Nàng Thơ nhập bến My Lăng

Thứ Năm, 07/03/2013, 08:03

Vào hồi 17h10' ngày 6/1/2013, cụ bà Nguyễn Thị Lan đã đi gặp cụ ông Yến Lan ở "Bến My Lăng", hưởng thọ 95 tuổi. Một mối nghĩa vợ chồng đúng bản sắc Việt Nam...

“Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách
Ông lái buồn để gió lén mơn râu...”.

Còn mãi trên cõi đời những câu trong bài thơ bất hủ "Bến My Lăng" của thi sĩ Yến Lan. Về An Nhơn mới thấy, bàng bạc cảnh vật - lòng người là hình bóng Yến Lan. Nhất là ở những bến nước dọc bờ sông Côn ở An Nhơn, người đa cảm một chút rất dễ nhận ra nơi nào cũng là... bến My Lăng, và một bến sông nào trong tâm tưởng cũng là bến My Lăng! Có lẽ "cái bóng" của ông quá lớn đối với mảnh đất này, bên cạnh những vị vua, những nhà yêu nước hoạt động trên mảnh đất này. Ngôi nhà của Yến Lan thi sĩ sống cùng vợ duy nhất Nguyễn Thị Lan những năm cuối đời, giờ vẫn còn bên chợ thị trấn Bình Định (bây giờ thuộc phường Bình Định, An Nhơn).

Nhớ mãi về anh

Hơn mười nam trước, một lần tôi tình cờ đến 35 Hàng Quạt (Hà Nội) chơi thì gặp cụ Nguyễn Thị Lan vừa từ Bình Định ra thăm con cháu. Đã ngoài bát thập nhưng hễ nhắc đến cụ ông Lâm Thanh Lang (tên thật của nhà thơ Yến Lan) là bà trông tươi tắn hẳn lên, cười nói hồn nhiên. Bà khoe với tôi về tập hồi ký "Nhớ mãi về anh" (NXB Văn học 2011) dày trên 200 trang mà bà vừa hoàn thành trong sự ngỡ ngàng của thế cuộc.

Bà rút cuốn sách đọc say mê: "3 năm học từ lớp 5 đến lớp 3, kỳ nghỉ hè nào, tôi cũng đến anh để học thêm. Anh dạy rất nhiệt tình, giảng bài giọng rất hay, lại thấy anh ít rong chơi như các anh khác, nên tôi cũng có để ý. Thỉnh thoảng, xem báo, lại gặp tên anh, tôi và người bạn gái cùng tuổi tên Bạch Yến đều tấm tắc: Anh nhà nghèo mà sao giỏi thế! Anh thường đứng bên bờ thành, thỉnh thoảng lại khẽ gọi và hỏi tôi những câu chuyện vu vơ. Đầu năm 1940, anh ghé lại chơi và nói là anh sẽ ra dạy ở Thanh Hóa. Tết, anh về quê, tôi ghé thăm rồi nhận lời yêu anh. Anh nói: "Anh coi em như mối tình đầu"... Nhưng cha mẹ tôi lại không đồng ý, có phần bởi cũng muốn con cái mình có chồng giàu có, sung sướng. Tôi rất buồn và lại bỏ nhà đi, vô một ngôi chùa ở Phan Thiết tu. Được ít lâu thì cha tôi sai anh tôi dẫn tôi về và đồng ý cho chúng tôi lo việc cưới xin. Đám cưới của chúng tôi tổ chức vào ngày 20/4/1944… Và rồi như các bạn biết đấy; với bút danh Yến Lan một nửa là tên tôi, một nửa tên bạn tôi -Nó đã đi vào đời thơ của anh và trong lòng bạn đọc cho đến tận hôm nay và mãi trong tương lai, nếu như thơ anh còn được mến mộ…".

Bảy mươi năm một cuộc chồng vợ, với bao biến động của lịch sử, cách mạng, kháng chiến, hòa bình, mối tình thắm đượm của ông bà đã đi dọc những trang thơ: "Ta uống chúc vợ hiền/Khó khăn còn nặng gánh/ Tắt bếp có lửa đèn/ Tình quê không hở lạnh" (Uống rượu với bạn đồng hương - thơ Yến Lan). Bà Lan không nói ra nhưng tôi cảm nhận: Sống với một nhà thơ không hề đơn giản, sống với một nhà thơ - kẻ sĩ lại càng không đơn giản. Chỉ với hành động một mình Yến Lan tiên sinh đã dám "mặc kệ" bao nhiêu văn nghệ sĩ đất Bắc để đưa tiễn linh cữu cụ Phan Khôi vào năm 1959, trong sự dòm ngó của bao người, cũng đủ thấy: Làm vợ một phẩm cách như Yến Lan không dễ dàng chút nào! Theo tư liệu của nhà văn Mang Viên Long, khi hỏi về chuyện này, cụ Yến Lan cười nhẹ: "Nghĩa tử là nghĩa tận cháu à!". Chỉ có nghĩa tương kính chồng vợ, một tình yêu bất tuyệt mới có thể dìu nhau qua cuộc phế hưng.

Vợ chồng nhà thơ Yến Lan cùng con gái út Lâm Bạch Đàn (ảnh chụp năm 1972).

