NSƯT Thanh Loan: Tâm hồn xứ nghệ trên sân khấu thủ đô

Thứ Hai, 17/06/2019, 15:22
Đắm đuối với âm nhạc truyền thống từ thơ bé, tạo được dấu ấn trong lĩnh vực chèo, NSƯT Thanh Loan còn khiến công chúng ngạc nhiên qua các ca khúc dân ca, kể cả hát xẩm, ả đào...


“Tôi sinh ra trong vành nôi xứ Nghệ/ Uống nước dòng Lam từ thuở ấu thơ” - câu hát ngọt ngào, sâu lắng ấy vang lên qua giọng hát Thanh Loan trong DVD “Hương quê” của chị phần nào phác họa được xuất xứ một cô gái quê sau hơn 33 năm, kể từ năm 1986 ra học khoa Chèo Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh đến nay, thành một nghệ sĩ tên tuổi.

Thanh Loan sinh ra trong một gia đình thuần nông, rặt lúa. Mẹ chị như bao người mẹ xứ Nghệ khác tảo tần, lam lũ. Trời cho bà giọng hát rất hay. Vai diễn Thị Mầu của bà từng nức tiếng khắp làng chèo Quỳ Lăng (xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Tới bây giờ, NSƯT Thanh Loan vẫn thuộc lòng những vần thơ khán giả tặng mẹ: “Tôi gặp lại cô Mầu thuở ấy/ nơi làng chèo lừng lẫy Quỳ Lăng”. Trong đĩa DVD mới ra mắt, người mẹ 76 tuổi của chị cũng xuất hiện với vai bà mẹ đôn hậu, tảo tần.

NSƯT Thanh Loan trong một cảnh quay MV “Hương quê”.

 “Em mê hát nhưng trở thành diễn viên hay ca sỹ thì chưa bao giờ ước. Gái quê mà, đi mô là sợ ế chồng. Thế rồi như một cơ duyên, khi vừa tốt nghiệp cấp 3 đi biểu diễn văn nghệ quần chúng thì gặp cán bộ Khoa Chèo Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh về tuyển. Em cũng chẳng nhớ ai xui em vào tuyển (cười) nhưng tuyển thì trúng liền”, khuôn mặt thanh tú, đôi mắt đong đầy nước Lam giang, Thanh Loan xúc động nhớ lại.

Cán bộ Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh bảo cô bé Thanh Loan về nhà mang theo quần áo và 10 kg gạo vào Vinh cùng Đoàn. Thanh Loan mừng quá, chạy bộ 10 km từ trung tâm huyện về nhà. Thấy mẹ đang nhổ khoai, chị kêu to: “Mẹ ơi con được đi làm diễn viên”. Mẹ không tin, Thanh Loan bảo mẹ: “Mẹ đi vay cho con 10kg gạo”. Mẹ chị trố mắt. Quần áo thì có được 2 bộ đã cũ nhưng gạo thì không có. Thanh Loan lại chạy bộ 10km ra trung tâm huyện Yên Thành để kịp theo Đoàn vào Vinh. Vài ngày sau, vì lo cho con gái, bà và một người dì của Thanh Loan cùng tìm cách vào Vinh. Trên tay bà vay được hàng xóm 5kg gạo. NSƯT Thanh Loan kể lại, đôi mắt chị rưng rức hoài niệm về những ngày đầu hạnh phúc và gian khó.

Sau này, chị được các thầy cô kể lại, ngay khi chị đặt những bước chân đầu tiên lên sân khấu, hát những câu hát mộc mạc thì Ban Giám khảo đồng loạt gật đầu. Sau tin trúng tuyển, cô gái làng khăn gói ra Hà Nội học tập. Những người thầy - nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn tới NSƯT Thanh Loan mà chị luôn nhắc tới là: NSND Dịu Hương, NSND Trọng Đang, nghệ sĩ Minh Tuyết, Bích Ngọc… kể cả gần gũi là học tập những đồng nghiệp như NSND Quốc Anh, nghệ sỹ Xuân Hinh...

