Nghệ sĩ Văn Báu: Càng trải nghiệm nhiều, càng yêu vai diễn

Thứ Năm, 06/01/2011, 12:15

Tôi ngồi trò chuyện cùng nghệ sĩ Văn Báu trong một quán cà phê nhỏ trên ngõ Bà Triệu khi Hà Nội vừa trở rét đột ngột. Đây là nơi yêu thích của ông mỗi khi ghé lại Hà Nội bởi quán vừa kinh doanh đồ uống vừa là nơi gặp gỡ của những người có chung niềm say mê công nghệ điện thoại, tin học. Có lẽ, nó hợp với tạng người vừa nghệ sĩ vừa hiện đại và yêu công nghệ như ông.

Nghệ sĩ Văn Báu chia sẻ, ông vừa từ Đà Nẵng bay ra sau một chuyến đóng phim dài ngày. Nắng gió miền Trung cộng với sự vất vả của phim trường khiến ông gầy và đen hơn. Vẻ ngoài bình dị, mộc mạc của Văn Báu khiến ông giống như bao người bình thường khác. Nhưng chính cái chất mộc mạc đó khiến những vai diễn của ông gần gũi và đời hơn, khiến khán giả tin rằng mình đang xem một câu chuyện, một con người có thật giữa cuộc đời. Đó là một Trung tá Khắc Trường trong "Lời sám hối muộn màng" trăn trở giữa trách nhiệm công việc và hạnh phúc gia đình; một Giám đốc Công an tỉnh Chu Văn Hòa trong "Chạy án" giằng xé, day dứt giữa công lý và tình đồng đội…

Có thể nói, nghệ sĩ Văn Báu và nghệ sĩ Huy Công là hai người đặc biệt nhất trong các diễn viên Việt Nam bởi họ bén duyên với điện ảnh khá muộn. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, ông nội là NSND Nguyễn Văn Thịnh - một trong những người sáng lập Đoàn chèo Trung ương và cha là NSƯT cải lương Nguyễn Văn Bái, nhưng con đường đến với nghệ thuật của ông lại gập ghềnh với nhiều khúc quanh. Mười bảy tuổi, sẵn nét thư sinh trai trẻ và giọng hát trời phú, Văn Báu là ca sĩ của Đoàn Ca múa Tổng cục Hậu cần. Sau gần chục năm trong Đội Văn công Trường Sơn, lăn lộn phục vụ trên nhiều chiến trường, năm 1977, ông phải ra quân vì sức khỏe giảm sút do sức ép của bom đạn. Gần 20 năm, ông là phát thanh viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, đến tuổi 43, Văn Báu mới kết duyên và gắn bó với điện ảnh.

Đến với điện ảnh khi tóc đã muối tiêu, đó là một điều thiệt thòi, nhưng Văn Báu biết biến thiệt thòi ấy thành lợi thế để mỗi vai diễn luôn đong đầy sự trải nghiệm. Với Văn Báu, nghệ thuật chưa bao giờ là một cuộc dạo chơi nhàn nhã. Dù hàng chục năm biểu diễn trên các sân khấu nhưng khi bắt đầu đến với điện ảnh, Văn Báu vẫn dành 5 năm đầu tiên vừa làm vừa học. Học đạo diễn, học bạn diễn, học mỗi ngày, mỗi phim, tích lũy từng chút một làm vốn liếng cho mình. Năm năm ấy sẽ trả lời cho mình câu hỏi nghề là thế, khả năng của mình đến đâu và có theo được nghề hay không?

Nghệ sĩ Văn Báu cùng đoàn làm phim "Chạy án" tại Liên hoan Cánh diều Vàng 2008.

Nghệ sĩ Văn Báu cười hạnh phúc khi tôi nhắc đến biệt danh mà khán giả yêu quý dành cho ông: "Ông Báu Cảnh sát hình sự". Văn Báu quan niệm, là nghệ sĩ phải có năng khiếu và để thành công, đôi khi cũng còn phải nhờ vào cái duyên, vào sự may mắn. Với ông, cái duyên mà cuộc đời đem lại chính là những vai diễn mang sắc phục Công an đó.

