Người "cõng sách" xuyên Việt đến với trẻ em nghèo

Chủ Nhật, 24/11/2019, 08:21
Sau chuyến đi bộ của tôi vào năm 2010 và 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị nhân rộng tủ sách đến từng lớp học trên toàn quốc. Có được kết quả đó là chuyện đương nhiên nếu mình có quyết tâm, sự tận tình, nhiệt huyết.


Người ta gọi Nguyễn Quang Thạch là "gã ăn mày sách" xuyên Việt. Khoác ba lô con cóc, gã lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm, vừa đi vừa xin sách. Hễ ai cho cuốn nào, hay được bà con ủng hộ chút tiền mua sách thì dù mồ hôi mồ kê đầm đìa, thở không ra hơi trên con dốc đứng, mắt gã cũng sáng bừng lên như màu cờ xanh biếc của chương trình "Sách hóa nông thôn" mà gã mang suốt chặng đường. Đôi mắt ấy khác gì đôi mắt của lũ nhóc vùng quê nghèo ngày đêm mong ngóng gã về.

- Được biết chương trình "Sách hóa nông thôn" đã được anh ấp ủ hơn 20 năm nay, bao gồm cả 10 năm nghiên cứu lý thuyết và hơn 10 năm áp dụng thực tế?

+ Tôi sinh ra ở vùng nông thôn tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình của tôi có 4 thế hệ và đều rất hiếu học. Ông nội vừa giỏi Hán học vừa giỏi Tây học. Bà nội thì từng đi dạy… Tôi nhớ khi còn nhỏ, trong nhà có khoảng 500 cuốn sách, bác tôi có 4.000 cuốn sách, báo.

Thời đó, có được số lượng sách như thế là khá nhiều so với người khác. Đọc sách nhiều, biết được điều hay, sự lạ nên tính tôi ưa tìm tòi, xem thử những điều viết trong sách đúng hay sai. Chẳng hạn hồi lớp 7, tôi nhớ mình đọc ở đâu đó rằng khi trời càng lạnh, cá càng bơi xuống hạ lưu vùng nước sâu hơn để tránh rét.

Nguyễn Quang Thạch trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Vua Sejong về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016 - một giải thưởng tôn vinh những người khai trí.

Thử xem có đúng không, tôi ra ruộng khi trời lạnh như cắt, lội nước đơm cá ba đêm liền được 60 kí. Nhà có cái radio, tôi mở ra hàng trăm lượt để nghiên cứu tại sao nó nói được. Chính những lần đọc sách và trải nghiệm như vậy khiến tôi thêm yêu sách.

Đi nhiều, thấy người dân nông thôn còn thiếu thốn sách đọc, tôi nghĩ về một kế hoạch đưa sách về khắp các miền quê để người dân, trẻ em nơi đây cũng được đọc sách như trẻ em thành thị. Nghĩ xa hơn thì một đất nước có phát triển hay không, có hạn chế được tệ nạn, cái ác, thói xấu hay không là nhờ vào trình độ dân trí.

- Là cử nhân tiếng Anh, từng có công việc ổn định trong cơ quan nhà nước và tổ chức quốc tế nhưng rồi bỏ hết để "cõng" sách về nông thôn, hẳn anh nghe không ít lời ra tiếng vào?

+ Trong 10 năm đầu nghiên cứu lý thuyết, tôi có chia sẻ ý tưởng này cho một vài người bạn. Nhưng họ đều bảo tôi điên rồ, ảo tưởng. Riêng người thân của tôi đều rất ủng hộ, động viên. Nhờ vậy tôi cứ lẳng lặng làm, không chia sẻ kế hoạch này với ai nữa, vì không muốn mất thời gian đi nghe người khác chỉ trích, chê bai.

