Người thích giải mã những hiện tượng bất thường của lịch sử
Sau tiểu thuyết "Mùa hè giá buốt" được trao Giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Tp HCM 5 năm (2006-2011) lần đầu tiên, nhà văn Văn Lê lại vừa cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết "Mỹ nhân" do NXB Phụ nữ ấn hành quý I/2013. Viết văn, làm thơ, biên kịch, đạo diễn - ở vai trò nào Văn Lê cũng gặt hái được nhiều thành công. Nhà văn thuộc thế hệ chống Mỹ có sức sáng tạo bền bỉ, dồi dào như ông - ở thời điểm hiện nay có lẽ không còn nhiều.
Nỗi ám ảnh Mậu Thân 1968
Nhà văn, Nghệ sĩ Ưu tú Văn Lê tên thật là Lê Chí Thuỵ, cầm tinh con trâu, sinh năm 1949 tại Ninh Bình. Thời chống Mỹ, ông phải sớm rời ghế nhà trường để nhập ngũ, vào chiến đấu ở Nam Bộ. Nhờ có năng khiếu văn học, ông được điều chuyển sang công tác chính trị, văn hóa trong quân đội. Ông từng là phóng viên Báo Văn nghệ Quân Giải Phóng, Văn nghệ Giải Phóng, Văn nghệ. Năm 1977, khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông đã tái ngũ, vừa cầm súng vừa cầm bút ở mặt trận 479 cho tới năm 1982 mới ra quân về làm việc tại Hãng Phim Giải Phóng ở Tp HCM.
Văn Lê gặt hái được nhiều thành công trong thơ, văn xuôi lẫn điện ảnh. Ở tuổi 26, ông đoạt Giải A cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ năm 1974-1975. Năm 1982, ông được trao Giải B cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1994 ông được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt
Văn Lê cho hay: "Tôi muốn tiệm cận, lý giải vì sao, bằng cách gì mà trong hoàn cảnh ác liệt, cùng cực như thế, người Việt chúng ta đã gượng dậy được và chiến thắng. Trước đây, có lúc người ta cho rằng đó là nhờ lòng căm thù, nhưng tôi lại nghĩ khác, chúng ta chiến thắng bằng chính tình yêu, vì suy cho cùng những người lính cách mạng bằng sức mạnh tình yêu đã chiến thắng kẻ thù có tình yêu sức mạnh". Và sức mạnh tình yêu ấy cũng từng được Văn Lê thể hiện trong tập thơ "Phải lòng":
Bạn bè, đồng chí của tôi
Thương nhau dâng hiến trọn đời thanh xuân
Sống thì lấy thân che thân
Lấy tình bọc lấy cái nhân con người
Cũng vì tình nghĩa cả thôi
Mà ràng mà buộc mọi đời với nhau.
Là người trực tiếp tham gia Chiến dịch Mậu Thân 1968, lại từng có cơ hội tiếp xúc với nhiều tư liệu lịch sử thuộc dạng "tuyệt mật" và gần gũi với những nhân vật quan trọng, nhà văn Văn Lê tâm sự rằng chiến dịch này đã ám ảnh hầu hết những người trong cuộc còn sống sót, đồng thời cũng là nỗi trăn trở của nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp về sự thành bại của nó. "Tôi viết về Mậu Thân 1968 để mọi người chiêm nghiệm, suy ngẫm về thành bại đó. Các chiến sĩ xuống đường đánh vào thành phố với tâm trạng vô cùng hưng phấn, giống như trận đánh cuối cùng. Cấp trên cũng có ý định chấm dứt chiến tranh bằng chiến dịch này. Sau đợt 1, quân giải phóng thu được một số thắng lợi. Có lẽ do ý muốn cấp trên đánh cho địch "lấm lưng" nên đã tiến công đợt 2. Trước sự phòng bị và phản công quyết liệt của địch, cái giá xương máu mà quân ta phải trả thật to lớn".
Về sự kiện Mậu Thân 1968, có nhiều nhà văn cách mạng lẫn đối phương đã viết. Dù ở bên này hay bên kia, các tác phẩm viết trong chiến tranh đều không tránh khỏi lối tư duy một chiều, chưa phản ánh đúng cả mặt phải lẫn những góc khuất trong mặt trái của chiến tranh. Chỉ khi nước nhà đã thống nhất, có độ lùi về thời gian, thì nhà văn mới có đủ tư liệu, cách nhìn khách quan để viết về chiến tranh một cách trung thực hơn. Đó cũng là điều kiện lý tưởng cho bộ ba tiểu thuyết của Văn Lê về Mậu Thân 1968, đặc biệt là "Mùa hè giá buốt" vừa hiện thực vừa huyền ảo, được đánh giá cao. Năm 2008, tác phẩm này đoạt Giải B (không có Giải A) - giải thưởng 5 năm một lần của Bộ Quốc phòng, và sau đó được trao Giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Tp HCM (2006-2011), giải thưởng 5 năm một lần đầu tiên của Tp HCM.
