Người chối từ nhung lụa

Thứ Tư, 26/11/2008, 17:00
Kỷ niệm 190 năm ngày sinh văn hào Nga Ivan Tuốcghênhép.

Ngày 9/11 vừa qua là chẵn 190 năm ngày sinh của văn hào Nga Ivan Tuốcghênhép. Năm nay cũng là chẵn 150 năm kể từ lần ra mắt đầu tiên tác phẩm "Axia" của ông - một kiệt tác về tình yêu từng làm rung động con tim của hàng triệu bạn đọc trẻ trên khắp thế gian. Sinh thời, Tuốcghênhép vẫn luôn được xem là tác giả của những áng văn vào loại "trong sáng, mẫu mực nhất" của văn học cổ điển Nga.

Văn hào Lép Tônxtôi từng viết thư cho Tuốcghênhép, khẳng định: "Tôi chân thành kính yêu Ông tha thiết (với chữ Ông viết hoa). Văn hào Pháp Prôxpê Mêrimê thì luôn xem Tuốcghênhép là "nhà văn xuôi hiện đại lớn nhất". Trong thời kỳ bị lưu đày ở Suxenkôiê (Xibia), lãnh tụ cách mạng Vlađimia Ilích Lênin từng yêu cầu gia đình gửi cho mình bộ "Tuốcghênhép toàn tập", và Người đã "say mê đọc đi đọc lại". Trong trước tác của Người, các nhà nghiên cứu văn học nhận thấy, những tình tiết liên quan đến Tuốcghênhép cũng được nhắc đến với mật độ khá dày...

Ivan Tuốcghênhép sinh năm 1818 tại một trại ấp ở miền Trung nước Nga, thuộc tỉnh Ôriôn. Có thể nói, ông là người chào đời trong nhung lụa. Bố là một sĩ quan cận vệ, mẹ là người đàn bà có học vấn. Khi hai người lấy nhau, họ được thừa hưởng một gia tài khổng lồ, với hàng chục ngàn hécta ruộng cùng hàng ngàn nông nô. Vậy nhưng, trong tâm khảm nhà văn tương lai, ký ức tuổi thơ của ông lại hiện lên với những hình ảnh thật ảm đạm. Tuốcghênhép từng viết rằng: "Không có lấy một ký ức trong sáng. Tôi sợ mẹ như sợ cọp… Chẳng mấy ngày mà tôi không bị ăn roi vọt".

Thân mẫu của Tuốcghênhép là một người đàn bà có cá tính rất phức tạp. Bà say mê hội họa, sách báo, rất năng đến nhà hát và thích chăm sóc cây cảnh. Nhưng với con người thì bà lại xử sự một cách khắc nghiệt. Là nỗi kinh hoàng của các nông nô đã đành, bà còn luôn gây cho chính những người con đẻ của mình sự ức chế. Mặc dù là chủ của những trang trại lớn, nhưng do bản tính hay tự ái, xét nét, nên khi các con bà đề nghị bà trích cho họ một khoản thu nhập nhỏ bé nào đó để họ khỏi quấy rầy bà vì "những chuyện vặt vãnh", bà đã "bỏ ngoài tai". Thái độ "độc đoán và chuyên quyền" của bà đã khiến có lần, mẹ con Tuốcghênhép phải nặng lời với nhau.

Theo phân tích của Tuốcghênhép thì mục tiêu duy nhất của mẹ ông là làm thế nào cho các con trai bị phá sản. Chính vì lẽ đó, trong bức thư cuối cùng gửi cho viên quản gia ở trang ấp của mình (viết trước khi mất) bà này đã ra lệnh cho viên quản gia phải bán toàn bộ dinh cơ đó "với một giá thật rẻ mạt hoặc thậm chí đốt nó đi nếu cần". Quả là cách "trừng phạt" con cái thật tàn nhẫn.

Hình tượng người mẹ "hiếm có" ấy sau này đã được Tuốcghênhép dùng làm "nguyên mẫu" cho một số tác phẩm của mình, như nhân vật bà địa chủ già trong truyện ngắn "Con chó Mumu", nhân vật bà nội đầy quyền uy trong truyện vừa "Punin và Baburin", nhân vật bà chủ không lúc nào chịu rời chuỗi tràng hạt bằng hổ phách trong truyện ngắn "Văn phòng riêng của bà lớn". Cũng từ thái độ không mấy mặn mà với người mẹ, Tuốcghênhép càng thêm đồng cảm với nỗi niềm của những người nông nô đang phải gánh chịu trăm bề khổ ải. Và điều này đã ảnh hưởng quan trọng tới thái độ sống cũng như khuynh hướng sáng tác của ông. 

