Người nhạc sĩ tài ba và đức độ

Thứ Bảy, 04/01/2020, 08:33
Tài năng thì thế gian không hiếm. Nhưng tài năng đi liền với đức độ, nhất là giữ đạo làm người khiến thiên hạ cảm phục, nể trọng thì không nhiều. Người nhạc sỹ nói đến trong bài viết này nằm trong số hiếm hoi khi có sự kết hợp được cả hai yếu tố đó.


Vâng. Đó là Hoàng Hà (1929 – 2013) – một nhạc sĩ chẳng những được đồng nghiệp trân trọng mà còn chiếm được sự ái mộ của đông đảo công chúng. Chỉ với một bài hát bất hủ “Đất nước trọn niềm vui”, ông đã xứng đáng ngồi chiếu trên trong giới nhạc sĩ Việt Nam. Đây là một trong số những bài hát hay, nổi tiếng nhất viết về công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bài hát ra đời ngày 26/4/1975- nghĩa là trước thời điểm diễn ra sự kiện trọng đại 4 ngày, chứ không phải được viết sau 30/4 như nhiều người lầm tưởng.

Hoàng Hà nổi tiếng khá sớm từ năm ông 27 tuổi. Đó là năm 1956, trên toàn miền Bắc nước ta khi ấy đang ngổn ngang công trình xây dựng lớn của những ngày tháng hòa bình kiến thiết đất nước. Bài “Cầu Việt Trì” của ông ra đời đã nhanh chóng lan tỏa khắp nơi: “Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì, trong đêm khuya vẫn còn người về...”. Lại cũng những năm tháng ấy, ai cũng nghe “Ngàn triệu người còn nghe dư âm muôn nhịp đồng ca đắc thắng ngân vang...”. Đó là bài “Tiếng hát ngày thứ 7 cộng sản” của ông nổi tiếng cũng không kém bài nói về cầu Việt Trì.

Cố nhạc sỹ Hoàng Hà.

Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của dân tộc, nói về cuộc tổng hành quân vượt dãy Trường Sơn tiến vào giải phóng miền Nam không thể không nhắc đến ca khúc rất gọn gàng, xinh xắn, nhẹ nhàng nhưng phơi phới lạc quan, dồi dào sức trẻ có tên “Cùng hành quân giữa mùa xuân” của Cẩm La bên cạnh những “Bước chân trên dải Trường Sơn” và “Đường tôi đi dài theo đất nước” của Vũ Trọng Hối.

Cẩm La là một bút danh khác của Hoàng Hà. Viết về mối quan hệ anh em gắn bó Việt – Lào, cùng kề vai sát cánh chống xâm lược, không thể không nhắc đến “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”. Nghe bài hát, có cảm giác như đôi bạn chiến đấu xuất thân hai dân tộc đứng ở trên đỉnh cao Trường Sơn cùng hát về cuộc chiến đấu chung. Từ tầm cao, tiếng hát vang vọng ra biển Đông, âm vang hai đất nước.

Không ít nhạc sĩ chỉ chuyên sáng tác cho tuổi thơ mà các bài của họ cũng không mấy được các em ưa thích, trong khi Hoàng Hà chỉ có hai bài nhưng rất quen biết với các bé tuổi mầm non. Đó là "Chú bộ đội" (“vai chú mang súng chú cài ngôi sao đẹp xinh”) và "Con mèo ra bờ sông" (“một con mèo ra bờ sông ...”).

Có lẽ ông không nghĩ tới việc sáng tác cho tuổi thơ nếu không có những năm tháng làm Trưởng ban Âm nhạc thiếu nhi Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông quả là có duyên làm công việc này khi thời ông cùng phụ trách âm nhạc thiếu nhi Đài Tiếng nói Việt Nam đã tạo nên một đời sống tinh thần phong phú cho các em bằng việc khích lệ các nhạc sĩ sáng tác được nhiều ca khúc cho tuổi thơ.

