PGS.TS. Nguyễn Văn Huy

Nếp nhà Danh gia vọng tộc

Thứ Tư, 18/02/2015, 08:00
Ngôi nhà số 2 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nơi Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên sống những năm tháng cuối đời, giờ có 4 gia đình các con ông quây quần. Nơi đó, âm thầm, các con của ông đang làm việc tiếp nối truyền thống của một gia đình trí thức lớn "danh gia vọng tộc", dấn thân, cống hiến cho xã hội. 

Trí thức dấn thân

Tôi gặp PGS, TS Nguyễn Văn Huy trong những ngày ông đang chuẩn bị cho bảo tàng gia đình ở Lai Xá, Hoài Đức, Hà Nội. Những kỷ vật, tài liệu của bố, mẹ được xếp đặt cẩn thận trong từng ngăn riêng. Đó là những gia tài mà TS Nguyễn Văn Huy được thừa hưởng từ người mẹ, bà Vi Kim Ngọc.

Sinh thời, bà có ý thức ghi chép, lưu giữ những gì thuộc về truyền thống gia đình, những thư từ, đồ đạc, nhật ký, tài liệu ông nghiên cứu, cả những cuốn gia phả, di chúc tổ tiên để lại. Khi ông mất, năm 1976, bà mang tất cả tài liệu đóng thành 9 quyển và gửi lại cho con trai Nguyễn Văn Huy.

Có lẽ sẽ không quá bất ngờ khi nhìn vào di sản vô giá mà TS Nguyễn Văn Huy đang gìn giữ về cha mẹ, dòng họ mình. Bởi chính ông và các anh em trong gia đình, cũng đang viết tiếp câu chuyện về một gia đình "danh gia vọng tộc". Đó không phải câu chuyện về một danh nhân mà câu chuyện về một con người, một cuộc đời đã sống, làm việc và cống hiến cho xã hội.

Cụ Nguyễn Văn Huyên là con trai của dòng họ Nguyễn ở Lai Xá - một dòng họ "văn chương nối liền tiếng thơm trọng vọng". Vốn có truyền thống Nho giáo và yêu nước, vào đầu thế kỷ XX, bố mẹ Nguyễn Văn Huyên đã hướng các con học thành tài. Cụ bà quyết định chuyển các con đang học chữ Hán Nôm sang chữ quốc ngữ và học tiếng Pháp. Gia đình không thuộc hàng khá giả, bố mất sớm, nhưng mẹ Nguyễn Văn Huyên vẫn cho cả hai anh em sang Pháp học.

Về nước với học vị cao, hiếm có thời đó, tiến sĩ của Đại học Sorbone, vào năm 1939, ông khước từ mọi lời mời làm quan, mà về dạy học ở trường Bưởi. Sự lựa chọn này theo gia phả gia tộc họ Nguyễn đã ghi: "lấy nghiệp giáo dục để giúp người, đó cũng chính là chí hướng của ông". Sau đó ông chuyển về Viễn Đông Bác cổ làm công tác nghiên cứu về văn hóa, văn minh Việt Nam và giảng dạy bậc đại học. Cũng từ đây, ông tham gia vào các phong trào của trí thức yêu nước. Và làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong 29 năm liên tục.

Di sản của cụ Nguyễn Văn Huyên để lại không chỉ là con đường giáo dục đổi mới của cụ mà còn là những công trình nghiên cứu đồ sộ về văn hóa, văn minh Việt Nam, đặc biệt là những phong tục, tập quán vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cụ không chỉ là một nhà giáo dục mà trước hết, là một nhà văn hóa.

Cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và vợ, bà Vi Kim Ngọc, là thân sinh ra PGS.TS. Nguyễn Văn Huy.

Trong bức thư gửi cho bà Kim Ngọc từ Hội Nghị đàm phán ở Fontainebleau (1946), bức thư mà ông Nguyễn Văn Huy coi như một tuyên ngôn về lẽ sống của gia đình Nguyễn Văn Huyên về sự dấn thân của một trí thức yêu nước, cụ Huyên viết: "Huyên cũng như bao anh em sinh trưởng trong một nước nô lệ. Ngọc cũng cảm thấy trong 10 năm, hai ta sống với nhau hoàn toàn trong cảnh tạm bợ mà thôi. Mà Ngọc là người sinh trưởng trong một gia đình hào phú, cũng có trí cao thượng, không bo bo giữ cái lợi tức thời, nên cũng trợ giúp Huyên tìm đường thoát ly khỏi vòng nô lệ".

Sự dấn thân, phụng sự đất nước của cụ Huyên đã có ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ các con. "Chúng tôi lớn lên từ truyền thống văn hóa gia đình, đi theo một chí hướng, không phải đi cầu sung sướng bản thân, không tham địa vị mà là những người muốn cống hiến cho xã hội, phụng sự cho đất nước, ứng xử một cách đúng đắn, nhân ái, yêu thương con người". Cụ Nguyễn Văn Huyên luôn dạy các con: "Dù làm bất cứ việc gì cũng phải bằng niềm say mê, có như thế mới tập trung tư tưởng, trí tuệ sâu sắc, mới cống hiến được cho đất nước".

"Ảnh hưởng lớn nhất của bố đến thế hệ chúng tôi là nhân cách sống của ông, chính từ sự nuôi dưỡng những giá trị truyền thống của gia đình - dòng tộc - để đến thế hệ mình và các con có thể tiếp nối".

Cụ Nguyễn Văn Huyên có 4 người con, Nữ Hạnh là kỹ sư Đường sắt; Bích Hà là PGS-TS hóa học; Nguyễn Kim Nữ Hiếu là Đại tá, PGS-TS, Thầy thuốc ưu tú, nguyên là Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Và Nguyễn Văn Huy, PGS-TS Dân tộc học, nhiều năm làm Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Các cháu Huyền Chi, Vũ Hưng, Kim Hiền đều theo đuổi con đường học tập và nghiên cứu khoa học. Con đường đó, được nuôi dưỡng từ bề dày văn hóa truyền thống của gia đình.

