Nghệ nhân Ưu tú Vy Thị Liên: Người “phục hưng” lượn Tày xứ hồi

Thứ Năm, 17/09/2020, 15:11
Đứng trước nguy cơ thất truyền hát lượn của dân tộc Tày ở huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn), Nghệ nhân Ưu tú Vy Thị Liên đã có nhiều hoạt động bảo tồn, gìn giữ lối hát này, như: truyền dạy cho các CLB, cho học sinh Trường THPT Lương Văn Tri, xây dựng kho tư liệu bằng băng đĩa VCD, văn bản và biểu diễn hát lượn tại các chương trình, ngày hội văn hóa của huyện...


Với những nỗ lực không biết mệt mỏi của bà, hát lượn đã thực sự được “phục hưng” trên quê hương xứ hồi.

Nhắc đến Nghệ nhân Ưu tú Vy Thị Liên là nhắc đến một kho tàng âm nhạc Tày quý giá của huyện Văn Quan nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung. Kho tàng ấy được nghệ nhân tích lũy từ những năm tháng tuổi thơ, cho đến tận ngày nay vẫn không ngừng trau dồi và bồi đắp. 

Bà không chỉ là một nghệ nhân, nghệ sĩ có giọng hát vàng và vốn âm nhạc Tày có bề dày, phong phú mà còn là một nhà giáo giàu lòng nhiệt huyết. Bà cũng chính là nghệ nhân duy nhất của huyện Văn Quan và là một trong 3 nghệ nhân của tỉnh Lạng Sơn được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong đợt xét duyệt tới đây.

Nghệ nhân Ưu tú Vy Thị Liên (giữa) biểu diễn tại Trường THPT Lương Văn Tri (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn).

“Chìa khóa” đưa bà đến với công việc vô cùng thú vị này bắt đầu từ năm 1972, khi bà được mẹ cùng chị gái truyền dạy hát then, lượn slương... của dân tộc Tày. Sau đó không lâu, bà được Đài Phát thanh khu tự trị Việt Bắc, Đài Phát thanh tỉnh Lạng Sơn mời thu thanh một số bài dân ca và đó cũng là "bước đệm" để bà về phụ trách dân ca tại Ty Văn hóa Lạng Sơn rồi Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Quan. 

Đặc biệt, bà được tham gia tập huấn hát then, đàn tính của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Quan, do nghệ nhân nức tiếng Linh Noọng truyền dạy. Đó là cơ hội tốt để cung cấp kiến thức một cách bài bản, kỹ lưỡng rồi cùng với quá trình miệt mài, bền bỉ, bà đã tự tập luyện hát then, đàn tính và các làn điệu dân ca địa phương.

Cái tên Vy Thị Liên được biết đến nhiều hơn khi bà thường xuyên tham gia hội thi, hội diễn cấp tỉnh và giành được không ít giải thưởng cao, như: Huy chương Bạc tại Liên hoan tiếng hát Sơn Ca toàn quốc năm 1995, Huy chương Vàng tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh Lạng Sơn năm 1995, Huy chương Vàng tại Liên hoan nghệ thuật và trình diễn trang phục dân tộc tỉnh Lạng Sơn năm 1997, Giấy khen của Sở Văn hóa-Thông tin Lạng Sơn tặng “Người hát dân ca hay nhất” tại Hội thi đơn ca toàn tỉnh năm 1998... 

Ngoài ra, bà đã trực tiếp xây dựng kịch bản, tập luyện cho các đoàn tham gia Hội thi cấp tỉnh như: Hội thi văn nghệ các dân tộc tỉnh Lạng Sơn năm 1996 giành Giải A, Hội thi Văn nghệ nông dân tỉnh Lạng Sơn năm 1998 giành Giải Nhất, Liên hoan Đội văn nghệ cơ sở tỉnh Lạng Sơn năm 2001 giành Giải Nhất…

Không chỉ tham gia biểu diễn, dàn dựng, bà còn hoạt động như một nhà nghiên cứu văn hóa. Năm 2002, bà tham gia mạng lưới bảo tồn tri thức văn hóa bản địa (CSDM), được sự quan tâm của CSDM mà năm 2004 bà đã tham mưu cho lãnh đạo huyện Văn Quan tổ chức Hội thảo tìm hiểu vốn dân ca Tày-Nùng huyện Văn Quan, thu hút trên 100 nghệ nhân tham gia. 

Với mong mỏi được gìn giữ, phát triển dân ca trong đời sống, bà đã tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo huyện tổ chức Liên hoan hát dân ca các CLB văn nghệ cấp huyện hằng năm. Bản thân, bà cũng đã tham gia Hội thảo tìm hiểu, nghiên cứu tri thức văn hóa bản địa tại huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) gồm các nước Việt Nam, Thái lan, Trung Quốc, Malaysia, Ấn độ, Hà Lan và tham gia xây dựng chương trình Ngày Hội văn hóa các dân tộc tỉnh Lạng Sơn...

