Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong: Yêu những kiếp người cần lao

Thứ Năm, 26/03/2020, 08:48
Theo đuổi mảng đời thường, Trần Thế Phong mải miết đi tìm vẻ đẹp của những phận người trong tất tả xuôi ngược mưu sinh. Nét đẹp hồn hậu, nhân văn của con người Việt Nam không chỉ được anh lưu lại cho chính dân tộc mình mà còn mang nó lan tỏa khắp năm châu.


- Các bộ sách ảnh như "Gánh" (2011), "Những nẻo đường tuổi thơ" (2012), "Vượt qua bóng tối" (2014), "Mưu sinh" (2017), "Chân dung" (2018)... và mới đây là "Nhịp sống Sài Gòn" khiến người xem xúc động bởi những chân dung giản dị, gần gũi quanh ta. Đó là ông thợ hớt tóc, chú bán báo dạo, cậu bé đánh giày, bà bán vé số... Có phải từng là trẻ đường phố nên ống kính của anh thấu cảm sâu sắc và nắm bắt được cái hồn của từng nhân vật?

+ Tuổi thơ tôi không may mắn như bao đứa trẻ khác. Tôi sinh ra trong một khu ổ chuột ở quận 4, TP Hồ Chí Minh. Mới 3 tuổi, tôi đã phải chứng kiến ba mẹ đường ai nấy đi. Tôi sống nương nhờ nhà người cô và 6 tuổi đã phải lăn lộn ra đời để kiếm miếng ăn vì nhà cô cũng không khá khẩm gì. Nghề nào tôi cũng trải qua miễn là lương thiện: Từ bán báo, bán vé số, bán hàng rong, làm nhang đến đánh giày, lượm ve chai… Học hết cấp 2 thì tôi bán vé xem phim kiểu chợ đen, đi phụ bếp, chạy bàn...

Là trẻ đường phố nên mình bị mấy anh chị giang hồ ức hiếp hoài. Nào là bị tranh giành địa bàn, nào là bị giật hết tiền hàng, vé số. Có lần tôi bị đánh và giật hết tiền bán vé số, không còn xu nào để mua ổ bánh mì lót bụng, chỉ biết tấm tức khóc.

Chính tuổi thơ bụi đời, vất vả như vậy đã giúp tôi có cái nhìn đồng cảm sâu xa với những người có hoàn cảnh khó khăn, những người lao động bình dân. Ngày nhỏ, tôi rất ghét ai nhìn mình bằng con mắt tội nghiệp, thương hại. Dù có ngụp lặn mưu sinh từ sớm nhưng những đứa trẻ đường phố, thân phận nghèo chúng tôi không bao giờ chịu cúi mình vì chúng tôi kiếm sống chân chính bằng mồ hôi, công sức. Nên sau này, trở thành nhiếp ảnh gia, tôi luôn ghi lại hình ảnh họ bằng cái nhìn nâng niu, trân trọng. Tôi rất tự hào bấm máy những khoảnh khắc ngập tràn niềm vui, hạnh phúc trong công việc của họ. Nhân vật trong mỗi tác phẩm của tôi luôn tràn đầy nghị lực vươn lên, lấp lánh nụ cười dẫu cuộc sống của họ còn lắm nhọc nhằn, bấp bênh.

- Nếu để ý kỹ sẽ thấy gương mặt trẻ thơ chiếm nhiều trong các tác phẩm của anh?

+ Đó là đề tài mà tôi tâm đắc nhất khi sáng tác. Thú thật chụp ảnh trẻ em chính là cách để tôi tìm về tuổi thơ lấm lem bụi đường của mình ngày xưa. Mỗi lần như thế, tôi bắt gặp lòng mình rưng rưng xúc động và bồi hồi khôn tả.

Khi tốt nghiệp lớp học nhiếp ảnh, tấm ảnh đầu tiên tôi chụp chính là những em bé mưu sinh trên đường phố. Tôi chụp rồi rửa tặng cho chúng. Nhìn ánh mắt hạnh phúc của chúng, trái tim tôi lại nhảy nhót reo vui và hăm hở bấm máy. Xuyên suốt thông điệp như tôi đã nói ở trên, đứa trẻ nào trong ảnh của tôi cũng cười, nụ cười tin yêu vào tương lai tươi sáng chứ không hề ca thán, buồn bã.

- Vậy cơ duyên nào để một cậu bé đường phố năm xưa trở thành nhiếp ảnh gia tên tuổi, đoạt hàng trăm giải thưởng trong nước và quốc tế như bây giờ?

+ Hồi đó tôi không có ý định theo đuổi nghệ thuật đâu. Làm đủ thứ nghề nhưng nghề nào cũng tạm bợ, tôi đâm lo cho tương lai của mình. Bị anh chị giang hồ bắt nạt, cũng có lúc tôi đâm lì, tính gia nhập đại một băng nhóm nào đó để không ai đe nẹt được. Nhưng may mắn thay mình có những người bạn tốt luôn bên cạnh động viên. Thấy tôi bị giựt tiền, bạn chia cho tôi ổ bánh mì, cho mượn ít vốn để đi làm lại. Nhà người cô ở gần chùa nên những lúc rảnh, tôi cũng chạy sang nghe sư thầy giảng đạo. Nhờ vậy, mình mới tỉnh ngộ, quyết tâm ăn chay trường chứ không gia nhập băng nhóm ăn... cướp.