Giải mã những hiện tượng bất thường của lịch sử
Ngay khi bước vào làm bộ phim tài liệu đầu tiên cách đây hàng chục năm, Văn Lê đã dựng ngay "Sài Gòn xuân 68" đầy ấn tượng, được trao giải thưởng Galaxy của Nhật Bản. Gần đây, trong dịp mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, khi bộ phim đề tài lịch sử "Long Thành cầm giả ca" đoạt nhiều giải thưởng lớn, tên tuổi Văn Lê cũng được vinh danh với tư cách nhà biên kịch. Ông thổ lộ: "Tôi vốn rất say mê lịch sử. Đối với kịch bản này, tôi sử dụng lịch sử hình dung thời thế lúc ấy hỗn độn thế nào; và cuộc đời con người bấp bênh, mà đặc biệt là giới nghệ sĩ có khuynh hướng sống ra sao. Nghệ sĩ là người có tài nhưng thường yếu đuối và quá nhạy cảm. Cô ca kỹ bậc nhất Long Thành - nàng Cầm và đệ nhất thi hào Tố Như là hình ảnh những nghệ sĩ tiêu biểu nhất cho thời kỳ phức tạp đó. Cuộc đời họ như khúc ca buồn luẩn quẩn với thân phận con người".
Bộ phim là sự kết hợp đẹp và ăn ý giữa đôi nghệ sĩ tài hoa Văn Lê - Đào Bá Sơn. Vốn sinh trưởng ở đất Ninh Bình - nơi có cố đô Hoa Lư gắn liền với những biến cố của hai triều đại Đinh - Lê ngắn ngủi và sự khởi đầu triều Lý, Văn Lê hiểu biết khá sâu rộng về chính sử lẫn dã sử. Ông nói: "Khi phản ánh một câu chuyện phim có yếu tố lịch sử hoặc nhân vật lịch sử, người cầm bút không phải mô tả mà là làm sống lại lịch sử. Điều đó đòi hỏi người viết không chỉ am hiểu lịch sử mà còn phải giải mã được những hiện tượng bất thường của lịch sử. Chẳng hạn thời Đinh - Lê, tôi rất băn khoăn khi đọc sử về chuyện Đỗ Thích, một viên quan chi hậu lại có thể giết vua. Đỗ Thích không có phe cánh, thân thích trong triều Đinh, nên hắn không thể nghĩ quẩn đến mức giết vua để được làm vua. Đỗ Thích cũng không có thù oán gì với nhà vua, nên khó mà nói việc hắn giết vua là do tư thù. Vậy thì Đỗ Thích giết vua để làm gì? Liệu có một thế lực nào đó đứng sau lưng y?... Nhiệm vụ của người viết kịch bản phim truyện là phải tìm và lý giải cho ra cốt lõi vấn đề hóc búa này".
Bằng kinh nghiệm của bản thân, Văn Lê boăn khoăn: "Tôi có cảm giác phần lớn các nhà làm điện ảnh của ta đang thiếu cảm xúc. Một số người sau khi nhận phim, chưa bàn đến chuyện làm phim thế nào mà lại bàn chuyện mình được bao nhiêu tiền. Khi đồng tiền xâm nhập vào tâm hồn nghệ sĩ như thế thì đòi hỏi có phim hay là không thực tế".
Trên lĩnh vực phim ảnh, Văn Lê có một người con trai đang bước đầu nối nghiệp. Còn đối với văn chương, điều thú vị là gia đình ông hiện có tới ba nhà văn. Những năm sau ngày đất nước thống nhất, một cô giáo viết văn quê Phú Yên đã nổi lên với những truyện ngắn đăng trên báo chí Tp HCM, được nhà văn Trần Bạch Đằng khen ngợi. Đó là nhà văn Lệ Thu, người sau này thành ý trung nhân của nhà văn Văn Lê. Nhưng, trước hào quang của đấng lang quân Văn Lê, chị Lệ Thu đã âm thầm rút khỏi văn đàn và chỉ… sáng tác trong im lặng. Dù như thế nào thì tình yêu đối với người đẹp miền biển Sông Cầu luôn là một phần niềm cảm hứng cho Văn Lê:
Anh sùng tín người đàn bà Lạc Việt
có cặp mắt đen như thể reo cười.
Họ đỏng đảnh như biển khơi,
quyết liệt như biển khơi và cũng yêu như biển khơi quyết liệt!
Yêu đến mất hồn mà không thèm biết.
Yêu đến mê man trong suốt cả kiếp người!
Họ xông ra biển khơi
Dĩ nhiên không chỉ là kiếm sống!
Họ muốn thử sức mình trước trời cao, biển rộng.
Muốn đạp sóng đại dương, chém cá Tràng Kình.
Gần đây, con gái của họ là Tịnh Thủy lại nổi lên như một dịch giả trẻ có tài, nhất là qua tiểu thuyết "Chạng vạng" được chuyển thể và dựng thành phim gây tiếng vang. Một gia đình có không khí văn nghệ như thế mà không viết hay mới là điều lạ!
Đối với con người đa năng và tài hoa Văn Lê, đề tài lịch sử với những hiện tượng bất thường vẫn là nỗi ám ảnh thường trực trong ông. "Tôi vẫn cảm thấy vô cùng khó lý giải, rằng vì sao, vì lẽ gì, bằng tình yêu như thế nào mà người lính vẫn ra đi dù biết họ sẽ chết? Phải chăng chỉ có dân tộc này mới có sức chịu đựng đến mức lạnh lùng như thế, để tồn tại, để chiến thắng?". Khi mà trong lòng Văn Lê vẫn còn nỗi nghi vấn đầy "bất an" ấy, có nghĩa người đọc còn hy vọng ở nhà văn những tác phẩm mới viết về chiến tranh hay hơn, xác thực hơn, thần thái hơn