Nghe nhạc hát ru ở chùa Dơi

Thứ Ba, 01/08/2017, 08:15
Mỗi khi nhắc đến Sóc Trăng là người ta nhớ đến chùa và những bản nhạc ngũ cung rộn ràng, cùng với những vũ điệu uyển chuyển, nhịp nhàng trong ngày lễ hội. Riêng chùa Dơi của thành phố Sóc Trăng bao giờ cũng rền vang âm thanh. Đó là những bản nhạc lễ của ban nhạc trong chùa, tạo nên không khí huyền ảo hòa cùng tiếng gió rì rào bên rừng cây bao quanh.


Chuyện lạ ở chùa Dơi

Chúng tôi đến Sóc Trăng vào đúng mùa dơi sinh nở. Tháng sáu. Chíu chít tiếng dơi gọi đàn. Nhất là tiếng dơi mẹ giục con bú nghe như lời ru vậy. Người dân Khmer coi trọng chùa bao nhiêu thì lại yêu quý dơi bấy nhiêu. Mỗi khi dơi mẹ cắp con đi kiếm mồi đến vườn nhà, họ còn treo những chùm dâu chín lên cây cho dơi ăn trong đêm. Nghe tiếng chíu chít mà niềm vui trào dâng trong lòng người.

Mỗi khi đến lễ chùa, người Khmer bao giờ cũng ngước nhìn lên vòm cây, ngắm nhìn những con dơi mẹ ôm con vào ngực, rồi treo mình ngủ như chùm quả ngọt đung đưa trong gió hát. Chùa Dơi còn gọi là chùa Sêrâytêchô Mahatup, một xứ sở kỳ lạ khi hàng vạn con dơi đến trú ngụ hẳn sẽ đem lại muôn vạn điều may mắn và linh thiêng đến cho mọi người.

Đàn dơi tự tìm đến, người Khmer quanh vùng lại càng tin sự hiển linh trở thành sự thật trong từng gia đình. Bởi hình ảnh con dơi chính là biểu tượng cho điềm Phúc đến mọi nhà. Nằm trong bộ ba Phúc-Lộc-Thọ thì ông Phúc ứng với con dơi; ông Lộc ứng với con nai; còn ông Thọ ứng với cây tùng. Người dân Khmer coi ông Phúc quan trọng nhất, nên khi đàn dơi tìm đến, chùa Mahatup càng thu hút người thập phương tới cầu phúc. Vì thế chùa được gọi với cái tên Việt là chùa Dơi.

Hình ảnh nhà sư cho dơi ăn.

Hình ảnh con dơi mỗi khi ngủ dùng chân bám chặt cành cây, đầu bao giờ cũng quay ngược xuống dưới; họ quan niệm chữ Phúc treo ngược, hiểu thành "Phúc đáo", nghĩa là Phúc đến rồi. Chính vì thế, không chỉ người Khmer mà còn nhiều cộng đồng người Hoa ở Sóc Trăng cũng hay đi lễ chùa Dơi. Hơn nữa, chùa còn là nơi giao lưu cộng đồng giữa ba dân tộc Khmer-Hoa-Kinh. Riêng người Khmer tập trung ở Sóc Trăng đông nhất, tới gần 400 ngàn người, chiếm hơn 30% dân số toàn tỉnh.

Hơn 400 năm qua, chùa Dơi có sức thu hút lớn còn bởi, đây là ngôi chùa duy nhất thờ Phật Thích Ca của cộng đồng người Khmer (Nam Bộ) tại Sóc Trăng. Tuy vậy, những nét đặc trưng văn hóa Khmer vẫn bao trùm, với những màu sắc văn hóa, kiến trúc, tượng đài, hội họa và âm nhạc. Riêng về hình ảnh các tiên nữ Kemnar xinh đẹp chắp tay trước ngực với nụ cười thầm kín được tạc chung quanh các cột, hay trên các đỉnh góc chùa làm cho người đến chùa có tâm trạng an lành, thân thiện.

