Ngọn lửa Nguyễn Quang Thiều

Thứ Ba, 01/12/2015, 08:00
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vừa tái bản tập thơ "Sự mất ngủ của lửa". Một sự trở lại khá độc đáo mang thương hiệu Nguyễn Quang Thiều khi anh trình bạn đọc cùng lúc hai văn bản về "Sự mất ngủ của lửa". Một văn bản đọc bằng ngôn ngữ thơ của chính tác giả và một văn bản nhìn bằng màu sắc hội họa cùng sự góp mặt 15 họa sĩ hàng đầu trong giới hội họa Việt Nam. Cả hai văn bản đều mang đến cho độc giả những ấn tượng mới mẻ, một cảm nhận trọn vẹn đa chiều về "Sự mất ngủ của lửa". 

Sẽ hoài công nếu bạn muốn tìm một bài thơ viết về lửa, hay sự mất ngủ của lửa trong toàn bộ tập thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. 25 bài thơ, 25 khúc cảm và 23 bức tranh minh họa gốc những bài thơ, Nguyễn Quang Thiều chủ yếu viết về nỗi buồn, về những quan sát sâu, những tri cảm đa chiều, đầy ứ, dồn nén của một tâm trạng phức tạp. Không nhìn thấy lửa hiện hữu, một cách rõ nét trong tập thơ viết về "Sự mất ngủ của lửa". Không có nhiều những câu thơ viết về lửa. Chính xác thì Nguyễn Quang Thiều là lửa. Một bể lửa, cháy bền bỉ đốt lên những ngọn lửa yêu thương, lòng trắc ẩn của chính anh với cuộc đời.

Trong số 10 tập thơ Nguyễn Quang Thiều đã xuất bản: "Ngôi nhà tuổi 17" (1990), "Sự mất ngủ của lửa" (1992), "Những người đàn bà gánh nước sông" (1995), "Những người lính của làng" (1996), "Thơ Nguyễn Quang Thiều" (1996), "Nhịp điệu châu thổ mới" (1997), "Bài ca những con chim đêm" (1999), "Thơ tuyển cho thiếu nhi" (2004), "Cây ánh sáng" (2009), "Châu thổ" ( 2010)  thì có lẽ "Sự mất ngủ của lửa" là tập thơ đầu tiên định hình một giọng nói đặc thổ âm Nguyễn Quang Thiều. Một giọng nói riêng, một cá tính riêng trong một hình hài cũng rất riêng không thể nhòa lẫn vào bất cứ ai.

Quang cảnh buổi lễ ra mắt sách và triễn lãm tranh minh họa gốc “Sự mất ngủ của lửa”.

Tôi thích cách đi tìm chân dung nhà thơ trong những bài thơ họ viết. Tôi thường đọc thật chậm những bài thơ  trong một cuốn sách thơ để có những mường tượng, để có thể có kỳ vọng chạm được một chút tâm hồn của họ. Ở đó, trong thế giới nội tâm sâu thẳm, tôi có thể cảm nhận được ý nghĩ, suy tư, trăn trở, có thể đồng cảm mà hiểu được, nhận ra được thông điệp, tư tưởng của họ phía sau những ngôn từ. Để hiểu về đời sống, về con người qua cách cảm nhận và khái quát của nhà thơ đó là một sự thú vị quý giá.

Ở "Sự mất ngủ của lửa", giọng nói đầu tiên ấy, những âm sắc đầu tiên mang tên Nguyễn Quang Thiều đã vang lên dẫn dụ người đọc vào miền suy tưởng của anh. Tôi thấy ẩn sâu trong giọng nói đó là một tâm hồn khoáng đạt, một trí tuệ sắc sảo, tài hoa với cái nhìn thấu suốt tận cùng mọi sự vật. Thơ của Nguyễn Quang Thiều hiện đại trong cấu tứ, ngôn ngữ, trường liên tưởng. Có lẽ sự hiện đại ấy mà khi mới bắt đầu xuất hiện, không ít người trong giới phê bình đã săm soi thơ anh với cái nhìn thiếu thiện chí.

