Người sưu tầm và công bố bài ‘Phụ tử tình thâm’

Thứ Năm, 11/06/2015, 08:10
Theo cố PGS Ninh Viết Giao, bài "Phụ tử tình thâm" ông được bà Giáp ở Hậu Thành đọc cho ghi trong một lần ông đi điền dã. Nhưng trước đó nhiều năm, ông Nguyễn Thanh Khầm đã sưu tầm và tập hợp in trong tập "Vè Nghệ Tĩnh" do Ty Văn hoá Nghệ An xuất bản năm 1957.

Bài "Phụ tử tình thâm" được lưu truyền rộng rãi ở Nghệ Tĩnh (Hà Tĩnh và Nghệ An), được nhiều thế hệ nghệ sỹ biểu diễn, từ những người hát rong đến những nghệ sỹ tên tuổi. Nhiều bà mẹ ru con bằng "Phụ tử tình thâm", nhiều thế hệ con em Nghệ Tĩnh lớn lên trong lời ru đầy ý nghĩa đó, nhưng ít ai biết về người đầu tiên sưu tầm và công bố bài hát ví đó. Mới đây, tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận ví giặm, trong đó có bài "Phụ tử tình thâm" là di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Theo cố PGS Ninh Viết Giao, bài "Phụ tử tình thâm" ông được bà Giáp ở Hậu Thành đọc cho ghi trong một lần ông đi điền dã. Nhưng trước đó nhiều năm, ông Nguyễn Thanh Khầm đã sưu tầm và tập hợp in trong tập "Vè Nghệ Tĩnh" do Ty Văn hoá Nghệ An xuất bản năm 1957.

Nguyễn Thanh Khầm. 

Một tài liệu khác, cuốn "Địa chí văn hoá dân gian Nghệ Tĩnh" do Viện Nghiên cứu văn hoá dân gian và Nhà xuất bản Nghệ An phối hợp xuất bản, Giáo sư Nguyễn Đổng Chi chủ biên, thì tập "Vè Nghệ Tĩnh", trong đó có bài "Phụ tử tình thâm" do Thanh Khầm, Ty Văn hoá Nghệ An, sưu tầm, biên soạn, xuất bản năm 1957. Đây là tài liệu tin cậy khẳng định một điều, sau nhiều năm, nhiều đời truyền khẩu trong dân gian, lần đầu tiên bài "Phụ tử tình thâm" được một cán bộ Ty Văn hoá biên chép, in ấn và là cơ sở để trao truyền lại cho nhiều thế hệ mai sau.

Ông Nguyễn Thanh Khầm sinh năm 1915 tại làng Nhạn Tháp, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.  Ông là con trai của nhà nho Nguyễn Thế Mỹ (dân gian thường gọi là ông Đồ Mỹ), một chí sĩ yêu nước, học giỏi nhưng không đỗ đạt, về nhà mở trường dạy học, sáng tác thơ văn, tuyên truyền tư tưởng yêu nước chống Pháp. Khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bùng nổ, ông tham gia tích cực trên mặt trận tuyên truyền, làm thơ, câu đối cổ vũ, động viên phong trào. Ông bị giặc Pháp bắt giam ở nhà tù Vinh và Côn Đảo. Đặc biệt, ở nhà tù Côn Đảo, ông bị thực dân Pháp tra tấn cắt mất một phần gót chân (sau này cháu nội ông, Đại tá, nhà văn Nguyễn Đăng An đã tìm trong kho hồ sơ của Pháp để lại có bộ hồ sơ về Nguyễn Thế Mỹ, nguyên là cán bộ phụ trách tuyên truyền của mặt trận Đề Thám.

Toàn bộ hồ sơ, trong đó có văn bản công nhận ông là chí sỹ yêu nước của Cục Hồ sơ, Bộ Công an đã được các nhà văn Phùng Thiên Tân, Giám đốc Nhà xuất bản CAND, nhà văn Đặng Vương Hưng, Trưởng ban Biên tập sách văn nghệ Nhà xuất bản CAND và nhà văn Nguyễn Đăng An đưa lên trao tận tay cho Ban lãnh đạo huyện Yên thế). Một số thơ văn của Nguyễn Thế Mỹ được in trong "Thơ văn các nhà nho xứ Nghệ".

Nguyễn Thanh Khầm sớm học được vốn văn học do người cha truyền dạy, ông đã tham gia công tác thanh niên cách mạng từ những ngày tiền khởi nghĩa. Sau cách mạng Tháng Tám, ông tham gia công tác tuyên truyền, cổ động ở huyện, ở tỉnh. Là bạn tri kỉ của nhà thơ Trần Hữu Thung, cùng hoạt động, cùng sáng tác thơ ca hò, vè, cùng sưu tầm phổ biến văn học dân gian. Nhiều người còn nhớ giọng ngâm thơ, giọng kể vè, hát giặm sang sảng của Nguyễn Thanh Khầm trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Rồi ông ra Hà Nội học Trường Nghệ thuật sân khấu. Tại đây, ông đã sáng tác kiêm đạo diễn vở "Đôi hài vạn dặm" (Tấm cám) cho Đoàn cải lương Chuông vàng trình diễn và đã nhận giải thưởng cao.

Đặc biệt, ông còn là tác giả và đạo diễn nhiều vở kịch, chèo, tuồng, cải lương cho nhiều đoàn nghệ thuật ở Trung ương và địa phương. Chính trong những năm tháng lăn lộn trong phong trào văn nghệ quần chúng, ông đã sưu tầm, tập hợp, biên soạn, chỉnh lý và công bố lần đầu bài "Phụ tử tình thâm" và những bài ví, giặm khác.

Cuộc đời của Nguyễn Thanh Khầm gắn với những hoạt động văn hoá, văn nghệ sôi nổi qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Từ một cán bộ phong trào, ông trở thành một cán bộ quản lý về Văn nghệ của Ty Văn hoá Nghệ An, một cây viết xông xáo, có thành tựu trên nhiều thể loại: thơ, ca dao, hò vè, kịch, văn tế, câu đối... Ông là một trong những người ở trong ban vận động thành lập  Hội Văn nghệ Nghệ An và trở thành hội viên sáng lập Hội năm 1967. Sau ngày về hưu, ông vẫn tiếp tục đem tài năng và vốn liếng của mình phục vụ địa phương.

Thơ văn của cụ Nguyễn Thế Mỹ (thân sinh của ông), của Nguyễn Thanh Khầm và của các con ông: Nguyễn Đăng Chế (hội viên Hội VHNT Nghệ An), Nguyễn Đăng An (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) được in ấn trong nhiều tuyển tập thơ văn của Trung ương và địa phương. Cả ba thế hệ cùng được tắm mát trong ngọn nguồn của thơ ca dân gian để sáng tạo ra những tác phẩm văn học, và chính họ lại nâng niu trân trọng sưu tầm những viên ngọc quý của thơ ca dân gian để trao truyền lại cho đời sau.

Ngô Đức Tiến
.
.