Danh hoạ I Xa Ắc Lê Vi Tan:

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?

Thứ Hai, 25/05/2009, 10:00
Nhắc đến nhà danh họa Nga Ixaắc Lêvitan (1860 - 1900), nhiều người Việt chúng ta thường nhớ ngay tới những bức tranh phong cảnh tuyệt vời của ông, đặc biệt là các bức "Mùa thu vàng", "Mùa xuân - con nước" - những phiên bản từng được không ít người treo trang trọng nơi gian phòng tập thể nhỏ hẹp của mình.

Ngoài những bức tranh phong cảnh mê hồn, quyến rũ kể trên, Lêvitan còn nhiều bức vẽ từng được bạn bè, đồng nghiệp đánh giá cao, trong đó có một số bức đặc tả ruộng đồng, cô thôn, thấm thía một vẻ hoang liêu, tịnh vắng. Mỗi lần xem tranh là một lần lòng ta quặn thắt vì vẻ "đẹp và buồn" của chúng...

Các nhà nghiên cứu tiểu sử Lêvitan từng ghi đậm một chi tiết: Năm mười ba tuổi, Lêvitan được chuyển về xưởng họa của Xavraxốp. Đó cũng là năm ông thầy tương lai của cậu sáng tác bức tranh "Đường làng". Bức tranh đã làm cậu mê mẩn, gây xúc động cho cậu "suốt những ngày còn học tập và những năm tháng đã trưởng thành". Bức tranh đã ám ảnh cậu mãi về hình ảnh một mùa thu buồn trải dài trên con đường quê quạnh quẽ, vắng lặng.

Sau này, tranh Lêvitan hoàn toàn đi vào khai phá chiều sâu vẻ đẹp thiên nhiên Nga và rất ít khi hình ảnh con người xuất hiện trong tranh ông.

Năm 1885, trong thời gian ở Bápkinô, Lêvitan đã say đắm với những  rừng bạch dương dạt dào dưới nắng, ông muốn lưu lại hình ảnh đó. Sau này, khi trở về Plêxơ, ông lại tìm đến những khu rừng bạch dương ở đây và hoàn toàn dứt điểm bức tranh "Rừng bạch dương". Tay nghề điêu luyện của ông khiến xem tranh, ta có cảm giác như cái hơi ẩm pha trộn ánh nắng phớt nhẹ lọt qua các tán cành bạch dương sẽ là điều kiện cho các loài thảo mộc phát triển nhanh.

Những năm tháng cuối đời, Lêvitan dồn tâm sức nhiều cho những bức tranh về đồng quê. Bức "Tia sáng cuối ngày", rồi bức "Chiều hè" (hình ảnh chính là một cổng làng) lần lượt nối nhau ra đời. A. Tsêkhốp đã có lần phải kêu lên: "Ôi, giá tôi có tiền, tôi sẽ mua của Lêvitan bức tranh "Làng quê" xam xám, đầy vẻ cảm thương, đang khuất dần đi, trông không còn ra hình thù gì nữa, nhưng chính cái cảnh làng quê đó đã toát lên vẻ đẹp không sao diễn tả nổi".

Tuy nhiên, nhắc đến di sản tuyệt vời của Lêvitan, ta không thể không kể đến bức tranh mang tầm vóc tư tưởng lớn: Bức "Cái yên tĩnh vĩnh hằng" (có nơi dịch là "Bên bình yên vĩnh viễn"). Ý đồ xây dựng bức tranh tuyệt tác này bắt nguồn từ lần Lêvitan cưỡi ngựa đi chơi xa. Từ lâu ông đã nghe những câu chuyện về cái tu viện cổ kính thời xửa xưa ở ngay chỗ trang trại Garuxôvô, nghe kể về những tu sĩ sống trên hòn đảo của hồ Uđômli.

Hồ Uđômli rất trong xanh, ở giữa có một hòn đảo nhỏ. Lêvitan nhìn thấy ngôi nhà thờ và nghĩa trang ở trên bờ, nhưng trong bức phác thảo, ông đưa nhà thờ ấy ra ngoài đảo nhỏ.

