Người gieo hạt nhân văn ở Suối Tiên

Thứ Bảy, 16/05/2020, 06:54
Tròn 10 năm trước, trong một bài viết tôi đã không ngần ngại đặt cho ông Đinh Văn Vui, người sáng lập Khu Văn hóa - Du lịch Suối Tiên (phường Tân Phú, Q.9, TP Hồ Chí Minh) là "ông vua của ngành công nghiệp giải trí Việt Nam". Ngay sau đó, giới truyền thông đã tỏ ra đồng tình và trong rất nhiều bài viết, các tác giả khác cũng thường dùng mỹ danh ấy để đánh giá cao thành quả mà ông Vui đã đóng góp cho xã hội. 


Đến tận bây giờ, chưa có một khu giải trí nào mà từ trẻ em cho đến người già đều nhớ tên, sức hấp dẫn của nó không chỉ cuốn hút du khách khắp nước mà còn lan tỏa đến nhiều quốc gia trong vùng. Dưới mắt các chuyên gia quốc tế, cách bài trí của Suối Tiên là lạ lẫm và độc đáo, hiện đại pha lẫn bản sắc, giải trí nhưng lại đậm chất giáo dục, điều mà một số công ty quốc tế giàu tiền của không hề nghĩ đến hoặc không dám làm!

Đinh Văn Vui ít nói, chỉ hay cười, lời lẽ nhẹ nhàng khi tiếp xúc. Khác với nhiều "đại gia", ông Vui dường như luôn đứng sau những thành quả mà cuộc sống mang lại. Ông thường không đứng giữa ánh hào quang mà nép sang một bên. Ông cho rằng mình chỉ là một trong hàng ngàn con người đang đổ mồ hôi, công sức chăm bón cho khu vực này đơm hoa, kết trái.

Để có được một Suối Tiên nằm ngay bên xa lộ Hà Nội kỳ thú, sinh động như ngày nay, mấy ai nghĩ cách đây 25 năm, trên vuông đất mang một truyền thuyết nhỏ này là một khung cảnh nắng bụi, mưa lầy. Ông Vui và những cộng sự thân thiết đã có bao ngày đêm quên ăn mất ngủ; trường kỳ chiến đấu với thiên nhiên, với biết bao biến động của xã hội.

Ông Đinh Văn Vui.

Sau nhiều năm xoay trở đủ thứ nghề để mưu cầu ổn định cuộc sống, chú bé mồ côi cha ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) năm xưa đã quyết định chọn mảnh đất ven đô thành phố để xây dựng sự nghiệp. Mảnh đất cỗi cằn đó, người địa phương bảo làm bất cứ cái gì cũng không… ra tiền. Họ chẳng màng khai phá, canh tác, chẳng thà đi làm thuê, làm mướn. Một lâm trại nhỏ mọc lên, chủ yếu nuôi, trồng theo phương cách nông nghiệp, rõ ràng cũng không phải dễ ăn. Đã có những lúc ông Vui cùng gia đình phải đi bán dạo từng mớ rau, quả bí.

Làm du lịch, giải trí không đơn giản chút nào. Người ta không thể mua vé vào Suối Tiên để nô giỡn mãi trên bãi cát Tiên Đồng, không thể lúc nào cũng ngồi trên chiếc tàu lượn, không thể cứ đến xem mấy chú cá sấu lười biếng nằm đơ như khúc gỗ… Ở Việt Nam, rất nhiều khu du lịch dựa vào điều kiện thiên nhiên để thu hút khách, nhưng không ít nơi đã thất bại khi qua bao nhiêu tháng ngày người ta cứ thấy "dải nước đen giả suối chẳng thông dòng/ len dưới nách những mô gò thấp kém / Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm/ Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu…" (thơ Thế Lữ).

Đã có những khu vui chơi ra đời trước Suối Tiên, nhưng dần dà người dân thành phố đã quên mất tên, bởi vì cách bài trí, những mô hình cứ… quanh đi quẩn lại. Ông Vui hiểu được cái khó của công việc mình đang làm, quyết tâm không để thương hiệu bị mai một.

Ngoài tìm tòi, sáng tạo, ông và các cộng sự thân thiết đều dốc lòng nâng cao vị thế của từng công trình, chăm chút từng bờ cây, bụi cỏ để mọi người đều có thể hài lòng khi đặt chân đến nơi mà họ từng mơ ước, đặt kỳ vọng này. Nếu là người thường xuyên lui tới địa điểm trăng thanh gió mát này, bạn dễ nhận ra sự biến đổi nhanh chóng, các công trình mới liên tục được mọc lên, có cái đáp ứng cho nhu cầu của giới trẻ, có cái phục vụ cho sự trầm lắng của tuổi già và các khiếm khuyết dần dà được điều chỉnh, san lấp.

Đột phá lớn lao trong cách xây dựng một mô hình giải trí của Suối Tiên chính là giáo dục, nhắc nhớ mọi người về cội nguồn dân tộc, khuyên răn già trẻ nên làm việc thiện, tránh điều ác, nên từ bi, hỉ xả, giữ tròn đạo hiếu, ở hiền gặp lành.