Tiên nữ bao hàm sức mạnh siêu nhiên tiềm tàng, đồng thời cũng ẩn chứa đôi cánh hy vọng hạnh phúc và tình yêu không bao giờ tàn phai. Chính vì thế, hầu hết các chùa của tộc người Khmer ở Sóc Trăng cũng như nhiều tỉnh thành khác bao giờ cũng tạc tượng tiên nữ Kemnar bên ngoài, tựa một lời chào thân thiện. Hình tượng tiên nữ còn xuất phát từ những động tác múa của vũ nữ cung đình Apsara, với những đường cong tuyệt mỹ của người con gái ở độ trưởng thành, mang niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng cho cuộc sống mai sau. Nhịp điệu của ban nhạc ngân vang trong rừng sâu luôn dịu dàng và quyến rũ với sức tiềm ẩn kỳ lạ, vây quanh chùa Dơi. 

Dàn nhạc công "nhí"

Tình cờ chúng tôi nghe thấy tiếng nhạc vang lên từ ngôi nhà hội Sala, nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của người dân cùng các sư sãi, ngoài ngôi chùa chính. Người dẫn đường nói đó là bài hát "Chim sáo", do ban nhạc thiếu nhi đang luyện tập, với bộ đàn ngũ cung. Những âm thanh tỉa tót tiếng tơ đồng tựa những chân chim chuyền cành. Đôi lúc chợt có tiếng vút lên thánh thót như giọng chim sáo hót trong nắng sớm.

Khi chúng tôi bước vào căn nhà thì có tiếng hát nhí nhảnh cất lên. Đó là giọng hát trong veo của một cô bé: "Trong rừng cây xanh sáo đùa, sao bay. Trong rừng cây xanh sáo đùa, sáo bay. Ngọt thơm đom boong ơi. Đàn chim vui bầy la là lá la. Trong rừng cây xanh sáo tìm trái thơm…". Dòng người lặng đi trong âm thanh ngọt ngào, thanh tao như suối nguồn cỏ hoa, lá thắm.

Trước mắt chúng tôi, một tốp cậu bé nhỏ tuổi người Khmer đang vung tay gõ những chiếc que lên dàn chiêng nhỏ và những thanh đá mỏng, cùng tiếng tre trúc lảnh lót. Tiếp chúng tôi, thầy giáo dạy nhạc Lâm Văn Cường cho biết, dàn nhạc khoảng 10 em đều là những chú tiểu trong chùa, ở các lứa tuổi từ 7 đến 13. Các em được gia đình gửi về tu ở chùa Dơi và được chọn học nhạc, chơi đàn.

Mỗi em chuyên sâu một nhạc cụ học trong vài năm, theo phương thức truyền nghề chứ không học lý thuyết âm nhạc thông thường. Sau đó các em vừa học vừa đi biểu diễn. Ai nổi lên là một tài năng sẽ đưa vào ban nhạc chính thức của chùa để trình diễn trong các lễ hội. Trán thầy Cường lấm chấm mồ hôi khi hướng dẫn cho mỗi em từng ngón đàn và tiết tấu, thể hiện các cung nhạc cổ khá phức tạp. Thầy còn cho biết, hàng năm lớp học đều tuyển chọn những em có năng khiếu để học đàn.

Bởi âm nhạc là cốt lõi cho một vũ điệu và những bản dân ca Khmer, cũng như trong các cuộc đua thuyền vào dịp lễ hội hàng năm. Nói rồi, thầy cùng các học trò biểu diễn một bản nhạc dân ca Khmer, cho đoàn du khách nghe. Lúc này, người trong vùng đến lễ Phật khá đông. Họ quỳ vái, trong dàn âm thanh ngũ cung vang lên những giai điệu huyền bí, dưới chân tượng Phật.