Tương tự nhiều bậc tài danh trên thế giới, khởi đầu sáng tác của Tuốcghênhép là… thơ. Mặc dù thể loại này không giúp ông có được tác phẩm "đỉnh cao", song nó lại vô hình giúp cho câu văn của ông trở nên mượt mà, uyển chuyển, đến độ tinh diệu. Thơ ca cũng là "bệ phóng" đưa ông đến với những cuộc gặp gỡ, trao đổi học thuật ở các sa lông văn học, để rồi từ đó, nhà văn trẻ đã được gặp hầu hết các nhân vật ưu tú của văn đàn Nga thời ấy, trong đó có cả Puskin và Lécmôntốp, là những người đã từ giã cõi đời khi  còn rất trẻ... Ngoài sáng tác thơ, Tuốcghênhép còn tham gia dịch các vở kịch "Ôtenlô", "Vua Lia" của Sếchxpia, nhưng rồi chẳng bao lâu, ông không hài lòng và hủy chúng đi.

Trong suốt cuộc đời, Tuốcghênhép đã nhiều lần… xuất ngoại. Lần đầu tiên là vào năm 1838, ông sang Đức để theo học tại Trường đại học Tổng hợp Béclin. Sau khi tốt nghiệp về nước, Tuốcghênhép nộp đơn xin thi lấy bằng giáo sư triết học. Việc làm này đã khiến giới sáng tác có định kiến. Họ nhìn ông như nhìn một nhà bác học trẻ, hơn là một nhà thơ. Bản thân Tuốcghênhép, sau một thời gian mò mẫm tìm đường, trong thư gửi nhà nghiên cứu văn học Vêghêrốp cũng đã có cái nhìn nghiêm khắc đối với sáng tác của mình: "Tôi có ác cảm thực sự với những bài thơ của tôi, và không những tôi không lưu giữ bản nào, mà sẽ còn trọng thưởng nếu như những bài thơ đó không còn tồn tại".

Năm 1842, sau khi được gặp nhà phê bình văn học lỗi lạc Bêlinxki, quan niệm sáng tác của Tuốcghênhép thay đổi rõ rệt. Sau này ông tiết lộ, kể từ khi ông kết bạn với Bêlinxki "tất cả triết học cùng với những mộng tưởng và ý đồ về nghề dạy học đều bị dẹp ra một bên. Tôi tự hiến mình hoàn toàn cho văn học Nga". Tuốcghênhép cũng chuyển dần sang viết văn xuôi.

Tác phẩm đầu tiên, ghi một dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp văn học của Tuốcghênhép chính là tập "Bút ký người đi săn". Tập truyện này được xuất bản thành sách năm 1852 nhưng trước đó tác giả đã trích in rải rác trên tạp chí Người cùng thời từ năm 1847. Theo nhận xét của nhà văn Ghécxen thì cuốn sách là "một bản cáo trạng lột trần chế độ nông nô". Còn theo ý kiến của Bêlinxki thì "Tuốcghênhép đi vào nhân dân từ cái hướng mà trước nhà văn chưa hề có một ai đi như thế". Chính bởi ý nghĩa như vậy nên ngay trong năm 1852, theo lệnh của Nhicôlai Đệ nhất, viên kiểm duyệt cho phép xuất bản cuốn sách đã bị bãi chức.  

Kể từ sau "Bút ký người đi săn", một loạt tác phẩm văn xuôi đặc sắc của Tuốcghênhép kế tiếp nhau ra đời: Năm 1856, tiểu thuyết "Ruđin"; năm 1858, truyện vừa "Axia"; năm 1859, tiểu thuyết "Một tổ quý tộc"; năm 1860, tiểu thuyết "Đêm trước", truyện vừa "Mối tình đầu", năm 1862, tiểu thuyết "Cha và con"; năm 1872, truyện vừa "Lũ xuân"  vv và vv (hầu hết các tác phẩm được nhắc tới trên đều đã được dịch in ở Việt Nam). Tên tuổi của Tuốcghênhép được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới. Có những cuốn, như cuốn "Đêm trước", theo hồi tưởng của người đương thời thì độc giả đã dược chia làm hai phe: Một phe đón nhận với sự đồng tình nhiệt liệt, còn một phe với niềm lo ngại, băn khoăn. Riêng những cuốn thiên về đề tài tình yêu thì cuốn hút hết thảy mọi người. Tạp chí Người cùng thời đã phải viết rằng, với một cuốn như "Một tổ quý tộc", "nếu không biết tới là một điều không thể tha thứ". 

