NSƯT Thanh Sang và những vai diễn để đời

Thứ Ba, 02/05/2017, 07:25
Những ngày qua, giới văn nghệ sĩ và người ái mộ cải lương xúc động, ngậm ngùi khi nghe tin NSƯT Thanh Sang ra đi ở tuổi 74. Ông được mệnh danh là kép hát mang "đôi hia bảy dặm" vì tên tuổi "vụt sáng" chỉ sau vai diễn Kim Mao Sư - Vương Tạ Tốn trong vở tuồng "Cô gái Đồ Long" ở thập niên 1960 và là một ngôi sao thuộc "thế hệ vàng" của sân khấu cải lương.


Tuổi thơ cơ cực

NSƯT Thanh Sang tên thật là Nguyễn Văn Thu, sinh năm 1943 trong gia đình có mấy đời làm nghề biển ở quê hương đất võ Bình Định. Ngày trước, cha ông là người tinh thông võ nghệ, và cũng là một nghệ sĩ hát bài chòi vào hạng xuất sắc ở địa phương. Mẹ là một cô gái làng chài đảm đang. Cha mẹ ông dắt nhau vào miền Nam sinh sống và chọn vùng biển Phước Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm quê hương thứ hai. Khi Nguyễn Văn Thu khoảng 6 - 7 tuổi thì cha mất.

Một tay mẹ làm lụng vất vả để nuôi 4 đứa con nhỏ, trong đó chỉ mỗi Thu là con trai. Ý thức được trách nhiệm với gia đình, năm 8 tuổi, cậu bé Thu đã theo các bác, các chú làm nghề đánh cá đi khắp các vùng biển từ Quy Nhơn, Tuy Hòa, cho đến Rạch Giá, Phú Quốc, Cà Mau...

Tuy khổ cực vất vả nhưng Nguyễn Văn Thu vẫn rất đam mê cải lương. Sau những chuyến đi biển, dành dụm được ít tiền, Nguyễn Văn Thu mua tập bài ca có in hình nghệ sĩ cải lương để học ca, mơ được làm kép hát.

Năm 1956, đoàn cải lương Ngọc Kiều của vợ chồng ông bầu Hoàng Kinh - Ngọc Đáng về biểu diễn ở rạp Hải Lạc gần nhà. Trong bữa tiệc chung vui với các nghệ sĩ của đoàn, giọng ca trầm buồn của Nguyễn Văn Thu được đào chánh Kim Nên chú ý và cô xin ông bầu Hoàng Kinh cho cậu bé Thu theo đoàn học nghề. Chính ông bầu Hoàng Kinh đặt nghệ danh cho Nguyễn Văn Thu là Thanh Sang. Kể từ đó, ông bắt đầu dấn thân theo nghiệp.

Tỏa sáng khi vừa tuổi đôi mươi

Năm 1960, may mắn đã mỉm cười khi Thanh Sang về đoàn cải lương Hoa Mùa Xuân (về sau đổi bảng hiệu là Dạ Lý Hương). Với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân cùng sự giúp đỡ tận tình của các thế hệ nghệ sĩ ở đoàn, chàng diễn viên trẻ chuyên đóng vai phụ ngày nào giờ đã trở thành một kép chánh đóng cặp với các cô đào nổi danh thời đó như: Thanh Hương, Thanh Nga, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Bạch Tuyết…

Năm 1964, với vai diễn Kim Mao Sư - Vương Tạ Tốn trong vở "Cô gái Đồ Long" của bộ đôi soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng, NSƯT Thanh Sang cùng với NSND Lệ Thủy đoạt Huy chương vàng giải thưởng Thanh Tâm do ký giả kịch trường uy tín nhất làng báo Sài Gòn thời bấy giờ là ông Trần Tấn Quốc (bút danh Thanh Tâm) sáng lập với 3 tiêu chí bình chọn: thanh (làn hơi), sắc (sắc vóc) và đạo đức. Và nghệ sĩ đoạt HCV đầu tiên của giải thưởng danh giá này năm 1958 là NSƯT Thanh Nga với vai diễn Phà Ca trong vở "Sơn nữ Phà Ca" (tức "Người vợ không bao giờ cưới", còn được gọi là "Đời sơn nữ", do soạn giả Qui Sắc hợp soạn với soạn giả Kiên Giang).

