Nhà văn Hoàng Bình Trọng:

"Ngậm ngùi" với nghiệp văn chương

Thứ Năm, 12/04/2018, 17:38
Chiều muộn. Tôi đến bệnh viện Việt Nam - Cu ba (Đồng Hới, Quảng Bình) để tìm thăm người nhà. Một người gầy gò đang ngồi đọc báo phía trước hành lang khoa. Nghe tôi hỏi lối, ông ngước lên, chỉ tay về phía cửa. Tôi giật nảy mình, nhận ra đây là nhà văn Hoàng Bình Trọng! 


Tôi bắt tay rồi vồ vập ôm chặt ông. Gần cuối năm 2017, tôi đã gặp ông một lần ở đây. Bây giờ lại gặp, tôi thấy sức khỏe ông tuột dốc khá nhiều.

Quê Quảng Bình nhưng ông sinh năm 1942 tại Sài Gòn khi bố  là một thầy đồ kiêm Tây học giỏi giang vào làm thông ngôn cho một công ty của người Pháp ở đây. Có lẽ cũng từ ông bố giỏi chữ nghĩa ấy mà Hoàng Bình Trọng đã rất giỏi Pháp văn và Hán văn từ nhỏ.

Mười tám tuổi, ông là sinh viên Đại học Mỏ - Địa chất, ngành Trắc đạc bản đồ. Ra trường, làm anh kỹ sư Địa chất rong ruổi khắp miền Việt Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc… khảo sát, thăm dò để lập những tấm bản đồ khoáng sản tỉ lệ 1/500.000. Chính trong những ngày rong ruổi khắp những cánh rừng Tây Bắc đi tìm khoáng sản ấy, chàng kỹ sư trẻ Hoàng Bình Trọng đã có một vốn sống mỡ màu để sau đó bắt tay viết những câu chuyện cho thiếu nhi, khơi dậy những ước mơ khám phá chân trời khoa học của tuổi trẻ.

"Bí mật một khu rừng" là tác phẩm đầu tay, được viết do NXB Kim Đồng đặt hàng, lúc Hoàng Bình Trọng đang là giáo viên Trường Trung cấp mỏ địa chất ở Vĩnh Phú.

Bìa một số tác phẩm của nhà văn Hoàng Bình Trọng.

Cuốn "Bí mật một khu rừng" xuất bản lần đầu (1971) 3 vạn cuốn. Sau đó 6 lần tái bản, có  lần in lên đến 10 vạn bản. Cuốn truyện còn được dịch ra tiếng Nga. Đã 2 lần Đài Tiếng nói Việt Nam đưa phát trong chương trình "Đọc truyện đêm khuya".  Hiện "Bí mật một khu rừng" được  xếp trong "Tủ sách vàng" các tác phẩm chọn lọc dành cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng.

Và, với tiểu thuyết đầu tay đó, ông không ngờ mình đã chuyển nghiệp. Nghiệp văn chương!

Cho đến bây giờ, nhà văn Hoàng Bình Trọng đã cho ra đời hơn 35 tác phẩm. Trong đó có 12 tiểu thuyết. Ngoài tiểu thuyết, còn lại là tập truyện, thơ, trường ca, truyện dịch. Phần lớn các tác phẩm ấy đều được giải thưởng của Nhà xuất bản Kim Đồng, Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy ban liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú và Quảng Bình. Đó là chưa kể, hàng ngàn bài viết của ông đã đăng trên các tạp chí văn học địa phương và Trung ương về khảo cứu văn học, lịch sử, văn hóa, đặc biệt là câu đối.

Đất nước có chiến tranh, năm 1971, thầy giáo kỹ sư địa chất Hoàng Bình Trọng tình nguyện  ra trận. 5 năm ở chiến trường Lào, rồi vào chiến trường B.

Những chuyện phiếm làm văn nghệ trong đơn vị, nghe ông kể thật vui. Một lần Đại đội phát động các Tiểu đội làm báo tường. Tiểu đội lính của ông có đủ loại trình độ. Nhưng cái khoản sáng tác thơ ca dường như đều tắc tị. Thế là, một đêm anh lính Hoàng Bình Trọng làm xong 14 bài thơ đủ 14 thể tài khác nhau, ký tên 14 chiến sĩ có trong Tiểu đội. Khi Ban thi đua Đại đội đến chấm thi, ai cũng "lác mắt" trước tờ báo tường của Tiểu đội Hoàng Bình Trọng. Đại đội trưởng nói đùa: "Tao phải báo cáo lên Tiểu đoàn, đề nghị cho chúng mày phải giải ngũ lập tức, đi về mà làm nhà văn, nhà thơ ở nhà cho được việc hơn!".

