Người đàn ông đam mê văn hóa trà Việt

Thứ Bảy, 10/08/2019, 07:59
Những ai quan tâm đến trà và nghệ thuật thưởng trà, không thể không biết tới nghệ danh Vũ Quý Nhân (còn gọi là Mông Đông Vũ, là người dân tộc Tày ở Thái Nguyên) - người có bộ sưu tập ấm pha trà đồ sộ nổi tiếng tại Việt Nam, với hàng trăm ấm trà cổ với nhiều kiểu dáng, hoa văn độc đáo.

Đam mê và có những hiểu biết sâu sắc về văn hóa trà, ông được coi là người đầu tiên ở Việt Nam và là người dân tộc Tay dày công nghiên cứu và đưa văn hóa trà vào lễ hội.

Mối duyên từ nghệ sĩ chèo

Sinh ra và lớn lên tại xã Lam Vĩ, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) - vùng đất của trà, từ nhỏ, Vũ Quý Nhân đã được tiếp xúc với trà, dùng trà như đồ uống hàng ngày. Ông tâm sự, đất trời đã ban tặng cho Thái Nguyên khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp với cây chè, để rồi có những vùng chè ngon nổi tiếng như: Trại Cài, La Bằng, Tân Cương. "Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được sinh ra trên mảnh đất này, được sống và thưởng thức các loại chè ngon, hương vị rất riêng mà chỉ có chè Thái Nguyên mới có",  ông Vũ Quý Nhân nói.

Bên chén trà còn hơi nóng, ông kể lại "hành trình" ấp ủ đam mê với trà. Năm 1968, ông đi bộ đội và là lái xe vận tải Trường Sơn. Năm 1973, ông lái xe kéo pháo ở chiến trường Quảng Nam Đà Nẵng. Năm 1977, giải phóng xong thì ông ra quân rồi đi học ở trường đoàn Trung ương. Đến 1979, ông về công tác và làm Phó Bí thư Huyện đoàn, rồi cán bộ phong trào ở Phòng Văn hóa Huyện Định Hóa.

Năm 1983, ông tiếp tục học Đại học Văn hóa Hà Nội, ra trường về làm việc tại phòng nghệ thuật của nhà hát tỉnh. Sau đó ông làm Trưởng Đoàn Chèo Bắc Thái - Trưởng đoàn chèo đầu tiên đưa hình tượng Bác Hồ lên sân khấu chèo. Ông đã dàn dựng nhiều vở chèo thành công, trong đó nổi tiếng hơn cả là vở "Đức thánh Dương Tự Minh".

Nghệ danh Vũ Qúy Nhân bên ấm trà (Ảnh: Phương Vy)

Chính thành quả sân khấu này, đã đưa ông đến với văn hóa trà. Khi đi công diễn ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, ông đều tranh thủ đến nhà dân hỏi han về những bình trà cổ, rồi bỏ tiền ra mua về. Là người Tày "chính hiệu", không pha chút nào (năm 15, 16 tuổi ông mới biết nói tiếng Kinh), ông theo "linh tính mách bảo" đến với bà con dân tộc thiểu số những nơi đoàn chèo đi diễn để sưu tầm các mẫu chè ngon của nhiều vùng chè. 

Năm 2001, ông làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Thái Nguyên và có cơ hội được hiểu sâu hơn về chè. Ông tâm sự: Khi chuyển về công tác ở Thái Nguyên, vì đặc thù công việc khi làm Trưởng đoàn, ông phải đưa đoàn kịch đi khắp nơi, ông băn khoăn đặt câu hỏi tại sao mình không sưu tầm trà?

Sự trải nghề của ông cũng xuất phát từ niềm đam mê, tất cả những vùng trồng và sản xuất chè ngon nổi tiếng như: Tuyên Quang, Lâm Đồng, Lào Cai, Yên Bái sang Lạng Sơn ông đều đến tận nơi tìm hiểu. Ông cũng đau đáu, nếu như mình cứ tìm trà ngon, thì sẽ không tìm được sự độc đáo.

Ông bộc bạch từ câu hỏi của bạn bè tại Hiệp hội Chè Việt Nam: "Ông Vũ ơi, tôi đi đọc báo cáo ở Hiệp hội các nước, mình nói là chè Việt Nam ngon, họ không tin, họ nói chè do khẩu vị. Nhật cũng bảo chè Nhật ngon, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng bảo chè họ ngon". Từ đó, ông mới băn khoăn tự hỏi, tại sao mình không chứng minh Việt Nam có một nền văn hóa trà?

Trở thành người chuyên nghiên cứu về trà

Những tưởng ông là người "nghiện trà" nên mới có hứng thú để tìm tòi và phát triển về văn hóa trà Việt. Nhưng nghe ông tâm sự, chúng tôi được biết: Lúc đầu, ông "thử  chè" ở cấp xóm: xóm Guộc - xã Tân Cương. Ngày mồng 4 Tết năm 2004, Hội chè xuân xóm Guộc lần đầu tiên được tổ chức với nội dung gồm thi sao chè bằng chảo gang, các cô gái làng Guộc thi pha trà mời khách, văn nghệ, tung còn, bình thơ…

Ông Vũ cho biết: "Thật bất ngờ vì du khách kéo đến rất đông. Có lẽ đó là lần đầu tiên ở nước ta văn hóa trà Việt được đưa vào lễ hội làng và trở thành linh hồn của ngày hội". Sau một năm, Hội chè Xuân xóm Guộc lần 2 được tổ chức mở rộng thành phần thêm một số xóm trong và ngoài xã Tân Cương và khách thập phương đến đông hơn rất nhiều.