Sau những năm tháng rèn giũa trong môi trường đào tạo nghệ thuật, NSƯT Thanh Loan tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, lần lượt nhận công tác tại Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị, Nhà hát Chèo Tổng cục Hậu cần và nơi đến, dừng chân tận bây giờ là Nhà hát Chèo Hà Nội. “Cuộc đời, suy cho cùng phụ thuộc ở chữ “duyên”. Có năng khiếu, đam mê tới đâu mà không gặp “duyên” cũng khó thành”, NSƯT Thanh Loan chia sẻ.

Là nghệ sỹ sân khấu, trên sân khấu chèo, NSƯT Thanh Loan chuyên đóng các vai phản diện như Sùng bà trong “Quan Âm Thị Kính”, vai mụ Cám trong “Tấm Cám”. Chị kể, có lần đi Trường Sa biểu diễn cho các chiến sĩ, chị đóng vai cô gái Huế ra Bắc đánh ghen trong vở chèo “Tuần ty đào Huế”. Diễn xong, bộ đội trên đảo vây quanh chị để “ngắm lại cái mặt kinh khủng” và không ngớt lời phân bua: “Sao nghệ sĩ ngoài đời hiền thế mà nhập vai sắc sảo đến vậy?”.

NSƯT Thanh Loan nói rằng, chị nhớ nhất là khi vào “vai lớn” là Đô đốc Bùi Thị Xuân, nữ tướng của Quang Trung trong vở chèo “Quang Trung Nguyễn Huệ”. Để khắc họa được tính cách, phẩm chất của nữ tướng đã đi vào chính sử, hóa thân vào nhân vật, chị phải đọc lại sử sách, tìm hiểu các tài liệu đã viết về giai đoạn lịch sử này của đất nước.

NSƯT Thanh Loan sở hữu nhiều tố chất đặc biệt hợp với dạng vai cá tính. Chị sở hữu chất giọng vang, khỏe, đầy nội lực, cộng với dáng vóc đẫy đà, khỏe mạnh và con đường bền bỉ rèn luyện, theo đuổi các vai phù hợp với mình. Ngạc nhiên nhất là các vai diễn phản diện của NSƯT Thanh Loan không bị khán giả “ghét”, “xếp sau” vai chính diện mà sau mỗi lần chị xuất hiện luôn nhận được những tràng vỗ tay rầm rộ, khán giả vào tận hậu trường nơi hóa trang để tận mắt ngắm nhìn nghệ sĩ.

“Với một người nghệ sĩ, tôi luôn quan niệm rằng, dù diễn trước một khán giả hay cả nghìn khán giả thì vẫn phải đầy “lửa” sân khấu. Khi nhận bất cứ vai diễn nào, dù dài hơi hay chỉ đôi ba phút trên sân khấu, tôi vẫn dành thời gian nghiên cứu kỹ nhân vật, ngày đêm tập luyện để diễn tả đúng tính cách nhân vật ấy. Đã làm nghề thì dẫu thế nào người nghệ sĩ cũng không bao giờ được phép hời hợt”, NSƯT Thanh Loan trải lòng.

NSƯT Thanh Loan.

 “Em là diễn viên duy nhất trong Nhà hát Chèo Hà Nội đóng được vai hài đấy”, Thanh Loan cười, pha chút tự hào rất Nghệ. Ngoài chèo truyền thống, NSƯT Thanh Loan còn tạo được dấu ấn đặc biệt với hài chèo qua các tiết mục hài như “Bà già lên thành phố” hay vai vợ ba Bá Kiến đóng đôi với NSND Quốc Anh… Đặc biệt, vai “Loan béo” trong tiết mục hài chèo “Gia đình văn hóa” của chị đã đoạt Huy chương Vàng Liên hoan sân khấu hài toàn quốc.

