Người lính thi sĩ phía sau những nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên

Thứ Tư, 07/10/2015, 08:00
...Ngày ấy, Sài Gòn mới giải phóng. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đến với thành phố thân yêu này. Ông hết sức xúc động khi lần đầu tiên được gặp gỡ những con người phóng khoáng, cởi mở, đặc biệt là những người chiến sĩ trẻ, quê Nam, quê Bắc đang hối hả trên đường đi làm nhiệm vụ…

Từ nỗi xúc cảm ấy, nhạc sĩ đã ấn tượng ngay với một bài thơ còn tươi nguyên nét mực in trên báo Sài Gòn Giải Phóng:

Anh ở trong này không có mùa đông
Nắng vẫn đỏ, mận hồng đào cuối vụ
Trời Sài Gòn xanh cao như quyến rũ
Thật lạ kỳ là mùa đông phương Nam

Nhìn ra ngoài cửa sổ, quả thật trời Sài gòn xanh cao vời vợi, thành phố mới giải phóng tràn trề ánh nắng. Cũng qua ô cửa sổ đó, nhạc sĩ trìu mến nhìn những người chiến sĩ trẻ quân phục xanh, ba lô con cóc khoác sau lưng đang hối hả đi giữa Sài Gòn với những niềm vui căng tràn trên gương mặt, ánh mắt, nụ cười, nhưng có lẽ cũng đang thương nhớ quê hương miền Bắc đã xa cách bao năm để vượt Trường Sơn đi chiến đấu...

Muốn gửi ra em một chút nắng hồng
Thương cái rét của thợ cày thợ cấy
Nên vẫn muốn chia nắng đều cho ngoài ấy
Có tình thương tha thiết ở trong này…

Bài thơ như một sự đồng tình, đồng điệu với tâm hồn người nghệ sĩ. Ông thấy xúc cảm trào dâng, và liền trong đêm ấy, nhạc sĩ đã thao thức phổ nhạc, trở thành bài hát "Gửi nắng cho em" nổi tiếng sau này. Và tên nhạc sĩ lần đầu gắn với tên một nhà thơ trẻ: Bùi Văn Dung, dù nhạc sĩ cũng chỉ biết đó là tên tác giả của bài thơ chứ không biết gì hơn về người đã sáng tác ra nó…

Ông Bùi văn Dung (giữa) chụp ảnh lưu niệm với vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tuyên năm 1995.

Bài hát được thu thanh, được phát rộng rãi nhiều lần theo yêu cầu của bạn yêu âm nhạc Đài Phát thanh. Nhạc sĩ nhận được nhiều thư khen ngợi của công chúng. Nhưng có một lá thư đặc biệt làm ông xúc động: Ấy là thư của Bùi Văn Dung, tác giả bài thơ, được gửi về từ một chiến hào biên giới Tây Nam. Nhạc sĩ không ngờ rằng, nhà thơ ấy lại là một chiến sĩ đang cầm súng. Và trong lá thư gửi về cho ông, anh chỉ dám bày tỏ một nguyện vọng nho nhỏ: Nhờ nhạc sĩ can thiệp để vào một ngày, bài hát được phát lại trên sóng đài cho anh và đồng đội nơi mặt trận cùng đón nghe…

...Một thời gian sau, tại nhà riêng của nhạc sĩ Phạm Tuyên giữa lòng Hà Nội, có một chiến sĩ rụt rè gõ cửa. Nhạc sĩ đã hết sức vui mừng vì đó chính là người lính, tác giả thơ trẻ Bùi Văn Dung - sau nhiều năm tháng đi chiến đấu ở phương Nam, nay được về thăm gia đình. Đêm ấy, nhạc sĩ đã giữ BùiVăn Dung ở lại, hàn huyên cùng anh bao điều về miền Nam sông nước, về nghệ thuật thi ca và về cuộc đời người lính... Khi ấy nhạc sĩ mới hay Dung nhập ngũ từ một làng quê Bắc Bộ, từ năm 1967 đã vào Nam chiến đấu, suốt những năm tháng thanh xuân gắn bó với chiến trường miền Nam, với miền sông nước Nam bộ, với mảnh đất chỉ có hai mùa mưa nắng và kể như không bao giờ biết đến mùa đông…