Ông phân tích rằng văn hóa trà Việt vẫn bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc và Nhật, nhưng làm thế nào tìm được nét riêng để phân biệt được rằng cái này là của người Việt chứ không phải của người Tàu?

Từ lễ hội xóm Guộc - Tân Cương, năm 2006, hội đã nâng lên cấp xã với tên gọi "Hội chè Xuân Tân Cương". Ông Vũ cho biết thêm: "Xóm Guộc là nơi phát tích danh trà Tân Cương và Lễ hội văn hóa trà Thái Nguyên, Việt Nam". Ông cũng từng được mời làm giám khảo trong nhiều buổi tiệc trà tại các tỉnh, thành như Đà Lạt (Lâm Đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Hội An (Quảng Nam), Hà Giang, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nội,.. 

Ông say sưa kể lại kỷ niệm năm 2006, tại Đà Lạt, trung tâm lễ hội tỉnh Lâm Đồng mời ông cùng với bộ sưu tập 200 ấm trà độc đáo vào trưng bày tại Lễ hội văn hóa trà, để giới thiệu văn hóa Trà Việt, và đồng thời làm giám khảo của lễ đó với hai lí do, khả năng phân biệt về chè khá sành sỏi, và ông có bộ sưu tập về ấm trà.

Khi ấy, rất nhiều người biết đến ông khi được vinh danh là người sưu tập ấm trà nhiều nhất. Với đủ các loại ấm trà, từ ấm tiên, ấm Phật đến bộ tứ linh "long-ly-quy-phụng", bộ tứ quý "xuân - hạ - thu - đông" …với đủ dạng chất liệu từ sành, sứ, đất nung, đến bạc, đồng, vàng, ngọc,… bộ ấm trà độc đáo của ông đã được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam những năm sau đó.

Được nhiều người biết đến nhưng ông khẳng định: "Bộ sưu tập ấm trà cổ của tôi suy cho cùng để phục vụ cho việc phát triển văn hóa trà, chứ không phải chơi đồ cổ". Ông đi tìm sự độc đáo của các kiểu ấm trà. Ông cho tôi biết trong các loại đồ gốm sứ, cái ấm thể hiện sự độc đáo nhất, có nắp ấm, có thân ấm, có quai, có vòi ấm, họa tiết hoa văn, còn bình vôi, lục bình, đĩa sẽ đơn giản hơn.

Ông công bố bộ sưu tập ấm chỉ để khẳng định Việt Nam có văn hóa trà. Theo ông, văn hóa trà gắn bó với người dân Việt Nam từ rất lâu, và có những nét riêng đặc trưng so với các nước trên thế giới.  Người Việt đã sản xuất ra nhiều ấm trà, chứng tỏ có văn hóa trà. Hơn nữa, những trà nhân - bậc cao nhân nổi tiếng trong lịch sử như: Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Tuân, Thạch Lam… đã từng uống trà.

Những vùng trà cổ như Suối Giàng, hơn 10.000 cây trà cổ. Ông bảo nếu người dân không yêu quý sao vẫn đề nó tồn tại? Rồi dãy Hoàng Liên Sơn cũng có. Như vậy là đồ trà có, trà nhân có, chè có. Ông đã nghiên cứu, so sánh, tìm ra những nét văn hóa đặc trưng nhất của trà Việt Nam nhằm tôn vinh văn hóa uống trà của người Việt.

Tiếp nối thành công, năm 2007, tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ hội Văn hóa trà Thái Nguyên lần thứ Nhất đã quy tụ được gần 100 đơn vị tham gia từ làng nghề chè, các huyện, thành, thị, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh rồi phát triển lên đến Festival trà quốc tế - Thái Nguyên Việt Nam lần thứ Nhất năm 2011. Với hàng trăm bình trà cổ đang có trong tay, ông đã chứng minh được: Việt Nam có văn hóa trà. Có cái tên Vũ Quý Nhân là do mọi người bảo ông quý ấm, nhưng ông cười nói, mình quý người hơn quý ấm. Có lẽ văn hóa trà Việt đối với ông là duyên nợ, là tâm huyết của cả đời người.

Điều đáng nói, có thể trước ông đã có nhiều người nghiên cứu về trà Việt, nhưng người tổ chức thực hiện đưa nó vào lễ hội thì có lẽ ông xứng đáng là người khởi xướng đầu tiên ở Việt Nam. Công lao của ông trong việc quảng bá hình ảnh về đất, người, chè Thái Nguyên trong suốt chặng đường đưa trà từ xóm Guộc đến Festival trà Quốc tế là không thể phủ nhận.

Giờ đây, khi đã về hưu, dù ngồi uống chè ở bất cứ đâu ông cũng có thể biết được đó là chè của vùng nào. Ông khẳng định như vậy vì đó là thói quen và một chút mẫn cảm, càng tìm hiểu lại càng đam mê và nhận thấy nhiều điều thú vị. Nói chuyện với ông dưới cái lạnh se se, tôi hiểu được ông dành nhiều thời gian, công sức cuộc đời mình vào đam mê, nghiên cứu và đưa văn hóa trà vào lễ hội.

Phương Vy
.
.