Nghệ sĩ Violin Anh Tú: Khổ luyện cho nghệ thuật

Thứ Năm, 22/04/2021, 13:01
Nói đến nghệ thuật Violin, Trần Anh Tú là một người đặc biệt. Anh là người chơi say sưa, có lúc như lên đồng và có thể biểu diễn nhiều thể loại. Với anh, nghệ thuật âm nhạc là con đường khổ luyện, đầy nhọc nhằn và cũng lắm vinh quang.


Tập, tập và tập

Hẳn rồi. Nghe thì tưởng rằng tài năng của Tú là thiên phú. Song thực chất phần lớn là do anh khổ luyện. Từ khi 4 tuổi bắt đầu chính thức theo học đàn, Anh Tú đã không có tuổi thơ. Hằng ngày anh trải qua nhiều giờ tập luyện bên cây đàn. Cứ 4 hoặc 5 tiếng tập liên tục, được nghỉ ít phút để tranh thủ ăn uống nhẹ, nhanh, rồi lại tiếp tục tập. 

Anh Tú tâm sự: “Chưa từng bao giờ tôi được biết bất cứ trò chơi tuổi thơ nào. Xuyên suốt những ngày tháng thời thơ ấu của tôi, chỉ có cây đàn Violin làm bạn. Sau khi lớn hơn chút xíu, giờ học Violin giảm xuống là vì tôi học thêm hàng loạt các bộ môn khác để hỗ trợ cho việc học Violin như: học Piano, xướng âm, ghi âm, hòa thanh, phân tích tác phẩm...”.

Nghệ sĩ Violin Anh Tú.

Ngày xưa đâu có điều kiện có dây đàn tốt như bây giờ! Toàn dây làm bằng sắt giá rẻ. Nhiều hôm tập, anh phải cắn răng, mồ hôi úa ra vì đau, do ngón tay bị chảy máu, chưa kịp lên vết chai, vẫn phải đè lên đó để tập. Nên anh lại tập, tập và tập, cho đến khi chai ra, lì ra, tay lên vết chai sần lại. Mỗi đêm khi đi ngủ, anh lại thút thít kể lể với bạn đàn: "Dây ơi, mai cứa tay tớ vừa thôi nhé, hôm nay đau lắm, mà không dám la to đó!". Sau khi kể đủ thứ trên trời dưới bể những cảm xúc tập ngày hôm ấy với bạn đàn, anh chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Sáng sớm hôm sau, lại tiếp tục những ngày tháng như vậy, suốt cả những năm tháng ấu thơ.

Nhiều người đã hỏi anh, có thấy thiệt thòi không khi tuổi thơ trải qua như vậy? Chính Anh Tú cũng không biết có thiệt thòi hay không. Vì khi thấy trẻ em hàng xóm xung quanh chơi đùa vui vẻ, anh chỉ được đứng nhìn thoáng qua rất nhanh, chưa kịp chạnh lòng đã phải đóng cửa sổ lại để tiếp tục những ngày giờ tập luyện.Tú không biết có gian khổ, có thiệt thòi, có hy sinh tuổi thơ hay không, mà chỉ biết rằng, cây đàn là người bạn thân như máu mủ của cuộc đời từ khi anh còn bé xíu. 

“Ngày còn nhỏ, thay vì đồ chơi, robot, thì khi đi ngủ, tôi đặt hộp đàn bên cạnh, cho nằm cùng gối, đắp cùng cái chăn, mỗi đêm, nói chuyện về những ước mơ, hoài bão lớn, mà cả hai sẽ cùng nhau cố gắng đó!” - Anh Tú bộc bạch.

Coi khán giả là bạn

Mỗi khi Trần Anh Tú - còn có biệt danh “Tú xỉn” - chơi đàn, cả không gian khi đó sẽ bị cuốn theo. Tôi đã may mắn được nghe anh chơi đàn ở nhiều hội nghị, chương trình nghệ thuật, thậm chí ở quán cà phê. Anh là người chơi say và có thể biểu diễn nhiều thể loại như trữ tình, pop, ballad, rock, dance, cổ điển.

