Người nghệ sĩ quảng giao, nhà chính trị hùng biện

Thứ Ba, 01/03/2011, 11:53
Ilya Erenburg là nhà văn Nga gốc Do Thái. Ông sinh ngày 27/1/1891 tại Kiev và mất ngày 31/8/967 tại Moskva. Sinh thời, ông là nhà văn luôn được các nhà lãnh đạo Xô viết sủng ái. Sách của ông được xuất bản với số lượng lớn. Những bài chính luận của ông viết trong thời kỳ chiến tranh chống phát xít bao giờ cũng được in ở vị trí trang trọng trên báo Đảng, được phổ biến tới toàn dân...

Có tới 5 nhiệm kỳ Ilya Erenburg  là đại biểu Xô viết tối cao Liên Xô, từ năm 1950 là Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới. Các năm 1942 và 1948, ông được trao tặng Giải thưởng Stalin, năm 1952 ông được trao tặng Giải thưởng Lênin vì "sự nghiệp củng cố hòa bình giữa các dân tộc". Ông giao thiệp nhiều, là bạn của nhiều văn nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng thế giới, dù đó có thể là những người có khuynh hướng chính trị khác nhau. Vừa qua ở Nga, giới văn học đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Erenburg...

Là nhà văn nhưng Ilya Erenburg cũng rất xông xáo, năng nổ trong các hoạt động báo chí. Ông sang Pháp từ năm 1908 và tại đây, trong những năm từ 1914 tới 1917, ông làm phóng viên cho một số tờ báo. Thời kỳ nội chiến ở Tây Ban Nha (1936-1939), ông là phóng viên chiến trường, chuyên viết bài cho báo Izvestya. Năm 1940, Erenburg trở về Liên Xô và trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc, ông làm phóng viên chiến tranh cho các tờ Sự thật, Tin tức, Sao đỏ - những tờ báo lớn nhất ở Liên Xô thời bấy giờ. Đã có nhiều giai thoại vui về sức mạnh của những bài chính luận của Erenburg: Tại nhiều đơn vị Hồng quân, các vị chỉ huy đã chỉ thị cho các chiến sĩ của mình: Nếu thiếu giấy cuốn thuốc hút, họ có thể xé bất kỳ trang báo nào, ngoại trừ đó là những trang báo có in bài của… Ilya Erenburg.

Nếu ai đó từng ít nhiều được đọc những bài báo bừng bừng khí thế chiến đấu của Erenburg thời kỳ chiến tranh sẽ nhận thấy tác dụng to lớn của nó trong việc động viên, cổ vũ các chiến sĩ ngoài mặt trận. Hãy cùng nghe một đoạn nhà văn kêu gọi toàn quân quyết chiến với quân xâm lược. Bài viết có tên gọi "Hãy giết" (thời nay đọc lại có thể chúng ta sẽ thấy nó quá… mạnh tay, song phải đặt bài viết trong bối cảnh cả thế giới đang ở vào thời kỳ hết sức nguy hiểm): "Nếu anh không thể giết người Đức (ở đây nên hiểu tác giả nói về lính Đức xâm lược - TĐD) bằng viên đạn thì hãy giết người Đức bằng lưỡi gươm. Nếu vùng đất của anh lặng yên, nếu anh đang chờ trận đánh thì hãy giết người Đức trước khi trận đánh xảy ra. Nếu anh để cho người Đức sống thì người Đức sẽ treo cổ người Nga và làm nhục phụ nữ Nga. Nếu anh đã giết một người Đức rồi thì hãy giết thêm những người Đức nữa… Hãy giết người Đức - đấy là điều đang van vỉ mẹ già. Hãy giết người Đức - đấy là điều đang năn nỉ con thơ. Hãy giết người Đức - đấy là điều quê hương đang gào thét kêu la. Đừng bắn trượt. Đừng bỏ qua. Hãy giết!". Từng lời, từng lời như kèn đồng xung trận. Người trong cuộc thật khó mà không để cảm xúc bị cuốn theo bài báo…

Ngoài những bài báo hừng hực tinh thần chiến đấu như thế, Erenburg còn là tác giả của những trang văn chứa chan tình yêu quê hương đất nước. Trong những năm chiến tranh, nhiều bạn đọc Việt Nam đã được làm quen với bài văn có tên gọi "Lòng yêu nước" (do nhà văn Thép Mới dịch). Bài văn này là một chương trong cuốn "Thử lửa" của Erenburg. Hẳn nhiều bạn đọc có tuổi chưa quên những câu văn sau đây: "Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: Yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh". Để rồi sau đó: "Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. Người ta giờ đây đã hiểu lòng yêu của mình lớn dường nào, yêu người thân, yêu Tổ quốc, yêu nước Nga, yêu Liên bang Xô viết. Điều đó ta đã hiểu, khi kẻ thù giơ tay khả ố động đến Tổ quốc chúng ta. Ai là kẻ chẳng cảm thấy mùa thu qua, điều giản dị này: Mất nước Nga thì ta còn sống làm gì nữa".