Có lẽ chưa bao giờ, ở đâu nhà danh họa lại thấy có một bầu trời mênh mông vô tận như thế này, và nước thì sáng trắng như màu sữa. Lêvitan vẽ phác thảo đầu tiên của tác phẩm "Cái yên tĩnh vĩnh hằng". Âm thanh buồn, trang trọng của "Hành khúc đưa tang" trong bản "Giao hưởng anh hùng" của Bêtôven như cuốn lấy, ám ảnh tâm trí ông suốt thời gian ông vẽ bức tranh.

Giờ đây, nhìn bức tranh, ta có thể thấy những đám mây vần vũ trong nền trời pha trộn màu đen và màu tím ngát. Có cảm tưởng như thời gian vùn vút trôi qua. Để nhấn mạnh sự "vĩnh hằng" này, Lêvitan đã thay nhà thờ kiểu mới trong tranh bằng ngôi nhà thờ dựng bằng gỗ cổ kính mà ông thấy ở Plêxơ.  

Sau khi hoàn thành một thời gian, bức tranh đã được bày tại viện bảo tàng mang tên nhà sưu tập tranh nổi tiếng nước Nga thời ấy: Tơrêchiacốp. 

Mùa thu vàng.

Sinh thời, Lêvitan không phải là một họa sĩ có sở trường về thể loại tranh chân dung. Song để đền đáp tình cảm của một người phụ nữ tên là Cúpsinnhicôva, năm 1888, ông đã vẽ chân dung bà: Đó là một phụ nữ trông nghiêm nghị, ngồi trong ghế bành, mặc áo dài trắng, cổ áo có những bông hoa màu hồng và tay trái đi găng màu vàng nhạt. Mặc dù đã có tuổi song qua bức tranh, người phụ nữ vẫn thể hiện rõ một thân hình cân đối, nhỏ nhắn. Áo bó nịt sát lưng ong, váy dài trắng thả xuống sàn... Có thể nói, đây là một bức tranh tuyệt tác về thể tài chân dung của Lêvitan.

Sự thật ở ngoài đời, Xôphia Cúpsinnhicôva đã có lúc đem lòng yêu mến Lêvitan. Bà luôn gần gũi, chăm sóc ông, nhất là khi Lêvitan ở vào tình trạng khủng khoảng trong tâm lý sáng tạo. Bản thân Lêvitan cũng rung động trước sự dịu dàng, âu yếm của người phụ nữ này. Họ từng đi cùng nhau tới một số địa danh để vẽ tranh. Có nhà nghiên cứu còn ghi lại, bức "Tiếng chuông chiều" được Lêvitan vẽ trong bối cảnh lúc chiều buông và Cúpsinnhicôva thì ngồi bên, đọc to kinh Phúc âm.

Tuy nhiên, chính vì liên quan đến Cúpsinnhicôva mà có giai đoạn, mối quan hệ bạn bè giữa Lêvitan và văn hào Antôn Tsêkhốp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chẳng là, trong khối lượng tác phẩm đồ sộ của văn hào Nga Antôn Tsêkhốp có truyện ngắn "Người đàn bà phù phiếm" (được xem là một trong những truyện ngắn xuất sắc của ông). Truyện kể về một phụ nữ trẻ, tên gọi Onga Ivanốpna, vốn dĩ là người tài hoa nhưng tính tình rất ích kỷ. Không những vậy, Onga còn nổi tiếng là người háo danh "chỉ cần có một ai vừa mới hơi nổi tiếng, được mọi người chú ý là nàng đã làm quen ngay được với người ấy, kết làm bạn ngay hôm đó và mời đến nhà chơi luôn".

Viết "Người đàn bà phù phiếm", Tsêkhốp muốn phê phán mẫu người thích xoay tròn quanh những trò phù hoa giả dối mà quên đi người chồng có tâm hồn vĩ đại đang sống bên cạnh mình.

Đọc truyện ngắn này, những người năng lui tới các "salông văn học" ở Mátxcơva thời ấy đều muốn dò đoán xem "nguyên mẫu" của nhân vật chính là ai? Và "mũi dùi" nhanh chóng được hướng về Xôphia Cúpsinnhicôva, dù rằng so với người phụ nữ trong truyện thì tóc bà không phải màu vàng mà là màu đen và tuổi tác nhiều gần gấp đôi.