Nghĩ phải có một cái nghề đàng hoàng, tôi dồn hết tiền dành dụm để mở quán cà phê bình dân. Thiếu kinh nghiệm cộng với vốn liếng ít, quán sớm dẹp tiệm. Thấy bạn bè hay mang ra khoe các bức ảnh chụp cùng gia đình, tự dưng tôi thấy tủi phận ghê gớm. Mình không hề có tấm ảnh nào với ba mẹ hết. Tôi khao khát có những bức ảnh cho riêng mình. Bức ảnh sẽ giúp mình lưu lại những ký ức đẹp, lưu lại hình ảnh người thân, những cảnh đời, khung cảnh mà mình chứng kiến. Từ đó, tôi ấp ủ ước mơ thành thợ chụp hình.

Chắt bóp mãi, tôi mới mua được chiếc máy ảnh rẻ tiền hiệu Zenik rồi đăng ký học nhiếp ảnh với thầy Phùng Hiệp. Năm 1998, tôi nghỉ làm bồi bàn để bước chân vào nghề phóng viên ảnh tự do và chụp hình dạo. Nhưng phải đến khi tác phẩm "Hoàng hôn trên cầu Mỹ Thuận" được Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh trao Huy chương vàng, Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam trao Huy chương bạc năm 2000 thì tôi mới đủ tự tin để chính thức bước vào con đường nhiếp ảnh nghệ thuật.

Một số tác phẩm của NS nhiếp ảnh Trần Thế Phong.

- Nổi lên từ tác phẩm "Hoàng hôn trên cầu Mỹ Thuận" thuộc mảng phong cảnh, tại sao cuối cùng anh lại quyết định theo đuổi mảng đời thường?

+ Có lẽ mình không hợp với cái gì quá hoa mỹ hay trừu tượng. Do xuất phát điểm của mình nên tôi luôn quan niệm cái đẹp nằm trong đời thường và nó mang hơi thở cuộc sống xã hội đương đại. Vì vậy, tôi chụp nhiều bức ảnh nghệ thuật đậm tính báo chí hơn những bức ảnh nghệ thuật thiên về trừu tượng. Những người lao động nghèo, cuộc sống của họ thật thầm lặng, nhọc nhằn, ít ai quan tâm nhưng nó có vẻ đẹp riêng khi lên ảnh.

Mọi khoảnh khắc tôi chụp đều là khoảnh khắc chân thật, không hề sắp đặt. Tôi chỉ thay đổi nhiều góc máy, sử dụng ngôn ngữ hình ảnh đương đại, góc nhìn lạ để có thể lột tả được nội tâm, cái hồn của nhân vật. Tôi thích hòa mình vào cuộc sống bình dân lam lũ vì mình từ nơi đó mà trưởng thành.

Rong ruổi từ Nam tới Bắc, gia nhập cuộc sống của nhiều người để hiểu, để biết, để cảm cho thật chính xác. Ảnh đời thường tất nhiên không được người ta ưu ái để chọn treo trang trí trong nhà. Nhưng điều tôi hướng đến chính là thông điệp nhân văn mà mình truyền tải trong tác phẩm. Tôi tin, khi tôi đồng cảm, xúc động với nhân vật của mình thì người xem cũng sẽ đồng cảm, xúc động khi xem ảnh của tôi.

- Trong 8 bộ sách ảnh, anh tâm đắc nhất tác phẩm nào?

+ Hai tập sách ảnh "Gánh" và "Những nẻo đường tuổi thơ" là niềm tự hào, là gia tài quý giá nhất của tôi. "Những nẻo đường tuổi thơ" gồm 99 bức ảnh chụp về trẻ em, chia ra 9 chủ đề: Trẻ em ở bãi rác Đông Thạnh, Tuổi thơ miền biển, Trẻ em vùng cao, Trẻ em khuyết tật, Trẻ em bị nhiễm chất độc da cam... Riêng "Gánh" là hình ảnh các bà, các mẹ tảo tần khuya sớm nuôi con bằng đôi gánh hàng rong.

Tôi xa hơi ấm mẹ từ nhỏ, không có lấy một hình dung về mẹ. Nên những người mẹ, người bà gặp trên đường đời, tôi trân quý họ như mẹ mình vậy. Hình ảnh mẹ đội nón lá, tất tả với đôi quang gánh, đôi dép mòn vẹt trên con đường xa ngái làm tôi không thôi khắc khoải. Có những mẹ lưng đã còng lắm, vậy mà ngày ngày vẫn gánh trên vai cơ man nào là hàng hóa. Các mẹ gần như đi bộ cả ngày, nắng cũng như mưa, vừa đi vừa rao. Tôi đi theo họ để chụp hình, cứ ngỡ như họ là mẹ mình mà thương vô cùng.

- Anh từng tâm niệm rằng nhiếp ảnh gia không chỉ bắt lấy khoảnh khắc mà còn nhận lãnh trách nhiệm xã hội. Vậy anh làm gì để thể hiện điều đó?

+ Hồi còn nhỏ, tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều người được cứu giúp chỉ nhờ một bức ảnh đăng báo. Điều đó thúc giục tôi phải trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh gắn liền với giới bình dân. Để thông điệp xã hội của bức ảnh lan tỏa hơn nữa, tôi còn mang nó ra nước ngoài triển lãm. Tôi nghĩ mình không chỉ đóng góp cho cuộc đời này ở mặt tinh thần mà còn ở mặt vật chất. Từ triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 2005 mang tên "Bão Chan Chu" cho đến nay, cứ mỗi lần triển lãm, ra mắt sách, tôi đều gây quỹ để làm từ thiện, giúp đỡ cho dân nghèo, những hoàn cảnh bất hạnh.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Mai Quỳnh Nga (thực hiện)
.
.