văn bản nghệ thuật. Điều đó không phải là điều hệ trọng nhất. Điều hệ trọng nhất đối với mỗi chúng ta là được sống và được sáng tạo trong tự do vô tận của mình..." - như lời ông Trịnh Văn Sỹ, thanh viên nhóm "Nhân sĩ Hà Đông" phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm "Người thổi sáo" sáng 7-1 vừa qua.
Cách đây ít lâu, trong buổi kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Kim Lân tổ chức tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (lúc ấy vẫn chưa là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã kể cho tôi nghe một câu chuyện khiến tôi phải suy nghĩ:
"Cách đây nhiều năm, trong một lần nói chuyện về văn chương và trẻ em, một phụ huynh đề nghị tôi và các nhà văn hãy viết một cuốn cẩm nang về những cạm bẫy mà những đứa trẻ khi bước vào đời sẽ gặp phải để chúng có thể tránh được.
Tôi đã nói rằng, nếu các nhà văn viết một cuốn cẩm nang có tên 1.000 cạm bẫy và cách phòng tránh, thì khi bước vào đời mà gặp cái cạm bẫy thứ 1001, những đứa trẻ sẽ gục ngã. Vì thế, không có một cuốn cẩm nang nào đầy đủ để những đứa trẻ của chúng ta có thể tránh được mọi cạm bẫy có thể gặp trong đời.
Nhưng nếu chúng ta gieo vào tâm hồn trẻ nhỏ những hạt giống của mĩ học và chủ nghĩa nhân văn, thì chúng sẽ đi qua mọi cạm bẫy khi cái đẹp và lòng nhân ái trú ngụ trong tâm hồn chúng. Khi cái đẹp và chủ nghĩa nhân văn là nền tảng của tri thức và lương tâm, chúng sẽ nhận biết được thiện ác, chúng sẽ luôn hướng tới cái đẹp và lòng nhân ái. Và từ đó chúng sẽ tránh được mọi cạm bẫy của những gì xấu xa có thể đến trong đời!".
Và dường như mọi lúc, mọi nơi, trong mọi sáng tạo nghệ thuật mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều luôn theo đuổi mục tiêu này. Trong mắt tôi, Nguyễn Quang Thiều chính là hiện thân của một "Người thổi sáo"!