Ngày xuân nghĩ về Nguyễn Du và “Truyện Kiều”
Về việc vinh danh đại thi hào Nguyễn Du
Ngày 25-10-2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) họp tại Paris (Pháp) đã chính thức ban hành Nghị quyết, nhất trí vinh danh đại thi hào Nguyễn Du. Tiến sĩ Phan Tử Phùng, Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam, thuộc Ban Vận động UNESCO Vinh danh Nguyễn Du cho rằng Nguyễn Du, theo đúng cách gọi của UNESCO, là "Vĩ nhân Văn hóa" (Great Personalities).
Có thể khẳng định rằng, chỉ riêng "Truyện Kiều" cũng đã để lại dấu ấn của Nguyễn Du đối với nền văn hóa dân tộc. Nhiều tài liệu viết rằng, sau khi Nguyễn Du viết xong "Truyện Kiều", những bạn hữu của ông đọc rồi đem khắc bản gỗ và bán tại các cửa hàng sách.
Đào Nguyên Phổ ghi lại rằng: "Truyện giai nhân diễn thành giai tác, lại đượm hương trời càng là thêm vẻ, nên chi người ngâm vịnh quý hơn được ngọc bích, tranh nhau sao chép đến nỗi giá giấy đắt như giấy quý Lạc Đô". Dân gian đã ví von: "Mê gì? Mê đánh tổ tôm. Mê ngựa hộ bổn, mê nôm Thúy Kiều". Và vua Tự Đức rất mê "Truyện Kiều", từng nhận xét tác phẩm này là "hàng hàng châu ngọc lời lời gấm thêu".
Vào năm 2015, vào dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du, Tổ chức Liên minh Kỷ lục thế giới đã ghi nhận "Truyện Kiều" chính thức trở thành "Tác phẩm văn học tạo nên nhiều kỷ lục quốc gia nhất" với 27 kỷ lục đa dạng qua các hình thức sách báo, dịch thuật, điêu khắc, tranh lụa, hợp xướng, thư pháp, sân khấu… như: Tác giả có nhiều sách viết về "Truyện Kiều" nhất Việt Nam (Kỷ lục gia: Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế); Quyển "Truyện Kiều" viết bằng thư pháp nặng nhất (Kỷ lục gia, Nhà thư pháp Nguyệt Đình); Người viết "Truyện Kiều" trên đá cuội đầu tiên ở Việt Nam (Kỷ lục gia: Nguyễn Văn Tân); Bản hợp xướng viết dựa theo "Truyện Kiều" dài nhất (Kỷ lục gia: Vũ Đình Ân); Người vẽ tranh lụa về "Truyện Kiều" đầy đủ và nhiều tranh nhất (Họa sĩ, Kỷ lục gia Ngọc Mai)...
Tượng đại thi hào Nguyễn Du tại khu lưu niệm Nghi Xuân, Hà Tĩnh. |
Hội đồng Liên minh Kỷ lục thế giới cũng đã đánh giá "Truyện Kiều" của Nguyễn Du gồm 3.254 câu thơ lục bát là một kiệt tác văn học. Tác phẩm này đã chinh phục các thế hệ công chúng trong hơn 200 năm qua. "Truyện Kiều" cũng đã được chuyển ngữ sang hơn 20 thứ tiếng khác nhau trên thế giới như Anh, Nga, Pháp… với trên 35 bản dịch.
Quan niệm về người phụ nữ và tư tưởng nhân văn sâu sắc
Câu "Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung" do đại thi hào Nguyễn Du viết trong "Truyện Kiều" không phải nói về thân phận người phụ nữ Việt Nam. Bởi đại thi hào, thông qua "Truyện Kiều" đã cho nhân dân Việt Nam thấy được một góc cạnh của xã hội phong kiến Trung Hoa đương thời.
Nhân vật Đạm Tiên, Vương Thúy Kiều trong "Kim Vân Kiều Truyện" (nguyên bản của "Truyện Kiều") là của tác giả người Trung Hoa Thanh Tâm Tài Nhân đều là những cô gái Trung Hoa phong kiến 100%. Thật ra, Thanh Tâm Tài Nhân cũng không phải là người ghi chép sớm nhất về Vương Thúy Kiều.
Bản ghi chép sớm nhất về Thuý Kiều là "Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt" của Mao Khôn đời Minh. Bản này chép: "Vương Thuý Kiều là kỹ nữ Lâm Tri, đầu tiên là Kiều Nhi, giỏi hát lối mới, thạo hồ cầm...”. Trong bản chép này, kết thúc cuộc đời sóng gió, đau khổ của Kiều là: “...Sau khi bị Đốc phủ làm ô nhục, Kiều bị gả cho tù trưởng Vĩnh Thuận làm thiếp.
Trên đường qua sông Tiền Đường, Thuý Kiều than: Minh Sơn hậu đãi ta, ta vì việc nước dụ chàng mà bị hại. Giết một người chồng rồi lại lấy một người chồng, còn mặt mũi nào sống nữa! Bèn nhảy xuống sông mà chết". Sự kiện này diễn ra vào năm Gia Tĩnh thứ 35, năm 1556, đời Minh Thế Tông. Các nhân vật như Vương Thúy Kiều, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến đều có thật trong lịch sử.