Tôi nghiên cứu khoa học thư viện, quan sát hành vi người đọc và phát hiện ra vào mùa thi thì sinh viên, học sinh ở nông thôn đến thư viện rất đông, nhưng hết mùa thi các em không đến nữa. Trong khi trẻ ở thành phố như Vinh thì lại khác. Tôi cũng tìm hiểu văn hóa dòng tộc, văn hóa cộng đồng, khả năng tài chính của người dân.

Mới hay nếu làm lúa thì một ngày họ chỉ lãi chừng hai hay ba nghìn đồng thôi. Nên xót lắm khi bỏ tiền mua cuốn sách cả 100 nghìn cho con. Nhưng đi vận động mỗi người góp một ít để làm nên tủ sách với hàng trăm đầu sách cho con em thì họ lại hưởng ứng nhiệt tình.

Năm 2007, khi báo Tiền Phong đăng bài về hoạt động làm Tủ sách dòng họ diễn ra rầm rộ ở Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, nhiều người đã gọi cho tôi xin sách và hỏi cách làm tủ sách. Lúc bây giờ, phong trào làm Tủ sách dòng họ đã lan tỏa nên tôi chỉ cần cho sách mà không cần phải đi mua, đóng tủ nữa. Từ 100 cuốn sách mà tôi tặng, sau một thời gian, tủ sách của mỗi dòng họ tăng lên đến 1000, 2000 thậm chí có nơi đạt 6000 cuốn nhờ con cháu đóng góp.

- Trên hành trình đi bộ xuyên Việt, chỉ một mình anh dọc đường gió bụi để vận động cộng đồng, xã hội cùng chung tay ủng hộ, xây dựng tủ sách cho chương trình "Sách hóa nông thôn", anh có cảm thấy cô đơn?

+ Nói tôi cô đơn trên hành trình của mình thì thực ra chỉ là sự biểu thị bề ngoài. Trong thâm tâm, tôi hiểu mình không hề cô đơn. Mình luôn có người đồng hành, cụ thể là "Sách hóa nông thôn" hiện đang có hơn 300.000 thành viên trong và ngoài nước, từ em bé đến cụ già góp sức tạo nên hơn 30.000 tủ sách ở khắp  tỉnh thành, giúp hơn 400.000 người dân nông thôn, trong đó gần 300.000 học sinh tiếp cận sách.

Sau chuyến đi bộ của tôi vào năm 2010 và 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị nhân rộng tủ sách đến từng lớp học trên toàn quốc. Có được kết quả đó là chuyện đương nhiên nếu mình có quyết tâm, sự tận tình, nhiệt huyết.

- Niềm hạnh phúc của anh còn là những người thụ hưởng lợi ích từ những Tủ sách dòng họ, Tủ sách lớp học, Tủ sách hậu phương chiến sĩ… của chương trình "Sách hóa nông thôn"?

+ Tôi nhớ ở Tủ sách dòng họ Đỗ tại Thái Bình, có một cháu thi đỗ đại học liền cảm ơn chủ tủ sách rối rít vì đã cho mượn sách toán logarit. Cũng nhờ Tủ sách phụ huynh, em Hải Ninh ở trường THCS An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình luôn đạt giải học sinh giỏi. Dịp tết, em còn kêu gọi các bạn góp tiền mừng tuổi để làm tủ sách cho học sinh ở Sơn La.

Trẻ em ở nhiều vùng miền được tiếp cận với sách nhờ chương trình "Sách hóa nông thôn" (Ảnh minh họa).

Thấy được lợi ích của Tủ sách phụ huynh, em còn "cả gan" viết thư cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục, mong Bộ trưởng nhân rộng cách làm này ra toàn quốc. Lúc em đưa thư cho tôi, tôi choáng quá. Tôi hỏi đi hỏi lại có phải thư em viết không vì mình không ngờ đứa trẻ lớp 8 viết được như vậy.