Đã có những quy kết, những gièm pha, những nhạo báng của đồng nghiệp khi đọc thơ anh. Nhưng trên tất cả những sự phán xét công bằng có, nghiệt ngã có thì Nguyễn Quang Thiều vẫn bản lĩnh chọn giọng nói ấy, cách thể hiện ấy, vẫn kiên định đi trên con đường thơ độc đáo của riêng mình. Ngôn ngữ thơ của Nguyễn Quang Thiều độc lạ, có khi đầy tỉnh táo sắc lạnh khi dự báo những đỗ vỡ, những mất mát, những suy đồi của đời sống hiện thực đang diễn ra, có khi lại ngập ngụa yêu thương, đớn đau trước đổ vỡ. Nhưng phía sau tất cả tổng hòa những trạng thái cảm xúc đa chiều phức tạp ấy thì người đọc vẫn cảm nhận rõ một ngọn lửa, hay một biển lửa thao thức cháy trong tâm hồn nhà thơ một nỗi tuyệt vọng về những hiện trạng phức tạp của đời sống.

Ở "Sự mất ngủ của lửa" tôi đọc thấy những trong trẻo thiết tha ánh lên trong tâm hồn xù xì của anh. Sự trong trẻo lành hiền mà ở những tập thơ sau hình như càng ngày càng ít đi thay vào đó là những gì dài hơi hơn, trường sức hơn, xù xì gai góc và cũng sắc lạnh hơn. "Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy/ Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được giàn giụa nước mưa sông". Tôi chịu cái cách Nguyễn Quang Thiều diễn tả nỗi nhớ. Chỉ mấy câu thơ, một vài chi tiết của ngôn từ, mà cái nỗi nhớ xa quê ấy trôi xa, trải rộng miên man.

Cứ như thể nỗi nhớ hiện hữu, bám riết từ trẻ cho đến già, từ lúc thanh tân cho đến khi hình hài của anh tan biến đi trong đất và nước. Cái cụ thể của nỗi nhớ trở nên thực đến rợn ngợp khi anh ví "đôi mắt nhớ thương như hai hốc đất ven bờ cho những chú bống đến làm tổ được giàn giụa nước mưa sông". Tôi không biết có ai có thể viết về nỗi nhớ, xuyên thấu không gian, đo sự vô biên của thời gian như cách mà Nguyễn Quang Thiều đã viết. 

Có thể nhiều người sẽ cho rằng tôi cực đoan, nhưng những gì Nguyễn Quang Thiều viết, từ thơ cho đến văn xuôi, truyện, ký, tiểu thuyết, thậm chí cả viết báo thì ngôn ngữ của anh có một nội lực kinh khủng, nội lực của sự ma mị và quyến rũ, từ hình ảnh, ngôn ngữ, ẩn dụ, và tính triết lý, đưa người đọc vào trí tưởng tượng huyền ảo, đóng đinh người đọc bằng chính những sự sáng tạo mới mẻ và độc đáo. Nguyễn Quang Thiều ít viết thơ tình, ít có những bài thơ mà ở đó chủ thể của ngôn ngữ là tôi và em. Nhưng thấp thoáng sau những bài thơ, những mẩu vụn ký ức, những câu thơ viết về tình yêu như những ngọn lửa màu xanh cháy trong biển lửa ấy, Nguyễn Quang Thiều khiến người đọc run rẩy bởi thứ ánh sáng khác: "Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi/ Em đã mang đôi môi màu dâu chín sang đò một ngày sông vắng nước/ Tôi chỉ gặp những bẹ ngô trắng trên bãi/ Tôi nhớ áo em tuột rơi trên bến kín một trăng xưa" (Sông Đáy).

Tranh minh họa gốc trong tập thơ “Sự mất ngủ của lửa''. 

Một trong những bài thơ viết về tình yêu, hay nói chính xác hơn là có bóng dáng của tình yêu, của chủ thể anh và em trong bài thơ hay nhất của Nguyễn Quang Thiều là bài "Những ngôi sao": "Ta không thể nuôi nhau bằng ánh sao trời/ Anh nói vậy xin em đừng khóc/ Những ngọn tóc em đổ xuống ngực anh/ Như những rễ cây bò luồn trong sỏi đá.../ Đêm nay là đêm thứ bao nhiêu rồi ta chẳng còn biết nữa/ Ta ôm nhau ngồi thở trước sao trời.../ Anh đã gọi em về không nỡ để em đi/ Em non bấy đau trong sợ hãi/ Em tựa vào anh, anh tựa vào cay đắng/ Trái đất tựa vào những tinh tú thẳm xa.../ Trái đất đang ở đâu đêm nay một triệu năm về trước/ Hay của triệu năm sau gió bụi, mây vàng/ Và ta nữa khổ đau cùng hạnh phúc/ Ta là hai kẻ cuối cùng hay hai kẻ đầu tiên...".