Nghe nói, ở nước Đức phát xít, sau những bài diễn thuyết, kêu gọi của Bộ trưởng Tuyên truyền Goebbeles, nhiều thanh niên Đức đã như bị thôi miên, lao mình vào cuộc chiến tranh một cách mù quáng. Còn ở Liên Xô, những bài viết của Erenburg rõ ràng có tác dụng hơn nhiều lời kêu gọi thông thường của các chính trị gia bởi nó được viết bằng những con chữ thấm đẫm chất văn, nó giáo dục con người lòng yêu Tổ quốc bắt đầu từ tình yêu những thứ gần gũi nhất đối với cuộc sống thường ngày của mình. Bởi vậy mà sức chinh phục của nó thật mạnh mẽ, rộng sâu.

Để hiểu thêm về sức lan tỏa của tên tuổi Erenburg ở Liên Xô những năm chiến tranh và cả một số năm về sau, hãy nghe câu chuyện mà nhà thơ Pháp Paul Eluard kể lại: Lần ấy, ông được mời tham dự lễ kỷ niệm 150 ngày sinh đại văn hào Pháp Victor Hugo tổ chức ở Nga. Do đến chậm giờ nên không có ai chờ đón ông ở sân bay. Tình hình trở nên rất căng bởi Eluard không biết nói tiếng Nga. May rồi, ông nghĩ ra một "sáng kiến". Ông thử nhắc mấy chữ "Erenburg". Thế là các nhân viên làm thủ tục tại sân bay đã căn cứ vào cái chữ ấy để… liên lạc. Cuối cùng họ đã đưa ông tới địa điểm diễn ra lễ kỷ niệm. 

Đọc các bài chân dung văn học của Erenburg, ta ngạc nhiên nhận thấy: Ông giao thiệp rất rộng, lĩnh vực nào cũng có bạn. Và những người ông "chơi được" không chỉ là các văn nghệ sĩ mà còn cả các nhà khoa học, các chính trị gia (như nhà vật lý người Pháp Joliot Curie, nhà vật lý người Đức Albert Einstein, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Khrushchev…).

Nhà thơ Sergei Esenin, trong một tập sách của mình đã ghi tặng Erenburg: "Tặng I.Erenburg - kẻ thù thân yêu trong cách nhìn về nước Nga và Bão táp. Nhớ mãi. Thành thật yêu mến. S.Esenin".

Nhà văn Aleksey Tolstoy, trong cuốn truyện vừa "Những kẻ lưu vong" đã ghi tặng Erenburg: "Tặng Ilya Erenburg thiên truyện chưa hoàn thiện, bản gần đúng của nó. Nhưng bạn ơi, điều quan trọng là kết quả cuối cùng của cuộc đời nghệ sĩ. Chắc anh rất hiểu điều này".

Điều khiến những con người khó tính này nể trọng Erenburg không chỉ vì ông là một đại diện văn hóa xuất sắc của nước Nga, có vốn hiểu biết rộng trên nhiều lĩnh vực, mà trước nhất bởi ông là một người trung thực, mang đậm cốt cách của kẻ sĩ. Hãy xem ông viết như thế nào về Boris Pasternak khi hay tin tác giả "Bác sĩ Zhivago" được trao giải Nobel văn học năm 1958 (vì lý do chính trị, sau đó Pasternak đã từ chối không nhận): "Tôi đến Stockholm vào lúc ở đây đang nổ ra một cuộc tranh luận quanh giải thưởng Nobel. Bước ra đường, tôi thấy cái áp phích, ở đó nổi lên một cái tên tác giả. Tôi cố hiểu xem có điều gì, và khi bật đài lên thì mới vỡ lẽ cái tên ấy là Pasternak".

Tất nhiên, với quan điểm của một người trải nghiệm nhiều như Erenburg thì việc trao giải cho cuốn tiểu thuyết nói trên của Pasternak hoàn toàn là vì lý do chính trị. Trong bài viết nói trên, Erenburg cũng khẳng định như vậy: "Tất cả chuyện đó là vấn đề chính trị trắng trợn, một thứ chính trị chống Liên Xô - một trong những cảnh kịch của loại chiến tranh lạnh". Song điều khác biệt so với nhiều nhà văn xu thời là từ sự kiện này, Erenburg không "té nước theo mưa" mà buông lời mạt sát Pasternak (như một số nhà văn trong nước), hoặc ca ngợi Pasternak một cách "bốc giời" (như nhiều nhà văn phương Tây). Erenburg bình tĩnh phân tích những cái chưa được của "Bác sĩ Zhivago", song ông vẫn không quên chỉ ra: "Phụ thêm vào cuốn sách có những bài thơ tuyệt vời". Thậm chí, ông còn đánh giá rất cao văn tài của Pasternak qua lời nhận định, rằng cái vinh quang của giải Nobel cũng chưa phải đã xứng tầm với Pasternak.

Có thể nói, đó là những nhận định rất sòng phẳng. Và nó là "dũng cảm" nếu như ta biết rằng, ở năm tháng Erenburg viết những dòng này, tại nước Nga, người ta vẫn còn rất ngại khi nhắc đến tên Pasternak.   

Bản thân Pasternak, trong một hồi ký mới công bố cũng từng có những dòng nhận xét trân trọng về Erenburg. Theo Pasternak, đây là "một nhà văn thông tuệ, một người thích hoạt động, cởi mở" mặc dù giữa ông và Erenburg "có tính cách trái ngược nhau"

.
.