Năm 1976, phục viên, ông trở lại nơi mình đã khoác áo lính, vác súng vào chiến trường.

Nhưng chỉ có thế thì câu chuyện đời ông cũng sẽ suôn sẻ như bao nhà văn khác, nếu không có giai đoạn tuổi 53 đắng đót ngậm ngùi.

Số là, khi ông đã là nhà văn tên tuổi, Hội Văn học tỉnh Vĩnh Phú (nay là hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc), mời ông về làm Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ. Công việc của một tạp chí văn nghệ hàng tỉnh cũng sẽ giữ chân ông ở lại với miền trung du này đến cuối đời, nếu không có sự kiện hàng loạt tỉnh lớn được tách ra, tái lập theo địa giới cũ. Với tâm thế của một đứa con xa quê mấy chục năm, lúc xế bóng, ai cũng muốn về với quê cha đất tổ.

Vậy là sau bao nhiêu năm làm kỹ sư, cán bộ nhà nước, từng là người lính xung trận nơi chiến trường, từng là nhà văn tên tuổi, vậy mà để mau chóng về quê hương, nên ông bị "thất thố" khi rời ga cũ để về ga mới của cuộc đời. Ông bị bật khỏi đường ray bởi sự chen lấn địa vị của một số người buổi giao thời. Nơi đi thì đã cắt mọi giấy tờ, nơi đến thì thay đổi ý kiến.

Bơ vơ mấy tháng trời, cuối cùng ông đành xin về theo chế độ 176, nghĩa là nhận "một cục" trọn gói chừng đâu gần 2 triệu đồng, rồi về với miền đất gió Lào cát trắng.

Về quê, số tiền chế độ như gió vào nhà trống. Nhà văn, tác giả "Bí mật một khu rừng" nức tiếng ngày nào không có công ăn việc làm đành vào rừng. Dân ở đây gọi là rú Thọ Linh để đốn củi về bán ở chợ làng kiếm sống.

Thấy ông bạn già khổ quá, lúc bấy giờ nhà thơ Văn Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Nhật Lệ của Hội Văn nghệ Quảng Bình, một người bạn cũ của Hoàng BìnhTrọng, xin cho ông làm hợp đồng biên tập. Để có thể dành dụm tiền gửi về cho vợ nuôi con, ông tự đi chợ, nấu nướng, thui thủi một mình ở gian sau của Trụ sở Tạp chí Nhật Lệ.

Không bia, rượu, trà, thuốc lá, cà phê, đi đâu cũng với chiếc xe đạp cà tàng, với bộ áo quần cũ rích. Họp hành, sinh hoạt trong Hội văn học nghệ thuật Quảng Bình, ông rất lặng lẽ. Ai nói gì thì nói, ông không tham gia, bàn cãi, chỉ giữ một điệu cười rất trong sáng.

Tối về, chong đèn, đọc đọc, viết viết. Sáng, bách bộ dọc kè Nhật Lệ để hít thở không khí trong lành, xong, ông về rang cơm nguội tối qua dành lại, ăn sáng, rồi ngồi vào bàn.

"Một giọt rơi một quãng đời tàn lụi/ Tiếc làm chi cái kiếp phù sinh/ Chỉ cần biết bao giờ nến tắt/ Ấy là khi đã cháy hết mình" (Khúc ca cây nến - Hoàng Bình Trọng). Mười ba năm trời đằng đẵng như thế, cuối cùng, khi Tạp chí Nhật Lệ có biên chế mới, ông đâm "thừa" đành lòng lại trở về quê ở thôn Vĩnh Phúc, xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch.

Nhà thơ đã "tự trào" về mình trong những vần thơ hóm hỉnh: "Tớ không có chí làm Vua/ Nên trời bắt tớ cày bừa ruộng văn/Thôi thì tứ đốm, tám khoanh/ Chậm gieo truyện ngắn, gặt nhanh truyện vừa/ Lại còn tiểu thuyết, còn thơ/ Lại còn dịch diệt ăng ô Tây Tàu".