Từ câu chuyện có thật của lịch sử như trên, Thanh Tâm Tài Nhân đã viết thành "Kim Vân Kiều Truyện". Đại thi hào Nguyễn Du nhân vua nhà Nguyễn nước ta sai đi sứ sang Trung Hoa thời Thanh đã đọc được "Kim Vân Kiều Truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân và ông đã xúc động mà viết nên "Truyện Kiều".
Bởi vậy, "Đau đớn thay phận đàn bà" của Nguyễn Du chính là nhằm phản ánh về thân phận người phụ nữ của Trung Hoa phong kiến. Có thể nói, đại thi hào Nguyễn Du, thông qua "Truyện Kiều" đã cho nhân dân Việt Nam thấy được một góc cạnh của xã hội phong kiến Trung Hoa đương thời.
Còn thực tế ở Việt Nam, qua đánh giá của cá nhân người viết thì vai trò của người phụ nữ trong xã hội phong kiến Việt Nam không đến mức bi thảm như xã hội phong kiến Trung Hoa. Không có chuyện người đàn ông Việt Nam coi khinh người phụ nữ vì người phụ nữ chính là chủ của cái bếp, người nắm giữ và phân phối nền kinh tế gia đình do xuất phát từ văn hóa nông nghiệp và lối sống định cư, dù là trong tục ngữ, ca dao:
Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp
Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm
Đặc biệt, người phụ nữ còn có vai trò quan trọng hơn nam giới khi đưa ra các quyết định cụ thể:
Lệnh ông không bằng cồng bà
Và khi sinh con thì người Việt chuộng sinh con gái đầu lòng:
Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng
Người dân Việt Nam ta cũng đã phản ứng rất dữ dội với tư tưởng Nho giáo Trung Quốc khinh rẻ người phụ nữ du nhập vào nước ta:
Ba đồng một mớ đàn ông
Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha
Ba trăm một mụ đàn bà
Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi!
Cái tài của Nguyễn Du là đã dùng quan niệm về người phụ nữ của dân tộc ta để đả phá quan niệm về người phụ nữ trong Nho giáo từ Trung Quốc du nhập vào nước ta. Đặc biệt, chữ "Trinh" của Kiều trong tâm thức Nguyễn Du chính là:
Xưa nay trong đạo đàn bà,
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường.
Trong khi đó, xã hội phong kiến Trung Hoa là xã hội phụ quyền, gốc gác từ dân du mục Hán, tồn tại hàng nghìn năm với những quan niệm bất công, khắt khe như "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" và quan niệm trọng nam khinh nữ "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" đã dành mọi ưu tiên, ưu đãi cho người đàn ông và đẩy người phụ nữ xuống địa vị thấp kém nhất trong gia đình cũng như xã hội.
Đặc biệt là thân phận kỹ nữ Trung Hoa, được Nguyễn Du miêu tả qua nhân vật Đạm Tiên khiến người Việt Nam ta không ai không xúc động:
Đau đớn thay phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
Phũ phàng chi bấy Hóa công
Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha
Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay thác xuống làm ma không chồng
Như vậy, "Đau đớn thay phận đàn bà" của Nguyễn Du là nói đến Đạm Tiên, một phụ nữ Trung Hoa tận đáy xã hội Trung Hoa với nghề kỹ nữ! Vương Thúy Kiều là kiếp sau của Đạm Tiên, cũng vướng vào nghề kỹ nữ, một nghề dơ bẩn trong xã hội Trung Hoa phong kiến. Nhưng khác với sự thật lịch sử bên Trung Hoa, Vương Thúy Kiều trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du cuối cùng cũng tìm được hạnh phúc chân chính, chứ không phải là cái chết do nhảy xuống sông tự vẫn.
Đặc biệt, sau khi Kiều đã 15 năm lưu lạc thì Kim Trọng vẫn thủy chung chờ đợi và tìm kiếm nàng. Và lạ lùng thay, trong đêm tân hôn, Thúy Kiều đã xin đổi duyên vợ chồng với Kim Trọng thành duyên tri kỷ và Kim Trọng cũng đã đồng ý! Chỉ có văn hóa Việt Nam mới sinh ra được câu chuyện kỳ lạ như thế!
Nghĩa là người phụ nữ quyết định được cuộc sống của chính mình. Bởi vậy, có thể khẳng định Nguyễn Du không dịch "Kim Vân Kiều truyện" ra tiếng Việt mà chỉ dựa vào cốt truyện để viết nên một truyện thơ mới thuần Việt, một truyện thơ mang tư tưởng nhân văn sâu sắc của người Việt Nam. Đánh giá về điều này, nhà thơ Tố Hữu từng viết trong bài thơ "Bài ca Xuân 61" rằng:
Trải qua một cuộc bể dâu
Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình
Nổi chìm kiếp sống lênh đênh
Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều
Chính vì như vậy, "Truyện Kiều" mới có sức sống mãnh liệt trong lòng dân tộc ta như thế! Nó chính là một thái độ của dân tộc ta trước lễ giáo và quan niệm xã hội cổ hủ của Nho giáo Trung Quốc. Vào thời kỳ Pháp thuộc, học giả Phạm Quỳnh từng nói "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn". Cá nhân tôi nghĩ rằng, không phải chữ Nôm mà chính là tiếng nói từ lương tri dân tộc đã tạo nên bản sắc Việt Nam trong hàng ngàn năm, không lẫn vào các nền văn hóa mang tính nô dịch từ phong kiến Trung Quốc hay từ phương Tây thời thực dân tràn đến!
Huế, ngày 1-1-2020.