Người ấy cần cho từng người và cho nhiều người!

Thứ Tư, 01/10/2008, 10:15

...Khá nhiều mặt bệnh đã được Quách Tuấn Vinh chữa trị thành công bằng phương pháp cấy chỉ. Vài chục năm âm thầm đúc kết kinh nghiệm đã giúp Quách Tuấn Vinh thành công không chỉ trong y thuật mà còn thành công trong y nghiệp.

Trong tình bằng hữu

Cách đây vài năm, và giờ cũng vậy, tôi thường hay đến ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế để "buôn chuyện"! Nơi đây đều là những người tốt bụng và sởi lởi, đều là những nhà văn có hạng, lại thêm có ông nhà văn họ Bùi nhà tôi nay cũng công tác tại đây.

Tôi gặp và quen bác sĩ Quách Tuấn Vinh tại đây. Một con người điển trai, da trắng, tính tình dịu dàng và có một tính cách mà tôi thích, đó là anh luôn luôn lắng nghe, lắng nghe với một thái độ ân cần, chăm chú, điềm đạm, và rồi sau đó, chỉ khi tôi ngừng lời anh mới nhẹ nhàng, chậm rãi góp vài nhời hoặc biểu lộ sự đồng tình hoặc minh họa, hoặc bổ trợ cho điều tôi nói hoặc bạn bè quanh bàn nước.

Tôi hiểu đó là đức tính của người làm nghề y, là người có thâm niên trong nghề nghiệp mới có đức tính đáng quý đó được. Khác hẳn với những ông bác sĩ mới ra trường nhưng lại hay tỏ ra một cách là ta đây đáng nể lắm lắm…

Thời gian lặng lẽ trôi, nhưng quan hệ giữa tôi và bác sĩ càng bện quện theo năm tháng. Bác sĩ còn có lối xưng hô với tôi khá thú vị, tỉ như: "Bác Thi, chiều nay có đến chú chơi không?"; "Sách bác cho, chú đọc ngay, gần xong rồi đấy". Nhân đọc cuốn "Xiêng khoảng mù sương", hắn bảo: "Chú thấy bác đã dựng một tượng đài đồ sộ về bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Lào, thật là đáng quý vì từ trước đến nay chưa nhà văn nào được việc này!". Hoặc giả: "Chú dạo này bận quá!"…

Chơi với nhau đã lâu, khi hắn nghỉ hưu, tôi hỏi một câu có tính tổng kết: "Gần trọn một đời phục vụ quân đội, chuyên chăm lo sức khỏe nhiều tướng lĩnh, đã mang đến hàm đại tá, kể ra công to chứ bỡn! Nhưng về hưu rồi, chú tính sao?".

Quách Tuấn Vinh lắng nghe trọn câu hỏi của tôi rồi vẫn như thói quen của người tốt tính và từng trải, hắn thong thả buông câu: "Báo cáo anh, chú phải cảm ơn quân đội lắm! Chú được như ngày nay trước hết là kết quả sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Quân đội và của các thủ trưởng, sau nữa mới là nỗ lực cố gắng phấn đấu rèn luyện của bản thân! Quân đội là một trường đại học lớn mà chú được tôi luyện và trưởng thành trong đó. Từng được đào tạo qua hai Học viện, không chỉ có bằng bác sĩ. Ngày nhận sổ hưu, chú cũng đã có lời hứa với Đảng ủy, thủ trưởng của mình là sẽ phát huy bản chất bộ đội Cụ Hồ, luôn trau dồi, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân…Và… luôn sống vui, sống khỏe, sống có ích cho đời! Nói thực với anh, cả họ tộc nhà chú, đời ông, đời cha đều gắn bó với nghiệp y và  sống chết với nghiệp ấy". 

Tinh thông tay mạch, tỏ tường thuốc thang

Ngẫm lại chuyện xưa, cụ Khổng Tử có nói ba điều: Phúc của một tộc, phúc tiếp đến bảy đời mới biết thế nào là phúc. Làm quan, một tộc làm quan đến năm đời mới biết thế nào là quan. Nghiệp y nữa, phải đến đời thứ ba mới tinh thông tay mạch, tỏ tường thuốc thang. Vậy Quách Tuấn Vinh là đời thứ ba. Hai đời trước đã thầm lắng vào con người anh, thầm lặng chuẩn bị cho anh từ tâm tính đến tri thức.