NSƯT Thanh Sang và NSND Bạch Tuyết trong vở "Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga".

Những vai diễn để đời

Sau giải thưởng Thanh Tâm, NSƯT Thanh Sang tiếp tục gặt hái thành công trong các vai diễn mới như: Lữ Khánh Nhạc trong vở "Trường tương tư ", Lý Quảng trong vở "Hoa Mộc Lan", Đảnh trong "Tần Nương Thất", Long Hồ trong vở "Tuyệt tình ca", Võ Minh Thành trong "Đời cô Lựu", Thi Sách trong "Tiếng trống Mê Linh", Thầy Khanh trong "Mưa rừng", Kim Trọng trong "Kim Vân Kiều", Lục Vân Tiên trong vở "Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga"…

Đặc biệt, có một vai diễn mà NSƯT Thanh Sang rất ưng ý và được người ái mộ cải lương yêu mến suốt mấy thập niên qua, đó là nhân vật Trần Minh trong vở cải lương "Bên cầu dệt lụa" của cố soạn giả Thế Châu. Trần Minh của NSƯT Thanh Sang luôn toát lên vẻ chân thật, giản dị của một con người thuộc tầng lớp bình dân; thế nhưng, vẫn không lộ nét bần hàn, mà ngược lại "bộc lộ" sự uy nghi, đĩnh đạc của một quan trạng tương lai.

Vốn yêu thích văn chương, mê đọc sách và sở hữu chất giọng trầm buồn, da diết, khi thể hiện vai diễn Trần Minh, NSƯT Thanh Sang không cần cố gắng nhiều, nội lực tâm hồn đã giúp ông hoàn thành vai diễn một cách trọn vẹn đến mức khán giả tin Trần Minh là nhân vật có thật ở ngoài đời. Những lời thoại, câu ca của vai diễn "để đời" này đều được NSƯT Thanh Sang thể hiện tinh tế, sắc sảo.

Khi nhắc đến vai Trần Minh, NSƯT Thanh Sang thổ lộ: "Mỗi vở diễn chỉ cần một lớp diễn hay thôi đã đủ cho khán giả nhớ tới mình. Riêng vở "Bên cầu dệt lụa" có tới ba, bốn lớp hay. Tôi thầm cảm ơn tổ nghiệp và cảm ơn cố soạn giả Thế Châu đã cho tôi một vai diễn để đời".

Bạn diễn ăn ý

NSƯT Thanh Sang từng đóng chung với ba thế hệ nữ nghệ sĩ của sân khấu cải lương. Lớp đàn chị có đệ nhất danh ca vọng cổ Thanh Hương (ái nữ của danh ca Tư Sạng và NSND Năm Châu, tức soạn giả Nguyễn Thành Châu); đồng trang lứa với ông có: Thanh Nga, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Hồng Nga, Mộng Tuyền, Phượng Liên, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ, Bích Sơn, Bạch Lê, Kim Hương, Hà Mỹ Xuân; và sau này là các cô đào thuộc thế hệ đàn em như: Thanh Thanh Tâm, Phương Hồng Thủy, Linh Huyền, Thoại Mỹ…

Diễn với ai, NSƯT Thanh Sang cũng "tỏa sáng" vì nhờ biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật ca ngâm và nghệ thuật diễn xuất. Hơn nữa, ông biết cách tiết chế cảm xúc của mình để giọng ca trầm ấm phát huy thêm tác dụng trong các vai diễn.

Thế nhưng, khi sánh vai với nữ hoàng sân khấu Thanh Nga, dường như NSƯT Thanh Sang được công chúng yêu mến nhiều hơn. Cả hai đã để lại nhiều tình cảm trân trọng từ phía khán -  thính giả (kể cả người chưa am hiểu về cải lương) và được đánh giá là một đôi uyên ương lý tưởng trên sàn diễn cải lương vì đạt đến sự hòa quyện tinh tế về lối ca ngâm và diễn xuất.