Những tác phẩm hay nhất trong kho tàng ca khúc thiếu nhi đã được ra đời trong thời kỳ này. Khi ông không còn đảm trách, rõ ràng thính giả - đặc biệt là các em - đã không còn biết đến làn sóng âm nhạc thiếu nhi. Cũng thời gian này, ông đã cho ra đời phong trào “Tiếng hát hoa phượng đỏ” là cuộc thi ca hát dành cho thiếu nhi trong phạm vi cả nước trên sóng phát thanh. Nhiều giọng hát hay, nhiều ca khúc đặc sắc cũng đã ra đời nhờ cuộc thi này.

Hoàng Hà không chỉ viết bài hát. Ông còn cùng con trai Hoàng Lương viết bản giao hưởng hợp xướng “Côn Đảo”. Tác phẩm này được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tầu tài trợ hoàn toàn về kinh phí để dàn dựng. Đây là một sự kiện đặc biệt vô tiền khoáng hậu ở nước ta. Những nhạc sĩ giỏi trong lĩnh vực khí nhạc đã ghi nhận hiệu quả của tác phẩm này. Với sự ra đời của “Côn Đảo”, nền khí nhạc Việt Nam đã phát triển thêm một bước.

Ngôn ngữ âm nhạc của Hoàng Hà hoàn toàn mới mẻ, hiện đại, chứ không lấy chất liệu từ một làn điệu dân ca cụ thể nào. Tuy nhiên, người nghe thấy rất gần gũi bởi được xây dựng trên nền âm nhạc truyền thống, thấm đượm hồn dân tộc. Đây là một hướng sáng tác được nhiều nhạc sĩ theo đuổi và thành công. Hoàng Hà thuộc “típ” nhạc sĩ luôn tự khó tính với bản thân. So với các nhạc sĩ khác, ông viết không nhiều, số lượng tác phẩm để lại cho đời cũng khiêm tốn. Với chừng mươi bài hát đặc sắc và có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ cao, trở nên nổi tiếng, ông đã chiếm một vị trí xứng đáng trong trái tim công chúng.

Cố nhạc sỹ Hoàng Hà và phu nhân.

Hoàng Hà có tính cách khiêm nhường, sống nội tâm, không ồn ào. Tôi chưa một lần thấy ông xuất hiện, đăng đàn trả lời phỏng vấn... trên bất cứ một phương tiện truyền thông nào. Với ông, tôi có nhiều kỷ niệm không thể quên. Hồi còn làm phóng viên nghệ thuật ở một tờ báo, có lần tôi đến gặp ông để phỏng vấn về phong trào ca hát thiếu nhi gắn với cuộc thi “Tiếng hát hoa phượng đỏ” rất nổi tiếng lúc đó.

Ông tiếp tôi nồng nhiệt, chuyện trò sôi nổi, nhưng từ chối trả lời phỏng vấn, thay vì đã giới thiệu gặp người phó của ông là nhạc sĩ Mộng Lân. Tôi có một số ca khúc thiếu nhi được các em ưa thích, trong đó có “Hè về”. Nếu không có Hoàng Hà, bài này đã không đến được với các em. Số là, khi sáng tác xong, tôi gửi đến người khác trong phòng âm nhạc thiếu nhi - nơi ông làm trưởng phòng. Nhưng cả năm vẫn chẳng thấy gì. Hình như người ta đã vứt nó vào sọt rác.

Nhiều nhạc sĩ khen bài này, “xui” tôi gửi lại cho Hoàng Hà. Ông yêu cầu tôi hát. Nghe xong, ông nói liền: “Bài này không sử dụng thì phí”. Tôi cứ nghĩ ông nói đãi bôi, có ý an ủi, không ngờ chỉ hai tuần sau đã được nghe trên Đài. Và ông trao cho cậu con trai Hoàng Lương phối khí. Lương khi ấy mới ngoài 20 tuổi, đang học nhạc viện nhưng phối khí rất giỏi, tạo nên những hiệu quả đột xuất nên nhiều nhạc sỹ muốn anh phối khí cho phần giai điệu của mình trước khi thu thanh. Ông đã “cứu” một tác phẩm suýt nữa bị lãng quên. Tôi nghe nhiều nhạc sĩ khác cũng nói được ông “cứu” như vậy. Không phải người có quyền duyệt tác phẩm nào cũng có cái tâm vô tư, chí công như thế.