Bác sĩ Quách Tuấn Vinh tại phòng khám.

Nghe chú Vinh bộc bạch từng được học thuốc nam, bắt mạch từ lúc bé bằng cái kẹo. Ông ngoại Vinh cũng là một thầy lang có tiếng một vùng, một lần dạy cháu: "Ngay như tiết khí, nó là của giời, của đất. Nhưng nếu am tường thì ấy là thuốc, nếu dốt nát thì đó là mầm gây bệnh. Còn cây cỏ, lá hoa, con ốc, con sên, con hà, con ngao, nếu biết tất thảy đều là thuốc đó cháu ạ!". Học lớp bảy trường làng hắn đã dám cầm kim châm cứu, bơm tiêm chọc ngoáy. Tôi cũng từng tận mắt nhìn "thằng cha ấy" tự cấy chỉ cho… chính mình. Cũng là… đáng nể!

Có lần, hắn bảo tôi: "Bác Thi à, chú đang phải ôn luyện kho tàng tri thức về châm cứu. Vài chục năm trước, chú đã từng là học trò của các giáo sư nhà ta. Giáo sư Trần Thúy đã gieo vào tâm thức của chú những đam mê nghiên cứu nhĩ châm. Phương thang của Giáo sư Hoàng Bảo Châu, trường châm của Giáo sư Nguyễn Tài Thu… Kinh nghiệm của các thầy đã giúp chú trưởng thành". Ngẫm lại, tôi nhận thấy quan điểm của Quách Tuấn Vinh là: "Không được giấu dốt, học ở thầy, học ở bạn, phải biết đúc kết kinh nghiệm…". Có lẽ đó là một trong những bí quyết thành công của ông thầy thuốc này. Ngay phương pháp cấy chỉ được coi là một hình thức châm cứu hiện đại cũng đã được Quách Tuấn Vinh nghiên cứu, học hỏi, ứng dụng từ những năm 80 thế kỷ trước.

Khá nhiều mặt bệnh đã được Quách Tuấn Vinh chữa trị thành công bằng phương pháp cấy chỉ. Vài chục năm âm thầm đúc kết kinh nghiệm đã giúp Quách Tuấn Vinh thành công không chỉ trong y thuật mà còn thành công trong y nghiệp.

Tôi đã có 5 năm làm cố vấn cho Báo Sức khỏe & Đời sống, nơi mà Quách Tuấn Vinh từng cộng tác. Năm 2003, đọc bài Quách Tuấn Vinh giới thiệu phương pháp cấy chỉ điều trị liệt dây thần kinh VII, ngay như Tổng biên tập Lê Thấu lúc bấy giờ cũng nói chưa hề biết đến phương pháp điều trị có tên nôm na là cấy chỉ! Nhưng tin ở trình độ chuyên môn của Quách Tuấn Vinh, bài báo vẫn được đăng tải và đã mang đến cho đồng nghiệp một kinh nghiệm quý và mang đến cho bệnh nhân một niềm hy vọng có một phương pháp điều trị hiệu quả, có thể chữa căn bệnh mắt miệng méo lệch. Đến giờ, nếu tìm từ internet, chỉ vài cái gõ chuột, bạn có thể tìm thấy hàng nghìn thông tin có tên Quách Tuấn Vinh.

Không hiểu Quách Tuấn Vinh có thời gian ở đâu, sức bật nào có thể giúp hắn vừa hoàn thành nhiệm vụ chủ nhiệm quân y của một cơ quan, vừa là bác sĩ phục vụ cho một Đại tướng, vừa chỉ huy cả một hệ thống bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho nhiều tướng lĩnh mà vẫn viết báo, viết sách nhiều đến như vậy. Có những cuốn sách dự phòng về tim mạch, thảo dược chữa bệnh tăng huyết áp…của Quách Tuấn Vinh đã trở thành sách bán chạy nhất ở một số hội nghị toàn quân, là sách gối đầu giường của không ít người bệnh. Tôi mang câu hỏi đó nhằm tìm hiểu động lực nào thúc đẩy con người Quách Tuấn Vinh làm được nhiều thành quả như vậy. "Phải biết khẳng định mình, ạnh ạ. Nếu không tranh thủ thời gian, không nỗ lực vươn lên thì không làm được điều gì. Giúp đời, rồi đời lại giúp mình".

