Người đi tìm những nét đẹp khuất lấp

Thứ Năm, 04/10/2007, 07:10
Phó chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an – nhà văn Văn Phan - lại vừa cho ra mắt bạn đọc tập truyện “Sự dối trá chân thành”. Đây là một tập sách đầy đặn không phải chỉ ở số trang mà cả ở vị thế văn chương với sự đa dạng, phong phú của đời sống hiện thực.

Có thể nói có mặt trong tập này là hầu hết các truyện ngắn đắc địa nhất của anh. Đó là “Tàu chiều”, “Thời gian qua vườn hồng”, “Vùng rợp bóng mình”, “Người làng” và “Người bị từ chối”.

Bằng một bút pháp tường thuật dung dị và trầm tĩnh, tác giả đã đưa nhẹ cái chổi lau trên tấm kính đã phủ mờ đám bụi trần tục để lộ ra cho  ta thấy những nét đẹp tiềm ẩn trong mỗi con người, khơi dậy trong họ sự hoàn lương, hướng thiện (truyện “Cô giáo và tên trộm”, “Sự dối trá chân thành”, “Người bị từ chối”).

Văn Phan không mô tả người chiến sĩ công an ở bình diện nghề nghiệp, với những chuyên án kỳ bí, hay những cuộc đấu trí, đấu tài, anh lặng lẽ đi sâu vào bên trong, tẩy bóc những lớp vỏ bên ngoài, soi rọi nó trong sự thông cảm, sẻ chia.

Một cảnh sát hình sự tài ba, có rất nhiều chiến tích trên một chuyến tàu về phép, vì lòng tốt đã giúp đỡ một người phụ nữ, ai ngờ đó lại là một kẻ buôn ma túy. Anh bị rơi vào tình huống: Tình ngay lý gian và bị tam giam để xác minh làm rõ.

 Là một chiến sĩ công an, anh thừa biết pháp luật trọng chứng lý chứ không trọng cung. Nếu chỉ căn cứ vào đó chắc chắn anh là người phạm tội. Nhưng vốn là một  người tốt và trung thực, anh đã được chính những người từng phạm tội minh oan cho. Ở đây cái lý của lòng nhân ái đã thắng (truyện “Tàu chiều”).

Nhưng đến truyện “Sự dối trá chân thành” thì Văn Phan lại đưa ra một lý giải khác rất thú vị: Ở đây chả có chứng lý pháp luật buộc tội, nhưng giọt nước mắt chân thành lại là chứng lý tố giác kẻ ngoại tình. Với một thái độ bao dung, vị tha tác giả đã chiếm lĩnh được người đọc, kéo tình cảm của họ hành trình đồng chiều với mình.

Nếu nét đẹp của người chiến sĩ công an là sự trung thành, tận tụy, hy sinh vì nhiệm vụ cao cả thì sự hy sinh lặng thầm hạnh phúc cá nhân cũng là một nét đẹp trong phẩm chất của họ. Truyện “Thời gian qua vườn hồng” là như thế.

Đó là một chuyện tình buồn, man mác bóng dáng thời Tự lực văn đoàn. Nó như một kỷ niệm trong đời tác giả. Truyện này rất hợp với tạng những người đang sống ở mùa thu của cuộc đời.

Đằng sau chức vụ là những nghĩ suy, nỗi niềm, những tự vấn, tự bạch về được mất của con đường công danh, những bài học về nhân tình thế thái và cả những lỗi lầm sai sót. Đọc “Vùng rợp bóng mình” và “Người bị từ chối”, ta giật mình bởi những định kiến vô tình, hay cố chấp lại là liều thuốc độc giết người tàn ác nhất.

Trong mỗi người chúng ta vẫn ấp iu, thao thức trong lòng một chốn quê. Đấy là cội nguồn, nơi ta đi về. Nhất là vào những năm tháng mà Sếchxpia đã viết: “Bóng đời đã ngả bên kia thung lũng hoàng hôn!”, thì chốn quê càng trở nên tha thiết.

Văn Phan đã dành những tình cảm yêu thương, xót xa nhất để nói về quê hương mình và những “Người làng”. Đây là một truyện hay trong tập.Cái làng quê miền Trung quê hương tác giả trải qua bao biến động xã hội vẫn còn lại một Chắt Bẩm nhân hậu, lễ nghĩa.

Một con người thủy chung như nhất, không khuất phục trước cường quyền. Xuất thân là người đi ở cho ông Giáo Dân, lưu tán từ vùng quê khác đến làng Đông, là thứ dân ngụ cư nhưng Chắt Bẩm lại là người biết bảo tồn, lưu giữ cốt cách cho gia đình ông Giáo Dân cũng như gìn giữ nền văn hóa làng.

Ở đây, sự lễ của Chắt Bẩm đã được tác giả miêu tả như một thứ đạo - đạo lễ Đối lập với Chắt Bẩm là giáo sư Hấn con ông Giáo Dân, một trí thức cấp tiến nhưng sao mà cố chấp đến vậy, hẹp hòi đến vậy.

Quê hương đã để lại nơi  ông giáo Hấn những kỷ niệm không đẹp. Ông bỏ ra Hà Nội và không bao giờ về nữa. Trong ông cái làng Đông nó hờ hững, nhạt nhòa.

Đọc “Người làng” xong, gạt nó sang một bên, ta cứ ám ảnh về hai nhân vật đối lập ở trong câu chuyện đó. Văn Phan đã mang đến cho ta một tâm hồn quê đáng yêu, khiến ta thao thức nhớ đến cái chốn quê của mình.

Văn Phan thuộc thế hệ các nhà văn Công an đàn anh, trưởng thành từ những năm đầu kháng chiến chống Mỹ. Thế hệ anh được giáo huấn theo những xác tín hàn lâm, văn chương anh dung dị, trong sáng, mực thước, nghiêm cẩn, thể hiện một cốt cách văn hóa.

Thái độ của anh trước các vấn đề đời sống là thái độ ôn hòa nhân hậu. Anh không đẩy xung đột của truyện lên cao trào, hay các trạng huống tính cách cực đoan, mà theo tôi anh là một người kể chuyện, đối thoại với ta rủ rỉ như dòng tâm sự.

Mỗi câu chuyện là một mảng hiện thực của hôm nay, là nỗi trăn trở của một tấm lòng có trách nhiệm trước xã hội. Nhà văn đã mang đến cho người đọc, giúp người đọc vững tâm vào cuộc sống bởi vẫn còn có những nét đẹp đang bị khuất lấp

Mai Vũ
.
.