Tháng 12-2010, được nghỉ chế độ hưu trí, thế nhưng bà vẫn tiếp tục tham gia các phong trào văn nghệ tại địa phương cũng như xây dựng các chương trình tham gia hội thi cấp tỉnh… Với những cố gắng, nỗ lực của mình trong công tác giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa, năm 2015 bà vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. 

Được vinh danh, bà càng thấy trách nhiệm hơn trong công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa để tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức cùng bảo vệ, phát huy di sản văn hóa. Muốn vậy, bà quan niệm việc thành lập và tham gia giảng dạy cho bà con, nhất là người trẻ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, bởi xã hội hiện đại với những luồng văn hóa mới dễ làm người ta quên đi những giá trị văn hóa cổ xưa. Từ năm 2015 đến nay, bà đã truyền dạy hát then, đàn tính và các làn điệu dân ca cho hơn 500 học viên ở nhiều xã, cơ quan trong và ngoài huyện.

Trong nhiều di sản văn hóa phi vật thể đang nắm giữ như: Hát then, hát lượn, hát ru dân tộc Tày-Nùng, hát quan làng, hát phong slư… bà đặc biệt chú tâm đến hát lượn, bởi đây là lối hát khó, có nguy cơ thất truyền cao và bản thân bà lại rất có thể mạnh về nó. 

Hát lượn là một hình thức hát giao duyên của người Tày, gồm ba loại: Lượn cọi, lượn slương và lượn nàng hai. Hát lượn hiện nay chỉ có ở huyện Văn Quan, trở thành một “đặc sản” độc đáo, riêng có của huyện xứ hồi này. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thì Vy Thị Liên là một trong số nghệ nhân hàng đầu của tỉnh Lạng Sơn về hát lượn, bà có “chất” riêng mà ít người có được.

Nghệ nhân Ưu tú Vy Thị Liên vừa vinh dự được chọn là đại biểu tham gia Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lạng Sơn lần thứ V, giai đoạn 2020-2025.

Theo nghệ nhân Vy Thị Liên, muốn phát triển lượn Tày thì phải đưa nó vào giảng dạy trong trường học để học sinh có sự tiếp xúc thường xuyên, liên tục, đồng thời cần phải khôi phục ngôn ngữ Tày và môi trường diễn xướng. 

“Theo tôi việc khôi phục ngôn ngữ Tày và môi trường diễn xướng sẽ làm tăng lòng yêu mến cho thế hệ trẻ, bởi chỉ có lòng yêu mến, hứng thú thì mới mong họ gắn bó với hát lượn. Tuy nhiên, đây là quá trình bền bỉ, dài lâu, cần sự kiên trì, nhẫn nại, chứ không thể ngày một ngày hai. Thật vui mừng là có những bạn trẻ ban đầu đến với hát lượn còn chưa thích lắm, sau đó khi được chúng tôi giảng dạy kĩ lưỡng, tỉ mỉ về cách hát cũng như lịch sử ra đời, các em lại trở nên thích thú, đam mê”, nghệ nhân Vy Thị Liên trải lòng.

Để tăng sức hấp dẫn cho dân ca, để dân ca mang hơi thở của cuộc sống đương đại, bà đã còn đặt lời cho nhiều bài hát thuộc các thể loại như trong then cổ là “Quê noọng chàu mì”, “Điếp then”, “Xuân về ơn Đảng Bác”, “Quê noọng Văn Quan”; trong lượn là “Bjoóc nhằng hom mại”, “Vài đăm khẩu lù”, “Chứ ơn chài Tri”; trong phong slư là “Slắng chài khửn tàng”… Nhưng bà cũng thừa nhận đây là công việc không dễ, nếu không có vốn am hiểu sâu sắc cùng sự tìm tòi, nghiên cứu kĩ lưỡng thì rất dễ làm “hỏng” dân ca.

Gần nửa thế kỷ đắm đuối, tâm huyết với dân ca, nghệ nhân Vy Thị Liên được đánh giá là người có những đóng góp không nhỏ trong công tác truyền dạy và tham gia các hoạt động văn hóa của địa phương. 

Có thể khẳng định rằng thông qua các lớp truyền dạy kỹ năng đánh đàn tính và hát dân ca, các học trò của bà đã phát huy được khả năng của mình, nhiều người phát triển là những “hạt nhân văn nghệ” tiêu biểu, tiếp tục góp phần giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa. 

Hiện nay, với tư cách Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn, Chi hội Phó Chi hội Bảo tồn dân ca huyện Văn Quan, người ta vẫn thấy nghệ nhân Vy Thị Liên bận rộn với những chuyến đi về sớm hôm trong việc lan tỏa dân ca quê nhà.

Thiết nghĩ, hát lượn nói riêng và dân ca Tày nói chung rất cần những người như nghệ nhân Vy Thị Liên, bởi chỉ có sự cống hiến hết mình, không toan tính thiệt hơn mới có thể giúp bà toàn tâm, toàn ý dành trọn cuộc đời mình cho di sản quê hương.

Ngô Khiêm
.
.