Ngày 29/4/1892, Tsêkhốp viết thư cho nữ văn sĩ L.A.Aviôla: "Hôm qua anh đến Mátxcơva, nhưng suýt nữa chết ngạt ở đấy vì buồn chán và vì nhiều chuyện rủi ro. Em biết không, có một bà quen anh, tuổi chừng 42 ngộ nhận mình là cô gái 22 trong truyện ngắn "Người đàn bà phù phiếm". Thế là cả Mátxcơva đã chửi bới anh là kẻ đã làm nhục bà ta. Chứng cớ chính là sự giống nhau bề ngoài: Bà ta cũng biết vẽ, chồng là bác sĩ, còn bà ta cũng dan díu với một họa sĩ".

Người họa sĩ mà Tsêkhốp nhắc tới ở đây có nét ngoại hình giống Lêvitan, và cũng thường nói những câu mà ở ngoài đời Lêvitan thường nói. Tuy nhiên, không như đối với trường hợp Cúpsinnhicôva, Tsêkhốp chỉ "mượn" những dáng nét bên ngoài của Lêvitan để đưa vào truyện chứ ông không hề đề cập tới thế giới nội tâm của bạn.

Biết được chuyên trên, Cúpsinnhicôva giận ra mặt. Bà  trao đổi với Lêvitan, xúi ông viết thư bày tỏ thái độ phản đối Tsêkhốp. Quan hệ hai người từ đó hết sức căng thẳng.

Minh chứng cho điều này là việc Lêvitan vẽ bức tranh kiệt tác "Đường Vlađimia" (con đường dẫn giải tù nhân đi đày dưới thời Sa hoàng chuyên chế). Phác thảo bức tranh được Lêvitan mang tới "tặng" Tsêkhốp với lời chú: "Tặng ủy viên công tố tương lai Mikhain Páplôvích Tsêkhốp". Tsêkhốp từng học ở khoa Luật. Bởi vậy dòng đề tặng trên là bóng gió nói tương lai, khi làm ủy viên công tố, Tsêkhốp sẽ áp giải những con người cùm gông đi trên con đường như thế này. Tự ái vì điều ấy, Tsêkhốp đã tặng phứa bức tranh cho một người bạn khác vì "không muốn có bức tranh với dòng chữ đề tặng như thế".

Được biết, sinh thời, Antôn Tsêkhốp từng khuyên nhủ em gái mình khước từ lời tỏ tình của Lêvitan. Ông muốn tránh cho em gái mình những đau khổ có thể xảy ra - nhưng, như một sử gia đã nhận xét "có thể vì thế mà ông đã giữ gìn cô em tránh cả hạnh phúc".

Mặc dù ở thời Lêvitan, phát minh máy ảnh đã ra đời và ông cũng để lại cho hậu thế nhiều bức ảnh. Song, bức chân dung phổ biến nhất hiện nay của Lêvitan lại là bức do danh họa Valentin Xêrốp thực hiện ngay sau khi Lêvitan qua đời (ngày 4/8/1900). Bên cạnh việc hồi tưởng lại hình bóng của bạn và tham khảo những bức ảnh Lêvitan chụp, Xêrốp còn làm một việc bất ngờ mà không ai hình dung: Ông yêu cầu anh trai của người bạn  quá cố là Ađônphơ Lêvitan ngồi làm mẫu để ông vẽ. Ông này đặc biệt giống người em trai Ixaắc Lêvitan cả về ngoại hình lẫn tính cách. Thời trai trẻ, ông từng theo học trường mỹ thuật. Về tuổi tác, ông hơn người em trai chưa đầy 1 tuổi. Việc mượn gương mặt ông này để "phục chế" chân dung Ixaắc Lêvitan quả là một sáng kiến rất thông minh của Xêrốp.

Mặc dù được thực hiện qua cấp "trung gian" như vậy, song khi bức tranh hoàn thành, tất cả những người quen biết với Lêvitan đều phải thừa nhận rằng, bức tranh này đã thể hiện chính xác lạ thường thần thái của ông

Hoàng Ngọc Thọ
.
.