Nhưng có cảm giác Nguyễn Quang Thiều không dành nhiều cho thơ tình. Thơ của anh thiên về suy tưởng, triết lý, về nỗi buồn, về con người, về đời sống, về thế giới mà chúng ta đang tồn tại. Đọc những bài thơ của anh, những tác phẩm thơ của anh cảm giác như anh là một nhà điêu khắc tạc ý nghĩ của mình bằng ngôn ngữ, dựng nên những bức phù điêu bằng chính ngôn ngữ. Ở đó, đằng sau những bức phù điêu sừng sững kia là sóng, là lửa, là nước, là những tiếng vọng của  thanh âm được chưng cất từ sâu thẳm tâm hồn.

"Những con sóng hoàng hôn xõa tóc trắng chạy về/ Phút cuối cùng kêu lên đập ngực mình vào đá/ Những con sóng triệu năm điên cuồng mệt mỏi/ Ta không sao cứu nổi/ Cái chết những con sóng buồn ngay ở trước chân ta/ Lăn nhanh, lăn nhanh/ Hỡi mặt trời cơn đau đớn của lửa.../ Lăn nhanh, lăn nhanh.../ Ta nghe tiếng réo ù ù/ Cơn đau đớn vĩ đại, nỗi khát khao vĩ đại của lửa.../ Mặt trời sẽ chạm vào biển/ Đó là lúc lòng ta đau đớn nhất/ Đó là lúc ta không sao chịu nổi/ Lúc có một bài ca lưu lạc trở về...." (Xô- nát hoàng hôn trên biển). "Như một thành phố vùi trong lòng đất tựa xa xưa giờ thức dậy/ Bầy ốc sên bò qua vườn trong ánh trăng chói gắt như nắng trời mùa hạ/ Những chóp vỏ chói sáng như hạt kim cương đính trên vương miện nữ hoàng đêm dạ hội/ Những tấm thân mềm ướt lướt đi trong êm ái rợn người.../ Ánh trăng im phắc, những vòm cây im phắc/ Bầy ốc sên bò qua giấc ngủ của cỏ và của những chiếc lá vàng rụng trên mặt đất/ Chúng miết những tấm thân mềm qua những mảnh chai vỡ sắc lạnh/ Tôi không nghe thấy tiếng chúng kêu than hay nguyền rủa điều gì/ Chỉ cảm thấy có tiếng nước dâng lên, dâng lên mãi ngập cả đêm trăng/... Khu vườn này là quê hương chúng, hay là khu vườn bên, hay còn... xa nữa/ Chúng đang rời bỏ quê hương mình hay đi tìm lại quê hương/ Dù thế nào thì tôi vẫn muốn hát lên một bài ca/ Bởi sự ra đi của chúng đẹp làm sao, như một cơn mơ, như một đêm vũ hội.../ Vệt bò của chúng để lại những dòng sáng đặc lóng lánh, những vệt sao đổi ngôi đọng mãi trên trời..." (Chuyển động).

Sự trở lại sau 23 năm chính thức ra đời cùng bạn đọc "Sự mất ngủ của lửa" lần này là một bản song tấu giữa thơ và họa. Mỗi người đến với "Sự mất ngủ của lửa" theo từng cách khác nhau, đọc văn bản theo từng cách khác nhau. Nhưng rõ ràng, sự có mặt của 23 bức tranh minh họa gốc cho 23 bài thơ của 15 họa sĩ đã mang đến cho độc giả những cảm nhận khác nhau, tinh tế và đa chiều về "Sự mất ngủ của lửa" ở một văn bản khác, văn bản của hội họa. Thơ chắp cánh cho hội họa, hay hội họa làm thăng hoa thi ca? Trong bản song tấu hợp bích ấy, khán giả, độc giả được thưởng thức trọn vẹn một bữa tiệc thơ họa thật ấn tượng và cũng thật độc đáo trong bữa tiệc văn hóa nghệ thuật những ngày cuối năm Ất Mùi này.

Như Bình
.
.