Nghệ sĩ nhiếp ảnh trăm tuổi Lê Vượng: Người chụp ảnh Hà Nội bằng tâm cảm
- Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Văn: Sự “chuyển động” không ngừng
- Họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Ánh: Người đam mê lễ hội
- Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo với 'Ký ức làng'
- Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á: Từ Trường Sa đến Hoàng Sa
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng sinh năm 1918, tuổi Mậu Ngọ. Nếu tính theo tuổi “ta”, ông năm nay đã 99 tuổi. Có lẽ “cầm tinh con ngựa” nên lão nghệ sĩ chỉ thích đi, lúc nào cũng như đang rong ruổi với các cuộc hành trình.
Năm 18 tuổi, với chiếc máy ảnh và chiếc ôtô vừa được gia đình tậu cho, “cậu ấm” dòng dõi con cháu quan đại thần khâm sai Lê Hoan đã thực hiện chuyến đi xuyên Việt, xuyên Đông Dương đầu tiên của đời mình kéo dài mấy tháng trời. Sau này ông còn thực hiện nhiều chuyến đi khác không chỉ trong nước mà đã đặt chân đến hơn 30 quốc gia trên thế giới như Nga, Pháp, Mỹ, Bỉ, Hà Lan, Hàn Quốc. Dù đi đâu, làm gì thì vật bất ly thân của ông chính là chiếc máy ảnh, có khi ông còn đem theo vài ba chiếc.
Làm quen với nghề ảnh từ năm 17 tuổi (1935) khi người cậu ruột mua lại hiệu ảnh Khánh Ký nổi tiếng nhất Hà Nội thời đó, cho đến nay niềm đam mê đối với nghệ thuật nhiếp ảnh của lão nghệ sĩ Lê Vượng vẫn chưa bao giờ vơi. Cách đây 2 năm, ông vẫn thực hiện một chuyến hành trình đi tác nghiệp ở Lào Cai - Lai Châu cùng với một nhóm nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội.
Cuộc đời trải dài trăm năm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng chính là hành trình đi tìm kiếm những vẻ đẹp của cuộc sống, của con người với khát vọng được sẻ chia, dâng hiến... |
Gần đây, do sức khỏe yếu, ông không đi chụp ảnh được nữa, chỉ loanh quanh trong nhà, loanh quanh với việc uống thuốc nọ thuốc kia vì thế ông buồn bực chân tay lắm. Nhìn thấy cánh trẻ cầm máy đi lại săm săm, ông vẫn cảm thấy buồn và tiếc nuối. Có khi ông còn khóc nữa.
Nhận giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” khi đã ở tuổi tiên lão như thế này khiến ông vô cùng xúc động, trong buổi lễ trao giải ông đã rơi những giọt nước mắt hạnh phúc. Ở tuổi ấy, nhưng lão nghệ sĩ Lê Vượng vẫn giữ được sự minh mẫn, chỉ có tiếng nói là run rẩy, nhất là khi xúc động: Ông đã nói với mọi những lời gan ruột "Tôi thấy đất nước mình quá đẹp và với tình yêu Hà Nội, tôi không thể dừng chụp ảnh. Bản thân tôi không thể nào rời được chiếc máy ảnh, đi đâu cũng muốn chụp.
Cả đời tôi đã cố gắng rất nhiều và làm cũng rất nhiều, mong muốn có thể làm được thêm cái gì hay cái đấy. Bây giờ tôi còn thèm lắm, nhưng vì sức khỏe nên không làm được gì thêm. Hôm nay là một ngày vui của tôi, mọi người cảm nhận được những vấn đề, giá trị, cái đẹp trong các bức ảnh của tôi nên tôi sung sướng quá, đây là hạnh phúc nhất đời tôi...".
Tôi tìm đến tư gia của lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng ở phố Trần Quốc Toản (Hà Nội). Trong căn gác nhỏ trên tầng 2 của một căn biệt thự cổ, nơi lão nghệ sĩ nhiếp ảnh đã sống cùng gia đình suốt hơn 60 năm qua, niềm vui vẫn còn lan tỏa bởi những cuộc thăm viếng của người thân, sự “rầy rà” của cánh báo chí, rồi những cuộc điện thoại chúc mừng...
Vẫn cốt cách xưa, lão nghệ sĩ luôn vui vẻ, hòa nhã với tất cả mọi người và chẳng bao giờ cảm thấy phiền hà. Trong căn phòng ấy, còn lưu giữ nhiều kỷ niệm của ông với những người bạn nghệ sĩ lớn như nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân, các họa sĩ Nguyễn Sáng, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, các trí giả như Nguyễn Đỗ Cung, Hữu Ngọc, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Khắc Viện... Những món quà kỷ niệm về tình bằng hữu của họ vẫn được lưu giữ trang trọng đó là: 3 bức tranh vẽ “Bà Vượng” - người bạn đời của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng (bà đã mất năm 1977), tranh của Nguyễn Tư Nghiêm, bức họa chân dung Lê Vượng của họa sĩ Bùi Xuân Phái...
Đặc biệt, gia đình còn lưu giữ được một bức tranh quý của danh họa Lê Phổ, là chú ruột đồng thời cũng là “người thầy đầu tiên” trong nghệ thuật của cụ Lê Vượng. Nhờ những tiếp nhận bằng thị giác và những kiến thức về hội họa do chú Lê Phổ truyền dạy nên trong suốt 80 năm cầm máy của ông sau này, nhiều bức ảnh của Lê Vượng có chiều sâu của hội họa, bố cục vô cùng chặt chẽ, với nhiều lớp không gian, mảng miếng rõ ràng.