Văn Báu đến với điện ảnh bắt đầu bằng vai người quản giáo nghiêm khắc và giàu lòng thương người trong phim ngắn "Câu chuyện về người tù" (Truyền hình Vì An ninh Tổ quốc). Tới nay, ông đã có trong hành trang của mình hàng chục vai diễn Công an. Vai diễn đầu tiên đến với ông rất đơn giản. Ngày ấy, kinh phí cho một bộ phim ngắn chỉ có 30 triệu đồng, không có diễn viên nào ở Thủ đô nhận lời tham gia, các đạo diễn đành xuống Hải Phòng nhờ bạn tìm hộ. Văn Báu khi ấy là phát thanh viên Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng và là thành viên Câu lạc bộ kịch của Nhà Văn hóa thành phố được mời nên đánh liều thử sức. Không ngờ, gương mặt cương nghị, hiền hậu, dáng vẻ rắn rỏi của anh bộ đội phục viên này rất hợp với nhân vật. Thế là từ đó, các đạo diễn cứ "lôi" ông đi, hết phim này đến phim khác, từ sêri phim Cảnh sát hình sự "Lời sám hối muộn màng", "Làng cát", "Trò chơi sinh tử", "Bí mật những cuộc đời", rồi sau này là "Chạy án 1", "Chạy án 2"…

Nghệ sĩ Văn Báu vẫn mỉm cười mỗi khi nhớ lại lần đóng phim đầu tiên, quay tại Trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng). Ông vào vai quản giáo và 20 diễn viên quần chúng đóng vai phạm nhân là chính phạm nhân của trại giam này. Quay xong buổi sáng, đến khi cả đoàn đang nghỉ ăn trưa, bỗng một phạm nhân rụt rè tới bên Văn Báu: "Dạ, thưa cán bộ". Ông quay sang hỏi: "Có chuyện gì vậy?". Phạm nhân: "Dạ thưa cán bộ, chiều nay cho phép chúng tôi không đóng phim ạ". Ông ngạc nhiên: "Sao lại không? Đóng phim có phải nhẹ nhàng hơn đi đập đá không?". Phạm nhân kia gãi tai tiếp tục: "Dạ không, chúng tôi thấy đi đập đá sướng hơn ạ".

Nghe câu trả lời hồn nhiên của anh phạm nhân kia mà ai nấy trong đoàn đều không nhịn được cười. Hóa ra, công việc đóng phim tưởng như nhẹ nhàng hơn nhưng cứ bê lên, đặt xuống, quay đi quay lại khiến phạm nhân thấy vất vả, căng thẳng hơn cả lao động nặng nhọc. Văn Báu bảo, câu nói hồn nhiên đó khiến ông suy nghĩ rất nhiều. Đóng phim nói riêng và làm nghệ thuật nói chung chưa bao giờ là một công việc đơn giản, dễ dàng.

Nghệ sĩ Văn Báu là người luôn được mời tham gia các vai diễn có "chức sắc" trong lực lượng Công an. Không được học về diễn xuất, Văn Báu phải tự học những thao tác nghề nghiệp như cầm súng, khóa còng, tư thế mai phục. Đã có nhiều nghệ sĩ hóa thân vào vai Công an và mỗi người đều có những thành công nhất định, nhưng đóng vai Công an đến nỗi yêu luôn cả nghề nghiệp đặc thù này thì người đầu tiên phải kể đến là Văn Báu. Ít có ai như Văn Báu, có thể nói ông "say" các vai diễn Công an như chính đó là công việc của mình. Nhưng, như ông thừa nhận, đó là cả một quá trình nhận thức. Ban đầu, ông quan niệm nghề Công an đơn giản là "bắt kẻ gian". Sau này, ông nhận ra nghề Công an chưa bao giờ đơn giản như vậy. Đó là một công việc phức tạp trong cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác mà người chiến sĩ Công an phải biết hy sinh bản thân mình.