Trong niên biểu về cuộc đời Tuốcghênhép, các nhà văn học sử có ghi: "Tháng 11 năm 1855, từ Xêvaxtôpôn về Pêtécbua, Lép Tônxtôi đến nhà Tuốcghênhép để làm quen với ông". Sự thật thì không riêng gì Tônxtôi, mà nhiều nhà văn lớn khác, như Guyxtavơ Phlôbe của Pháp (tác giả tiểu thuyết "Bà Bôvary") cũng rất lấy làm vinh hạnh khi được tiếp xúc với Tuốcghênhép. Trong một bức thư gửi cho nhà văn Nga, ông thổ lộ: "Tôi thật là hạnh phúc được làm quen với Ngài hai tuần trước đây và được bắt tay Ngài". Văn hào Nga Phêđo Đôxtôiépxki cũng đã ghi lại cảm xúc khi lần đầu được gặp Tuốcghênhép: "Một thiên tài, một nhà quý tộc, một chàng trai trẻ, một điền chủ giàu có, thông minh, có học thức" và ông cho biết ông "cũng suýt phải lòng Tuốcghênhép".

Về đường bạn bè thì vậy, song đường vợ con của Tuốcghênhép xem ra không được hanh thông. Mặc dù năm 24 tuổi, Tuốcghênhép đã có con gái đầu lòng, song cho đến phút chót của cuộc đời, về danh chính ngôn thuận thì ông vẫn chưa một lần hôn thú. Thuở trai trẻ, Tuốcghênhép yêu nhiều, và "lầm lỗi" cũng nhiều. Thậm chí, ở khía cạnh này, những ấn tượng về ông nhiều khi "nặng nề" đến độ, ngay cả người bạn thân của ông là Lép Tônxtôi khi biết ông tán tỉnh em gái mình, cũng đã phải nhìn ông bằng con mắt… cảnh giác. Tuy nhiên, câu chuyện tình kỳ lạ của ông với nữ danh ca Pháp Pôlina Viácđô quả là một trong những thiên tình sử đẹp của thế gian,  

Tuốcghênhép làm quen và có cảm tình với nữ danh ca từ năm 1843, khi cô cùng chồng sang biểu diễn ở Pêtécbua. Kể từ đó, vợ chồng Pôlina đi đâu, ông theo đấy, hết từ Nga về Pháp, sang Đức, rồi lại về Pháp. Có thể nói, mối tình của ông với Pôlina hết sức đặc biệt, nó vừa là tình cảm lứa đôi, lại có cái gì đó vượt lên trên tình yêu, trở thành tình bạn, một tình bạn đặc biệt tri kỷ. Có lẽ bởi tính sang trọng, cao cả của mối tình đó, thành thử Tuốcghênhép đã được hưởng sự "ưu đãi" rất đặc biệt, hiếm khi xảy ra trong những trường hợp như vậy: Ông cứ "mặc nhiên" yêu Pôlina và mặc nhiên được sống như một người bạn chí thiết trong ngôi nhà của vợ chồng nữ ca sĩ.

Từ năm 1845 cho đến khi mất (1883), mặc dù đi đi về về nước Nga nhiều lần, song số thời gian Tuốcghênhép sống bên vợ chồng Pôlina không phải ít. Lịch sử cũng ghi lại rằng, trong những ngày cuối đời, khi sức khỏe sa sút nghiêm trọng, Tuốcghênhép đã cố gắng gượng đọc thiên hồi ký "Đám cháy trên biển" cho Pôlina ghi. Ngày 3-9-1883, Tuốcghênhép hấp hối. Trước khi đi vào thế giới khác, ông cố mở mắt và nắm tay người bạn tình: "Em là nữ hoàng của những nữ hoàng". Nói đoạn, ông nghẹn lời, tắt thở.

Đây được xem là một trong những mối tình đẹp nhất thế kỷ XIX. 

Và hình ảnh của Pôlina đã xuất hiện đây đó trong các kiệt tác về tình yêu của ông

Hoàng Ngọc Thọ
.
.