Nàng thơ của "Bác sĩ Zhivago"

Thứ Sáu, 18/05/2007, 08:30
Mới đây trên màn ảnh Nga xuất hiện bộ phim nhiều tập, được chuyển thể theo tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago” của Boris Pasternak (giải thưởng Nobel Văn học năm 1958). Nhân dịp này bà Irina Emelyanova, con gái của Olga Ivinskaya - nàng thơ của B. Pasternak và nguyên mẫu của nhân vật Lara trong tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago”, cũng đã xuất bản cuốn sách của mình “Pasternak và Ivinskaya”, kể về mối tình cuối cùng của nhà thơ với mẹ mình. 

Sau đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của Irina Emelyanova, đăng trên báo Sự kiện...

+ Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Boris Pasternak vào năm 1947, lúc tôi mới 9 tuổi tại một quán cafe ở Kiev. Chúng tôi chờ Boris Pasternak. Trước đó tôi cùng với em trai đã nghe bà ngoại phàn nàn về mối tình của mẹ với một người đàn ông đã có gia đình... “Bằng tuổi bà!” - Bà thích nói câu đó. Trên bàn bày kẹo sôcôla và rượu cônhắc. Cuối cùng Boris Pasternak xuất hiện. Tôi còn nhớ nước da ngăm ngăm, mái tóc đen và gương mặt châu Phi hơi là lạ...

- Họ làm quen với nhau như thế nào?

+ Lúc bấy giờ mẹ là Trưởng ban tác giả trẻ của tòa soạn tạp chí “Thế giới mới”. Một lần vào tháng 10, trước mặt mẹ xuất hiện người đàn ông mặc chiếc áo khoác mùa hè màu trắng. Đó chính là Boris Pasternak. Đã từ lâu ông trở thành “thần tượng” của mẹ. Và bỗng nhiên mẹ nhìn thấy thần tượng của mình bằng xương bằng thịt. Tất nhiên, mẹ đã yêu ông ngay từ cái nhìn đầu tiên. Pasternak cũng cảm thấy một cái gì đó thay đổi đột ngột - ngày hôm sau ông đã tặng mẹ một số cuốn sách của mình...

- Thế còn Pasternak thì sao?

+ Lúc bấy giờ ông đang sống với người vợ thứ hai là Zinayda Nikolayevna. Người vợ đầu của ông, bà Evgenya Vladimirovna, là họa sĩ, họ có một con trai tên là Zhenya. Zinayda Nikolayevna bước vào cuộc đời Pasternak cùng với âm nhạc. Bà vốn là vợ của nhạc sĩ Kiev nổi tiếng Henrich Neygauz. Họ đã có một con trai tên là Lonya. Mẹ tôi là mối tình thứ ba - lớn nhất và cuối cùng của nhà thơ. Zinayda Nikolayevna nhận ra điều đó khi bất ngờ phát hiện trên bàn một bức thư của mẹ tôi.

- Chắc chắn là câu chuyện phải phân xử rất phức tạp...

+ Tất nhiên! Đã xảy ra một cuộc cãi vã rất nặng nề trong gia đình, sau đó Pasternak viết thư cho mẹ tôi nói rằng, quan hệ của họ không thể tiếp tục được nữa. Nhưng mẹ không muốn tin vào bức thư đó, mẹ muốn Boris Pasternak đích thân nói với mẹ  rằng giữa họ mọi chuyện đã kết thúc.

Sau đó đã có cuộc gặp gỡ tay đôi giữa hai người phụ nữ tranh giành tình yêu đối với nhà thơ, mẹ tôi và Zinayda Nikolayevna. Sự việc diễn ra tại căn hộ một người bạn gái của mẹ.

Mẹ trở về trong nước mắt, rất đau khổ và không tin vào sự chia ly. Zinayda Nikolayevna xuất hiện và nói rằng bà quyết không nhân nhượng, rồi khuyên mẹ tôi lấy chồng và nuôi dạy con cái. “Còn về kinh tế chúng tôi sẽ giúp đỡ!” - Bà ta kết luận.

Cái đại từ “chúng tôi” đã đánh gục mẹ hoàn toàn. Mẹ khóc nức nở, và ngã xuống bất tỉnh… Kết quả là thêm một lần nữa mẹ và Pasternak gặp gỡ và chia tay, nhưng ông vẫn không bỏ gia đình.

- Là người trực tiếp chứng kiến mối tình giữa Pasternak và Ivinskaya, bà có nhận xét gì về ông trên cương vị một nhà thơ và một con người?

+ Vào những năm 30 của thế kỷ trước, Pasternak kỳ vọng giành danh hiệu nhà thơ số một của thời đại Xôviết. Nhưng Stalin tuyên bố rằng Mayakovskiy mới là nhà thơ tài năng nhất.

Tuy nhiên, Pasternak nổi tiếng đến mức năm 1935, khi ở Paris diễn ra đại hội các nhà văn quốc tế, vắng mặt Pasternak và Babel người ta không muốn khai mạc nó. Pasternak và Babel được cử đến dự vào phút chót và khi họ bước vào, cả hội trường đứng dậy chào mừng.

Boris Pasternak là một con người sống rất khổ hạnh. Trong phòng của ông chỉ có một chiếc bàn làm việc, chiếc giường sắt và cái tủ nhỏ đựng sách. Tất cả chỉ có thế.

Tôi nhớ,  mùa đông ông không rời chiếc áo bành tô dài và nặng, đi đôi ủng dạ và đôi găng tay trắng; còn mùa thu ông mặc chiếc áo khoác “Hữu nghị’’ của Trung Quốc, đi đôi giày cao su và quàng khăn. Pasternak không chịu được sự xa xỉ trong cuộc sống, ông không bao giờ có ôtô riêng - từ làng Peredelkino đến Moskva ông đi bằng tàu điện...

Trần Hậu
.
.