Nghệ sĩ ưu tú Hồ Kiểng: Vai phụ trên phim, trong đời

Thứ Năm, 25/04/2013, 08:00

Chiều ngày 3/4, NSƯT Hồ Kiểng - người đóng nhiều vai phụ trong nhiều bộ phim nhất Việt Nam đã rời bỏ cõi tạm, về chốn bồng lai. Phút ông đi, nụ cười hồn nhiên vẫn đọng lại trên khóe môi. Lặng mình trước di ảnh trong hương khói nhạt nhòa, nụ cười hồn nhiên của ông vọng về bên tôi: "Đây nè, cái gì trên người bác cũng giả hết. Răng giả, hộp sọ giả, xương sống giả, tim giả...". Nhưng có một điều rất thật, đó là con người ông - một nghệ sĩ, một nhân cách...

Cuộc gặp cuối cùng

Triển lãm ảnh "Tâm và Tài - họ là ai?" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á. Một ông lão lụi cụi trả tiền xe ôm rồi tiến vào sảnh Nhà văn hóa Thanh Niên. Ông đi như bơi sấp, cái lưng còng chúi về phía trước, hai tay tung tẩy. Rướn cổ nhìn bộ ảnh chân dung mình, ông lẩm bẩm đọc lời bình. Tôi lại gần chào ông. "Cháu là phóng viên à? Trời ơi, con gái làm nghề này cực lắm nghen. Chớ nhà cháu ở chỗ nào?". Lần đầu tiên tôi gặp "ông lão ăn cá sống" ngoài đời như thế. Chiếc áo sơ mi sờn cũ mà ông bảo lựa hoài để đến dự triển lãm. Chiếc kính không tròng quen thuộc. Ngẫu hứng, ông tinh nghịch đâm ngón trỏ qua gọng kính, vừa xoay xoay vừa ngâm nga khiến khách tham quan cũng phì cười: "Hồ Kiểng đeo kiếng không tròng/ Nhưng anh vẫn thấy ngoài, trong cuộc đời/ Dẫu rằng thiên hạ trêu cười/ Kiểng còn nhìn thấu dạ người trắng đen".

Trong ký ức tuổi thơ, tôi thương đến kỳ lạ lão nông dân khắc khổ bần hàn trong phim "Những nẻo đường phù sa". Khi lão nông run rẩy, nước mắt lưng tròng cắn con cá lóc đang giãy đành đạch, máu đỏ dính bê bết rồi nôn thốc nôn tháo trước con mắt thỏa mãn của tên địa chủ độc ác, tôi không cầm được nước mắt. Bây giờ, nét khắc khổ ấy vẫn hằn sâu trên vầng trán ông, trong dáng hình hom hem, tiều tụy của ông, nhưng tiếng cười thì luôn rổn rảng. "Chắc cảnh quay đó bác chỉ cắn vào không khí và dùng thủ thuật của máy quay để giống như ăn thật phải không ạ?". "Đâu có. Ăn thiệt chớ! Nhưng máu của con cá thì là giả. Bác ngậm sẵn 2 bịch xi rô đỏ bên khe răng. Vì con cá rất cứng, vảy dày vậy khó cắn lắm. Mỗi lần cắn thì xi rô chảy ra cho giống máu thật. Nhưng mùi tanh của con cá với mùi bùn át luôn mùi xi rô khiến bác chịu không nổi. Cho nên cảnh ói là ói thật".

Một lần xuống miền Tây chơi, mọi người ai cũng khen cảnh ăn cá sống ghê người của ông. Riêng một bác nông dân kêu Hồ Kiểng ra ngoài nói chuyện rồi… chửi ông một trận tơi bời. Ông ngơ ngác không hiểu trời đất sao trăng gì. Hóa ra bác nông dân bức xúc ở chỗ "Sao ông liều ăn cá lóc sống mà không có cái gì bảo vệ. Ông có biết cá lóc là loài chui rúc ở hang, thấy cái miệng ông, nó tưởng cái hang rồi cố chui vô là ông chỉ có nước tiêu đời". Nghe xong, Hồ Kiểng hết hồn. "Phù, vậy là lần đó mình may thiệt!".