Nhà thơ Yến Lan đã vĩnh biệt dương trần cách đây 15 năm, ngày 5/10/1998. Một mình lặng lẽ tưởng nhớ chồng, bà Lan đã kỳ cục thu gom tư liệu, ghi chép lại cuộc đời thi sĩ Yến Lan, thông qua lăng kính - tấm lòng người vợ. Trước đó rất nhiều năm, bà đã lắng nghe, chép lại những bài thơ cuối cùng của Yến Lan sáng tác và thều thào đọc trên giường bệnh. Bà luôn đau đáu tình yêu với người chồng nhà thơ mà từ đầu xanh đến hoa râm rồi bạc trắng vẫn chưa thôi những ngôi nhân xưng "chàng - nàng", "anh - em" như đất trời dào dạt! "Viết cho đỡ nhớ ảnh" là câu bà nói với tôi khi nhắc về tập hồi ký và những bài thơ bà làm trong tuổi bát tuần, cửu tuần! Nhà thơ Lâm Huy Nhuận - con trai bà - nói: "Lúc ba còn sống, có thấy má tôi viết lách gì đâu…".

Niềm say sưa với những kỷ niệm từ thời hoa niên cho đến hơi thở chót và sự trân trọng sự nghiệp văn chương của chồng khiến bà có thể tâm sự hàng giờ trong buổi chiều Hà Nội. Và dù tuổi cao sức yếu, nếu ai hỏi han về Yến Lan, bà sẵn sàng dốc bầu tâm sự và ngồi nghe người khác nói về người chồng tài năng của mình, với niềm ngưỡng vọng vô bờ bến!

Nhựa tím khô dần một dấu răng

Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng (nguyên Chủ tịch Hội VHNT Bình Định) nhớ lại: Một buổi chiều cuối tháng 8/2005, ông đến nhà gặp cụ Nguyễn Thị Lan để hướng dẫn lập bản đăng ký theo quy chế xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước: "Biết cụ tuổi cao sức yếu, tôi dặn đi dặn lại, cần gì cụ cứ điện thoại để lên tôi lên An Nhơn nhưng sáng hôm sau, cụ vẫn đi xe buýt trực tiếp xuống Quy Nhơn đến Hội văn nghệ tìm tôi, gửi lại 9 tờ khai chép tay và 9 tấm ảnh chân dung Yến Lan (mới rọi lại). Tôi không quên thảo một công văn ngắn gọn kèm theo, nêu những nét chính trong cuộc đời và sự nghiệp nhà thơ Yến Lan, xong ký tất cả, chuyển qua văn thư đóng dấu và gửi phát chuyển nhanh cho Hội Nhà văn Việt Nam. Theo cảm nhận của riêng tôi, tôi biết ông chỉ cần qua Hội đồng xét giải Hội Nhà văn Việt Nam và Hội đồng Quốc gia là đủ, nên tôi không hướng dẫn cụ bà làm hồ sơ cho Hội đồng cơ sở tỉnh Bình Định. Và năm ấy, nhà thơ Yến Lan đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước".

Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng xúc động nói tiếp: "Theo cảm nghĩ của tôi, với tài năng và sức lan tỏa của tác phẩm Yến Lan, đáng lẽ cụ đoạt giải thưởng này từ nhiều năm trước. Nhưng những ngày có hân hạnh hầu chuyện cụ, tôi biết tính cụ, ôn tồn, hòa nhã và hết sức tự trọng. Cho dù sự thiệt thòi luôn luôn xảy ra thuở sinh thời, điều ấy có hề chi với con người đã đi qua bao thăng trầm nhân thế, lặng lẽ trọng nghĩa nhân và ái ngại trước trò chơi phù thế ồn ào. Phút cụ bà đưa tôi lên thắp nhang trước bàn thờ kính cáo công việc ấy, tôi thấy nụ cười cụ ông vẫn như xưa, không hề đổi khác! Cụ Lan cũng hết sức tương cảm với suy nghĩ, tâm thế sống ở đời của người chồng thi nhân Yến Lan…".

Khi Yến Lan tiên sinh tại thế, tôi cũng đã đến ngôi nhà bên phố chợ thị trấn Bình Định (An Nhơn) để xin tư liệu cho luận văn về "Bàn thành tứ hữu". Vợ chồng nhà thơ đã tiếp "thằng trẻ con" như tôi một cách thật trọng thị, chân tình. Tôi đã nghe ông đọc những bài tứ tuyệt đặc sắc của mình:

Em đến xin hồng, hồng mới nụ
Đêm nay hồng nở, bóng em xa
Cầm em bữa trước, em không ở
Giờ biết làm sao cầm được hoa?

(Cầm chân em, cầm chân hoa)

Nhà không vườn không gác không sân
Tôi nợ đời rau trái tôi ăn
Nợ hàng xóm trưa hè bóng mát
Nợ em cài bên cửa một vầng trăng

(Nợ)

Quả lê ngày ấy em còn bói
Nhựa tím khô dần một dấu răng

(Nhựa tím khô dần)...

Ngôi nhà đơn sơ bên góc chợ Bình Định (An Nhơn) những ngày đầu năm 2013 đã thành nơi ngưỡng vọng, hành hương về một tình nghĩa vợ chồng đúng bản sắc Việt Nam. Vậy là cả cụ ông, cụ bà đã cùng ra đi tại ngôi nhà này. Nơi đây đã thành Nhà lưu niệm Thi sĩ Yến Lan và từ nay sẽ trở thành nơi lưu giữ Một Cuộc Tình Của Thăng Hoa Và Sáng Tạo

Đào Đức Tuấn
.
.