Tài năng của Hoàng Hà thì ai cũng ghi nhận, nhưng con người ông trong gia đình thì không mấy người rõ. Ông mang tên khai sinh là Hoàng Phi Hồng, có ông ngoại là một lính viễn chinh Pháp người Tuy-ni-di. Năm Hồng 9 tuổi, cha mất. Mẹ làm nghề thợ may, ở vậy nuôi con.

Đến năm 13 tuổi, nhà nghèo, thương mẹ quá vất vả, cậu phải đi làm công nhân ở một nhà máy in để có tiền phụ giúp mẹ nuôi em. Lớn lên và khi đã trở thành nhạc sỹ nổi tiếng, Hoàng Hà vẫn như một đứa trẻ bên mẹ. Ông làm tất cả mọi điều để mẹ vui tuổi già. Mỗi khi mẹ đau ốm, ông trực tiếp phục dịch chứ không để vợ mình làm mặc dù nàng dâu cũng rất hiếu thảo.

Tuy bận sáng tác và nhiều việc của cơ quan nhưng ông vẫn dành hàng giờ đọc sách, báo cho mẹ khi cụ có nhu cầu. Ông đã vào Vũng Tàu để “tiền trạm” với ý định sẽ lo liệu để đưa mẹ vào an hưởng tuổi già ở nơi không có mùa rét. Nhưng việc chưa thành thì cụ đã qua đời.

Nhận tin mẹ hấp hối ngoài Hà Nội, ông cùng cậu con trai Hoàng Lương tức tốc trở ra. Nhưng tiền thu vét vẫn không đủ do giá vé tàu hỏa khi đó tăng lên nhiều lần, hai cha con phải đàn hát như xẩm mới có đủ tiền. Nhưng do tàu khi ấy chạy quá chậm, ra tới nơi, người mẹ mà ông coi như Thánh đã nhắm mắt. Mãi về sau này, đã qua đi nhiều năm, lúc cuối đời, mỗi lần giở ảnh nhìn mẹ, Hoàng Hà vẫn khóc cứ như mẹ vừa ra đi.

Ở tư cách người chồng, có lẽ không có được nhiều đức lang quân như Hoàng Hà. Phẩm chất rõ nhất là ông luôn thấu hiểu, ghi nhận và thấy biết ơn người vợ thảo hiền đã không quản gia cảnh khốn khó, mẹ góa con côi của chàng nhạc sỹ nghèo mà chấp nhận làm vợ. Và bà Minh Phúc đã suốt đời tận tụy, tảo tần nuôi 5 con để chồng yên tâm công tác và sáng tác.

Thương và cảm tạ vợ, Hoàng Hà cũng luôn tận tụy và hết mình cùng vợ vượt qua những ngày tháng gieo neo nhất. Văn nghệ sỹ - nhất là giới nhạc – dù có vợ rất tuyệt vời, song vẫn dễ sa đà , “à ơi” dẫu chỉ là chốc lát. Nhưng Hoàng Hà thì không. Nhạc của ông rất lãng mạn, giai điệu giàu sức lôi cuốn nhưng ông đã như một nhà sư đích thực – tất nhiên là với các bóng hồng khác không phải là vợ mình.

Với con, ông hết lòng chăm lo cho sự nghiệp của từng đứa. Cậu con trai Hoàng Lương về sau cũng trở thành một nhạc sỹ tài năng là một minh chứng. Ông dốc hết những gì mình có để vun đắp cho sự nghiệp của cậu. Chỉ đáng tiếc là sau khi ông qua đời không lâu, cậu cũng theo cha về cõi Vĩnh hằng khi tuổi đời chưa phải đã cao, lúc tài năng đang ở độ chín.

Sau khi qua đời, vào năm 2017, nhạc sĩ Hoàng Hà được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Điều này chứng tỏ lúc còn sống, mặc dù rất xứng đáng nhưng ông đã không quan tâm đến điều này. Đó cũng là một nét phẩm chất nữa của người nhạc sỹ tài ba và đức độ.

Nguyễn Đình San
.
.