Anh Tú từng lưu diễn qua rất nhiều thủ đô, đất nước lớn nhỏ, giữ vai trò độc tấu, chỉ huy dàn nhạc biểu diễn cho nhiều nguyên thủ trong và ngoài nước. Anh đã được rất nhiều từ những chuyến đi đó. Trước hết là gắn kết tình bằng hữu lớn. Tú có thêm nhiều bạn đúng nghĩa của từ bạn với rất nhiều người ở các quốc gia thân thiết với Việt Nam. Anh cũng có nhiều cơ hội được khám phá nhiều nền văn hóa, nhiều quốc gia, từ đó học hỏi được rất nhiều điều tuyệt vời không chỉ trong âm nhạc, nghệ thuật, mà còn cả trong văn hóa, xã hội, chính trị...

Nghệ sĩ Violin Anh Tú miệt mài đưa nhạc cổ điển tới khán giả trẻ.

Khi làm nghệ thuật, anh cũng góp phần lan tỏa những thông điệp và giá trị nhân văn của đất nước mình tới các nước bạn thông qua những bản nhạc, những tác phẩm, những câu chuyện về văn hoá, xã hội, con người Việt Nam. 

Ngoài ra, những chuyến lưu diễn giúp tri thức của chính anh, mở mang rất nhiều và chính điều ấy, đã luôn thôi thúc bản thân Tú luôn cố gắng nỗ lực không ngừng để mang đến những giá trị thiện tâm nhân văn đẹp cho cuộc đời, đơn giản như khái niệm: Cho đi là hạnh phúc. 

Chính bởi vậy anh mới có hoạt động 101 đêm nhạc Livestream miễn phí giúp khán giả cùng trải qua đợt đại dịch năm đầu tiên được an nhiên hơn và đại dịch năm nay, vẫn tiếp tục hành trình tặng miễn phí các đêm nhạc Livestream, thêm 100 bản thu âm studio chất lượng âm nhạc cao post trên Youtube.

Để cùng lúc, chơi nhiều thể loại âm nhạc là một điều chẳng dễ dàng. Anh Tú nói rằng, mỗi dòng nhạc là kỹ thuật, sự cảm nhận, cảm xúc, phong cách chơi khác nhau một cách hoàn toàn. Nhưng anh thích, mà đã thích là thực hiện. 

Thứ nhất, anh yêu tất cả những gì thuộc về âm nhạc. Anh không có khái niệm chia dòng này hoặc dòng khác để yêu hay ghét. Vì dòng nhạc nào cũng đều là âm nhạc, cũng đều có những vẻ đẹp riêng. 

Thứ hai, anh là người cực kỳ thích sự tìm hiểu, tìm tòi, sáng tạo, vì vậy luôn đi tìm những cái hay nhất của từng dòng nhạc, để thỏa cơn khát đam mê sáng tạo bất tận trong đó. 

Thứ ba, Tú có tính cách phóng khoáng, tự do, cứ thích là làm, không bao giờ bó buộc chính mình vào một sự nhất định trong âm nhạc. 

Anh Tú nhấn mạnh: “Hiểu một cách đơn giản, khi buồn, tôi và người bạn đàn tìm đến nhạc tình buồn da diết để trải lòng. Khi vui hơn, tôi tìm đến với pop, nhạc nhẹ, dance trẻ trung; khi cần sốc lại tinh thần, nạp thêm năng lượng, tôi tìm đến rock cuồng nhiệt; khi cần không gian chiều sâu, tôi tìm đến classic...”.

Có một điều khác nữa, có lẽ đó là lý do quan trọng nhất, Anh Tú là người đặc biệt chiều lòng khán giả của mình. Mà khán giả - dù ở vị trí nào, họ cũng là những con người bằng xương, bằng thịt, có niềm vui, nỗi buồn... Tú luôn nói, anh rất sợ nhìn thấy khán giả của mình buồn, nên anh không bao giờ giữ vai trò: nghệ sĩ - khán giả. 

