Người thầy “học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện”

Thứ Sáu, 05/04/2019, 06:50
GS Nguyễn Khắc Phi là người “học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện" - học không biết chán, dạy không biết mệt...


Không được đi tu nghiệp ở nước ngoài nhưng ông là một trong những chuyên gia hàng đầu về văn học Trung Quốc, đồng thời ông luôn sử dụng phương pháp so sánh một cách nhuần nhuyễn trong nghiên cứu, bình luận về một trào lưu, hiện tượng văn học. Đó là GS Nguyễn Khắc Phi (em trai nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện), nguyên Phó chủ nhiệm Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

GS Nguyễn Khắc Phi là người “học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện" - học không biết chán, dạy không biết mệt.

Một buổi chiều tháng Giêng năm Kỷ Hợi, nhân đến Lò Đúc có việc, GS Nguyễn Khắc Phi ghé thăm nhà tôi (chả là một thời bà xã tôi là cán bộ cấp dưới của ông). Ở tuổi 85, so với nhiều người, GS Phi nom còn hoạt bát và đầu óc mẫn tiệp. Sau nửa ly rượu vang và mấy viên lạc rang, ông đề cập chuyện làm sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Vốn là tổng chủ biên và chủ biên của nhiều bộ sách trước đây nên GS Nguyễn Khắc Phi, một mặt đồng tình với chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa nhưng mặt khác, ông cũng tỏ sự băn khoăn là tổ chức nhiều bộ sách giáo khoa liệu có đủ nhân lực đáp ứng chất lượng? Bởi điểm lại những gương mặt có khả năng biên soạn, nay có người đã qua đời, một số người khác tuổi cao, sức yếu. 

Rồi mốc thời gian, tuy đã được Chính phủ lùi lại đến năm học 2020 - 2021 mới triển khai ở lớp đầu cấp tiểu học, nhưng bộ sách nào được chọn và thời điểm nào sách được đưa về các trường dạy thí điểm...

Xem ra có vẻ phức tạp, tôi lái câu chuyện bằng câu hỏi: "Em nghe nói thầy có nhiều kỷ niệm hay trong quãng đời dạy học và nghiên cứu?". - À, kỷ niệm thì khá nhiều nhưng có vài cái mà đến bây giờ gần đất, xa trời rồi vẫn không thể nào quên được. Ấy là vào năm 1957, sau khi tốt nghiệp Khoa Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi được giữ lại trường cùng các anh Nguyễn Đình Chú, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ (sau này đều là các GS tên tuổi) làm cán bộ giảng dạy, chập chững theo chân các bậc lão thành Đặng Thai Mai, Trương Chính...

GS Nguyễn Khắc Phi ở tuổi 85 (ảnh chụp đầu năm 2019).

Năm 1959, Đại học Sư phạm Vinh được thành lập, tôi được cử vào tăng cường. Vài năm sau, Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, mà Vinh là một trong những mục tiêu bị đánh phá ác liệt ở Khu 4. Vậy là trường phải sơ tán đến tám, chín lần hết các bản làng miền núi Nghệ An đến tận Thanh Hoá. Có lần, thầy trò chúng tôi vào rừng chặt cây về dựng nhà, lớp học; mải mê vào sâu trong rừng đến khi trời tối không nhớ đường ra. Tôi và hai cán bộ trong khoa cứ loay hoay mãi, may mà gần khuya có mấy sinh viên đi tìm được. 

Mười bảy năm gắn bó với Đại học Sư phạm Vinh, tuy phải trải qua gian khó, thiếu thốn đủ bề, nhưng tôi tự nhủ mình, trong điều kiện chưa được đi đào tạo nâng cao trình độ, muốn làm tốt chuyên môn thì không cách nào khác phải tự học. Đặc biệt từ khi có anh Trần Đình Sử được đi đào tạo ở Trung Quốc về Khoa công tác, ở gần anh, lại được anh cho mượn các tài liệu quý nên tôi tranh thủ ngày đêm đọc và nghiền ngẫm.

