Nếu như có kiếp luân hồi…

Thứ Ba, 25/09/2007, 22:20
Chàng ơi đôi mắt long lanh chiều thu ấy
Giờ đây mờ nhoà lệ chứa chan
Nếu như có kiếp luân hồi
Chàng ngồi đọc sách, thiếp ngồi quay xa…

Thi đậu thành chung rồi tốt nghiệp Khoa Sư phạm, Trường Bưởi, nhà thơ Trần Lê Văn tròn 20 tuổi, về Khoái Châu, Hưng Yên dạy học.

Sau ba năm gắn bó với thầy trò nơi đây, ông lại được điều tiếp lên miền núi dạy học, làm Hiệu trưởng trường Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

Hoàn cảnh xa xôi, ở lại trường một mình, lấy dòng suối làm công viên, một ngày nọ, trong lúc dạo chơi một mình, “chàng” bỗng gặp cô gái Thái xinh đẹp, gánh mỗi đầu hai ống bương nước ở dưới suối lên.

Đầu cô đội khăn Piêu, mặt trái xoan, da trắng hồng, mắt đen láy, ngực nở, eo thon. Cô mặc áo trắng ngắn có một hàng khuy bạc từ cổ xuống như một dãy bướm bạc - bó sát người bằng tấm váy đen dài tha thướt đến gót chân.

Bốn mắt gặp nhau. Cô gái đỏ mặt, chân líu ríu bước thẳng. Chàng trai nở một nụ cười, nghiêng đầu chào rồi nhìn theo dáng người con gái ấy.

Vừa đi chàng vừa ngâm nga: Nàng đi quẩy nước lên non/ Một chiều biêng biếc hãy còn nhớ không?/ Gặp ta thì má đỏ hồng/ Mắt long lanh sáng ở trong ánh chiều/ Chân nàng như bước liêu xiêu/ Tấm lòng trinh nữ có điều bâng khuâng.

Mấy ngày sau anh trai cô là Bạc Cầm Quy thưa với mẹ cha, đi mời thầy giáo trẻ về nhà mình ăn cơm và dạy học thêm cho em Bạc Thị Nâu, 17 tuổi.

Buổi đầu tiên thầy giáo đến, cả nhà ra đón tận cầu thang. Cô gái chắp tay chào, lúc ngẩng lên giật mình nhận ra chàng trai đã gặp bên bờ suối…

Thầy giáo vui vẻ nhận lời dạy thêm văn, cả Pháp văn. Và cô gái thông minh tiếp thu tốt, tiến bộ rõ rệt. Từ đó, đôi lòng càng gắn bó.

Một lần thầy giáo trẻ dùng hình thức “phạt” cô phải viết 100 chữ “anh” để nhớ. Cô gái không viết phạt mà vào buồng trong thêu chữ “anh” vào cánh bướm xinh hình trái tim.

Đêm ấy cô nắn nót viết: “Bị phạt, không biết vì sao tôi lại bị thầy giáo phạt, phạt viết đủ 100 chữ “anh”, tôi không viết, chỉ thêu chữ “anh” trên con bướm, dưới gốc đào phấn rụng đầy vai. Bướm màu xanh hình trái tim. Mang chữ “anh” ngày ấy trong lòng”.

Bà mẹ cô biết hai người có tình ý với nhau, một hôm bà ngồi quay xa, bà nói bâng quơ: “Yêu nhau to bằng trái núi cũng không gả?”. Nỗi buồn từ đó, hai người luôn luôn trao đổi với nhau về phong tục miền xuôi và miền ngược xa xôi cách trở, hai người càng đau buồn hơn.

Chàng trai gửi thư cho cô:

Đường về Châu Thuận bao xa
Ai về Châu Thuận cho ta nhắn lời
Gánh tình nặng lắm em ơi!
Hỏi em có đỡ cho vơi nửa phần
Khi xa tưởng những khi gần
Đêm khuya trên gối âm thầm riêng anh

Hai người chưa nghĩ được cách thuyết phục gia đình thì Cách mạng Tháng Tám thành công. Hai người thoát ly gia đình, tham gia Việt Minh ở Thuận Châu. Bà mẹ cô gái cũng tham gia Việt Minh, được đoàn thể vun vào, bà mẹ đồng ý gả con gái cho thầy giáo trẻ.

* * *

Năm 1954, hòa bình lập lại, đôi vợ chồng trẻ được tổ chức bố trí ở 47 phố Hàm Long, Hoàn Kiếm, Hà Nội và đã kiến lập được bộ ba tình bạn thơ giữa Trần Lê Văn, Quang Dũng và Ngô Quân Miện.

Bộ ba này gắn bó keo sơn, vui buồn đều chia sẻ cùng nhau, bạn nào cũng đông con, nhà nghèo. Cô gái Thái ngày xưa đã trở thành nhân viên y tế, hằng năm vừa công tác, vừa lo việc nhà, nuôi dạy con. Ngoài ra, cô còn nuôi lợn, nuôi thỏ, đan len thuê để cải thiện

Thời gian thấm thoát trôi qua, chàng và nàng đã bước vào tuổi 80, con cháu đông vui ấm êm. Tuy nhiên, giữa họ có một nỗi đau chung. Ấy là việc người con trai của họ đi bộ đội hy sinh ở mặt trận.

Bà luôn ân cần, dịu dàng chăm sóc ông từng miếng cơm, chén nước, nhất là thời gian ông ốm nặng, bà không quản ngại ngày đêm thức khuya, dậy sớm dỗ dành ông uống sữa, bón từng thìa cháo, từng cốc nước hoa quả thơm ngon.

Do đau ốm, ông đâm sinh ra gắt gỏng. Bà biết vậy nên chịu đựng không một lời ca thán, ngày đêm săn sóc chồng tận tình chu đáo.

Ông đã hoàn thành được “Tuyển tập Trần Lê Văn” dày gần 500 trang, NXB Văn học ấn hành năm 1997. Ngày 23/4/ 2005, ông từ giã cõi đời tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội.

Ông ra đi, bà nhớ tiếc khôn nguôi, sáng sáng pha cà phê và trà nóng đặt trên bàn thờ ông, vừa thắp nén hương và thay hoa, bà vừa ngâm nga:

Đời người lắm nỗi gian truân
Thương chồng, thương bạn, lại thương thân mình
Ruột đau, tim thắt hơi thở loạn
Chàng ơi đôi mắt long lanh chiều thu ấy
Giờ đây mờ nhòa lệ chứa chan
Nếu như có kiếp luân hồi
Chàng ngồi đọc sách, thiếp ngồi quay xa..

Phương Chi
.
.