Cũng chính ở đây, trong mênh mang tiếng sông nước Cửu Long, hồn thơ trong Dung nảy nở, để rồi có một buổi trưa giữa Sài Gòn chang chói, chợt nghe đài báo miền Bắc đang mùa gió lạnh, bỗng nhớ da diết người vợ hiền bao năm cách xa mà viết nên lời…

Sớm hôm sau, trước khi chia tay, người chiến sĩ gửi gắm cho nhạc sĩ: "Sắp tới đây đơn vị em lại đi chiến đấu xa hơn anh Tuyên ạ, cũng chẳng biết sống chết thế nào… Những năm tháng qua cầm súng, em có viết được ít bài thơ, em muốn anh đọc giùm và lưu giữ giúp em...".

Nhạc sĩ Phạm Tuyên đón nhận cuốn sổ lưu giữ những vần thơ của người lính trẻ Bùi Văn Dung còn thoảng mùi khói súng, vừa thấy thiêng liêng vừa thấy nôn nao. Ông ôm người chiến sĩ vào lòng: "Thôi em đi, chân cứng đá mềm Dung nhé…".

Năm 1978, nhạc sĩ lại vào công tác ở miền Nam. Lòng ông hướng về những đoàn Thanh niên xung phong của TP Hồ Chí Minh đang rộn rã khơi kênh, đào mương trên những mảnh đất khô cằn. Hơn lúc nào hết, những vần thơ của Dung gửi cho ông ngày ấy lại trỗi dậy, trong đó có một bài thơ mà từ chiến hào, người chiến sĩ trẻ đã mở lòng đến với những dòng kênh:

Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua
Chỉ có nắng mùa hè cháy bỏng
Mồ hôi muối lưng áo em bạc trắng
Con kênh ta đào chưa là con kênh xanh

Trong một đêm lửa trại với các chiến sĩ Thanh niên xung phong, nhạc sĩ đã mang bài thơ này ra đọc, và được các bạn trẻ ở đây rất yêu thích. Có nhiều người còn chép cả vào sổ tay. Đêm sau, khi nhạc sĩ phổ xong thành bài hát, ông ôm ghi-ta bập bùng hát cho anh chị em nghe, tác phẩm lại càng được nhiệt liệt hoan nghênh. Và rồi những chàng trai, cô gái "Mồ hôi muối lưng áo em bạc trắng" này chính là những tâm hồn đầu tiên chắp cánh cho bài hát bay xa.

Và bay xa hơn, tên người nhạc sĩ và chiến sĩ thêm gắn bó…

Tác giả Bùi Văn Dung chăm sóc cây cảnh tại nhà riêng.

...Thời gian trôi đi. Một mặt trận mới lại mở ra nơi những cánh rừng phía Bắc. Có một đêm nơi biên giới, trong lờ mờ ánh trăng non đầu tháng, đang hành quân cùng những đoàn quân ra trận, nhạc sĩ bỗng nghe tiếng gọi: "Anh Tuyên". Một chiến sĩ chạy tới ôm chầm lấy ông: "Em đây, Dung đây. Đơn vị em vừa cấp tốc hành quân từ phía Nam ra"… Nhạc sĩ ôm chặt hơn người chiến sĩ, xúc động vì những năm tháng xa cách: "Thế Dung đã nghe "Con kênh ta đào" chưa?". "Có anh ạ. Cảm ơn anh rất nhiều". "Thế với sự kiện này, Dung có thơ mới không?". Dung lại bỗng trở nên bẽn lẽn: "Em có viết được một bài. Anh đọc xem nhé". Người chiến sĩ trao vội bài thơ, xiết chặt tay nhạc sĩ một lần nữa, rồi hối hả chạy theo đơn vị về phía trước…

Đấy là một bài thơ tình của người lính, thổ lộ một tình yêu thầm kín, thiết tha: "Anh yêu em suốt đời/ Bằng tình yêu không nói"… Và: "Chiến tranh dài lắm đấy/Chờ anh nhiều như vậy/Mùa xuân nào chịu yên?".

