Người ngâm bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác Hồ

Chủ Nhật, 25/01/2009, 10:45
Lần đầu tiếp xúc với nghệ sĩ hát chầu văn nổi tiếng Kim Liên, tôi chợt nhớ đêm giao thừa đón Tết Kỷ Dậu năm 1969 đã được nghe chị ngâm bài thơ chúc Tết của Bác Hồ trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Vậy là, tôi gợi ý xin chị kể lại đôi điều xung quanh sự kiện thiêng liêng ấy.

Nghệ sĩ Kim Liên xúc động điều tôi nhắc lại. Tuy bận rộn công việc, chị vẫn dành thời gian kể lại.

Trung tuần tháng Chạp năm Mậu Thân (1968), tại địa điểm sơ tán, Đoàn Văn công tỉnh Hà Nam Ninh đang chuẩn bị gấp rút tiết mục để phục vụ cán bộ chiến sĩ, đồng bào trong dịp Tết Kỷ Dậu sắp tới.

Trong bối cảnh bận rộn tập luyện, nghệ sĩ Kim Liên được lệnh của cấp trên điều đi Hà Nội để nhận một công việc quan trọng. Đồng chí Trưởng đoàn văn công tỉnh đề đạt lên cấp trên cho chị ở lại để hoàn thành vở mới "Tầm vóc đại hồng". Lời đề nghị không được chấp thuận. Nghệ sĩ Kim Liên lên Hà Nội bằng xe của UBND tỉnh.

Tại địa điểm tập trung, thâm tâm, chị nghĩ hẳn các anh ở Ban Văn nghệ muốn thu lại một bài hát chầu văn nào đó của mình chăng? Ông Trần Lâm - lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo cho chị chuẩn bị ngâm bài thơ chúc Tết xuân Kỷ Dậu của Bác Hồ. Tin đến quá đường đột khiến chị vừa xúc động vừa lo lắng. Bài thơ chúc Tết của Bác, ngoài Kim Liên còn có nghệ sĩ Trần Thị Tuyết, nghệ sĩ Linh Nhâm cùng thể hiện.

Hai chị là "át chủ bài" trong chương trình Tiếng Thơ vào tối thứ tư, tối chủ nhật hàng tuần của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bản thân hai chị, nhiều năm nay đã ngâm thơ chúc Tết của Bác vào đêm giao thừa. Do vậy công việc này đối với nghệ sĩ Kim Liên là quá mới mẻ. Trong nỗi lo nghề nghiệp, chị lại thầm mừng. Chị dự tính lần công tác này hẳn chị sẽ lại được gặp Bác Hồ.

Theo đề nghị của tôi, nghệ sĩ Kim Liên đã kể lại 3 lần chị được gặp Bác Hồ trước đó. Lần thứ nhất là vào năm 1967, Đoàn Chèo Nam Hà được lên phục vụ Trung ương Đảng. Trước lúc đoàn về, Bác Hồ có mời một số diễn viên đến gặp Bác. Trong buổi tiếp còn có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đồng chí Vũ Kỳ -thư ký riêng của Bác. Nghệ sĩ Kim Liên nhớ lại: "Bác dặn dò phát huy bộ môn chèo để phục vụ nhân dân ta, chủ yếu là người làng quê gắn bó với tiếng trống chèo".

Lần thứ 2 và lần thứ 3 vào dịp nghệ sĩ Kim Liên được tham gia đoàn nghệ thuật tổng hợp của Việt Nam sang biểu diễn tại Pháp đúng dịp Hội nghị Paris đang họp bàn về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, do nhà thơ Huy Cận làm trưởng đoàn. Thời gian ở Paris, Kim Liên đã cố gắng cùng các đồng nghiệp để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bà con Việt kiều và bạn bè Pháp.

Sau đợt phục vụ ở nước ngoài, đồng chí Vũ Kỳ thông báo một tin vui: Kim Liên được vào thăm Bác và ăn cơm trưa cùng Bác. Bữa cơm giản dị nhưng ngon miệng. Cùng ăn cơm với Bác có đồng chí Vũ Kỳ. Kim Liên còn nhớ những điều Bác hỏi thăm về gia đình. Bác nói Kim Liên tức là biểu tượng của bông sen vàng. Quê Bác có nhiều sen. Bác dặn đồng chí Vũ Kỳ mua bánh kẹo cho Kim Liên mang về quê cho các cháu, lo phương tiện cho Kim Liên về nhà được an toàn.

Kỷ niệm những lần gặp Bác thôi thúc nghệ sĩ Kim Liên dàn dựng chương trình. Bài thơ chúc Tết năm Kỷ Dậu của Bác chỉ có 6 câu lục bát, nhưng bao hàm một tầm nhìn chiến lược. Kim Liên nhập hồn thơ từ nội dung, lẫn nghệ thuật. Chị đã chọn chất giọng thể hiện ở sự cộng hưởng của làn điệu hát sa mạc và lẩy Kiều. Thu băng xong, Kim Liên mừng thầm đã hoàn thành nhiệm vụ. Bài thơ chúc Tết được Bác duyệt rất cẩn thận qua băng ghi âm. Kim Liên được đồng chí Vũ Kỳ thông báo: Bác nhận xét cả ba cô văn công đều thể hiện khá thành công.

Đêm giao thừa, sau lời chúc Tết của Bác, khi cùng bố mẹ, chồng, con... nghe băng bài thơ do chính mình ngâm được phát vào lúc giao thừa, Kim Liên đã xúc động trào nước mắt…

"Lần đầu tiên trong đời tôi được ngâm thơ Bác chúc Tết vào đêm giao thừa. Tôi ước mong, sang xuân Kỷ Dậu (1969) Bác  mạnh khỏe để "Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn" - Nghệ sĩ Kim Liên tâm sự - "Nào ngờ bài thơ chúc Tết tôi ngâm lại là bài thơ cuối cùng chào đón năm mới của Bác Hồ kính yêu trước lúc Người đi xa...".

Từ đó, mỗi đêm giao thừa đến, nghệ sĩ Kim Liên lại có thói quen: Khi thì mở băng để nghe, khi thì tự ngâm bài thơ chúc tết cuối cùng của Bác:

Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập vì tự do
Đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào
Tiến lên chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn"

Nguyễn Cảnh Tuấn
.
.