Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trường Chinh (9/2/1907 – 9/2/2007)

Ngòi bút phê bình “thấu tình, đạt lý”

Thứ Ba, 13/02/2007, 13:00
Ở Trường Chinh, trước một vấn đề, bao giờ ông cũng có cách nhìn nhận rạch ròi, yêu ghét phân minh. Trong mỗi nhận định của ông, ta luôn thấy sự kết hợp hài hòa giữa “tình” và “lý”, nhiều chỗ có thể gọi là “thấu tình đạt lý”.

Có một thời gian dài, đặc biệt là trong những năm chiến tranh, khi suy xét một tác phẩm, các nhà lý luận, phê bình văn học của ta còn nặng về “lý”, bởi thế mà họ hay có những bắt bẻ khiến giới sáng tác không thực “tâm phục khẩu phục” (như nhà văn Nguyễn Tuân có lần than trách là họ vào hàng phở lại đòi ăn… cơm), buộc những người này phải gỡ gạc rất vất vả, thậm chí phải kêu cầu các đồng chí lãnh đạo cấp cao có ý kiến bênh vực mới êm chuyện.

Là bậc hậu sinh, đọc cuốn “Về văn hóa văn nghệ” của Trường Chinh do NXB Văn học vừa công bố nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, tôi thực sự ngạc nhiên khi nhận thấy, mặc dù là một lãnh tụ của Đảng, ở vị trí cao vợi song những ý kiến đóng góp với giới trí thức, văn nghệ sĩ của Trường Chinh rất gần gũi, sát thực.

Trong các bài phát biểu, tuy cũng đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ này khác, song ngữ điệu của ông thường là của một người trong giới, thân mật, bình đẳng chứ không áp đặt khiên cưỡng. Có thể nói, nền văn nghệ của chúng ta đang thiếu những nhà lý luận, phê bình có tâm và có tầm như thế, mặc dù với Trường Chinh, việc viết lý luận, phê bình chỉ là một phần nhỏ trong các hoạt động chính trị, xã hội của ông.

Ở Trường Chinh, trước một vấn đề, bao giờ ông cũng có cách nhìn nhận rạch ròi, yêu ghét phân minh. Trong mỗi nhận định của ông, ta luôn thấy sự kết hợp hài hòa giữa “tình” và “lý”, nhiều chỗ có thể gọi là “thấu tình đạt lý”.

Trong bản báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” đọc tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ II, tháng 7/1948, sau khi đề cập tới việc “ở nước ta, nghệ thuật đồi trụy của Pháp ảnh hưởng quá mạnh”, Trường Chinh cũng chỉ rõ những thành phần nghệ sĩ vì “bất mãn với chế độ thực dân, đã theo những trường phái lập thể, siêu thực… với cả một tâm hồn thành thật và ngây thơ.

Họ không dám mạnh bạo theo chủ nghĩa hiện thực phê bình…”. Có thể nói, những ý kiến trên đã định hướng cho các nhà phê bình của ta sau này khi nhận định, đánh giá về một số nhà văn, nhà thơ giai đoạn tiền chiến mỗi dịp tác phẩm của họ được tái sử dụng.

Trong bản báo cáo được trình bày tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II (24/2/1957), sau khi nêu lên một số “căn bệnh” mà anh em văn nghệ sĩ mắc phải sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, Trường Chinh cũng không quên chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên: “Về lãnh đạo sáng tác, đã có những quan điểm giản đơn, thiển cận về vấn đề văn nghệ phục vụ chính trị, dẫn tới chỗ coi nhẹ trách nhiệm cá nhân, ít khuyến khích sự suy nghĩ, tìm tòi của từng người...”.

Có thể nói, trong thời điểm nhạy cảm, có nhiều vụ việc nổi cộm trong giới văn nghệ, bản báo cáo này đã cho thấy sự nghiêm khắc trong việc nhận chân vấn đề của đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng.