Bởi lẽ:

Anh sẽ còn phải đi
Những phương trời bão nổi
Lại một kẻ thù mới
Hằm hè chốn biên cương…


Nhưng tuy vậy, trái tim người lính bao giờ cũng lạc quan, hy vọng:

Hai phương trời đầy nắng
Chờ anh về nghe em…

Bài thơ lại theo nhạc sĩ đi suốt chặng đường. Lòng ông biết bao xúc động. Ông như nghe rõ tiếng trái tim đập của người lính trẻ Bùi Văn Dung, của những người lính.Và bỗng trong ông, những nét nhạc bay lên. Có lãng mạn quá không nhỉ? Ông bỗng tự hỏi mình. Và rồi tự trả lời: Chúng ta đã có rất nhiều hành khúc, nhưng với người lính nói riêng, với đất nước nói chung, không chỉ là hùng ca mà còn cần cả tình ca nữa. Có phải thế không nhỉ?

…Những lời thơ của người chiến sĩ vẫn cuốn ông đi. Thế rồi trong tiếng súng biên giới, "Tình ca của người chiến sĩ" ra đời. Nhân một lần ngồi tâm sự với những tướng lĩnh chỉ huy mặt trận, nhạc sĩ đã mạnh dạn hát. Những mái đầu bạc nghe xong đồng gật gù: "Rất tốt ông Tuyên ạ. Người chiến sĩ của chúng ta cũng rất cần những tình ca như vậy".

Với sự đồng tình ấy, nhạc sĩ đã băng ngay về phía Bùi Văn Dung và đồng đội của anh, để hát cho họ nghe ngay giữa hai đợt súng nổ…

Trung tá Bùi Văn Dung quê ở xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là hội viên Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc. Bùi Văn Dung đến với thơ ca như duyên trời định. Năm 1962, ông tình nguyện nhập ngũ rồi trở thành lính pháo binh. Năm 1967, khi đang làm Chính trị viên đại đội, ông được điều động vào miền Nam rồi chiến đấu liên tục đến ngày thống nhất đất nước. Năm 1978 khi mặt trận biên giới phía Tây Nam nóng bỏng, Thượng úy Bùi Văn Dung được điều động tăng cường lên mặt trận này. Năm 1979 ông lại được điều động lên mặt trận biên giới phía Bắc… Dấu chân của ông đã từng in ở khắp các chiến trường như: Kon Tum, Tây Ninh, Quảng Trị 81 ngày đêm rực lửa (1972), Sài Gòn tháng tư 1975, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc…

Cùng ông xem lại một số tờ báo như: Sài Gòn Giải phóng, Nội san Tuổi trẻ (tiền thân của Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay) ra những ngày cuối năm 1975, đầu năm 1976, chúng tôi thấy có khá nhiều bài thơ của tác giả ký tên: B Văn Dung. Thơ của ông dung dị mà lại trữ tình, khoáng đạt. Bài thơ "Gửi nắng cho em" của ông chính thức xuất hiện trên tờ Sài Gòn Giải phóng vào giữa tháng 12-1975 với những lời thơ mộc mạc, da diết. Sau này, suốt một thời gian dài kiếm tìm và thư từ, nhạc sĩ Phạm Tuyên và nhà thơ Bùi Văn Dung đã gặp được nhau và trở thành chỗ thân tình, gắn bó.

Mỗi khi có dịp về Hà Nội, nhà thơ lại thu xếp thời gian đến thăm nhạc sĩ Phạm Tuyên, đó là sự tri ân, tri kỷ, sự tiếp sức cho quá trình lao động nghệ thuật của mỗi người. Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, phải là một người gắn bó với đồng đất miền Bắc lắm mới có thể viết nên những ca từ đẹp như bài thơ "Gửi nắng cho em". Bài hát được Phạm Tuyên viết rất nhanh và được hầu hết các ca sĩ giai đoạn đó thể hiện.

Một điều tình cờ thú vị là từ năm 1976 đến năm 1980, trong nhiều bài hát mà nhạc sĩ Phạm Tuyên viết và phổ thơ thì có đến 6 bài hát phổ thơ Bùi Văn Dung. Những bài hát về sau khiến hai người càng có mối quan hệ chặt chẽ hơn. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Bùi Văn Dung nghỉ hưu với quân hàm Trung tá. Sau đó, ông được mời ra làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh rồi đảm nhiệm hết hai nhiệm kỳ Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trưng. Giờ đây, khi đã về với đời thường, tâm hồn người nghệ sĩ mới có nhiều thời gian để chắt chiu, bộc bạch cảm xúc của mình dành cho thơ, cho con cháu.                                   

Quý Ban

Châu La Việt
.
.