Kỷ niệm 150 năm ngày sinh và 70 năm ngày mất của thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore:

Người công dân toàn cầu và chuyện tình xa xứ

Thứ Năm, 22/12/2011, 08:00
Có một câu nói của Marx thường được nhiều người trích dẫn: "Tất cả những cái gì thuộc về con người đều không xa lạ đối với tôi". Thực tế, trong cuộc sống, số những con người tầm cỡ như vậy đâu có nhiều? Và, trong số hiếm hoi những người mà "Tất cả những cái gì thuộc về con người đều không xa lạ" đối với họ, tôi nghĩ tới Rabindranath Tagore (1861-1941).

Không chỉ là một nhà thơ lớn, ông còn là một nhà văn xuất sắc, một nhà tư tưởng uyên thâm, một họa sĩ, nhạc sĩ tài hoa (tác giả của ca khúc "Chúa là linh hồn của chúng sinh" hiện được dùng làm Quốc ca của Ấn Độ). Ảnh hưởng của Tagore vượt xa ngoài biên giới quê hương, dù ông sinh ra ở một đất nước có diện tích lớn và dân số đông. Đúng như nhận xét của ông Ranjit Rae, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam trong lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh, 70 năm ngày mất của Tagore (tổ chức tại khách sạn Melia, Hà Nội ngày 9/11 vừa qua): "Tagore là một công dân toàn cầu", "những thông điệp của ông không chỉ áp dụng với người dân Ấn Độ mà còn mở rộng tới toàn thế giới".

Dân tộc Ấn Độ có câu ngạn ngữ rất hay: "Trước tình yêu, vua và dân như nhau". Tình yêu đã không phân chia ranh giới đẳng cấp thì tình yêu cũng xóa nhòa mọi tín ngưỡng và tôn giáo... Đến với tình yêu, ta thấy Tagore cũng "người trần" như tất cả các chàng trai khác trên thế gian. Ông khao khát được yêu, mong muốn tìm được người tri âm, thậm chí là người của một thế kỷ nào đó sau khi nhà thơ đã khuất.

Khi Tagore viết: "Anh không giấu em một điều gì/ Chính vì thế mà em không biết gì về anh cả" là ông rất sâu sắc nước đời, hiểu những điều tưởng chừng nghịch lý nhưng lại rất biện chứng của tình yêu. Và khi ông kể lại câu chuyện một cô gái đã kiên quyết gạt bỏ mọi lời tỏ tình, mọi cử chỉ âu yếm của một chàng trai, chỉ khi chàng bỏ đi thì mới giật mình thổn thức: "Ai đó, sao không trở lại?", điều ấy chứng tỏ ông rất am hiểu tâm lý người đang yêu, đặc biệt là của các thiếu nữ. Ở đây, chúng ta có thể tin lời Ilya Erenburg: "Thanh niên Ấn Độ khi yêu nhau thường đọc thơ tình của Tagore".

Thơ Tagore là vậy, còn trong đời thực, chuyện tình yêu của ông diễn ra như thế nào?

Tagore lập gia đình vào năm 24 tuổi. Vợ ông - bà Mrinalini Devi - khi ấy mới 10 tuổi, là con gái một người làm công trong trang trại của bố mẹ ông. Sau khi trở thành vợ Tagore, để bớt "giọng quê", Mrinalini được gia đình nhà chồng (vốn rất có thanh thế ở Calcutta) thuê người dạy nói tiếng Bangali. Không dừng ở đó, bà còn được gửi đến trường để học tiếng Anh, cũng như học các ngón nghề nữ công gia chánh và cách quản lý gia đình.

Mrinalini là mẹ của 5 đứa con. Bà được xem là người phụ nữ nhân hậu, luôn quan tâm đến những phận người thấp cổ bé họng. Bà rất thạo việc bếp núc, không chỉ với các món ăn truyền thống mà cả những món ăn ngoại quốc. Tagore cũng thường xuyên chia sẻ với vợ việc bếp núc, nhất là khi bà thử làm các món mà ông "đưa" từ nước ngoài về.

Mặc dù luôn yêu cầu người ăn kẻ ở phải chú ý tới y phục, nhất là phụ nữ thì phải biết ăn mặc đẹp, song trên thực tế, Mrinalini lại là người rất ít chăm chút cho cái hình thức bên ngoài của mình. Tagore từng có câu thơ "Em thế nào thì cứ thế mà đến/ Chớ có loay hoay sửa soạn áo quần". Mrinalini là một mẫu người như vậy chăng?

Thi hào Rabindranath Tagore.

Sự thực thì mặc dù luôn nhận được tình thương yêu của chồng, song Mrinalini không phải là nàng thơ của ông. Theo nội dung những lá thư mà Tagore gửi cho vợ hiện còn lưu lại thì chủ yếu ông chỉ hỏi han việc nhà, rằng thì tình hình các con ra sao, công việc điền trang thế nào, tiền nong đủ hay thiếu? Thường thì ông không hỏi trực tiếp về Mrinalini. Ông tỏ ra "nóng tính" khi vợ chậm hồi âm. Cũng có bức thư ông thể hiện nỗi nhớ nhung với vợ: "Ta nhớ em và tự bảo với mình rằng, liệu ta có thể rời bỏ cơ thể mình để về bên em" (viết ngày 29/8/1890, khi ấy Tagore 29 tuổi, còn Mrinalina đang ở độ tuổi trăng tròn). Tuy nhiên, những lá thư lời lẽ thăng hoa, cởi mở thế này rất hiếm hoi.