Nói về người bạn diễn của mình, NSƯT Thanh Sang từng tâm sự: "Nghệ sĩ Thanh Nga đã giúp cho tôi có một vị trí mới, sáng đẹp trên sàn diễn. Chính Thanh Nga đã nâng tôi lên đứng ngang tầm với những nghệ sĩ tài danh của sân khấu cải lương thời hoàng kim. Đây là nữ nghệ sĩ có dấu ấn rất "đặc biệt" trong sự nghiệp của tôi".

Suốt nhiều năm là bạn diễn của nhau, NSƯT Thanh Sang luôn chứng tỏ bản lĩnh của mình khi đứng cạnh với nữ hoàng sân khấu Thanh Nga - cái bản lĩnh đầy nam tính, thuyết phục người xem ở sự yêu thương, chở che, bảo bọc. Cả hai đã có nhiều vai diễn "để đời" trong nhiều vở tuồng của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga lừng lẫy một thời. Đơn cử như vở "Bên cầu dệt lụa" của soạn giả Thế Châu và "Tiếng trống Mê Linh" của Hoài Dung - Vĩnh Điền.

Một Quỳnh Nga thủy chung, trước sau như một; một Trần Minh (khố chuối) luôn khiêm nhường, sống có nghĩa có tình. Hai nhật vật này được NSƯT Thanh Nga và NSƯT Thanh Sang thể hiện tài tình, chiếm trọn trái tim người ái mộ suốt mấy mươi năm qua.

Hoặc như vai Thi Sách và Trưng Trắc của Thanh Sang - Thanh Nga: chữ tình đặt sau chữ Tổ quốc. Họ chỉ dành khoảng lặng ngắn ngủi cho riêng mình trong phân cảnh "Mê Linh biệt khúc" với những lời ca sâu lắng, ngọt ngào: "Trong giây phút chia tay, tim nguyện ghi lời thề ...". Mãi đến hôm nay, những câu hát này vẫn in sâu trong trái tim người ái mộ cải lương.

Những năm tháng cuối đời

Cuối thập niên 1990, khi sân khấu cải lương gặp khó khăn và sức khỏe không còn sung mãn, NSƯT Thanh Sang hạn chế xuất hiện trên sàn diễn cải lương. Ông chỉ tham gia thu âm và quay hình cho các hãng băng đĩa và đài truyền hình. Phần lớn thời gian ông dành cho gia đình. Thi thoảng ông vào bếp nấu một món ăn mà cả nhà ngon miệng cũng là thú vui của ông.

Mặc dù vậy, nhưng ông vẫn thiết tha với cải lương Nam Bộ. Bất kỳ chương trình nào liên quan đến cải lương, ông đều theo dõi và luôn ủng hộ nhiệt tình thế hệ kế thừa của sân khấu cải lương. Những lúc nhớ sân khấu, ông lật giở những trang đời của mình qua những tấm ảnh ngày xưa, hoài niệm về một thời đã xa. Ông cũng là một nghệ sĩ hay làm từ thiện, nhưng không bao giờ phô trương, khoe khoang việc làm của mình.

Rạng sáng 21/4/2017, NSƯT Thanh Sang đã trút hơi thở cuối cùng sau thời gian dài chống chọi với nhiều bệnh tật. Vẫn biết con người đến một lúc nào đó rồi cũng phải ra đi, nhưng có lẽ, gia đình, bạn bè đồng nghiệp và người ái mộ cải lương sẽ ngậm ngùi, tiếc nuối khi hay tin chàng Trần Minh khố chuối đã ra đi.

Cho dẫu trái tim của NSƯT Thanh Sang giờ đây đã tắt, nhưng ắt hẳn giới nghệ sĩ và người mộ điệu vẫn luôn nhớ đến ông, một nghệ sĩ tài hoa đã cống hiến đời mình cho sân khấu.

Phạm Thái Bình
.
.