Sau bản nhạc của học trò biểu diễn, thầy Lâm Văn Cường có thì giờ tâm sự với chúng tôi về những bản nhạc cổ Khơ Me. Đó là hồn cốt trong văn hóa Phật giáo tiểu thừa của người Khmer. Người dân Khmer bao giờ cũng gửi con cháu lên chùa tu một thời gian trước khi bước vào đời làm ăn, sinh sống, gây dựng sự nghiệp. Họ coi đó là nghĩa vụ của một đời người.

Thầy Cường với dàn nhạc ngũ cung.

Trẻ con Khmer đến chùa sẽ được học chữ của dân tộc mình, vui chơi ca hát và học lễ. Học đánh đàn ngũ cung là một trong những nghề được tuyển lựa. Các em sẽ trở thành nghệ nhân trong tương lai, gắn cả đời mình vào các lễ hội diễn ra hằng năm trong chùa. Bản thân thầy Cường đã gần 30 năm hoạt động âm nhạc. Thầy thành thạo tất cả các ngón đàn của bộ gõ, cùng với bộ dây và bộ hơi, trong dàn nhạc. Thầy thuộc khá nhiều những bản hát ru của người Khmer. Đó là các làn điệu Bompê Kôn khá gần gũi với những bài hát ru của người Kinh. Nhưng có lẽ lời ru đôi lứa của người Khmer mới độc đáo và thú vị làm sao.

Ngay sau đó, thầy hát lên câu thơ nồng nàn, lời của người chồng ru vợ: "Lời ru thành ngọn gió đưa. Quạt anh sẽ vuốt giấc mơ vợ hiền. Chìa tay anh, em gối lên. Xõa ngực anh, mái tóc mềm của em. Anh ở bên em ngày đêm. Em đừng lo sợ những điềm chẳng may". Giọng hát của thầy ấm áp dịu dàng trong ngôi nhà hội Sala. Theo yêu cầu của mọi người, thầy còn hát tặng một bài hát ngộ nghĩnh về tình yêu. Giai điệu hóm hỉnh nhưng vẫn toát lên nỗi niềm đắm say.

Sự ám ảnh dõi theo câu chuyện rằng: "Dưới bóng dừa mát mẻ. Anh lót chiếc sạp tre. Để những khi hẹn hò. Em không ngồi dưới đất. Sợ con kiến con vắt. Cắn lên người anh yêu…". Bài hát để lại những nụ cười nhẹ nhàng, chân tình và dạt dào niềm vui.

Khúc hòa tấu thời gian

Chúng tôi bịn rịn chia tay dàn nhạc của những bạn nhỏ Khmer. Khi ấy những chiếc dùi của các em ríu ran gõ trên những phím đàn. Tiếng tre trúc hòa trong tiếng đá thanh mảnh, lẫn tiếng tơ ngân lên của bộ chiêng đồng, tấu lên giai điệu chia tay hết sức nồng hậu. Đó chính là lời hẹn hò một ngày trở lại. Hẹn rằng tới hội Chol Chnam Thmay nhớ về. Chúng tôi ngỡ mình đi trong làn gió âm thanh mát rượi tâm hồn.

Bên ngoài, cánh rừng bao phủ ngôi chùa ngát xanh, rì rào tiếng lá ru cho đàn dơi ngủ cheo leo trên cành cây. Đó chính là những chùm quả mùa hè trong cánh rừng cây Sao và cây Dầu trổ búp quanh năm. Đó là cánh rừng biểu tượng cho sự trường cửu, một năm thay lá một lần, thiêng liêng như cuộc đời luân hồi xanh tươi. Những trái "Phúc" trao cho từng người khi đến đây. Bản hòa tấu thời gian "Tốt đời đẹp đạo" luôn ngân vang, tạo nên sự gắn kết giữa các dân tộc anh em, cùng hòa nhập cuộc sống đời thường, chia ngọt sẻ bùi và hạnh phúc bắt đầu từ mái chùa Dơi.

Lưu Kường
.
.