Người làm báo bằng căn cước của cha

Thứ Hai, 28/08/2017, 08:00
Người ấy là ông Dương Phượng Toại (SN 1950), hiện cư trú tại nơi chôn nhau cắt rốn, xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.


Tấc đất sắc màu

Tôi cứ băn khoăn không biết gọi ông bằng danh xưng nào cho thật chính xác.

Nhà báo ư? Đúng. Ông viết báo 40 năm có lẻ. Chỉ có điều chưa bao giờ được nhận Thẻ Nhà báo do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp. Ông cũng chưa bao giờ được cấp Thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam hoặc Hội Nhà báo Quảng Ninh. Bài báo ông viết thì đăng từ báo địa phương (Báo Hạ Long, Báo Quảng Ninh) cho đến báo Trung ương (Nhân dân, Văn nghệ, Quân đội nhân dân). Gần nửa thế kỷ gắn bó với văn học nghệ thuật, có lẽ niềm khích lệ đối với ông đó là được trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Nhà thơ ư? Từ tập thơ “Tiếng còi gốc rạ” (Hội VHNT Quảng Ninh) ra mắt năm 1997, đến nay vừa tròn 20 năm, các tập “Cánh đồng và Ngọn lửa” (NXB Văn học, 2009), “Lục bát sóng đôi” (NXB Văn học, 2010), “Khát vọng Bạch Đằng” (NXB Văn học, 2010) nối tiếp nhau ra đời. Đấy là chưa kể các tác phẩm in chung, tuyển chọn đều có thơ Dương Phượng Toại.

Nhà văn ư? Đọc bút ký do ông viết đầy chất văn. Các bài bút ký được in trong hai tập “Làng bây giờ” (NXB Hội Nhà văn, 2005) và “Thăm thẳm miền sông” (NXB Văn học, 2012). Ông đồ Lê Duy Thái, nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ, tỉnh Quảng Ninh, bình luận: “Văn Dương Phượng Toại vừa hiện thực vừa bay bổng vừa dân dã mà lại rất trí tuệ. Ký của ông đẹp đến từng câu chữ một”.

Mảnh đất Yên Hưng xưa, Quảng Yên nay, ông Toại cày cấy trên cái vỉa văn hoá ấy mãi chưa hết độ phì nhiêu. Đó là xã Nam Hòa (nay là phường Nam Hòa), xã thứ 3 của huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên) đồng thời là xã đầu tiên của đảo Hà Nam được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngôi làng trên bãi cọc Bạch Đằng ấy, tương truyền hơn 700 năm trước là mồ chôn giặc Nguyên sang xâm lược nước ta. Ngôi làng trên bãi cọc Bạch Đằng ấy, nửa thế kỷ trước, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, dân quân địa phương đã bắn rơi 2 máy bay phản lực Mỹ bằng súng trường và 12 ly 7. Đó là làng Quỳnh Biểu, xã Liên Hòa, nổi tiếng là “đất học” trong các làng xã trên đảo Hà Nam. Đó là làng Yên Đông, phường Yên Hải, có ngôi đình cổ thường gọi là đình Đông, được Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) liệt vào hạng đặc biệt quan tâm nhưng không may đã bị hỏa hoạn hủy hoại năm 1971…

Nhà báo Dương Phượng Toại.

“Có phải vì quá yêu mảnh đất này mà trong tôi cứ mãi một niềm đau đáu: Bạch Đằng Giang – một miền quê của sử thi, sông nước trăng thơ. Mỗi tấc sông thăm thẳm một bầu trời thơ, một áng văn vô tận. Mỗi tấc đất một sắc màu huyền thoại, một câu chuyện để kể đến muôn sau. Tất cả đã ủ men, lắng sâu thành trầm tích và chưng cất trong tôi thành xạ hương”, như lời ông Dương Phượng Toại tâm sự.

Làm báo bằng căn cước của cha

Ông Dương Phượng Toại là người có công đấu tranh bằng ngòi bút để người đồng hương liệt sỹ đặc công Nguyễn Công Bao được công nhận Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Và giờ đây, đến nhà ông, ta được đi trên con đường mang tên người anh hùng ấy. Chuyện làm báo, viết thơ, viết văn của ông còn nhiều chuyện đầy vị đằm của cuộc sống mà nhìn cái vẻ nâu sồng quê mùa của ông ít ai biết.

Không có lương, ông cặm cụi viết. Mỗi dòng chữ như luống cày được chính bàn tay ông vun xới. Không có thẻ, ông đi làm báo bằng chính căn cước của bố mình. Điều ông tự hào là đi khắp vùng Yên Hưng - Hà Nam, chỉ cần nghe tên cụ Tổng Tiến thân sinh ra ông thì đó là tấm giấy thông hành siêu hạng. Cha ông từng làm Lý trưởng rồi Chánh tổng để lại tiếng thơm khắp vùng mà nay trái ngọt ông được hưởng cả hương thơm.

