Người mang hoa đi khắp phố phường

Thứ Ba, 07/03/2017, 08:02
Chiếc xe đạp xuống phố. Những đóa hoa tươi cười theo chủ nhân dạo quanh thị thành, lẫn vào dòng người đông đúc, lắm khói nhiều bụi. Tiếng pê-đan lọc cọc, tiếng thở nhọc mệt, mồ hôi ướt đẫm áo khi con nắng Sài thành lên cao, gắt dần. Để đến khi xe dựng ở một góc đường quen thuộc, vẫy gọi bao tâm hồn yêu cái đẹp ghé chân, anh bỗng thấy mồ hôi khô tự lúc nào...

Thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, anh Tuấn Đoàn lại đạp xe từ quận 2 vào trung tâm thành phố để người dân, du khách chụp hình và thưởng ngoạn hoa. “Hò hẹn” với Sài thành, anh đem theo cho “nàng” bao màu hoa của ký ức. Nào cẩm chướng, nào hoa hồng, nào thạch thảo, hoa baby, chuỗi hạt, hướng dương, đồng tiền, cúc... Mỗi mùa một sắc hoa..., những vùng hoài niệm đầy hoang hoải, bâng khuâng...

Nơi quen thuộc để tìm ra chiếc xe đạp ăm ắp màu hoa của Tuấn Đoàn là khu Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1. Ai đi qua chiếc xe bé xinh ấy cũng nao lòng trước màu hoa tinh khôi, lóng lánh ngậm sương. Để rồi họ sà vào, nâng niu cánh hoa bé bỏng mà lưu giữ cho mình hình ảnh đẹp.

Anh Tuấn Đoàn với chiếc xe đạp hoa.

Xe hoa như góc an lành giữa phố thị náo nhiệt, làm dịu đi bao tâm hồn muộn phiền, lo toan, hối hả mưu sinh. Cái đẹp níu chân, cứu rỗi tâm hồn. Đóa hoa kia sớm tươi, chiều héo. Nhưng Tuấn Đoàn không quan tâm, với anh, cái đẹp ngắn ngủi của loài hoa vẫn đủ sức làm cho ai đó quên đi bao âu lo và đón lấy an bình trong khoảnh khắc.

Lần đầu gặp người chủ xe hoa ấy, tôi cứ ấn tượng mãi chiếc tạp dề xanh, mũ phớt màu rượu vang, chiếc áo thun vạch đen. Ngỡ như anh là cậu bé tinh nghịch bước ra từ truyện cổ Grim. Cậu bé tốt bụng, cậu bé yêu thương hết thảy quanh mình. Cậu bé có nụ cười hiền, ánh mắt lấp lánh niềm vui khi ngồi trong một góc nhỏ từ xa, lặng lẽ ngắm nhìn bao người trầm trồ sà vào xe hoa xinh tươi. Cậu bé dâng gửi một món quà thầm lặng cho người, cho đời. Để niềm vui là viên kẹo ngọt.

Anh kể: “Tôi ra Hà Nội nhiều lần và lần nào cũng mê mẩn trước gánh hàng hoa của các chị, các mẹ từ thôn quê chở lên thành phố. Cúc họa mi, hoa bưởi, hoa cúc, hoa sen... được chở trên những chiếc xe đạp mộc mạc, rong ruổi khắp ngõ hẻm. Xe đi tới đâu, hương hoa theo tới đó, điểm tô vẻ thanh thoát cho phố phường chật chội. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp tạo thành nét văn hóa đặc trưng mà ai từng gắn bó với thủ đô sẽ mãi nhớ về. Và tôi muốn tạo cho Sài thành hình ảnh ấy”.

Là chủ của một tiệm hoa, lại là dân nhiếp ảnh chuyên chụp ảnh chân dung, phong cảnh nên anh hiểu điều ước ao của người cầm máy là có những chiếc xe đạp hoa như thế để kiếm tìm cảm xúc. Người dân thành phố cũng rất cần hình ảnh đẹp mộc mạc để thư giãn ngày cuối tuần. Thời tiết ở TP Hồ Chí Minh nóng nực nên gần như không có xe đạp rao bán hoa nào. Tầm một buổi, hoa đã bắt đầu héo. Người mệt đừ. Để giữ cho hoa không bị xuống sắc nhanh, Tuấn Đoàn gói gém hoa cẩn thận, có thêm chiếc ô nhỏ che nắng. 

Ý tưởng đạp xe hoa xuống phố để mọi người thưởng lãm đã được anh thực hiện khoảng ba tháng nay. Tiệm sách Nhã Nam cho anh một góc sân nho nhỏ, đủ để chiếc xe hoa của anh không gây phiền hà gì cho trật tự vỉa hè. Tiền hoa bỏ ra trong hai ngày cuối tuần ngốn khá nhiều nhưng anh không lo.

Anh bảo phải đích thân mình đạp xe đi thì mới yên tâm. Bởi giao cho nhân viên – những người được trả công để làm công việc này – thì ý nghĩa của nó sẽ không còn. Có thể người nhân viên ấy chỉ chăm chăm làm sao để được tăng lương thưởng, chứ tâm không hoàn toàn để ý vào mục đích tốt đẹp mà anh muốn mang lại. Do vậy, có mệt mấy, sáng thứ bảy nào anh cũng cặm cụi mang hoa lên đường để tha nhân nào đó không thất vọng khi chờ đợi chiếc xe hoa quen thuộc vẫn đi về qua đây.