Mrinalini qua đời năm 1902. Mặc dù bấy giờ Tagore mới 41 tuổi, song từ đó cho đến kết đời, ông không lập gia đình thêm một lần nào. Không cưới vợ mới, song là nhà thơ, Tagore vẫn để cảm xúc yêu đương trỗi dậy với những lý lẽ tự nhiên của nó. Lần theo các bức thư, người ta có thể thấy rất nhiều tình cảm yêu thương sau này được Tagore dành cho người phụ nữ ngoại quốc Victoria Ocampo.

Victoria Ocampo là một nữ văn sĩ Argentina, người rất có học vấn (am tường tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha), đồng thời là người tích cực đấu tranh cho sự bình đẳng của phụ nữ. Năm 1924, trong hành trình đi thăm một số nước Nam Mỹ, Tagore bị ốm và phải dừng lại nghỉ dài ngày ở Argentina. Tại đây, ông bất ngờ được bà Victoria Ocampo, một phụ nữ 34 tuổi, đã bỏ chồng, là người rất ngưỡng mộ Tagore mời đến ở tại khu biệt thự Miralro, một biệt thự đẹp nhìn ra sông Plate. Để có tiền thuê chỗ nghỉ dưỡng cho Tagore, Ocampo đã phải bán đi chiếc mũ quý có nạm kim cương. Sau này, trong hồi ký của mình, Ocampo nhớ lại: "Tôi dẫn Tagore bước vào khu biệt thự và bằng linh cảm của mình, tôi tin rằng, những vẻ đẹp sông nước mà nhà thơ nhìn thấy mỗi sớm sớm, chiều chiều từ khu biệt thự này sẽ mãi mãi đi vào ký ức của ông".

Ocampo đã rất chu đáo trong việc tạo mọi điều kiện để Tagore nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, duy một điều bà không thực hiện nổi, ấy là ngăn trở được những con sóng tình yêu cứ ngày một cồn lên mạnh mẽ trong trái tim người đàn ông đã từ lâu góa vợ này.

Có một chuyện đáng nói là, mặc dù thường xuyên gặp nhau tại khu biệt thự, song mối quan hệ giữa Tagore và Ocampo đã có lúc bị "ngáng trở" bởi Elmhirst, thư ký riêng của Tagore trong chuyến đi này. Ocampo từng có lúc trách cứ Elmhirst là đã "giữ riệt" lấy ông chủ của mình. Còn bản thân Tagore, có lúc ông lại lầm hiểu rằng Elmhirst đã "phải lòng" Ocampo.

Tagore và Ocampo đã viết cho nhau nhiều thư. Một phần không nhỏ được thực hiện tại Argentina. Những bức thư này thể hiện một tâm lý vừa ngại ngùng vừa mong mỏi… của họ. Tuy nhiên, càng về sau, những lá thư càng thể hiện tình cảm rõ ràng hơn.

Đây là trích đoạn lá thư Ocampo viết cho Tagore trong đêm 20, rạng sáng 21/11/1924: "Ông có thể quên đi bầu trời Ấn Độ không, cả đến lúc ông không có cơ hội nhìn thấy nó thêm lần nào nữa?... Hãy để em uống cạn nỗi đau hộ ông. Em không còn gì để dâng hiến cả. Chỉ còn biết mong mỏi được làm chỗ nương tựa cho ông bằng cách chia sẻ nỗi đau với ông…".

Về phía Tagore, trong bức thư đầu tiên gửi tới Ocampo (viết ngày 14/11/1924), nhà thơ cao niên đã hé lộ đôi chút tình cảm của mình: "Thật khó để em tưởng tượng được sự cô đơn khủng khiếp tôi đang phải gánh chịu". Tuy nhiên, đến những lá thư sau này, nhà thơ đã không ngần ngại giãi bày, rằng  ông đang phải chịu cái gánh nặng của "sự nổi tiếng bất ngờ" (ý chỉ việc ông được giải thưởng Nobel văn học, trở thành nhà văn châu Á đầu tiên được nhận giải thưởng cao quý này), và nghịch lý là, trong khi "giá thị trường của tôi lên cao" thì "giá trị cá nhân của tôi bị lu mờ đi". Từ đó, ông nói cái hạnh phúc được sống lại những cảm xúc tươi nguyên của con người được "nhận món quà quý báu đến từ em", một món quà mà từ lâu ông vẫn hy vọng mình "xứng đáng được nhận". Tagore cũng cho biết, ông rất hạnh phúc vì thấy Ocampo "quý mến" ông vì "con người đích thực" của ông chứ không phải vì thứ "vinh quang phù phiếm" mà người ta quàng cho ông.

Từ đó cho tới khi Tagore về Ấn Độ, và mãi những năm tháng sau này, hai người vẫn tiếp tục viết thư cho nhau. Hai năm trước khi mất, trong bức thư gửi Ocampo, Tagore vẫn không quên nhắc lại những kỷ niệm đẹp của tháng ngày ông sống tại biệt thự Miralro: "Có lẽ em cần biết là, ký ức về những ngày đầy ánh nắng và sự săn sóc dịu dàng của em đã là nguồn cảm hứng cho một số bài thơ của tôi, và đó là những bài thơ hay nhất, với những vẻ đẹp thoáng qua mà tôi đã kịp nắm bắt được". 

Sau này, trong một tập thơ có tên gọi "Puravi" của Tagore, người ta bắt gặp dòng chữ đề tặng một người tên là Vijaya. Theo các nhà nghiên cứu thì Vijaya là một cái tên Ấn Độ mà nhà thơ dùng để gọi "nàng thơ" Victoria Ocampo của mình

Lưu Thanh Minh
.
.