NSƯT Thanh Loan hạnh phúc khi trong đời, đã hai lần (vào các năm 1991 và  2009) được ra Trường Sa biểu diễn phục vụ các chiến sỹ, được đến 20 lượt đảo lớn, nhỏ và biểu diễn phục vụ các chiến sỹ trong Lực lượng CAND.

“Bọn em hay được phục vụ các trại giam giữ, cải tạo phạm nhân trong cả nước. Cách đây 1 tháng em vừa biểu diễn ở Trại giam Thanh Xuân, nơi có đến 1.000 phạm nhân nữ đang chấp hành án phạt tù. Đó là một đêm diễn thăng hoa, các nữ phạm nhân không thể nào quên được”, NSƯT Thanh Loan hồ hởi. Nơi xa nhất mà Thanh Loan đã biểu diễn là Trại giam Cái Tàu tận Cà Mau xa xôi.

Đa diện trên sân khấu nhưng ngoài đời, NSƯT Thanh Loan luôn giữ sự nền nã, dung hòa. Điều nữ nghệ sĩ trăn trở nhất là con đường gìn giữ, phát triển các bộ môn nghệ thuật dân tộc, nhất là trong đời sống hiện đại. Trước cám dỗ hào quang, vật chất… nhiều nghệ sĩ trẻ đang hời hợt, bỏ qua giá trị căn cốt của nghệ thuật.

“Điều khiến tôi ấm lòng là ở Nhà hát Chèo Hà Nội nơi tôi công tác, tôi luôn cảm nhận được thế hệ nghệ sĩ trẻ rất năng động, làm nghề thực sự, đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt. Thực tế, các ca sĩ hát thể loại nhạc hiện đại dễ có cơ hội kiếm tiền hay “nổi tiếng” bề nổi hơn là nghệ sĩ theo nghệ thuật truyền thống như chèo. Diễn chèo mỗi tiết mục phải mất tầm 2 tiếng đồng hồ trên sân khấu, trong khi thù lao lại thấp. Cũng thời gian ấy, ca sĩ khác có thể chạy được vài show diễn nên ai phải thật yêu nghề thì mới cháy hết mình được. Có người từng ví, nghệ thuật dân tộc như “thang thuốc Bắc”, hễ ngấm rồi là không bỏ được, cứ vấn vương suốt cuộc đời”, NSƯT Thanh Loan nói.

Xa quê đã lâu nhưng con người Thanh Loan dường như vẫn “đặc sệt” bản sắc vùng miền xứ Nghệ. Chị bày tỏ rất chân thành, mình vốn xuất thân từ cô gái làng gắn bó với ruộng đồng mưa nắng nên sống ở thành thị bao lâu vẫn e dè, ngần ngại những ồn ào, hào nhoáng. Yêu cháy bỏng các làn điệu dân ca vùng miền, đặc biệt là dân ca xứ Nghệ, dường như mạch nguồn ấy để lại trong dung nhan, giọng nói, giọng hát của NSƯT Thanh Loan chất đằm lắng, ngọt ngào được lên hương theo thời gian và trải nghiệm. “Mình là người Nghệ, lớn lên trên nôi ví giặm nên không “nhạt” được mô anh. Em thấy mình phải có trách nhiệm đóng góp, cùng với nhiều người khác trong giới nghệ sỹ phải tôn vinh ví giặm nói riêng và dân ca Nghệ Tĩnh nói chung, xứng đáng là Di sản Phi vật thể của nhân loại”, Thanh Loan tâm sự.

Tính tới thời điểm hiện tại, NSƯT Thanh Loan đã cho ra mắt 6 CD âm nhạc, trong đó CD “Tìm về chốn quê”, “Hương quê”... là những “đứa con tinh thần” chị tâm huyết nhất, ưng ý nhất. Đó là những sản phẩm lúc giọng hát Thanh Loan đang ở độ chín, truyền cảm, lay động khán giả.

Ngô Đức Hành
.
.