Anh Lê Cường - người con trai thứ của cụ Lê Vượng cho hay, cha anh gặp gỡ, kết bạn với nhiều nghệ sĩ lớn của Hà Nội cùng thời không chỉ đơn thuần là vì công việc mà là sự chia sẻ tâm đắc về nghệ thuật, về cuộc sống, về những điều đau đáu của những nghệ sĩ bậc thầy đối với thành phố Hà Nội thân thương. Đó là những người luôn trăn trở với Hà Nội, với những vẻ đẹp có thể sẽ vĩnh viễn mất đi với thời gian.
Và đúng là như thế, có những góc phố, những con đường, đình đền, miếu mạo của Hà Nội đã đổi thay quá nhiều, đã bị tân trang cho trở nên mới mẻ, trơn láng đến vô cảm. Điều đó khiến những bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng đã ghi lại trở thành những ký ức thật đẹp đẽ, dịu êm và là nguồn tư liệu di sản về Hà Nội vô cùng quý giá.
Một tác phẩm của nhiếp ảnh gia Lê Vượng. |
Đó là bóng cầu Thê Húc có cây phượng già nghiêng nghiêng in xuống bóng xuống mặt hồ phẳng lặng; đó là bóng Tháp Rùa với những ghế đá rêu phong, là cổng chùa Trấn Quốc giản dị trầm mặc bên hồ Tây sương khói, là phố cổ Hà Nội mái ngói vảy cá lô xô, là cầu Long Biên sừng sững vắt ngang sông Hồng...
Ông cũng lái ống kính của mình về phía cuộc sống đời thường, nơi có những bác xích lô mệt mỏi ngủ gật đợi khách, nơi có những đứa trẻ bám đu tàu điện, gắng hết sức chở em đến trường... Với Hà Nội, có lẽ dấu chân của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng đã in dấu trên mọi phố phường và cũng chẳng nhiều nghệ sĩ miệt mài, say đắm và đầy tâm cảm với Hà Nội như ông...
Đến nỗi, họa sĩ Bùi Xuân Phái khi đương thời từng phải thốt lên: “Lê Vượng chụp ảnh đã thành tinh!”, còn nhà văn hóa Hữu Ngọc thì nhận xét: “Lê Vượng không chạy theo trường phái nào cả, ảnh của ông tìm cái đẹp cổ điển, chân phương, rất gần hội họa do bố cục, đường nét, màu sắc, nhất là ảnh phong cảnh. Không chỉ đẹp mà những bức ảnh của Lê Vượng nhiều ý nghĩa...”.
Nhưng đề tài Hà Nội cũng chỉ là một mảng sáng tác của lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng mà thôi. Trong 8 năm làm công tác biên tập và sáng tác ảnh tại NXB Mỹ thuật - Âm nhạc và những năm sau này làm công tác sưu tầm, xây dựng hệ thống ảnh về mỹ thuật cổ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu (1984), ông đã có những chuyến đi điền dã khắp mọi miền Tổ quốc.
Vốn là “cậu ấm” được cưng chiều, không ai ngờ sau này lúc nào ông cũng chăm chỉ, cần mẫn, không ngại khó, ngại khổ và không kêu ca, ngoài công việc ra đi đến đâu ông sáng tác đến đó một cách lặng lẽ, âm thầm. Vì thế, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện còn lưu giữ hàng vạn bức ảnh tư liệu của ông chụp đình, chùa, đền thờ, tranh thờ, tượng Phật, hiện vật mỹ thuật cổ... có giá trị đặc biệt.
Ngoài ảnh tư liệu, ảnh sáng tác cá nhân ông lưu giữ được cũng có tới vài vạn tấm. Trong những chuyến đi công tác ấy, bằng sự nhận định tinh tường và nỗi lo rằng có thể một mai những trang phục truyền thống của các dân tộc sẽ mất đi ông đã có cho mình bộ sưu tập ảnh đầy đủ về trang phục của 54 dân tộc anh em.
Bộ sưu tập ảnh này khiến ông mất nhiều thời gian, công sức nhất bởi vì phải đi khắp nơi, lặn lội đến những vùng sâu nhất, xa nhất, thậm chí là cao nhất nước thì mới tìm được đúng những trang phục truyền thống nguyên bản của một dân tộc.
Suốt những năm kháng chiến gian khổ rồi đến những năm Hà Nội trải qua thời kỳ bao cấp khó khăn, thiếu thốn, đói khổ... nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng vẫn lưu giữ, nuôi dưỡng niềm đam mê đối với nghệ thuật nhiếp ảnh.
Thời giấy ảnh hiếm hoi, đắt đỏ, với chiếc máy in tráng ảnh còn giữ được, ông vẫn dành dụm những đồng lương ít ỏi để in tráng ảnh tại nhà. Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình ông đã đạt được nhiều giải thưởng lớn, từng được phong tước hiệu EVAPA – AFIAP, từng thực hiện nhiều cuộc triển lãm gây được tiếng vang ở trong và ngoài nước trong đó có 1 triển lãm cá nhân ở Paris, từng được Chủ tịch Thượng viện Pháp đến dự lễ khai mạc..., song lão nghệ sĩ luôn giữ phong thái mộc mạc, giản dị, hòa nhã, ân cần với mọi người, đặc biệt là giới trẻ.