Kỷ niệm 40 năm ngày mất của nhà thơ Pablo Neruda (1973-2013)

Nghịch lý của một thiên tài

Thứ Sáu, 23/08/2013, 08:00
Pablo Neruda là một tượng đài thi ca đầy kiêu hãnh của không chỉ khu vực Mỹ La tinh mà của toàn thế giới. Nổi tiếng từ rất sớm (với tập thơ đầu tay in ra khi mới hai mươi tuổi), Neruda là một trong số hiếm hoi các nhà thơ cộng sản được trao tặng giải thưởng Nobel văn học (một giải thưởng tuy rất danh giá nhưng ít nhiều vẫn bị chi phối bởi các yếu tố chính trị). Là một nhà ngoại giao tích cực, nhiều lần tỏa sáng tại các diễn đàn quốc tế, song bản thân Neruda lại không ít lần phải sống chui sống lủi bởi sự tầm nã của nhà cầm quyền trong nước...

Từng là ứng viên nặng ký cho ngôi vị tổng thống Chilê, vậy mà chỉ ít ngày sau khi cuộc đảo chính của viên tướng độc tài Augusto Pinochet nổ ra, nhà riêng của ông đã bị lục soát, đào bới như thể đó là nơi "tiềm ẩn những âm mưu nguy hiểm". Hiện cái chết của ông vẫn bị nghi vấn là do đầu độc. Dường như, xung quanh cuộc đời đầy hào quang và không mấy bình yên của nhà thi hào là những ẩn số không dễ giải đáp.

Pablo Neruda không phải tên thật của ông. Vốn dĩ tên khai sinh của ông rất dài: Neftali Ricardo Reyes Basoalto. Basoalto yêu thích thơ ca và làm thơ từ nhỏ, ngặt nỗi, cha cậu luôn nghiêm cấm việc này, phần vì ông không muốn con trai sa vào đường văn chương, phần vì khi ấy Basoalto còn nhỏ tuổi, cha cậu sợ cậu sao nhãng việc học hành. Không còn đường nào khác, Basoalto đành phải tính tới việc tìm cho mình một bí danh. Một ngày nọ, trong khi lật giở từng trang của tờ họa báo ra hàng tuần, Basoalto bất chợt trông thấy dưới một truyện ngắn có cái tên Juan Neruda (nhà văn người Czech, 1834-1891). Cái tên Neruda phát âm theo tiếng Tây Ban Nha nghe thật gợi. Vậy là, trong quá trình cộng tác với các tòa báo, Basoalto đã chính thức chọn cho mình bút danh Pablo Neruda. Đây là cái tên "đậm nét" trong lịch sử văn học thế giới suốt 9 thập niên qua. Một điều gần như là nghịch lý: Chính cái tên Neruda sau khi nhập vào hồn cốt của nhà thơ Chilê đã lại làm "sống dậy" tên tuổi của nhà văn Neruda người Czech. Bởi nếu không có Neruda người Chilê thì chắc chắn cái tên Neruda của nhà văn người Czech cũng đã hoàn toàn bị chôn vùi cùng dĩ vãng.   

Năm 20 tuổi (1924), Pablo Neruda cho xuất bản tập thơ "Hai mươi bài thơ tình và một bài thơ tuyệt vọng". Lẽ thường, "vạn sự khởi đầu nan", song với Neruda, chính tập thơ đầu tay đã ngay lập tức đưa ông lên vị trí một trong những nhà thơ trẻ nổi danh nhất khu vực Mỹ Latinh thời ấy. Nhờ những bài thơ tình tuyệt vời trong cuốn thơ này mà có những đôi nam nữ đã đến được với nhau. Chính tác giả của chúng - người bị cho là có gương mặt không được "bắt mắt", lại già hơn nhiều so với tuổi, song nhờ có tập thơ ấy cùng những tình khúc tuyệt hảo sau đó  đã trở nên người đàn ông đặc biệt có sức hấp dẫn đàn bà, cho dù họ thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi. Nếu như cuộc hôn nhân đầu tiên của Neruda diễn ra với người đàn bà trên ông tới hai chục tuổi thì mối tình cuối cùng của ông lại diễn ra với một người đàn bà kém ông tới… bốn chục tuổi.

Pablo Neruda là người thứ hai của Chilê được trao tặng Giải thưởng Nobel văn học (vào năm 1971), sau nữ thi sĩ Gabriela Mistral. Một điều thật ý nghĩa: Nữ thi sĩ Gabriela Mistral chính là cô giáo dạy ông thời phổ thông, đồng thời cũng là người trực tiếp truyền thụ cho ông tình yêu thi ca. Năm 1945, Gabriela Mistral được trao giải Nobel văn học thì cũng năm đó, Neruda chính thức gia nhập Đảng Cộng sản.

Nhà thơ Pablo Neruda (bên phải) và cố Tổng thống Chilê Salvador Allende.

