Nghe “cụ Lý” Đỗ Chu kể chuyện làng văn
Mới đầu, tôi cũng thấy ngạc nhiên về nhận xét đó. Nhưng qua đôi ba lần tiếp xúc với nhà văn Đỗ Chu gần đây, tôi chợt thấy, hình như ông cũng có vẻ thích thú với hình ảnh “cụ lý” trong làng văn của mình.
Cách đây vài năm, trong lần đi dự “Hội thảo Văn học Việt - Mỹ sau chiến tranh” ở khu Resort Kim Bôi, Hòa Bình, tôi thấy “cụ lý” Đỗ Chu khá sang trọng trong bộ quần áo cổ tròn, khuy vải kiểu Lỗ Tấn, chống ba-tong thong thả đi dạo chơi khắp khu bể bơi “nóng-lạnh” của khu resort. Không hiểu lúc ấy “cụ lý” có chịu “ngắm” các em “dáng ngọc mình ngà” đang hớn hở vầy vò dưới nước hay không mà gương mặt cụ vẫn đăm đăm khó chịu như ra vẻ không hài lòng về chuyện gì đó. Chỉ riêng cặp kính đít chai trên mắt cụ là còn hấp háy một vẻ tinh quái rất khác thường khi nhìn chị em nô đùa bơi lội.
Tôi trêu chọc Đỗ Chu: “Nhìn cụ lý đeo cặp kính ấy trông đẹp lão theo kiểu “gián điệp” lắm, may mà là thời bình, chứ nếu trong thời chiến tranh, cụ cứ ra khỏi nhà là sẽ bị bắt giữ luôn tức thì, không bị ta bắt thì cũng bị địch bắt, cụ nhỉ!”. Đỗ Chu lườm tôi, cười hóm hỉnh: “Có bắt mấy thằng hay nói láo như mày thì có, chứ ông trông “đẹp rai” thế này mà mày bảo ông là “gián điệp”, mày nói thế thì mấy em dưới bể bơi kia nó coi cánh đàn ông văn chương chúng mình còn ra cái gì”.
Tối hôm ấy, sau khi dự hội thảo “Văn học Việt-Mỹ sau chiến tranh” ở khu Resort Kim Bôi, Hòa Bình về đến phòng nghỉ, nhà văn Đỗ Chu bắt phạt tôi bằng cách bảo phải đấm bóp, tẩm quất cho cụ. Tôi thú thật, từ bé đến giờ không biết tẩm quất là gì, nếu tôi mà “đấm” thì chắc chắn cụ chỉ có mà “om xương”.
Nhà văn Đỗ Chu chán nản: “Mày đúng là đồ vô tích sự, chỉ được cái láo toét là không ai bằng!”, rồi lồm cồm bò dậy, ngồi kể chuyện phiếm cho chúng tôi nghe. Tôi có cảm giác, khi Đỗ Chu kể chuyện, ông trở thành một nhà "độc tài" bảo thủ, ông chỉ cho phép mỗi mình ông nói và không bắt tay ai trong lúc kể chuyện.
Có nhiều hôm, tôi gặp "cụ lý" Đỗ Chu ngồi uống nước chè, hút thuốc lào vặt và kể chuyện phiếm “miễn phí” ở phòng làm việc của Tạp chí Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Hình như đến Tạp chí Thơ mà không gặp Đỗ Chu là thấy buồn hẳn. Theo tôi, nếu Hội Nhà văn Việt Nam mở cuộc thi kể chuyện khôi hài hấp dẫn về làng văn ở nước ta bây giờ, có lẽ khó ai theo kịp được Đỗ Chu. Đầu ông thì bé như "quả trứng bẹp" mà chứa bên trong cả một kho tàng linh tinh mục đủ các thứ chuyện trên giời, dưới bể, chuyện văn chương, chuyện thế sự, chuyện xã hội, chuyện thành thị, chuyện làng quê, chuyện quá khứ, chuyện tương lai v.v… chuyện nào cũng độc đáo, khôi hài cả.