Cũng trong bản báo cáo nói trên, Trường Chinh đã vận dụng câu nói của Lênin để bảo vệ tính độc lập suy nghĩ của nhà văn. Theo quan điểm của ông “Riêng trong lĩnh vực khoa học và nghệ thuật không thể lấy đa số thống trị thiểu số”.

Trong bài nói chuyện tại Đại hội thành lập Hội Điện ảnh Việt Nam (tháng 1/1969), nhân nhắc tới cái kết có phần bi lụy của phim “Chim vành khuyên”, đồng chí Trường Chinh đã đề ra một giải pháp sửa đoạn kết, nhưng ông nói rất khiêm tốn: “Nếu tôi là tác giả truyện phim, thì tôi làm... và “đối với ý kiến của tôi, các đồng chí có thể đồng ý hay không đồng ý...”. Theo quan điểm của ông “Nếu chỉ căn cứ vào ý kiến riêng của mình thôi, thì dù nhà phê bình giỏi mấy cũng không phê bình tốt được”.

Nhìn lại vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với văn nghệ qua các giai đoạn cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã tự hào kết luận, mặc dù còn có nhiều thiếu sót, song “Đảng ta không hề mắc sai lầm về đường lối”. Đọc “Về văn hóa văn nghệ” của Trường Chinh, ta thấy nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở

Ông Nguyễn Cừ - Giám đốc NXB Văn học:

“Điều tôi tâm đắc nhất là tính nhất quán”

- Thưa ông, cuốn sách được tập hợp từ những nguồn tư liệu nào? Liệu đây có thể được xem là một tập hợp đầy đủ nhất các bài viết về văn hóa văn nghệ của đồng chí Trường Chinh?

+ Khi làm sách, chúng tôi dựa vào mấy nguồn: một là bộ “Toàn tập Trường Chinh”, hai là các bài đã đăng tải trên báo chí của ông, và ba là phần di cảo do gia đình cung cấp. Có thể nói, cơ bản những bài phát biểu, bài viết liên quan đến văn hóa văn nghệ của Trường Chinh đều có trong sách này. Theo PGS, TS Đặng Việt Bích, con trai tác giả, thì đây là cuốn sách quy mô nhất, đầy đủ nhất, in đẹp nhất về Trường Chinh với văn hóa văn nghệ.

- Nhưng nhiều bạn đọc vẫn băn khoăn là tại sao trong sách không thấy có bản “Đề cương văn hóa” nổi tiếng?

+ Bài này, mặc dù trong hồi ký của một số nhà hoạt động văn hóa, xã hội đều thấy nói người chấp bút là đồng chí Trường Chinh, nhưng về “danh chính ngôn thuận” thì thuộc văn kiện của Đảng. Tuy nhiên, ở phần đầu sách, đọc bài “Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam lúc này”, ta có thể thấy nội dung cơ bản là giống với bản “Đề cương văn hóa” nói trên.

- Trong quá trình nghiền ngẫm tư liệu viết lời đầu sách, điều ông tâm đắc nhất ở tác giả Trường Chinh là gì?

+ Đó là tính nhất quán, trước sau như một. Lấy ví dụ những bài phát biểu của ông ở các Đại hội Văn hóa văn nghệ. Những bài phát biểu ở Đại hội sau là làm sáng tỏ những điều ông đã phát biểu ở Đại hội trước, chứ không phải là để nói khác, hoặc nói ngược lại...

- Còn về cách lập luận và văn phong của tác giả?

+ Cực kỳ khúc triết và cũng rất hiện đại. Vừa rồi, tôi có đọc trên báo bài trả lời phỏng vấn của ông Đặng Việt Bích, thấy ông Bích kể rằng, có lần cụ Trường Chinh thổ lộ với các con: “Nếu cha không phải hoạt động chính trị thì cha sẽ trở thành nhà văn, mà sẽ thành nhà văn không tồi”. Tôi tin đó không phải chỉ là ý nguyện mà là sự thật.