Trong đời, không phải không có lúc Neruda lầm lạc khi "chọn mặt gửi vàng". Được bầu vào Quốc hội Chilê năm 1945, Neruda từng hết sức nhiệt thành khi công khai lên tiếng ủng hộ ứng viên Tổng thống Gonzalez Videla - người nhiều lần thề thốt khi lên nắm quyền sẽ bảo vệ quyền lợi người lao động. Sau khi mục đích giành ghế tổng thống của Vidella được toại nguyện, y đã nhanh chóng trở mặt, thẳng tay đàn áp những người cộng sản. Ngày 6-1-1948, tại diễn đàn Quốc hội, thượng nghị sĩ Neruda đã bất ngờ đọc bài diễn văn có tiêu đề "Tôi buộc tội", chính thức cáo buộc Tổng thống Vidella tội phản  bội. Neruda bị tước bỏ danh hiệu thượng nghị sĩ. Ngay ngày hôm sau, Tổng thống Vidella ký lệnh bắt giam Neruda buộc ông phải trốn tránh bí mật. Nhờ bạn bè và độc giả đùm bọc, Neruda đã có được nơi ẩn náu an toàn, để rồi, một năm sau ông thoát ra khỏi nước bằng cách cưỡi ngựa vượt rặng núi Andes qua Argentina. Sau ba năm sống phận lưu vong tại một số nước ở Châu Âu, năm 1952, khi tình hình được cải thiện, ông mới trở về Chilê.

Đường chính trị của Neruda không chỉ một màu ảm đạm như vậy. Năm 1970, Neruda được Đảng Cộng sản Chilê giới thiệu ra tranh cử tổng thống. Được xem là một ứng viên nặng ký nhưng ông đã tình nguyện rút lui để dồn phiếu cho người bạn chí thân của ông - ứng viên thuộc đảng Xã hội Salvador Allende. Sau khi lên nắm quyền, Allende đã thực thi một số chính sách mang màu sắc của CNXH. Cũng thời gian này, Neruda cho xuất bản tập thơ "Lời thúc giục tiêu diệt Nixon và khúc hát ngợi ca cách mạng Chilê", trong đó có những bài, những câu ngợi ca ngợi cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta: "Đây là hòa bình của một đất đai chảy máu/ đã cho thế giới được phủ đầy cành nguyệt quế vinh quang do máu đổ tạo nên" (Xuân Diệu dịch).

Ngày 11/9/1973, Tổng thống Allende bị quân đội của tướng Pinochet đảo chính và sát hại. Từ đó, Neruda cũng gặp nhiều khó khăn. Chuyện kể rằng, bấy giờ Neruda đang nằm trị bệnh tại Isla Negra. Những phần tử quá khích trong lực lượng tham gia đảo chính đã xông vào nhà ông ở Santiago với rắp tâm "thanh toán" ông. Không tìm được "tên mác xít số 1 ở Chilê", bọn chúng trút hận bằng cách đập phá ống dẫn nước rồi bỏ đi. Mãi tới ngày tổ chức tang lễ Neruda (23/9/1973), nền nhà của ông ở Santiago vẫn lênh láng nước.

Đã 40 năm trôi qua kể từ ngày Neruda giã từ dương thế. Theo thông tin chính thức mà chính quyền Pinochet công bố hồi ấy thì nguyên nhân dẫn tới cái chết của nhà thơ là do ông bị ung thư tiền liệt tuyến. Thông tin này đã khiến những người thân cận của Neruda phải đặt nghi vấn. Manuel Araya, người lái xe kiêm trợ lý của Neruda thậm chí còn cho rằng, chính nhà độc tài Augusto Pinochet đã lợi dụng bệnh tật của Neruda để cho người tiêm chất độc hạ sát ông. Araya cho biết trước khi qua đời, Neruda đã gọi điện cho ông từ bệnh viện Santa Maria, nói rằng ông cảm thấy khá mệt sau khi được một bác sĩ nào đó tiêm một mũi thuốc trong lúc chập chờn nửa tỉnh nửa mê. Được biết, trước đó, Neruda dự tính sẽ sang sống lưu vong tại Mexico và tham gia lực lượng đối lập chống lại chính thể độc tài do tướng Pinochet dùng "bàn tay sắt" tạo dựng nên. Và đây chắc chắn là điều Pinochet không muốn.

Trước những nghi vấn mà người lái xe của Neruda đặt ra, tháng 6 năm 2011, Đảng Cộng sản Chilê đã có đơn kiến nghị gửi chính phủ Chilê, đề nghị phải làm sáng tỏ việc này. Và, ngày 8/4/2013, theo quyết định của Bộ tư pháp Chilê, cuộc khai quật mộ nhà thơ Neruda (được đặt tại Isla Negra, bờ biển miền Trung Chilê) đã được tiến hành dưới sự giám sát của các thẩm phán và nhiều chuyên gia pháp y. Nhóm công tác gồm các nhà nhân chủng học, các chuyên gia nghiên cứu chất độc và đại diện của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế. Dự kiến, phải sau ít nhất 3 tháng, cuộc điều tra mới có thể đi đến kết luận cuối cùng.

Trong thời gian Pinochet cầm quyền, tác phẩm của Neruda hầu như ít được phổ biến tại Chilê. Thơ ông không được đưa vào giảng dạy trong nhà trường và thực tế, nhiều bạn đọc trẻ cũng không biết đến thơ ông. Sau khi chính quyền Pinochet sụp đổ, tình hình đã được cải thiện. Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Neruda, tại Chilê đã diễn ra nhiều hoạt động có ý nghĩa. Ấn tượng nhất có lẽ là sự kiện tại thành phố cảng Valparaiso, khoảng 150 người đã tập hợp bên ngoài ngôi nhà cũ của Neruda. Họ chép lại thơ của ông trên những băng giấy khổ lớn trải dài trên đường. Sau đó họ tổ chức ghép chúng lại với nhau, ước lượng dài khoảng gần 2 cây số nhằm lập kỷ lục về "cuộn giấy thơ dài nhất thế giới". Không biết nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất của Neruda vào tháng 9 tới đây, tại Chilê, các độc giả có thêm sáng kiến nào đặc sắc như vậy không?

Tiến Thành
.
.