Cuối năm ngoái, tôi ghé thăm ông ở khu chung cư 1AB Cao Thắng khi ông mới đóng xong phim "Mùa hè lạnh" của đạo diễn Ngô Quang Hải. Tấm thân già nua lại càng hom hem với những cơn ho hù hụ. Vậy mà ông vẫn cười bảo: "Nhìn vậy chớ bác còn khỏe re hà. Có khỏe re mới đóng phim được chớ". Rồi ông hỏi tôi: "Lên đây cực hôn. Chắc bây vẫn khỏe hen?". Chiều hôm ấy là lần hiếm hoi ông rảnh rỗi. Ở cái tuổi 88, bệnh tật triền miên nhưng ông vẫn nhận vai diễn. Ông bảo hôm nào đi diễn thì mình vui. Còn chờ hoài mà thấy cái điện thoại "cùi bắp" không reo, không có vai thì mình nhớ nghề  ghê lắm. Cả ngày cứ thui thủi vô ra. Người ta thấy ông bệnh tật lại ngại gọi ông. Nhưng ông bảo không đi diễn thì khéo chừng ông còn bệnh thêm. Nhớ cái đận dù bị bệnh nặng, bác sĩ yêu cầu phải nghỉ dưỡng nhưng ông vẫn nhận vai bác sĩ Talanov trong vở kịch "Xâm lược" (kịch Liên Xô). 11 đêm diễn ở rạp Đống Đa (Hà Nội), ông phải bế 2 cô gái bị phát xít Đức hãm hiếp đến chết (do Tú Lệ, nặng 44 kg và Võ Thị Năm, nặng 42 kg đóng). May mà không hề hấn gì. Có phim dù chỉ xuất hiện dăm ba giây trên màn hình, phim trường xa xôi, khó khăn, ông cũng sẵn sàng nhận lời.

Căn hộ chung cư khang trang này ông mới chuyển sang chưa đầy 2 năm cùng sống với người vợ đã ly dị và con gái. Nhưng qua đây rồi ông lại nhớ lắm cái nhà kho đặt máy phát điện nóng hầm hập chỉ đặt vỏn vẹn cái giường nằm ở khu chung cư cũ. "Nhớ nhiều bận, cứ hễ đang ở nhà kho mà mắc đi vệ sinh là lại chạy sang Ủy ban nhân dân hay Công an quận để đi nhờ. Có lần, đang mắc quá thì một anh cán bộ chặn lại, hỏi sao bác không đi vệ sinh ở nhà mà cứ sang đây đi ké hoài vậy? Sau khi biết gia cảnh của mình, thì anh cán bộ cảm động, bảo bác cứ coi đây như nhà mình. 30 năm đi nhờ, cũng ngại thiệt nhưng biết làm sao" - Nghệ sĩ Hồ Kiểng cười tếu táo.

Trái tim nhân tạo đã cho ông sống thêm chục năm nữa để yêu đời, yêu người. Như những sáng đi diễn. Như những chiều ngồi trà đá vỉa hè, trò chuyện với bao kiếp người… Ông bảo hôm nào rảnh rỗi, bác cháu ta cùng xuống vỉa hè ngồi nhâm nhi trà đá tầm phào. Tôi không ngờ lần đó là lần cuối cùng tôi gặp ông. Cuộc hẹn trà đá vỉa hè sao giờ xa xôi...

Vai phụ trong bộ phim cuộc đời

NSƯT Hồ Kiểng là một nghệ sĩ đa tài. Ông để lại dấu ấn trong hơn 200 bộ phim, 48 vở kịch sân khấu, hơn 300 vở kịch phát thanh, 12 vở tuồng, cải lương; lồng tiếng cho 16 phim múa rối; tham gia vẽ 6 phim hoạt hình; sáng tác 200 bài vọng cổ và tấu hài; hơn 100 bài thơ. Ông được mệnh danh là "ông hoàng vai phụ" bởi những vai diễn đọng mãi trong ký ức công chúng. Thế nhưng, ít người biết rằng trong bộ phim cuộc đời, đau đớn thay Thượng đế cũng phân cho người diễn viên đa tài ấy "vai" phụ. Bốn vợ thì cả bốn đều bỏ ông. Bốn người con thì hai người chết sớm, một người phiêu dạt.