Người mang lại hạnh phúc cho nhiều người

Các cụ ta có câu: "Quan nhất thời, dân vạn đại". Trở về làm thảo dân, nhưng vẫn giữ và phát huy được tổ nghề thì không phải ai cũng làm được điều ấy.

Sau chuyến đi Xiêng Khoảng thăm lại chiến trường xưa, đôi đầu gối của tôi "gây chuyện". Nhức nhối và đau đớn. Đứng lên ngồi xuống đều khó khăn. Tôi quen một tay kim giỏi ở một tỉnh cách Hà Nội những 70km. Tôi lên đó châm cứu một tuần. Kết quả cũng đỡ đỡ. Nhưng rồi sau đó lại đau nhức. Tìm đến Vinh. Hắn bảo tôi: "Bác nằm xuống giường đi, chú ra tay cho, làm xong là khỏi bệnh!". Quả nhiên, chỉ vài mũi chỉ, tôi có cảm tưởng như hai đầu gối không còn đau nhức nữa.

Vợ tôi mấy ngày nay bỗng trở chứng với căn bệnh nhức nửa đầu. Ba ngày nhức nhối không thuốc nào đỡ. Ấy vậy mà cầu cứu đến Vinh, hắn chỉ cười rồi bảo: "Cứ yên tâm, chị ổn ngay thôi mà!". Quả nhiên, chỉ mấy mũi kim, bà xã tôi đã trút được gánh nặng.

Có lần, tình cờ không hẹn mà nên, tôi gặp Thiếu tướng Bùi Huy Bổng tại phòng khám của bác sĩ Quách Tuấn Vinh. Nhìn thấy cụ già quắc thước trước mặt, tôi bỗng reo lên: "Anh Bùi Huy Bổng đấy à!". "Cháu chào chú!" - Trong họ tộc, tôi là bậc chú của Thiếu tướng Bổng. Tướng Bổng reo lên rồi nói ngay: Cháu bị u xơ tiền liệt tuyến, đi tiểu suốt ngày”. Đến 108 khám thì u xơ đã to, mình tuổi cao lại lắm bệnh, bệnh viện chưa mổ, chỉ khuyên về dùng thuốc. Tìm đến tay Vinh, mới có một lần điều trị đã thấy ổn ổn rồi chú ạ. Kể cũng lạ!". Khuôn mặt ông tướng một thời trận mạc ánh lên một niềm vui. Lần chữa trị này, tướng Bổng còn muốn chữa trị căn bệnh thống phong, thoái hóa cột sống… đeo đẳng vài năm nay. Tướng Bổng tin rằng, dưới đôi bàn tay của bác sĩ Quách Tuấn Vinh, bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ!

Lọ mọ ra đi khỏi nhà từ 4 giờ, ông Đỗ Văn Hạt quê Lý Nhân, Hà Nam mãi tới 9 giờ mới tìm tới phòng khám của bác sĩ Quách Tuấn Vinh với lời bộc bạch: "Người nhà tôi là đại tá chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh Ninh Bình, tối qua điện về giục tôi lên Hà Nội tìm ông bằng được. Chỉ biết ông ở phố Nhà Binh, lên đến đầu phố mới có 6 giờ. Thật khổ! Hỏi thăm mãi đến giờ mới tìm thấy nhà ông! Bệnh tôi mắc đã lâu. Hết nhức đầu lại đau vai đau gáy. Tôi đã khám chữa nhiều nơi không đỡ nhưng chắc ông giúp tôi được".

Xung quanh chúng tôi, cũng còn nhiều bệnh nhân đang chờ bác sĩ Quách Tuấn Vinh tại phòng khám tại gia, tận lầu 5 chung cư ngõ 12B phố Lý Nam Đế. Người mới đến hỏi kinh nghiệm người đã được chữa trị. Họ mắc nhiều bệnh, nhưng tất thảy họ đều tin ở người thầy thuốc có đôi bàn tay vàng.

Bác sĩ Quách Tuấn Vinh là người cần cho từng người và cho mọi người

Bùi Bình Thi
.
.