Nghệ sĩ Elvis Phương: Tiếng lòng âm nhạc
Cháy bỏng nhịp Rock and Roll
Phạm Ngọc Phương (tên khai sinh của Elvis Phương) được sinh ra trong một gia đình khá giả, ở Thủ Dầu Một (Bình Dương), nhưng không liên quan gì đến âm nhạc. Lên năm (1950), bé Phương được gửi vào một trường “Tây” chuyên học tiếng Pháp ở Sài Gòn.
Phương yêu âm nhạc như một bản năng thiên phú. Ngày ngày cậu mày mò đi tìm mua những băng đĩa nhạc ngoại quốc để nghe và tập hát. Vốn tiếng Pháp nhanh chóng đưa Phương tiếp cận tới trào lưu âm nhạc thế giới. Cậu say đắm với những nhịp điệu chuyển động bất ngờ, cùng những tiết tấu nhanh của dòng nhạc Rock and Roll.
Ngày đêm luyện tập, Phạm Ngọc Phương khao khát được hát như danh ca Elvis Presley, một ngôi sao Rocker nước Pháp. Ông ta có giọng hát khàn dầy với âm sắc cháy bỏng đầy bí ẩn.
Khi mới lên mười, Phạm Ngọc Phương đi hát ở nhà thờ hay ở trường đều được khen ngợi, với cảm xúc tiết chế đầy nội lực trong âm thanh. Một cá tính âm nhạc xuất hiện. Mấy năm sau Phạm Ngọc Phương được tuyển vào ban nhạc RockinStars ở Sài Gòn. Anh chuyên hát nhạc Rock với những bài hát tiếng Pháp rất phổ biển ngày đó.
Gần mười năm nỗ lực khổ luyện trên sân khấu, Phạm Ngọc Phương hay hát những ca khúc do Elvis Presley trình diễn. Chính vì thế bạn bè thường gọi anh bằng cái tên thân mật: “Elvis Phương”. Từ đó nghệ danh này gắn với anh suốt đời. Ban nhạc RockinStars trở nên nổi tiếng và khuấy động trào lưu tân nhạc mạnh mẽ ở miền Nam. Elvis Phương là một ngôi sao nổi bật với giọng hát trẻ trung có màu âm mới lạ. Có thể nói, anh là một trong những giọng hát nhạc Rock đầu tiên ở Việt Nam.
Năm 1962, Elvis Phương tốt nghiệp tú tài toàn phần. Gia đình gọi anh về chuẩn bị cho chuyến du học Pháp. Tất cả đã sẵn sàng từ giấy nhập học đến vé bay. Nhưng đó lại là một việc mà Phương không mong đợi. Elvis Phương suy sụp tinh thần mấy ngày liền vì nghĩ đến phải giã từ âm nhạc. Cuối cùng anh dũng cảm từ chối đi du học và xin bố cho ở lại theo đuổi nghiệp ca hát. Ông bố tức giận xé vụn tất cả giấy tờ và quay mặt bỏ vào phòng làm việc.
Đêm đó Elvis Phương lén lút bỏ nhà ra đi. Một đêm cô đơn và tuyệt vọng hơn bao giờ hết. Elvis Phương liền được ban nhạc Lé Vamplres mời chào. Anh chuyên đi hát nhạc ngoại quốc ở các vũ trường và Club Mỹ. Cuộc phiêu du lang thang bắt đầu từ đây, nhưng có một sự đổi thay bất ngờ khi phút cuối Elvis Phương xin vào ban nhạc Shotguns để hát những tình ca tiếng Việt.
Đây là giai đoạn đổi mới, đầy khao khát sáng tạo trong cảm xúc âm nhạc của anh. Vào những năm giữa thập niên 60, tên tuổi Elvis Phương gắn liền với những ca khúc nổi tiếng như: “Vết thù trên lưng ngựa hoang” (Phạm Duy), “Đàn bà” (Song Ngọc), “Mười năm tình cũ” hay “Mười năm yêu em” (Trầm Tử Thiêng); hay đó còn là “Bài thánh ca buồn” (Nguyễn Vũ), “Cô hàng cà phê” (Canh Thân).
Với bạn nhạc Phượng Hoàng, Elvis Phương còn nổi bật với các ca khúc “Tôi muốn”, “Yêu đời yêu người”, “Còn yêu em mãi”. Đặc biệt vào năm 1968, anh đã được hãng băng đĩa của Shotguns phát hành băng nhạc đầu tiên, với nhan đề “Tiếng hát Elvis Phương”.
Liên tiếp sau đó, anh bất ngờ sáng chói với hai giải Kim Khánh, do tờ báo Đen Trắng tổ chức thi năm 1973. Đó là giải “Nam ca sĩ tân nhạc được mến chuộng nhất” và “Nam ca sĩ nhạc trẻ được mến chuộng nhất”. Ngày ấy đi tới đâu cũng vang lên giọng hát của Elvis Phương. Tiếng huýt sáo độc nhất vô nhị trong ca khúc “Vết thù trên lưng ngựa hoang” và “Thánh ca buồn”, chính là một sắc thái âm nhạc Slow Rock rất dị biệt của Elvis Phương.
Lênh đênh phận đời
Sau khi người vợ đầu mất vì tai nạn năm 1970, Elvis Phương ở vậy nuôi các con và tiếp tục tạo dựng sự nghiệp. Anh đã sớm định hình phong cách nghệ thuật và trở thành ngôi sao ca nhạc trong vòng hơn mười năm. Tuy nhiên khi tìm đường định cư ở nước ngoài vào năm 1975, số phận của anh lại long đong mất mấy năm ở Hồng Kông. Elvis Phương phải kiếm kế mưu sinh, không được phát huy tài năng của mình.