Anh bảo, với khán giả anh luôn coi mình là bạn của họ. Anh luôn mong muốn những tâm tư, tình cảm của khán giả sẽ được cùng sẻ chia và từ đó khi chơi, anh thăng hoa. Đó cũng là điều đặc biệt của người nghệ sĩ như anh.

Chơi Violin và là nhạc không lời, điều này có lợi thế hay yếu điểm gì không? Nghệ sĩ Anh Tú cho biết: “Yếu điểm là, để mọi người hiểu sâu hơn về tác phẩm, thường phải nghe bài hát có lời ca trước, sau khi nghe rồi thấm lời ca, giai điệu rồi, đàn lên, khán giả mới thấu hơn. Nên chủ yếu là cover lại các bài hát sau khi bài hát ấy trở thành hit. Ít khi có bản nhạc mới dành cho đàn ngay từ đầu. Còn lợi thế vì là không có lời, nên mỗi người nghe sẽ có sự cảm nhận trái tim, thả trôi tâm hồn riêng biệt của mỗi người. 

Ví như cùng một bản nhạc tình khi đàn lên, người sẽ nhớ tới câu chuyện tình của mình đã từng trải qua trong cuộc đời; người thì ngẫm về cuộc tình chính mình đang có; người lại nghĩ đến tương lai, chuyện tình của mình sẽ đến đâu trong đường đời... Mỗi người nghe sẽ tự vẽ nên cho mình một câu chuyện đã, đang hay sẽ trải qua trong cuộc đời mình; tự vẽ nên bức tranh âm nhạc do chính mình tưởng tượng qua những giai điệu không lời”.

Để có thành công và được khán giả yêu mến, Anh Tú cũng nói rằng, anh may mắn có được sự giúp đỡ của vợ - chị Việt Dung - cũng là một người theo nghệ thuật. Chị là nghệ sĩ Opera, luôn hết lòng ủng hộ và đồng hành với anh. Người ta nói, không có gì khó hơn làm vợ một nghệ sĩ. Những đêm biểu diễn hoang dại, đắm đuối đến “quên lối về” của anh, luôn có mặt chị. Chị chỉ đứng lặng lẽ một góc, trìu mến ngắm nhìn anh. Anh “xỉn” cũng chẳng sao, vì chị luôn luôn tỉnh để lo lắng thay phần anh.

Nghệ sĩ Anh Tú chia sẻ, năm 2021, anh sẽ phát hành 1 hoặc 2 Album CD về những câu chuyện tình yêu bất hủ trên thế gian. Tiếp đó, làm 100 bản thu âm studio chất lượng cao về âm nhạc, post trên kênh YouTube Anh Tú Violin, tặng miễn phí tất cả khán giả của tôi để thay như lời chia sẻ, tự sự của anh với tất cả khán giả, cùng nhau trải qua năm thứ hai mà dịch COVID-19 hoành hành. 

“Tuy nhiên, kế hoạch phụ thuộc vào sự ổn định của tình hình dịch bệnh. Có thể tôi sẽ làm một MV đặc biệt. Tiếp đó là một Liveshow kỷ niệm 32 năm biểu diễn. Lẽ ra cuối 2019, dự kiến là Liveshow kỷ niệm 30 năm biểu diễn, nhưng sau vì một số công việc phải lùi lại đầu năm 2020, thì đại dịch xảy ra toàn cầu, nên chưa tổ chức được. Nhưng nếu làm được trong năm nay, đó cũng là cột mốc đáng nhớ về một kỷ niệm đã làm được trong một thời kỳ khủng khiếp đã từng xảy ra với toàn cầu, chứ không chỉ Việt Nam”, nghệ sĩ Anh Tú trải lòng.

Diên Khánh
.
.