Ngay từ ban đầu, Suối Tiên đã xây dựng công trình theo phong cách ấy. Lạc Long Quân, Âu Cơ, các đời Vua Hùng, hình ảnh của Đức Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát được dựng lên trang trọng và làm điểm nhấn ở khắp nơi. Không cần phải đắn đo, phân tích, trong một không gian xen lẫn nhiều loại hình, người bình thường nhất cũng có thể nhận ra những thông điệp của chủ nhân muốn gởi đến khách thập phương điều gì. Đó là nhắc nhở, rèn luyện đạo đức!

Thật ra, khi đưa những loại hình giáo dục này vào khu vui chơi, chủ nhân cũng đã gặp phải nhiều ý kiến phản ứng, trong đó có không ít cán bộ có vai vế, những người được xem là học cao, hiểu rộng. Người thì cho rằng đưa "triết lý nhà Phật" vào nơi không phù hợp, người thì nhận định ông Vui "truyền bá" những điều mang màu sắc duy tâm, có người lo xa "hình thái" như vậy làm sao mà… bán vé! Ông Vui lắng nghe, có điều chỉnh cho hợp lý nhưng vẫn quyết chí đi sâu vào phạm trù giáo dục - văn hóa.

Một gian triển lãm trong Lễ hội Trái cây Nam Bộ tổ chức tại Suối Tiên năm 2018.

Từ lâu, rất nhiều nhà xã hội, trí thức báo động về sự xuống cấp của nền văn hóa, giáo dục. Nói thì quá nhiều, quá đông nhưng có bao nhiêu chương trình, những việc làm cụ thể để phản kháng, gột rửa những hành vi đen tối ấy?! Ông Vui là một trong những người dám "hy sinh" đứng trên trận tuyến đầy gai góc ấy! Và không chỉ những lời thuyết minh suông, không chỉ xây dựng những công trình, hình ảnh mang tính minh họa, hằng năm Suối Tiên còn thực hiện những chương trình sống động, đầy ý nghĩa nhắc nhở mọi người giữ gìn đạo lý.

Tôi đã nhiều lần đến Khu du lịch này dự Giỗ Tổ Hùng Vương và lần nào xúc cảm cũng trào dâng khi thấy công sức của nhiều người bỏ ra cho sự thành công của một lễ hội. Tôi cũng không ít lần đến dự lễ hội trái cây vào mỗi tháng 6 hằng năm, thật ra là để chiêm ngưỡng những tác phẩm tạo hình bằng trái cây của các nghệ nhân đến từ nhiều miền của đất nước.

Ông Vui đã tạo sân chơi cho các "nghệ sĩ chân đất" và với niềm cảm hứng ngày một bay cao. Có nhóm người đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để làm nên một tác phẩm kỳ vĩ. Có người còn sưu tầm những vật quý hiếm mang đến cuộc thi, đề cao giá trị công sức của người yêu nghệ thuật. Rồi tôi cũng đã từng chứng kiến những đôi mắt rạng rỡ, những nụ cười tinh khôi của hàng ngàn thiếu niên khuyết tật khi được đặt chân "tự do" vào cái nơi mà các em cho là huyền ảo.          

Từ một vuông đất chỉ vỏn vẹn 6.000m2, ngày nay Suối Tiên đã nhân ra đến 55ha; từ những va vấp, mò mẫm trong những năm đầu, Khu Văn hóa - Du lịch này ngày càng hoàn thiện để hằng năm thu hút đến 5 triệu lượt khách; từ những thành công, trải nghiệm qua một phần tư thế kỷ, giờ đây những người lãnh đạo tập đoàn đã đầy đủ bản lĩnh, niềm tin để tiếp tục "gieo hạt" trên vùng đất mới rộng 300 mẫu mang tên Sơn Tiên.

Người ta nói "Thời thế tạo anh hùng", còn ông Vui chỉ biết quyết chí, lòng dạ sắt son với hoài bão, lý tưởng của mình. Với ông, dân tộc và đạo pháp hòa quyện hữu cơ trong huyết quản, là giá trị tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống, cho dù con thuyền sự nghiệp trôi trên biển lặng, sóng êm hay có lúc gặp phong ba bão tố. Ông là người đã truyền cái tâm, cái đức trong mọi hoạt động của một đơn vị được xem là kinh doanh, phải tính toán lợi nhuận; đã mang lại niềm vui cho nhiều tầng lớp trong cộng đồng; là người đã tạo ra "thời thế" cho một vùng đất vốn được xem là "buồn tủi thiên thu"; đã rắc những giọt nước hoa hạnh phúc lên cuộc sống của hàng ngàn nhân viên thuộc quyền.

Khó có thể nói hết những thành quả cũng như gian truân mà người kỹ sư Nông nghiệp này đã trải. Tôi bỗng nhớ mấy câu của Nguyễn Công Trứ: "Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả/ Anh hùng, hào kiệt có hơn ai?!", ngoài cái đầu con người ta hơn nhau ở ý chí và chỉ qua thử thách mới xác định được giá trị, phẩm chất, nhân cách của mỗi con người. Ông Đinh Văn Vui rất xứng đáng thụ hưởng những hương hoa mà đất trời và lòng người ban cho! Ghi nhận những phấn đấu, đóng góp to lớn ấy, năm 2015, ông Đinh Văn Vui đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Trần Tử Văn
.
.