Lại phải nói thêm rằng, ông Toại nói riêng, mấy vị văn nghệ sĩ Quảng Ninh nói chung mà tôi gặp gỡ đều có cung hiền thê. Các bà vợ đều yêu chồng, cổ vũ cho chồng làm việc. Dưới mái hiên nhà, tôi lẩm nhẩm lại mấy câu thơ của ông Dương Phượng Toại: “Ngày xưa thóc lép vét bồ/ Bây giờ đọc sách làm thơ tặng người/ Nơi đâu gió bụi đầy trời/ Nhà ta gió vẫn hát lời của cây”. Hẹp nhà rộng bụng, anh em văn nghệ sĩ bốn phương về với gia đình ông Dương Phượng Toại đều quý ông bà ở tấm tình. Bà Minh Sắp, vợ ông Toại, cứ rổn rảng: “Nhà quê cơm rau thì chẳng lo thiếu”.

Người làng kể rằng, có đận, có người phụ nữ đến xin lễ sống ông vì nhờ có ông đi kêu giúp mà chồng chị này được hưởng chế độ, từ một anh chàng dở dở đã dần lành lặn, sinh con đẻ cái. Mải mê gõ cửa kêu cứu cho nhiều người nhưng ông chả bao giờ nghĩ phải kêu cho mình. Ông cứ lặng lẽ đi và viết. Đận hôm ấy, ông dẫn tôi đến chép chuyện một nhân chứng làm ở giao tế Quảng Ninh kể chuyện đời thường của Cụ Hồ mỗi bận về vùng mỏ. Khi hai chú cháu ra về, dọc đường ông Toại rỉ tai tôi: “Ông đấy thiệt thòi lắm, cống hiến bao năm cho văn hoá huyện mà chẳng được gì. Chú định sắp tới phải vận động trưởng phòng văn hoá huyện quan tâm làm cho ông ấy cái hồ sơ nhận Kỷ niệm chương của ngành Văn hoá”.

Tôi gật gù và lại nhìn ông cười cười nhưng không nói. Trong bụng tôi nghĩ: “Ôi, ông Dương Phượng Toại, ông cứ đi làm phúc cho thiên hạ mà quên rằng mình cũng đang bị lãng quên đấy”. Và tôi muốn gửi đến Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh rằng, có một người làm báo của tỉnh bấy nhiêu năm...

Chuyện kể đến muôn sau

Tôi ngả lưng đánh một giấc thì trăng lên. Trăng mùng 9 tháng 6 âm lịch, đúng tuần lễ vào vụ mùa của vùng đất đảo Hà Nam. Vừa sáng, lễ hội Xuống đồng khai mạc với các nghi thức Tế Thần Nông, cấy Xứng đồng, thi bơi chải... trước cửa đình Phong Cốc trong tiếng reo hò của hàng vạn người dân nam phụ lão ấu, hậu duệ của 17 tiên công khai dân lập làng.

Tôi vừa ngó con trăng trên nền trời vừa hưởng những cơn gió mát từ sông Bạch Đằng thổi về. Dưới mái hiên ngôi nhà mới đại tu, tôi lướt facebook nghe nghệ sĩ của nhân dân Cẩm La, bà Minh Sắp cất tiếng hát “Ngồi tựa mạn thuyền” theo làn điệu Quan họ Bắc Ninh lời cổ. Chưa được nghe bà Minh Sắp hát chèo nhưng nghe anh em kháo nhau là giọng chèo của bà mượt lắm. 17 tuổi cất tiếng hát trong liên hoan văn nghệ, tai nghe đã thấy ưng rồi. Giờ vào tuổi 65, giọng không còn óng như tơ ươm song vẫn sóng như giang chuốt.

Trong chút chếnh choáng ánh trăng, ông Toại lại rủ rỉ kể cho tôi nghe những đêm trăng đi soi cá ở vùng sông nước Hà Nam này.

Tôi cứ vân vê cánh cửa bước vào ngôi nhà. Đại tu ngôi nhà cũ do cha mẹ để lại, đụng vào đâu cũng có kỷ niệm. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Phượng Đại, em trai út của ông Dương Phượng Toại, trước khi về Cẩm Phả còn tỉ tê với tôi về góc nhà cậu con út của cụ Tổng Tiến vẫn ngủ khì khì.

Ngôi nhà ấy, khi cụ Tổng Tiến chuẩn bị ra tranh chức Lý trưởng Cẩm La thì cụ bà thân sinh bắt phải làm nhà trước. Dựng nhà để dân làng thấy gian nhà gian cửa là do mình đổ mồ hôi sôi nước mắt mới dựng lên. Bà cụ không cho phép con cái đến khi làm ông nọ bà kia rồi mới dựng nhà kẻo mang tiếng người đời dị nghị.

Tôi cũng cứ tỉ tê lại với ông Dương Phượng Toại chả biết cụ bà năm xưa chữ nghĩa được mấy mà sao gia giáo phân miêng đến vậy. Cụ lại nhìn xa trông rộng, tránh điều tiếng ở đời để lại cho con cháu. Có người mẹ nghiêm đường thế thì ông Lý trưởng rồi lên Chánh tổng cả vùng mà thành cụ Tổng Tiến cứ răm rắp làm việc công chả dám tơ hào của dân xu nào. Nhìn xưa mà so với nay khéo phải làm thối móng tay, chạy xe ôm rồi buôn chổi chít... Ai cũng bật cười vì liêm sỉ đã mòn vẹt đi rồi, chẳng như người xưa. Chính ngôi nhà từ đường này vẫn giữ bức đại tự 4 chữ “Thế phả dương ba”. Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) dịch thoát cho tôi rằng, đây là dòng họ nổi tiếng, có danh vọng trong vùng đấy.

Kiều Mai Sơn
.
.