Có người biết khá nhiều chuyện bếp núc thú vị về làng văn ở nước ta, nhưng lúc kể ra, không hiểu sao cứ thấy nhạt phèo. Còn nếu chuyện ấy mà được nghe Đỗ Chu kể thì chắc chắn nó lại mang một phong vị khác hẳn. Cái hấp dẫn ấy có lẽ cũng là do cái cách kể chuyện thong thả, nhâm nhi, nhấn nhá các tình tiết quan trọng với vẻ mặt đặc biệt rất hóm hỉnh của Đỗ Chu. Lúc ấy, con mắt tinh ranh của ông nấp sau cặp kính dày cộp, tròn xoe giống đít chai, cứ như muốn nhảy xổ ra, chụp lấy người nghe mà đè sấp xuống, và bảo rằng: "Chuyện ông kể là chuyện thật một trăm phần trăm, ông nghe chúng nó kể, rồi ông kể lại cho chúng mày nghe ở một cấp độ hay hơn nhiều cái sự thật giản đơn lúc ban đầu". Rồi Đỗ Chu cười, nụ cười mới thật sung sướng, rạng rỡ, hể hả làm sao.
Đêm ấy Đỗ Chu kể cho các bạn văn nghe nhiều chuyện trên giời dưới bể, nhưng tôi thấy thú vị nhất là chuyện nhà văn Võ Quảng hồi đầu Cách mạng Tháng Tám phải đi áp tải vàng từ miền Trung ra Thủ đô Hà Nội cho Chính phủ lâm thời.
Đỗ Chu nhẩn nha: “Về cái khoản phát động dân vận thì nhất mấy ông cách mạng và cũng không có ai yêu nước hồn nhiên như dân tộc mình. Ngày đầu cách mạng giành chính quyền từ tay Pháp-Nhật, Chính phủ ta lấy đâu tiền mà tiêu, nên đã tổ chức “Tuần lễ vàng” vận động các gia đình phú thương và người dân cả nước quyên góp tiền vàng cho chính quyền cách mạng. Người dân cả nước từ người giàu đến người không giàu đều nô nức “cởi hầu bao” quyên góp cho cách mạng”.
Sau khi rít một hơi thuốc lào, Đỗ Chu kể tiếp: “Thời điểm ấy, sau “Tuần lễ vàng” ở Đà Nẵng, nhà văn Võ Quảng, đang là Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng được tin tưởng giao cho nhiệm vụ chỉ huy chiếc xe ôtô áp tải mấy bao tải vàng do đồng bào miền Trung quyên góp mang ra Hà Nội. Cứ liên tưởng đến chuyện các binh tướng nhà Tống khi xưa áp tải vàng từ tỉnh xa về kinh đô toàn bị các hảo hán “thăm hỏi” trong tiểu thuyết “Thủy Hử” của Tàu là ông Võ Quảng lại giật thót mình, cả đêm vã mồ hôi.
Biết đâu, trên ngàn dặm đường từ miền Trung ra Bắc, chiếc xe ôtô áp tải vàng do ông chỉ huy lại gặp phải 108 anh hùng kiểu Lương Sơn Bạc thì thậm nguy cho cách mạng. Bởi thế, Võ Quảng yêu cầu lái xe chạy thẳng một mạch suốt ngày đêm ra Hà Nội và không cho phép dừng lại bất kỳ một chỗ nào dọc đường. Lương khô, nước uống mang theo đủ chi dùng cho những người trên xe.
Võ Quảng phân công, hai người bảo vệ ngồi trên luôn luôn sẵn sàng súng đạn để đối phó với cướp đường, hai người lái xe thay nhau lái và cứ việc cắm đầu phóng cho thật nhanh, còn ông thì lăm lăm cầm súng ngắn trông coi mấy bao tải vàng.
Trong suốt chuyến đi ấy, Võ Quảng yêu cầu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, không cho phép một ai được rời khỏi xe. Vậy là những người áp tải vàng phải ăn, ngủ, nghỉ và cả… tiểu tiện ngay trên xe. Võ Quảng có sáng kiến dùng một chiếc ấm đun nước thật to để chứa nước giải và vừa đi vừa thải bậy ra đường. Chỉ sau có hơn một ngày, chiếc xe áp tải vàng bê bết bùn đất do nhà văn Võ Quảng chỉ huy đã ra tới Hà Nội an toàn và đích thân ông còn tới gặp lãnh đạo Chính phủ lâm thời để cân đong và giao lại số vàng nói trên”.