Càng đóng phim, nghệ sĩ Văn Báu càng mang trong mình khát khao sáng tạo, khát khao thoát ra khỏi những gì mình đã làm được. Đã có lúc, ông tự nhủ sẽ không vào vai quân hàm sắc phục nữa bởi các kịch bản đã có sự lặp lại trong xây dựng nhân vật thủ trưởng Công an. Nhân vật ít đất diễn, quanh đi quẩn lại trong bốn bức tường, nên khi đạo diễn Vũ Hồng Sơn mời Văn Báu tham gia phim "Chạy án", thoạt đầu ông còn từ chối. Nhưng trước sự thuyết phục của đạo diễn Hồng Sơn: "Hình sự chỉ là cái cớ thôi anh ạ"; "Nếu anh Báu không tham gia sẽ rất tiếc và phim giảm tới 50% sức hấp dẫn"…và, quan trọng hơn, khi chính mắt được đọc kịch bản của tác giả Nguyễn Như Phong, Văn Báu đã quyết định nhận lời.

Theo ông, đó là một kịch bản thành công khi xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an. Phim công chiếu đã lâu nhưng nhiều cảnh diễn vẫn còn ám ảnh, day dứt với ông. Đó là những trường đoạn miêu tả tâm trạng của Giám đốc Công an tỉnh Chu Văn Hòa khi gặp Thứ trưởng Cao Đức Cẩm trong phòng hỏi cung. Sự đau đớn trào dâng trong lòng vị lãnh đạo Công an bởi trước mặt mình là người từng là bạn nối khố vào sinh ra tử cùng nhau nhưng cuối cùng cuộc đời bắt họ thành đối nghịch của nhau. Cảnh Giám đốc Chu Văn Hòa nghe tin một đồng đội của mình không thắng nổi sức cám dỗ của vật chất đã sa ngã... Vai diễn đã khắc họa đậm nét chân dung một thủ trưởng Công an nhiều suy tư, trăn trở. Như một đạo diễn truyền hình nhận xét: "Văn Báu đã mang đến một luồng sinh khí mới trong việc khắc họa hình tượng người chiến sĩ Công an vốn thường rất mưu trí, dũng cảm, quyết liệt. Ông "Trung tá" Văn Báu thâm trầm, điềm đạm, đời thường hơn nhưng cũng đầy cương nghị, quyết đoán".

Những nỗ lực hết mình của nghệ sĩ Văn Báu được ghi nhận bằng Kỷ niệm chương của Bộ Công an trao cho ông năm 2007. Niềm vui ấy được nhân lên khi ông luôn được các chiến sĩ Công an quý mến thân thương như đồng đội. Ông kể, có lần đi đóng phim tại một đơn vị Công an. Vị thủ trưởng đơn vị đó tha thiết mời ông về ăn cơm với gia đình để rồi trong suốt bữa ăn, người vợ có dịp "trút bầu tâm sự" (cả những hờn trách về chồng) với ông như một người đồng đội thân thiết của chồng mình. Với Văn Báu, đó là niềm hạnh phúc không phải ai cũng có được.

Ngoài những vai diễn Công an, nghệ sĩ Văn Báu còn hóa thân ở nhiều vai diễn khác nhau trong một loạt phim: "Mái trường yên tĩnh", "Hành trình bí ẩn", "Ngõ lỗ thủng", "Được sống"… Ở tuổi ngoài 50, với một gia đình êm ấm, đầy sẻ chia, một niềm say mê nghệ thuật chưa bao giờ vơi cạn - đó vẫn là hành trang của Văn Báu trên con đường nghệ thuật đầy nhọc nhằn, khắc nghiệt

Thảo Duyên
.
.