Dăm năm sau, Elvis Phương mới có điều kiện sang định cư ở Paris. Tại đây anh có những lời mời và các dự án âm nhạc. Cho dù đã thành danh với nền tân nhạc nước nhà nhưng khi sang Pháp anh vẫn tìm thầy học luyện thanh. Elvis Phương muốn mình xuất hiện trước khán giả ở hải ngoại phải có điều gì mới lạ hơn trước. Kỹ thuật thanh nhạc cùng nghệ thuật xử lý ca khúc phải là sự khác biệt.
Cuối năm 1981, Elvis Phương từ Pháp sang định cư ở Mỹ. Anh may mắn được làm quen nữ doanh nhân Phan Lệ Hoa nổi tiếng. Chị cũng là “Fan” hâm mộ giọng hát Elvis Phương. Họ mới chỉ gặp nhau lần đầu nhưng định mệnh đã gắn kết họ thuộc về nhau. Cho dù anh đã có mấy con với vợ trước nhưng chị Lệ Hoa vẫn một lòng muốn gắn bó xây dựng hạnh phúc. Họ làm lễ thành hôn ngay năm sau đó (1982).
Mặc cho không ít người trong gia đình phản đối, bạn bè can ngăn, Phan Lệ Hoa còn chấm dứt sự nghiệp thương mại đang phát đạt của mình để theo chồng. Chị muốn chung tay với chồng xây dựng và phát triển sự nghiệp âm nhạc.
Vợ chồng nghệ sĩ Elvis Phương và Phan Lệ Hoa. |
Có sự hỗ trợ của vợ, Elvis Phương càng được nhiều chương trình mời tham gia. Sự thích ứng đa dạng với các thể loại âm nhạc của anh nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Mới được hơn một năm, Elvis Phương đã cho phát hành album đầu tiên trên đất Mỹ (Trung tâm Sóng nhạc-1984). Được sự lo toan và động viên của vợ, anh liên tục ra một loạt CD và VCD. Tiếng hát Elvis Phương nổi như sóng cồn qua hàng chục ca khúc đặc sắc. Album của anh phát hành rộng khắp ở hải ngoại và trong nước với số lượng rất lớn.
Giọng hát của Elvis Phương thể hiện những cung bậc phong phú hơn trước. Anh còn hát cả dân ca và những bài hát về quê hương. Vẫn một âm vực rộng, bay bổng, nhưng giọng hát Elvis Phương còn ẩn chứa kịch tính trong từng ca khúc. Đó là nghệ thuật biểu diễn mới của anh. Âm sắc căng đầy nhưng lại biết dồn nén cảm xúc đúng phần cao trào tạo nên đột biến. Anh khác hẳn những ca sĩ khác khi cùng biểu diễn một ca khúc. Sự ám ảnh trong cột âm thanh pha trộn sắc màu rock tạo nên phong cách Elvis Phương. Người nghe cùng anh đi tới tận cùng cảm xúc âm nhạc.
Nếu trước đây hát ca khúc “Vết thù trên lưng ngựa hoang”, Elvis Phương chỉ dừng lại ở câu chuyện kể đầy khắc khoải về thân phận chú ngựa hoang. Giờ đây khác hẳn. Anh lại thể hiện sự bi phẫn của nỗi lòng, nhưng lại muốn quên đi tất cả hận thù trong mỗi con người, vươn tới tương lai. Vậy nên mỗi ca khúc được Elvis Phương trình diễn bao giờ cũng đem lại sự bất ngờ với khán giả và cả những nhạc sĩ sáng tác. Sự lao động của anh miệt mài và cống hiến hết mình. Năm 1994, Elvis Phương đã bị ngất lịm trên sân khấu vì bệnh đau tim.
Ôi “Đàn bà”!
Trên sân khấu, Elvis Phương thể hiện thật bi kịch trong ca khúc “Đàn bà” (sáng tác Song Ngọc), với cảm xúc trăn trở trái ngang. Nhưng trong cuộc sống, “Đàn bà” lại là sự may mắn với anh. Chị Hoa là người đồng hành cùng chồng trên mọi chặng đường cam go khốn khó. Nhất là từ khi Elvis Phương phải vào viện mổ tim (năm 1998), chị Hoa đã tận tụy chăm sóc chồng ngày đêm.
Elvis Phương từng chia sẻ chính Phan Lệ Hoa đã cứu sống đời anh. Sau cú sốc sức khỏe của chồng, chị đã đưa chồng về quê nhà ở Nha Trang để dưỡng sức và tập luyện ca hát trở lại. Cuối năm 1998, hai người quyết định về nước sinh sống. Cuộc đời âm nhạc được tái sinh bởi “đàn bà”-Vợ anh. Elvis Phương thường xuyên thử thách giọng hát trước sóng biển Nha Trang trước sự chứng kiến của vợ.
Gần một năm anh kiên trì tập luyện. “Thuyền và biển” chính là ca khúc đánh dấu mốc anh trở lại sân khấu sau sự “khủng hoảng của con tim”. Mấy năm sau, vợ chồng anh về thành phố Hồ Chí Minh sinh sống ở quận 2. Elvis Phương tiếp tục đi biểu diễn.
Chương trình Sol Vàng (VTV9) đầu tiên (2014), Elvis Phương xuất hiện với nội lực kỳ lạ, ở tuổi 70. Đây là chương trình nghệ thuật kỷ niệm 54 năm ca hát của anh. Tính cho đến nay, gần 40 năm anh được vợ chăm sóc và lo toan mọi công việc, phía sau sân khấu. Giờ đây, mỗi lần Elvis Phương hát ca khúc “Đàn bà”, bao giờ cũng có mặt chị Phan Lệ Hoa. Đó là người “Đàn bà” đã đến với anh như huyền thoại trong cuộc đời này.