Tuy nhiên cũng dễ hiểu vì em đọc rất nhiều sách như "Đồi gió hú", "Nghìn lẻ một đêm", "Những tấm lòng cao cả", "Túp lều của bác Tom"… Có một em nữa là em Hoàng Thị Nhàn học lớp 12 ở Thái Bình. Nhàn bị xương thủy tinh nên em luôn bi quan, tuyệt vọng. Đọc tấm gương những người vượt khó, em mới thấy nhiều người còn khó khăn hơn mình nên cố gắng học tập, phấn đấu thật tốt.

- Anh từng vinh dự trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận giải "Vua Sejong" về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016 - một giải thưởng tôn vinh những người khai trí - như một sự công nhận những đóng góp, tâm huyết của anh dành cho công cuộc nâng cao dân trí nông thôn.

+ Thật sự, giải thưởng là điều tôi không hề nghĩ đến khi bắt tay thực hiện chương trình này. Nhiều lần, tôi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được thông báo UNESCO có chương trình mời các quốc gia tham gia cuộc thi về sáng tạo hay xóa mù chữ gì đó. Tôi từ chối vì không quan tâm. Nhưng nhờ mọi người thuyết phục, mình cũng nghĩ: "Sao mình không đứng trước đại diện của hàng trăm quốc gia trên thế giới để nói những điều mà người Việt Nam đã làm được trong việc thay đổi cấu trúc thư viện?".

Nghĩ vậy tôi làm hồ sơ chứ không nghĩ sẽ được giải thưởng. Thú thật, khi UNESCO gọi điện thông báo tin vui thì tôi chỉ vui một chút vì trong tôi vẫn đè nặng con số 15 triệu trẻ em Việt Nam chưa có sách đọc.

- Như anh đã nói, không ít em học sinh, sinh viên đọc sách chỉ để phục vụ cho mục đích thi cử, hết mùa thi thì thư viện lại vắng vẻ. Rõ ràng có sách là một chuyện nhưng có thói quen hay đam mê đọc sách không lại là chuyện khác, đặc biệt là các em có gia cảnh nghèo khó, ngoài giờ học phải phụ giúp cha mẹ thì thời gian đâu để đọc.

+ Vì vậy nên ngoài việc vận động chính quyền có những chính sách phát triển văn hóa đọc thì tôi rất chú trọng chuyện các thành viên xã hội quan tâm đến lĩnh vực khai trí như thế nào. Đây là lực lượng chiếm phần đa trong xã hội nên chiến lược của tôi là kêu gọi họ hãy chung tay song hành cùng chính quyền để cùng nhau thay đổi tầm nhìn ngắn hạn của một bộ phận người dân nông thôn, giúp họ quan tâm, khuyến khích con em mình đọc sách.

 - Và để tiếp tục kêu gọi mọi người làm nên cuộc "cách mạng thư viện" ở nông thôn, anh sẽ lại đi bộ xuyên Việt? Đó là hành trình rất gian nan, cực khổ. Tại sao anh không chọn cách kêu gọi khác nhẹ nhàng hơn là tự "hành xác" mình?

+ Sau chuyến đi bộ khoảng hơn 3.000 km vào năm 2015, đến giờ, tôi bị đau xương sống. Nhưng tôi sẽ tiếp tục hành trình, dù phải đi xe lăn xuyên Việt. Hiện nay tôi chuẩn bị hành trình đi bộ để xây dựng 30 tủ sách cho trẻ em nghèo Ấn Độ và sắp tới là các nước Châu Phi. Trở lại quê nhà, tôi nghĩ kêu gọi người Việt quan tâm đọc sách và đưa sách phủ sóng nông thôn là quá trình lâu dài. Mọi thứ sẽ thay đổi khi lòng kiên trì đủ lớn. Tôi phải làm sao để chứng tỏ lòng kiên trì ấy và chạm được vào trái tim mọi người. Trước khi tôi đi bộ, chương trình chỉ có vài trăm tủ sách, sau mỗi lần tôi trở về thì số tủ sách đã tăng lên hàng chục ngàn. Nếu tôi không đi thì chưa chắc đã có con số ấy.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Mai Quỳnh Nga (thực hiện)
.
.