Ngày trước, khi còn là cậu ấm 18 tuổi của một gia đình trung nông ở Bến Tre, Hồ Kiểng đã lên "xe bông" vì ba mẹ già muốn sớm có cháu nối dõi tông đường. Ngày cưới, ông mới biết mặt cô dâu. Đêm tân hôn, nằm bên cô vợ 16 tuổi, ông mắc cỡ nằm xoay mặt vào trong vách. Mẹ ông  rình ngoài cửa mấy đêm liền như thế. Được một tuần, vẫn không thấy động tĩnh gì, bực quá bà cốc vào đầu Hồ Kiểng: "Cái thằng này, tao lấy vợ cho mày để làm gì?". Ông gãi đầu gãi tai không hiểu ý mẹ. Tối hôm đó, cô vợ trở thành thầy của ông trong chuyện chăn gối. 19 tuổi, hạnh phúc vỡ òa khi ông đón đứa con đầu lòng. Niềm vui chưa được bao lâu thì đứa con lên đậu mùa, bỏ vợ chồng ông mà đi. Rồi người vợ cũng theo tay đồn trưởng trong làng mà phụ bạc ông.

Đi bộ đội, tập kết ra Bắc, Hồ Kiểng nên duyên vợ chồng với người phụ nữ Thanh Hóa. Khi hương lửa đang nồng, người vợ lại tham phú phụ bần mà bỏ rơi ông trong cơn cùng cực. Ông nuốt nước mắt, gật đầu cho vợ sang sông. Trong lần phải nằm ở Bệnh viện Cao Bằng do bị ngựa đá, trái tim vỡ vụn ấy lại hạnh phúc ngỡ ngàng trong tình yêu mới. Cô hộ lý người Tày vì mến cảm chàng diễn viên phương Nam hồn hậu mà gả cô con gái mới 19 tuổi của mình cho ông. Nhưng khi cô gái đã có thai được 4 tháng, chuẩn bị tiến hành hôn lễ thì bố vợ lại không đồng ý con gái mình làm dâu ở miền Nam, lại với chàng rể "xướng ca vô loài" như thế. Theo phong tục của người Tày, Hồ Kiểng phải ở rể. Ở miền núi cao ấy, ông phải từ giã phim ảnh, tay cày tay cuốc mới có thể nuôi vợ. Nhưng ông không thể bỏ nghiệp diễn, đành nước mắt lưng tròng mà nhìn người yêu đi lấy chồng.

Khi đã xế chiều chông chênh, ông tìm bến đỗ cuối cùng. Nhưng người phụ nữ ấy lại phải lòng một người đàn ông khác và muốn đi nước ngoài. Khi bị người đàn ông kia bỏ rơi, bà quay về, ông không nỡ trách, không nỡ đuổi. Tấm lòng bao dung vẫn đón bà về dù hai người đã ly dị. Ngày ngày bà lo cơm nước cho ông. 30 năm sống trong góc nhà kho chật hẹp, ông vẫn dành căn gác lửng cho bà có chỗ sinh hoạt riêng. Đến khi dọn về khu chung cư trên đường Cao Thắng, ông vẫn sống cùng bà như hai người bạn già. Lão nghệ sĩ cười chua chát: "Bác đi đóng phim suốt mà có liên lạc gì với vợ con. Có khi đi cả năm trời mới về, sao mấy bả chịu nổi. Bác lại nghèo nên không trói buộc mấy bả. Âu đó là cái số trời sắp đặt rồi".

Lần gặp cuối, ông khoe có hãng truyền hình đang làm phim về cuộc đời mình. Buổi sáng hôm ấy ông mới quay xong phân cảnh những ngày nằm điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Trãi. "Vậy là trong bộ phim này bác đóng vai chính rồi nhé". Ông gật gù: "Ừ. Nhưng với cuộc đời này, bác vẫn đóng vai phụ thôi cháu à".

Ngày đưa tiễn ông, nước mắt đẫm trên những gương mặt đồng nghiệp nghệ sĩ. Trong di ảnh, lão nghệ sĩ vẫn nở nụ cười tếu táo thuở nào. Chợt nhớ đến câu nói của ai đó: "Khi ta sinh ra đời, ta khóc còn mọi người xung quanh cười. Hãy sống sao cho khi ta qua đời, mọi người khóc, còn ta cười". Giữa cuộc đời này, tấm lòng và nụ cười rất thật với người, với nghề của lão nghệ sĩ Hồ Kiểng đang đóng vai chính trong lòng người ở lại

Mai Quỳnh Nga
.
.