Giải thích với Đỗ Chu về chuyến đi ấy, ông Võ Quảng cho biết, sở dĩ không dám cho xe dừng lại dọc đường vì sợ tin tức về việc vận chuyển vàng bị lộ lọt, đến tai những “thảo khấu” ở các địa phương dọc đường ra Bắc, sẽ sinh nhiều chuyện chẳng lành. Khi tôi thắc mắc, Đỗ Chu trừng mắt nhìn tôi, bảo: “Ông Võ Quảng chỉ cho phép lính “tiểu tiện” vào ấm và dọa “Nếu dừng lại dọc đường sẽ gặp cướp ngay” làm mấy chú lính trẻ sợ vãi linh hồn, chỉ dám uống nước lã cầm hơi và nhai trệu trạo ít lương khô cho đỡ đói.
Và trong chuyến đi ấy, họ phải “nhịn” đủ mọi thứ cho tới khi ra tới Thủ đô mới được “xả hàng”. Đỗ Chu chép miệng nói tiếp: “Giả sử, nếu bây giờ Nhà nước kêu gọi ủng hộ “Tuần lễ vàng”, các chú có về bảo vợ, con “mở hầu bao” ra quyên góp không? Chắc là cả đám lại chạy “mất dép” ngay, thế thì các chú yêu nước, yêu dân cái nỗi gì. Thế mới biết dân ta hồi ấy yêu nước hồn nhiên lắm, chứ không tính toán như các chú bây giờ”.
Ở tuổi “Thất thập cổ lai hy”, không hiểu vì nguyên cớ gì, nhà văn nổi tiếng Đỗ Chu lại muốn trở thành “nhà thơ trẻ”. Dạo này ông chăm làm thơ lắm và tôi đã không ít lần bị ông “tra vấn” bằng thơ. Có điều khá lạ, không hiểu vì sao vốn là một nhà văn xuôi nổi tiếng, nhưng ông không ít lần tỏ ra “coi thường” người viết văn xuôi và thường “ngả mũ” khâm phục người làm thơ.
Có lần Đỗ Chu nheo mắt, ví von so sánh, bảo với mấy nhà thơ chúng tôi đang ngồi xung quanh hóng chuyện ông: “Thi ca nó sang trọng lắm chứ, nó như viên ngọc quý lấp lánh trên vương miện của nữ hoàng văn chương. Nó hơn hẳn cái anh văn xuôi cứ phải hì hục viết suốt ngày, suốt đêm đến ho lao, thối phổi. Tôi kính trọng người làm thơ vô cùng. Các cậu cứ nhìn xem, Ban chấp hành Hội Nhà văn của ta bây giờ có 6 ông thì có tới 4 ông làm thơ. Vậy tớ chuyển sang làm thơ là tính chuyện sẽ vào Ban chấp hành Hội khóa tới, hiểu chưa!”.
Cũng với vẻ mặt nghiêm trọng, Đỗ Chu hóm hỉnh nói: "Các cậu đừng tưởng bở chỉ có các cậu mới là nhà thơ chính hiệu đâu nhé. Tất cả cánh viết văn xuôi chúng tớ, thằng nào thằng ấy cũng đều âm thầm quyết liệt làm thơ ngay từ lúc chưa làm văn xuôi. Tớ cũng làm thơ từ rất lâu rồi, trường ca, đoản ca, độc ca… tớ đều viết cả, chỉ có cái chưa bao giờ thèm in ra thôi! Vì thật ra, thơ của tớ cũng không có gì hay ho hơn thơ của các cậu. Vả lại, có in ra, nó cũng không đóng góp gì được cho sự phát triển của nền thi ca hiện đại, nên tớ đếch thèm in cho các cậu biết tay. Chuyện tớ làm thơ, “cu” Oanh (nhà thơ Ngô Thế Oanh), “cu” Mậu (nhà thơ Nguyễn Đức Mậu) đều biết cả đấy chứ. Tớ chỉ cho phép các "cu" thơ ấy đọc thơ của tớ để biết tài thơ của tớ mà thôi, chứ dứt khoát tớ không cho in!". Chúng tôi được một mẻ cười nghiêng ngả.
Tôi chất vấn: "Tại sao bác lại gọi mấy nhà thơ là cu nọ, cu kia, thế bác không sợ các nhà thơ phật lòng à?". Đỗ Chu cười toác loác, phân giải: "Tao yêu lắm lắm thì tao mới gọi chúng nó là mấy thằng cu chứ! Chúng nó hồn nhiên thành thực dâng hiến cả cuộc đời cho nàng thơ sang trọng. Thế thì làm sao tao lại không yêu mấy thằng cu ấy được nhỉ. Mày cũng là một thằng cu thơ đáng yêu đấy, em nhé!". Đỗ Chu lại tít mắt cười.