Cứ như thế từng bước kiến thức chuyên môn được tích luỹ, vốn ngoại ngữ (nhất là tiếng Hán cổ) được làm giàu đã giúp tôi có những chuyên luận, bài viết công bố trên các báo chí cách đây hơn 50 năm. Và sau khi được trở về Khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tôi đã cùng một số cán bộ trong trường viết bộ giáo trình văn học Trung Quốc (2 tập).

GS Trần Đình Sử, nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội, trong hồi ức "GS Nguyễn Khắc Phi - một bậc thầy thông tuệ, đa tài" cho rằng, tuy chưa một lần được đi học ở Trung Quốc, chỉ bằng tự học, nhưng Nguyễn Khắc Phi là một chuyên gia hàng đầu về văn học Trung Quốc ở Việt Nam.

Bởi GS Phi có thể giảng dạy hầu hết mảng văn học Trung Quốc từ thời Tiên Tần, Lưỡng Hán, Nguỵ Tấn, Tuỳ Đường, Nguyên - Minh - Thanh cho đến Lỗ Tấn thời hiện đại. Rằng Nguyễn Khắc Phi có thể tranh luận về tư tưởng của Lưu Hiệp, một nhà lý luận phê bình văn học nổi tiếng thời Lục Triều và cũng có thể trao đổi cách đọc, cách hiểu từng câu, chữ trong một tác phẩm văn học cổ trung đại Trung Hoa.

GS Nguyễn Khắc Phi đã bỏ công dịch hầu hết các bài thơ Đường (hơn 120 bài) được trích trong tập lịch sử văn học Trung Quốc do Viện Văn học nước này biên soạn. Ông am hiểu thơ Đường sâu sắc đến mức có thể trích dẫn linh hoạt và xuất khẩu thành chương như người Việt thuộc Kiều vậy.

Tôi có dịp đọc "Tuyển tập Nguyễn Khắc Phi" do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành cuối năm 2006, nhất là phần "Một số nhận xét tổng quát về văn học Trung Quốc cổ trung đại" hay chương thơ Đường, mới thấy sự uyên bác của ông như một số đồng nghiệp và học trò đã từng bày tỏ. 

Với sự hiểu biết sâu rộng đối tượng nghiên cứu, cách viết cô đọng và uyển chuyển, GS Nguyễn Khắc Phi đã diễn giải một cách sâu sắc lịch sử xã hội Trung Quốc, cũng như các thành tựu văn học qua các thời kỳ trong đó có thơ ca đời Đường.

Những gương mặt tiêu biểu như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị... đã được ông tái hiện một cách công phu, không kém phần tinh tế và chứa đựng các ý tưởng mới mẻ so với những người đã từng nghiên cứu trước đó. Với "Tuỳ viên thi thoại", Nguyễn Khắc Phi lần đầu tiên ở Việt Nam đã giới thiệu và phân tích một cách khá toàn diện về những đóng góp của Viên Mai - Nhà phê bình lý luận lớn đời nhà Thanh, Trung Quốc...

Những năm 60 của thế kỷ trước, trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, điều kiện thông tin còn nhiều hạn chế, nhưng với vốn hiểu biết của mình Nguyễn Khắc Phi đã viết tiểu luận "Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn và thơ ca cổ điển Trung Quốc".

Theo nhận xét của một số nhà nghiên cứu lúc bấy giờ, trong tiểu luận này GS Phi đã vận dụng luận điểm cơ bản của Van Tieghem - nhà lý luận tiên phong của văn học so sánh ở Pháp. Sớm nhận ra lợi thế của phương pháp so sánh trong nghiên cứu lý luận và phê bình văn học nghệ thuật, ông sử dụng tiếng Pháp và học thêm tiếng Nga để đọc tham khảo, tra cứu tài liệu rồi sau đó công bố báo cáo khoa học...