Sinh thời cụ Nguyễn Văn Huyên rất tôn trọng sự lựa chọn của các con. Khi Nguyễn Văn Huy học ở Liên Xô, viết thư hỏi cha về việc nên chọn ngành học nào, sử, dân tộc học hay khảo cổ học, trong thư trả lời con, cụ viết: "Ngành nào cũng có ích cho xã hội. Nhưng nó thực sự có ích khi mình say mê". Thế nên, TS Nguyễn Văn Huy đã chọn ngành Dân tộc học, dấn thân và cống hiến cho sự lựa chọn này cả cuộc đời.

Mỗi năm tết đến, gia đình TS. Nguyễn Văn Huy vẫn duy trì truyền thống con cháu gặp gỡ, quây quần, báo cáo trước bàn thờ ông bà tổ tiên. Truyền thống đó được gìn giữ từ các đời trước và được ghi lại trong gia phả họ Nguyễn. Một cách nhắn gửi cho các thế hệ trong gia đình họ Nguyễn về một "nếp nhà".

Gia tài của mẹ

Nhưng nếp nhà, truyền thống văn hóa của gia đình cụ Nguyễn Văn Huyên - Nguyễn Văn Huy còn được nuôi dưỡng từ chính người vợ - người mẹ, bà Vi Kim Ngọc. Khi còn sống, bà vẫn thường nói với con trai rằng: "Bây giờ mọi người vẫn chưa hiểu hết bố đâu, cái tâm của bố lớn lắm, phải đến cả trăm năm sau, có thể mọi người mới hiểu được ông". Câu nói đó gieo vào lòng TS Nguyễn Văn Huy những trăn trở, đi tìm câu trả lời.

Trong quá trình làm tư liệu, đọc từng bức thư, tài liệu hay nhìn những kỷ vật ông bà để lại để hoàn thành bảo tàng gia đình tại Lai Xá, ông nhận ra, sự vĩ đại của bố mẹ mình đi từ những điều giản dị, đời thường nhất. Tinh thần khoa học, sự âm thầm làm việc, dấn thân, cống hiến cho xã hội mà chẳng cầu cho riêng mình điều gì. Tâm thế ấy, tâm thế của cả một thế hệ trí thức dấn thân, đi theo cách mạng, bình thản trước mọi cuộc vần xoay của lịch sử.

Bà Kim Ngọc là một giai nhân, một tiểu thư "lá ngọc cành vàng" của Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định - thuộc đời thứ 14 của họ Vi, một dòng họ lớn, có công trong việc trấn ải biên cương ở Lạng Sơn suốt từ thế kỷ XIV. Nương mình dưới cái bóng quá lớn của chồng, cả cuộc đời bà lặng lẽ hy sinh, thay chồng gánh vác việc gia đình, chăm sóc, nuôi dưỡng các con. Nhưng cái tôi trong bà luôn cựa đạp, bà không bao giờ muốn thua kém ai, luôn nỗ lực hết mình để ngang tầm với thời đại. Bà vươn lên không chỉ cho cá nhân mình, mà cho các con, để các con noi theo, và để làm rạng danh cho chồng.

Có một thời, dòng họ Vi của bà tan tác, mỗi người một phương, xã hội nhìn bằng con mắt khác. Phải đến sau đổi mới, 20 năm lại đây, họ đã tập hợp nhau lại, gây dựng lại nhà thờ họ Vi ngay ở Hà Nội này. Đó không chỉ là việc phục hồi lại một dòng họ, mà còn là sự phục dựng lại cả một truyền thống gia đình. Bà Kim Ngọc cũng chịu ảnh hưởng bởi những uẩn khúc của lịch sử. Thế nhưng, "chữ Nhẫn của bà lớn lắm. Dù có những nỗi buồn riêng về dòng họ nhưng bà không bi quan, yếm thế mà biết vượt qua tất cả để làm việc, đi con đường độc lập của mình và cống hiến cho xã hội".

Đó là những năm tháng bà tự nguyện tham gia chỉnh huấn, đi làm ở một phòng thí nghiệm của Trường Đại học Y thời kháng chiến, tranh thủ buổi tối, đi học bổ túc văn hóa. Từ trình độ Tiểu học, bà đã học xong PTTH và khóa đào tạo chuyên về ký sinh trùng, tốt nghiệp bằng y sĩ. Đó là cả một quá trình thay đổi lớn về mặt nội tâm của bà Kim Ngọc. Bà trở thành trợ thủ đắc lực của Giáo sư Đặng Văn Ngữ. Và có lẽ cũng không một giáo sư nào viết một cuốn sách có cả tên của một y sĩ "đồng tác giả" như trường hợp của bà. Tuổi già, bà sống bình thản với hội họa, những bức tranh nhiều sắc màu cuộc sống còn được giữ cẩn thận tại nhà TS Nguyễn Văn Huy.

"Những câu chuyện của bố mẹ, tổ tiên đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các con, đó là gốc rễ văn hóa của một gia đình, lớn hơn, của một dòng họ, của một xã hội" - PGS, TS Nguyễn Văn Huy nói. Mạch chảy ấy bám rễ sâu trong một truyền thống của một gia đình "danh gia vọng tộc", mạch chảy của văn hóa, của cội nguồn, góp phần làm nên long mạch của đất nước. Liệu có lúc nào đó, mạch chảy ấy bị ngưng lại trong cuộc sống hôm nay?

Nguyễn Khánh Linh
.
.