Lẽ ra với những gì đã cống hiến, có thể bây giờ ông đã an nhàn với một cuốn sổ hưu. Nhưng ông đành phải âm thầm chịu những eo sèo áo cơm sinh kế mỗi ngày. Vẫn nhẫn nại viết, dịch và gửi các báo với mục tiêu kiếm cho được… 1 triệu đồng nhuận bút mỗi tháng!

Thế nhưng, mưa lắm rồi cũng có ngày nắng. Theo chủ trương của Trung ương, những người trong các Hội chuyên môn do Nhà nước quản lý, đến tuổi 70 mà thu hoạch cá nhân không đảm bảo cho cuộc sống thì được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cho mỗi tháng 2,5 triệu đến hết đời.

Do khâu tổ chức ở địa phương quá chậm trễ nên từ quý 2 năm 2016, nhà văn Hoàng Bình Trọng mới được hưởng chế độ đãi ngộ thuộc diện này. Hôm tôi đón ông tại bến xe Nam Lý - Đồng Hới từ Quảng Trạch vào để chở ông về trụ sở MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình nhận số tiền này, ông mừng đến chảy nước mắt và nói: "Đây là hạnh phúc cuối đời của tôi". 

Nhà văn Hoàng Bình Trọng đang lận đận chữa bệnh. Quy luật tạo hóa bao giờ cũng vẫn lạnh lùng, cay nghiệt với mọi kiếp người. Ông vẫn viết, vẫn dịch trên giường bệnh để góp phần nuôi sống và chữa bệnh cho mình, đồng thời để còn giúp đỡ gia đình thuộc hộ nghèo trong xã.

"Đã không chịu sống cúi luồn/ Ai còn so đọ thiệt hơn đường đời/ Đã lầm một kiếp làm người/ Thì đi cho hết trận cười bể dâu/ Dẫu còn nắng lửa, mưa dầu /Dẫu còn núi thẳm, sông sâu, dẫu còn…" (Tự tình - Hoàng Bình Trọng).

Nhà văn Hoàng Bình Trọng có các bút danh: TAM HÀ, HỒNG LAM, PHÚ XUÂN, TRỊNH BỒNG...

* Tác phẩm đã xuất bản: Bí mật một khu rừng (tiểu thuyết, 1972; tái bản 7 lần; dịch sang tiếng Nga); Quanh chỗ anh nằm (tiểu thuyết, 1977); Những tấm lòng yêu thương (tiểu thuyết, 1982); Quê hương (tiểu thuyết, 1991); Cuộc săn đuổi vàng (tiểu thuyết, 1992); Tổ chim trên sóng (tiểu thuyết, NXB Quân đội 1993, NXB Thuận Hóa 1997); Về với mẹ (tiểu thuyết, 2007); Vầng trăng cuộc đời (tiểu thuyết, 2011);  Câu hát quê nhà (thơ, 1996); Những miền ký ức (thơ, 2001); Khúc ca cây nến (thơ, 2005); Người Anh Cả của toàn quân (trường ca); Áo vải cờ đào (trường ca, 2016); Nhà thông thái với gã Mu-gich (truyện dịch, 1996); Thỏ và cáo (truyện dịch, 2004)...

* Giải thưởng Văn học: Giải Nhì năm 1982 của Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp Trung ương Đoàn trao tặng cho tiểu thuyết "Những tấm lòng yêu thương". Giải Ba của Trung ương Đoàn trao tặng cho tiểu thuyết "Quanh chỗ anh nằm". Giải Ba của Bộ Quốc phòng và Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng tiểu thuyết "Về với mẹ" năm 2005. Giải Ba của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho tiểu thuyết "Tổ chim trên sóng". Giải Nhất của Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phú trao cho các tiểu thuyết "Bí mật một khu rừng", "Cuộc săn đuổi vàng". Bốn lần đoạt giải thưởng Lưu Trọng Lư của UBND tỉnh Quảng Bình. Giải Nhất năm 2010 của Trung ương Đoàn phối hợp Hội Nhà văn.
Hồ Ngọc Diệp
.
.