Thực hiện đúng kiểu rong ruổi như các mẹ, các chị gánh hàng hoa ở Hà Nội, anh rất thích đạp xe loanh quanh thành phố. Nên sáng sớm, khi xuất phát lên đường, anh không đi thẳng vào trung tâm thành phố ngay mà chạy lòng vòng, dù như thế khá mệt. Nhưng khi anh lướt qua bất cứ đâu người ta cũng ngoái nhìn, thậm chí theo sau để chụp ảnh thì mọi mệt mỏi trước đó tiêu tan.

Có lần anh đang đổ dốc cầu Sài Gòn, một chị chạy xe máy cố rồ ga vượt lên chỉ để nói một câu: “Anh ơi, dừng lại cho em chụp hình anh chút”. Anh cười: “Trời ơi, đang xuống dốc mà chị, xe đông như vầy dừng lại sao được”. Bà chị thoáng tẽn tò, nhưng vẫn không ngừng bám theo xe của anh chỉ để ngắm hoa cho thỏa.

Chiếc xe đạp hoa trở thành một nét độc đáo trong lòng TP Hồ Chí Minh.

Dạo quanh Bưu điện Thành phố, gặp xe hoa, có ông khách Tây khoái chí quá nhưng không biết chủ nhân ở đâu. Lớ ngớ một hồi, ông mới thấy chàng trai trẻ mang tạp dề lò dò bước ra tưới nước cho hoa. Ông rối rít khen ý tưởng rồi hỏi: “Thế nếu có ai thấy việc làm của chú em hay quá, mỗi lần chụp ảnh xong muốn tỏ lòng cảm ơn hay ủng hộ thì làm thế nào?”.

Tuấn ớ người. Ông Tây mỉm cười chỉ kế: “Bên phương Tây, ở các loại hình nghệ thuật đường phố, người ta hay bày một chiếc hộp để mọi người đóng góp chút tiền thể hiện sự ngưỡng mộ của họ”. Từ đó, trước xe đạp hoa yêu kiều có thêm chiếc hộp màu xanh xinh xắn phía trước.

Tiền cảm ơn, ủng hộ đều tùy tâm, đa số là 1.000, 2.000 đồng, gom góp cũng không đáng là bao so với tiền hoa và công sức anh bỏ ra để tặng mọi người một góc nhỏ yên bình. Số tiền nho nhỏ của hai ngày cuối tuần ấy, anh Tuấn dùng để mua kẹo bánh hay món quà cho các bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi đồng 2, như tấm lòng thêm một lần nữa lan tỏa.

Ngày đầu, vợ anh cũng tiếc số hoa bỏ ra để dung đi xe hoa. Bởi tầm một ngày là hoa héo hết, không trụ nổi dưới cái nắng gay gắt và khói bụi. Nhưng sau mỗi chuyến đi, thấy chồng lúc nào cũng vui như cậu bé được quà nên chị thôi cằn nhằn. “Em thấy không, mình cho đi thì mình sẽ nhận lại. Cái nhận lại không phải là vật chất gì to tát mà chính là tình cảm của mọi người, niềm vui của mọi người khiến mình sống tích cực hơn” – anh thủ thỉ với chị.

Ở đời, nụ cười ngày nắng thường nở sau nước mắt ngày mưa.  Năm 2012, vợ sinh con đầu lòng. Khi con vừa mới 3 tháng tuổi, ông chủ nhà trọ đột ngột đòi lại nhà. Vợ chồng anh phải tá túc tạm trong một căn nhà trọ chật hẹp khác.

Mùa hè, trời nóng như nung trên mái tôn thấp lè tè. Đứa bé khóc khản giọng, mình mẩy nổi đầy rôm sảy. Anh bán máy ảnh, chạy vạy mượn thêm tiền của người quen để mua căn chung cư. Không may, anh bị lừa, tay trắng lại ôm thêm đống nợ. “Tôi ôm con đang khóc ngằn ngặt, nghĩ trời đất lúc đó như sụp đổ. Nhưng mình phải gượng đứng lên vì nếu mình ngồi đó than thân trách phận, không tự đứng lên thì chẳng còn ai có thể giúp được”.

Anh đọc đâu đó bốn quy tắc tâm linh của người Ấn Độ. Trong đó, quy tắc thứ hai khuyên rằng “Bất cứ điều gì xảy thì đó chính là điều nên xảy ra”. Không có chuyện: “Nếu như tôi đã làm điều đó khác đi…, thì nó hẳn đã khác đi”. Và quy tắc thứ tư: “Những gì đã qua, cho qua” là điều anh tự răn mình, lấy đó làm bài học cho cả cuộc đời. Đó là lý do tại sao, để làm phong phú thêm trải nghiệm của mình, tốt hơn hết là chúng ta hãy buông bỏ và tiếp tục cuộc hành trình. Cho nên: Hãy đối xử tốt với chính bản thân bạn! Hãy yêu thương với tất cả tâm hồn bạn! Hãy luôn hạnh phúc!”.

Anh đã sống như thế, đã cười như thế trên nghiệt ngã của đời mình. Hoa an ủi anh, mang thanh thản, hạnh phúc... về bên anh giữa đời lắm vô thường, bất trắc. Và giờ anh đem món quà ấy mang tặng lại cuộc đời. Bởi anh yêu tất cả mọi người, yêu phố, yêu hương hoa đã tàn và cả bao điều li ti lướt qua trong sớm nắng, chiều gió mỗi khi đạp xe hai bữa đi về...

Mai Quỳnh Nga
.
.