 

Tiến sĩ, dịch giả Phan Hồng Giang:

“ông rất cẩn trọng trong việc dùng chữ”

Đọc cuốn sách “Về văn hóa văn nghệ” của Trường Chinh, tôi lại nhớ tới một kỷ niệm. Đó là vào đầu năm 1975, tạp chí Tác phẩm mới có in một bài viết dài  của tôi về cuốn “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” của Trường Chinh, bản in lần thứ 2 (1974).

Lúc ấy, trong giới văn nghệ đang xảy ra một số vụ việc khiến dư luận xì xầm. Có những vị trong giới nghiên cứu phê bình đã “mượn” cuốn sách của đồng chí Trường Chinh để “quy chụp” cho một số tác giả điều này tiếng nọ.

Phần tôi, tôi lại có ý nghĩ khác. Tôi cho rằng quan điểm của Trường Chinh về văn hóa văn nghệ là khá cởi mở, thuận cho cá tính sáng tạo. Bởi vậy, mục đích viết bài của tôi là phân tích những ý kiến của ông để bênh vực cho giới văn nghệ. Tôi nhớ suốt buổi chiều hôm đó, tại Văn phòng Quốc hội ở 35 Ngô Quyền, Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã làm việc với tôi về bài viết này.

Phải nói, quan điểm của ông rất sòng phẳng. Như đoạn tôi nói về tác dụng của nghệ thuật đối với cuộc sống, tôi có nhắc tới thơ Bác Hồ, thơ Tố Hữu và thơ Sóng Hồng (bút danh của đồng chí Trường Chinh). Trong quá trình “sơ duyệt”, lãnh đạo tạp chí đã đảo lại vị trí thơ Sóng Hồng lên trước vị trí thơ Tố Hữu.

Nhưng khi Trường Chinh đọc lại, ông chuyển vị trí thơ ông xuống sau vị trí thơ Tố Hữu, như ở bản đầu tôi viết. Ngược lại, đoạn mở bài tôi viết và bị lãnh đạo tạp chí cắt bỏ (lý do tôi còn trẻ, điều phát ngôn chưa tương xứng với... tuổi), là đoạn khẳng định: “Đã gần 40 năm nay, kể từ cuốn “Vấn đề dân cày” ra đời, mỗi một tác phẩm mới của đồng chí Trường Chinh là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng về lý luận và thực tiễn trong cuộc đấu tranh cách mạng của Đảng, của nhân dân ta, trong đời sống văn hóa và tư tưởng của nước ta”, đồng chí Trường Chinh xem xong đã cho lấy lại đoạn này. Chứng tỏ ông không làm bộ nhún nhường, khiêm tốn. Cái gì là sự thật thì phải ghi nhận, dù với ai cũng vậy.

Trở lại với vấn đề chính. Sau khi nghe tôi trình bày đến đoạn nhà văn có quyền phản ánh những mặt xấu còn tồn tại trong cuộc sống (có trích dẫn một số ý kiến của Trường Chinh minh họa cho quan điểm này), Trường Chinh đã cẩn thận bổ sung thêm một đoạn “về phê phán mặt tiêu cực trong xã hội, có mấy điểm cần phải tránh: Đó là phê bình vô trách nhiệm, không tôn trọng sự thật”; là “Nói lấp lửng, xỏ xiên theo lối “biểu tượng hai mặt” hòng đầu độc tư tưởng quần chúng. Cho nên đồng chí Trường Chinh chủ trương phê bình có nguyên tắc chứ không phải “tự do phê bình”.

Nhắc lại điều này, tôi muốn nhấn mạnh: Trường Chinh là người rất cẩn trọng trong việc dùng chữ. ý kiến của ông bao giờ cũng rõ ràng, không để người khác hiểu sai ý mình và không bao giờ chấp nhận cách viết “biểu tượng hai mặt”.

Hà Khải Hưng (thực hiện)

 

Phạm Khải
.
.