 Con người "Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện" (học không biết chán, dạy không biết mệt) cũng là con người luôn sống sôi nổi và thích tranh luận, phản biện để tìm ra chân lý. Văn học trung đại Việt Nam với những bài thơ của các thiền sư hay các tác phẩm của Lý Thái Tổ, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... được tuyển chọn vào sách giáo khoa THCS, THPT thường hay sử dụng điển tích, điển cổ của Trung Quốc hoặc nhiều từ Hán - Việt.

Trong quá trình giảng dạy và học tập, không ít giáo viên và học sinh gặp khó khăn trong việc tiếp cận, thậm chí có những cách hiểu sai lệch dẫn đến làm méo méo bản chất của tác phẩm. GS Nguyễn Khắc Phi sẵn sàng trao đổi, tranh luận đến cùng với thái độ khoa học. Trên phương diện này, những năm qua, ông đã có gần 50 bài dài, ngắn khác nhau cùng trao đổi, bàn luận với các giáo viên và bạn đọc.

Chẳng hạn trong sách giáo khoa Ngữ văn cấp THCS có bài thơ "Nam Quốc Sơn Hà" (lớp 7 - tập 1 - NXB Giáo dục) có một số ý kiến thắc mắc về bản dịch cũ và mới, GS Nguyễn Khắc Phi với tư cách Tổng chủ biên bộ sách này đã có các bài bàn luận như “Vài điều cần trao đổi về bài Nam Quốc Sơn Hà" (Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 5 - 2011), "Cần hiểu như thế nào về bản dịch bài thơ Nam Quốc Sơn Hà" (Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 12/11/2015), "Xung quanh vấn đề bản dịch bài thơ Nam Quốc Sơn Hà" (Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 23/11/2015), "Trước một tượng đài bất hủ về tinh thần dân tộc" (Báo Văn nghệ, số 49, ngày 5/12/2015).

Với vốn hiểu biết sâu rộng cả về văn học cổ điển Trung Quốc và văn học cổ trung đại Việt Nam, GS Nguyễn Khắc Phi tỏ thái độ không khoan nhượng khi nhà nghiên cứu văn học của Trung Quốc là Đổng Văn Thành quan niệm "Truyện Kiều của Nguyễn Du chẳng qua chỉ là một tác phẩm dịch từ một cuốn tiểu thuyết của Trung Quốc mà thôi".

Ông chỉ ra, do không biết tiếng Việt, lại chỉ căn cứ vào bản dịch lại "Truyện Kiều" của Nguyễn Du ra Trung Văn còn "sơ bộ" của GS Hoàng Dật Cầu cách đây hơn nửa thế kỷ, nên Đổng Văn Thành không những không thấy được sự sáng tạo thiên tài của Nguyễn Du mà còn đi đến những nhận định thiếu khoa học, hạ thấp Truyện Kiều so với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

Ngược lại, GS Phi rất đồng tình và trân trọng nhận định của cố GS La Trường Sơn, người cách đây hơn 10 năm đã dịch và giới thiệu "Truyện Kiều" ra Trung Văn “Truyện Kiều tuy lấy đề tài từ một tiểu thuyết của Trung Quốc song tuyệt đối không phải là phiên bản của nguyên tác, mà ông đã cấu tứ lại nguyên tác, sáng tác lại nguyên tác...

 Nguyễn Du là nhà văn kiệt xuất, một đại sư về nghệ thuật ngôn ngữ nên cống hiến của ông trong Truyện Kiều còn cho bạn đọc thấy diện mạo ngôn ngữ thi ca Việt Nam đã được dân tộc hoá tới mức phi thường". Đó cũng là biểu hiện của mối giao lưu văn hóa, không ngừng củng cố và phát triển quan hệ lâu đời giữa hai dân tộc Việt - Trung.

Nguyễn Khôi
.
.